Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không ? Lưu ý cần biết

Trong quá trình mang thai, nhiều thai phụ có thể bỏ lỡ một số xét nghiệm quan trọng, trong đó có xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Nhiều bà mẹ lo lắng liệu không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không, có gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hay không. Hãy cùng Docosan tìm hiểu thông tin về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để giúp các sản phụ yên tâm hơn nhé!

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán trong quá trình mang thai. Giống như bệnh lý tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ sẽ làm rối loạn mức đường huyết tăng cao trong cơ thể mẹ và gây ra các nguy cơ như tăng huyết áp, tiền sản giật và ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Mặc dù tiểu đường thai kỳ vẫn đáng lo ngại nhưng bạn có thể kiểm soát tiểu đường thai kỳ bằng cách chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. Tuân thủ kiểm soát đường huyết tốt có thể giúp mẹ và bé luôn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Tin tốt hơn là sau sanh đường huyết của sản phụ sẽ trở lại mức bình thường.

Tuy nhiên, mẹ và bé sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường type 2 hơn thai phụ bình thường.


Tiểu đường thai kỳ là tình trạng glucose máu cao được chẩn đoán trong quá trình mang thai
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng glucose máu cao được chẩn đoán trong quá trình mang thai

Biến chứng nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ

Biến chứng nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ lên bé

Em bé của bạn vẫn có thể phát triển khỏe mạnh nếu tình trạng tiểu đường thai kỳ được điều trị và kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu kiểm soát kém mức đường huyết, thai kỳ có nguy cơ khiến thai nhi gặp phải một số biến chứng như:

  • Doạ sanh non, sanh non: Theo nhiều nghiên cứu, đường huyết cao trong suốt thai kỳ có thể tăng nguy cơ chuyển dạ và sinh sớm trước ngày dự sinh của trẻ.
  • Thai chậm tăng trưởng: Nguy cơ sanh non trên thai phụ đái tháo đường thai kỳ khiến trẻ chưa kịp phát triển đầy đủ, đặc biệt là độ trưởng thành phổi khiến trẻ sau sinh có nguy cơ suy hô hấp, khó thở.
  • Thai to: Nếu đường huyết của bạn cao trong thời gian dài sẽ khiến thai nhi phát triển trọng lượng quá mức. Các trẻ có trọng lượng từ 4kg trở lên dễ bị mắc kẹt khi sinh thường và có nguy cơ gặp chấn thương cho cả mẹ và bé.
  • Thai bị dị tật bẩm sinh: Trẻ có thể mắc các bệnh lý phì đại cơ tim gây suy tim ứ huyết ở trẻ và tăng nguy cơ tử vong cao sau sanh 6 tháng.
  • Sảy thai, thai lưu: Tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể dẫn đến tử vong của thai nhi trước hoặc ngay sau khi sinh.

Sau sinh, trẻ có thể mắc nguy cơ vàng da hoặc hạ đường huyết nghiêm trọng gây co giật. Ngoài ra, khả năng di truyền đái tháo đường type 2 từ mẹ cũng tăng lên ở trẻ có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ điều trị không kiểm soát tốt.

Đường huyết cao trong suốt thai kỳ có thể tăng nguy cơ chuyển dạ và sinh sớm trước ngày dự sinh
Đường huyết cao trong suốt thai kỳ có thể tăng nguy cơ chuyển dạ và sinh sớm trước ngày dự sinh

Biến chứng nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ lên mẹ

Mẹ bầu khi kiểm soát kém lượng đường huyết thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các biến chứng, bao gồm:

  • Tăng huyết áp và tiền sản giật: Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ huyết áp cao, cũng như tiền sản giật – một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé và tăng nguy cơ sanh non lên 20 lần.
  • Mổ lấy thai: Bạn có khả năng phải sinh mổ cao hơn nếu mắc tiểu đường thai kỳ do thai nhi quá to cản trở khả năng sinh thường.
  • Đái tháo đường type 2 sau sanh: Nếu mắc tiểu đường thai kỳ, bạn có khả năng mắc lại trong các lần mang thai sau. Ngoài ra, nguy cơ phát triển tiểu đường loại 2 cũng cao hơn khi bạn lớn tuổi.
  • Làm trầm trọng bệnh nền mạn tính: Mức đường huyết cao lâu dài trong thai kỳ có nguy cơ ảnh hưởng lên các bệnh lý liên quan mạch máu – thần kinh của thai phụ như thận, giác mạc, thần kinh.
Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ huyết áp cao
Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ huyết áp cao

Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?

Các thai phụ có thể bỏ qua xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ nếu nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ thấp bao gồm chủng tộc thuộc nhóm tỷ lệ thấp của bệnh, gia đình không có tiền căn tiểu đường, thai phụ dưới 25 tuổi, thể trạng bình thường trước mang thai (BMI < 23 kg/m2), không có tiền sử thai bất thường.

Tuy nhiên, đối với thai phụ có nguy cơ vừa và cao, việc không xét nghiệm để điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng cho mẹ và bé, như thai to phải sinh mổ, sinh non, dị tật bẩm sinh, hạ đường huyết ở trẻ sau sinh. Mẹ cũng có nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật và ảnh hưởng lên các mạch máu – thần kinh ở vùng thận, mắt.

Các thai phụ có thể bỏ qua xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ nếu nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ thấp
Các thai phụ có thể bỏ qua xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ nếu nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ thấp

Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ còn gọi là xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT), được thực hiện sớm ngay từ lần khám thai đầu tiên đặc biệt khi bạn có các yếu tố nguy cơ. Với những trường hợp không có yếu tố nguy cơ hoặc yếu tố nguy cơ thấp, bạn có thể sẽ được làm (hoặc làm lại) xét nghiệm OGTT lúc thai 24-28 tuần.

Để xét nghiệm phản ánh chính xác tình trạng dung nạp glucose của cơ thể, bạn nên có chế độ ăn bình thường ít nhất 3 ngày và nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc các loại thuốc đang dùng có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm không. Quy trình bao gồm các bước thực hiện như sau:

Mẫu máu được lấy 3 lần ở 3 thời điểm:

  • Lần 1: Lấy máu lúc đói (nhịn ăn ít nhất 8 giờ)
  • Lần 2: 1 giờ sau khi uống 75 gram đường
  • Lần 3: 2 giờ sau khi uống 75 gram đường

Kết quả bình thường khi:

  • Đường huyết lúc đói:  92 mg/dL
  • Sau 1 giờ:  180 mg/dL
  • Sau 2 giờ:  153 mg/dL

Khi có một kết quả bất thường, bạn được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ.

Khi nào mẹ bầu cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ (OGTT) thường được thực hiện khi bạn mang thai từ 24 đến 28 tuần nếu các xét nghiệm sàng lọc và đường huyết của bạn trong và trước thai kỳ bình thường. Ngoài ra, nếu bạn có thể trạng béo phì hoặc thừa cân, tiền căn mắc đái tháo đường thai kỳ hoặc gia đình mắc đái tháo đường type 2 thì nên được xét nghiệm càng sớm càng tốt khi phát hiện có thai. Sau đó, tiếp tục tầm soát lại vào khoảng thai được 24-28 tuần nếu xét nghiệm sàng lọc trước đó bình thường.

Các lưu ý cần biết trước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu cần lưu ý các điều sau trước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:

  • Xét nghiệm có thể kéo dài khoảng 2 giờ nên cần chuẩn bị thời gian đi khám thích hợp cho bản thân.
  • Bạn nên không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (ngoại trừ nước lọc) trong vòng 8 đến 14 giờ trước khi làm xét nghiệm.
  • Bạn cũng không được ăn hoặc uống gì khác trong suốt quá trình xét nghiệm.
  • Bạn sẽ được lấy mẫu máu trước khi uống dung dịch đường (tương tự như uống một loại nước ngọt có ga rất ngọt), và tiếp tục lấy thêm 2 lần nữa mỗi 60 phút sau khi uống. Mỗi lần sẽ kiểm tra mức đường huyết của bạn.
  • Hầu hết thai phụ sẽ không gặp tác dụng phụ từ bài kiểm tra dung nạp glucose. Tuy nhiên, ở một số người có thể cảm thấy buồn nôn, đổ mồ hôi, hoặc choáng váng sau khi uống dung dịch này. Tác dụng phụ nghiêm trọng khác rất hiếm gặp.

Phương pháp phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Không có gì đảm bảo chắc chắn để ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ, tuy nhiên thai phụ có thể áp dụng nhiều thói quen lành mạnh trước khi mang thai thì càng tốt. Nếu bạn đã từng bị tiểu đường thai kỳ, những phương pháp lành mạnh này cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc lại trong các lần mang thai tiếp hoặc phát triển thành đái tháo đường loại 2 trong tương lai:

Chế độ ăn khỏe mạnh và ít đường cho thai phụ:

  • Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày thành 3 bữa ăn chính nhỏ cùng với 2-3 bữa ăn nhẹ vào cùng một thời điểm trong ngày.
  • Khối lượng bữa ăn vừa phải, đáp ứng được 20% lượng calo mỗi ngày từ nhóm đạm và 40% calo từ nhóm đường và khoảng 20-35 gam chất xơ mỗi ngày. Trong đó một nửa lượng đường nên sử dụng dạng hấp thu chậm và nhiều chất xơ như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch, các loại rau, củ quả và trái cây. Thay các bữa ăn nhẹ như bánh quy, bánh ngọt và kem bằng các loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Hạn chế hấp thu chất béo mỗi ngày, đặc biệt là nhóm béo bão hoà như mỡ động vật.
  • Đa dạng thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, mẹ bầu có thể cân nhắc sử dụng thêm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất như Diavit.

Tập thể dục khi có sự cho phép của bác sĩ: Vận động là cách tốt để kiểm soát lượng đường huyết sau ăn. Bạn nên vận động mỗi ngày 30 phút với các hoạt động vừa và nhẹ như đi bộ, đạp xe và bơi lội.

Hạn chế tăng cân quá mức được khuyến nghị khi mang thai: Việc tăng cân trong thai kỳ là bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, tăng cân quá nhiều và quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ trong đó có đái tháo đường thai kỳ.

Duy trì khám thai định kỳ: Thai phụ cần đi khám thai định kỳ thường xuyên để bác sĩ theo dõi sức khỏe của mẹ và em bé.

Chế độ ăn khỏe mạnh và ít đường cho thai phụ
Chế độ ăn khỏe mạnh và ít đường cho thai phụ

Một số câu hỏi liên quan

30 tuần có xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được không?

Theo khuyến cáo, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nên được thực hiện trong khoảng từ tuần 24 đến tuần 28 hoặc sớm hơn đối với người có nguy cơ cao. Trong một số trường hợp đặc biệt, thai phụ có thể được xét nghiệm muộn hơn, như để sàng lọc muộn hoặc đánh giá tình trạng đường huyết sau điều trị. Tuy nhiên, mẹ bầu cần ưu tiên xét nghiệm trong thời gian khuyến nghị để kịp thời phát hiện và điều trị, giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.

32 tuần có xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được không?

Tương tự như xét nghiệm ở tuần 30, bạn vẫn nên ưu tiên xét nghiệm trong thời gian được khuyến nghị. Việc xét nghiệm trễ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé do không phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.

Xem thêm:

Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ (OGTT) giúp giảm thiểu nguy cơ các biến chứng trong thai kỳ và cải thiện sức khỏe cho cả mẹ và bé. Đây là một phương pháp tầm soát quan trọng để điều trị kịp thời cho những thai phụ có nguy cơ vừa và cao. Hãy tiếp tục theo dõi Docosan để khám phá thêm nhiều bài viết hữu ích nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Gestational diabetes

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339
  • Ngày tham khảo: 29/10/2024

2. Glucose screening tests during pregnancy

  • Link tham khảo: https://medlineplus.gov/ency/article/007562.htm
  • Ngày tham khảo: 29/10/2024

Contact Me on Zalo