Thuốc Tamiflu: Chỉ định, chống chỉ và cách sử dụng

Thuốc Tamiflu (với hoạt chất là oseltamivir phosphate) là một loại thuốc kháng virus giúp điều trị bệnh cảm cúm, ngăn cản virus cúm không sinh sôi trong cơ thể bệnh nhân và giúp thuyên giảm các biểu hiện của bệnh. Vậy bệnh cúm là gì? Hiệu quả của thuốc Tamiflu trong điều trị bệnh cúm như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về bệnh cúm

Thuốc Tamiflu
Tổng quan về bệnh cúm

Bệnh cúm là một bệnh lý về đường hô hấp do virus cúm gây ra, các triệu chứng bao gồm ớn lạnh, sốt, nhức mỏi người, đau họng và ho. Đặc biệt ho thường kéo dài và nặng, ngoài ra còn có thể có các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn nhất là ở trẻ em. Bệnh cúm hoàn toàn có thể diễn tiến nặng thành viêm phổi, là bệnh lý nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, vì thế không được chủ quan!

Tỷ lệ mắc cúm ngày càng nhiều khiến thuốc Tamiflu ngày càng được chú ý đến hơn. Thuốc Tamiflu là một loại thuốc kháng virus với hoạt chất là oseltamivir phosphate. Khi vào cơ thể, hoạt chất này sẽ được chuyển hóa thành Oseltavimir carboxylat, một chất có khả năng diệt virus gây các bệnh cúm A (ví dụ như virus A/H5N1, A/H1N1)

Thuốc Tamiflu có thể thuyên giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị. Kể từ khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng, nếu sử dụng sớm trong vòng < 24h thì Tamiflu có thể rút ngắn thời gian điều trị lại còn 2 đến 3 ngày.

Lưu ý Tamiflu là chỉ là thuốc hỗ trợ, không phải thuốc đặc hiệu trong việc điều trị bệnh cúm. Tác dụng của Tamiflu chỉ được phát huy tối đa nếu được sử dụng trong vòng ít hơn 24h. Nếu dùng Tamiflu sau 48h kể từ khi có triệu chứng ban đầu thì kết quả đem lại không khác hơn là mấy so với người bệnh không dùng thuốc.

Bệnh cúm được điều trị như thế nào?

Hầu hết người mắc cúm có thể tự khỏi bệnh trong khoảng 7 đến 14 ngày mà không cần bất cứ biện pháp điều trị nào. Tuy nhiên nếu bệnh diễn tiến thành một số biến chứng nghiêm trọng, điều trị tại các cơ sở chăm sóc y tế là bắt buộc, và phải được điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên tắc điều trị bệnh cúm:

  • Điều trị triệu chứng
  • Điều trị thuốc kháng virus cúm

Lưu ý: Không phải ai cũng bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng virus, chỉ những đối tượng có yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng mới cần dùng thuốc. Do vậy, bác sĩ điều trị luôn cân nhắc trường hợp bệnh nhân nào phù hợp mới cho sử dụng thuốc kháng virus để điều trị bệnh cúm.

Thuốc Tamiflu có những chỉ định và chống chỉ định nào?

Thuốc Tamiflu
Thuốc Tamiflu có những chỉ định và chống chỉ định nào?

Tamiflu được sử dụng để điều trị cúm ở cả trẻ em (bao gồm cả trẻ sơ sinh đủ tháng) và người lớn (mắc virus cúm týp A và týp B). Ngoài ra thuốc còn được khẳng định vai trò dự phòng bệnh cúm ở trẻ em lớn hơn 1 tuổi và người lớn, tuy nhiên việc dự phòng bằng thuốc này không đảm bảo hiệu quả được như việc tiêm vaccine phòng virus cúm.

Chống chỉ định của thuốc Tamiflu: Không được dùng trong những trường hợp có tình trạng đáp ứng quá mẫn với Oseltamivir phosphat hay bất kì thành phần dược chất nào có trong thuốc.

Tamiflu có phải là lựa chọn thuốc kháng virus duy nhất không?

Thuốc Tamiflu không phải là thuốc kháng virus duy nhất có khả năng điều trị bệnh cúm. Những thuốc kháng virus khác cũng từng được dùng để điều trị cúm bao gồm: zanamivir, peramivir và baloxavir. Hiện tại thì Tamiflu và zanamivir là 2 thuốc kháng virus đã được bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành. Tuy nhiên việc lựa chọn thuốc nào, liều dùng ra sao còn tùy thuộc vào loại type virus cúm gây bệnh và đánh giá của bác sĩ điều trị ở từng bệnh nhân khác nhau.

Cách sử dụng thuốc Tamiflu

Thuốc Tamiflu
Cách sử dụng thuốc Tamiflu:

Thuốc Tamiflu hiện đang được bào chế dưới 2 dạng là dạng hỗn dịch và viên nang cứng cho từng đối tượng bệnh nhân và lứa tuổi khác nhau; liều dùng phụ thuộc vào chẩn đoán, cân nặng và độ tuổi của bệnh nhân. Chú ý đây là loại thuốc kê đơn và bạn chỉ nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Cách dùng được khuyến cáo là uống hỗn dịch thuốc hoặc nuốt viên nang cứng với liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Những đối tượng không nuốt được viên nang cứng và hiện tại không có thuốc dạng hỗn dịch để thay thế, có thể cắt viên nang ra để lấy lượng thuốc bột bên trong viên nang hòa với nước lượng nhỏ, có thể thêm chút vị ngọt để mùi vị thuốc dễ chịu hơn khi uống.

Sự hấp thu vào cơ thể của thuốc Tamiflu đã được khẳng định không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện thức ăn trong đường tiêu hóa nên bệnh nhân hoàn toàn có thể uống thuốc trước hay sau ăn đều không ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, tốt nhất thuốc nên được uống cùng lúc với bữa ăn vì việc này có thể giúp làm giảm tác dụng phụ buồn nôn và nôn của Tamiflu.

Những tác dụng phụ của thuốc Tamiflu

Tác dụng phụ của thuốc Tamiflu phổ biến nhất là gây đau đầu, buồn nôn và nôn cho người dùng. Tuy vậy, triệu chứng buồn nôn, nôn thường không ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ tự thuyên giảm sau 2 ngày bắt đầu điều trị. Như đã nêu trên, uống Tamiflu cùng lúc với bữa ăn có thể làm thuyên giảm cảm giác buồn nôn và nôn.

Bên cạnh đó, những tác dụng phụ khác cũng có thể xảy ra như mệt mỏi, đau bụng khi dùng thuốc. Hiếm gặp hơn là phản ứng dị ứng, xuất hiện nhiều mẩn đỏ nổi trên da; vì thế nếu phát hiện nổi mẩn đỏ ngay sau khi vừa mới dùng thuốc, cần ngưng thuốc ngay lập tức và đến khám ngay tại cơ sơ y tế gần bạn nhất.

Tương tác với thuốc khác của thuốc Tamiflu?

Thuốc Tamiflu tương tác khá ít với các thuốc điều trị khác. 2 thuốc đã được ghi nhận có tương tác với Tamiflu là Dichlorphenamide và Probenecid (kết quả của sự tương tác là gia tăng nồng độ chất chuyển hóa trong máu có hoạt tính của Oseltamivir). Cần lưu ý hỏi kỹ ý kiến bác sĩ nếu muốn tiêm vaccine ngừa virus cúm trong giai đoạn đang điều trị với Tamiflu vì có khả năng thuốc kháng virus có thể làm giảm hiệu quả sinh kháng thể của vaccine.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Thuốc tamiflu: 1 số chỉ định, chống chỉ và cách sử dụng tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com, drugs.com

Có thể bạn quan tâm