Những liệu pháp tăng testosterone theo góc nhìn y khoa

Tăng testosterone không chỉ cải thiện sức khỏe xương khớp, nhận thức, sản xuất hồng cầu mà còn giúp tăng chất lượng tinh trùng, nâng cao chức năng sinh dục và sinh sản. Vậy, tăng chỉ số hormone này như thế nào mới thực sự hiệu quả. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu thông tin này qua bài chia sẻ dưới đây.

Liệu pháp tăng testosterone là gì?

Liệu pháp tăng testosterone (hay thay thế testosterone) là một biện pháp chữa trị áp dụng cho nam giới bị thiếu hụt testosterone và có các biểu hiện của bệnh thiểu năng sinh dục (hypogonadism).

Sử dụng nguồn testosterone ngoại sinh (không phải do cơ thể tự tạo ra) có thể giúp phục hồi nồng độ hoocmon này trong máu, đảo ngược các biểu hiện của tình trạng thiếu hụt testosterone. Người bệnh áp dụng liệu pháp này có thể nhận thấy sự cải thiện về sự tỉnh táo, khả năng tập trung, chức năng sinh dục, cải thiện tâm tràng, giàu sức sống hơn.

tăng testosterone
Liệu pháp tăng testosterone là gì?

Ai là đối tượng cần đến liệu pháp tăng testosterone?

Đối tượng cần dùng đến liệu pháp tăng testosterone là nam giới mắc bệnh thiểu năng sinh dục. Trong bệnh lý này, chức năng của tinh hoàn hoặc tuyến yên kiểm soát tinh hoàn gặp vấn đề, cản trở quá trình sản xuất testosterone.

Để chẩn đoán, nồng độ testosterone trong máu của người bệnh phải được xác định là thấp hơn mức bình thường, mức này theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ là dưới 300 ng/dL. Người bệnh cũng phải có triệu chứng gợi ý như mệt mỏi, nữ hóa tuyến vú (vú to), rối loạn chức năng tình dục.

tăng testosterone
Liệu pháp tăng testosterone được dùng để chữa trị bệnh thiểu năng sinh dục

Tuy nhiên, liệu pháp tăng testosterone không phải là lựa chọn đầu tiên dành cho những người có mức testosterone thấp hay có các triệu chứng kể trên. 

Nếu nguyên nhân gây testosterone thấp là do một số thuốc hoặc bệnh lý nào đó, các bác sĩ sẽ chữa trị nguyên nhân đó để phục hồi nồng độ hoocmon này trước khi tư vấn đến liệu pháp thay thế testosterone.

Liệu pháp testosterone có thể cải thiện “sức trẻ” của đàn ông không?

Lượng testosterone đạt đỉnh ở tuổi dậy thì và giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành. Nồng độ của nó giảm dần kể từ sau tuổi 30 đến 35, khoảng 1% mỗi năm.

Sự thay đổi này là tự nhiên và xảy ra ở tất cả đàn ông, có thể gây ra một số biểu hiện của “lão hóa” như rối loạn chức năng sinh dục, thay đổi thể chất và cảm xúc. Quá trình này cần được phân biệt với thiểu năng sinh dục.

Liệu pháp tăng testosterone có thể giúp đảo ngược các biểu hiện của thiểu năng sinh dục, nhưng lợi ích của phương pháp này đối với quá trình lão hóa ở nam giới là không rõ ràng. Nói cách khác, khó có thể khẳng định liệu pháp thay thế testosterone sẽ giúp đàn ông “hồi xuân”, trừ khi họ thực sự mắc bệnh thiểu năng sinh dục.

tăng testosterone
Liệu pháp testosterone có thể cải thiện “sức trẻ” của đàn ông không?

Mặc dù một số mày râu cho rằng họ cảm thấy trẻ trung và sung sức hơn khi sử dụng testosterone ngoại sinh, nhưng có rất ít bằng chứng khoa học ủng hộ việc sử dụng liệu pháp này ở người khỏe mạnh. 

Hướng dẫn của Trường Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (American College of Physicians) cho biết liệu pháp tăng testosterone có thể cải thiện chức năng tình dục ở một số đàn ông, nhưng có rất ít bằng chứng ủng hộ lợi ích trên các chức năng khác, như sức sống, tâm trạng và năng lượng.

Các dạng điều trị testosterone

Có nhiều cách để người bệnh đưa testosterone ngoại sinh vào cơ thể. Tùy vào từng cá nhân, bác sĩ sẽ chỉ định đường dùng thích hợp. Sau đây là một số đường dùng của liệu pháp tăng testosterone.

Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp

Đây là một dạng phổ biến và ít tốn kém. Người bệnh có thể áp dụng liệu pháp tác dụng ngắn – tiêm một mũi mỗi 1 đến 2 tuần, hoặc liệu pháp tác dụng dài – tiêm mũi thứ hai sau mũi đầu 4 tuần và các mũi còn lại cách nhau 10 tuần. Liều dùng và tần suất thay đổi tùy từng cá nhân.

tăng testosterone
Testosterone dạng tiêm là lựa chọn phổ biến nhất

Dạng tác dụng qua da (bôi hoặc miếng dán)

Liệu pháp này giúp lượng testosterone trong máu ổn định hơn. Tuy nhiên, người sử dụng dạng kem hoặc gel thoa da cần tránh tiếp xúc với da người khác trong 6 giờ sau khi thoa. Testosterone dạng này có thể được hấp thu vào da người khác và có thể gây nguy hiểm với một số đối tượng, như phụ nữ mang thai và trẻ em.

Dạng miếng dán cần được sử dụng trong 24 giờ ở cùng vị trí dán. Nhược điểm của miếng dán là dễ gây kích ứng da.

Miếng dán trong miệng

Người bệnh đặt viên testosterone dạng này phía trên hàm răng trên, nó giúp testosterone được hấp thu dần qua niêm mạc miệng trong 12 giờ. So với thuốc dạng uống, dạng này ít gây độc cho gan hơn. Nhưng dạng này có thể gây đau đầu, kích ứng nướu và niêm mạc miệng. 

Viên nén cấy ghép

Ở phương pháp này, người bệnh được cấy ghép viên nén testosterone vào mô dưới da ở vùng mông hoặc trên hông. Viên nén được phân giải dần và có thể cung cấp testosterone lên đến 3 đến 6 tháng. 

Đẩy là một tiểu phẫu. Người bệnh được gây tê tại chỗ và rạch một đường da ở vị trí cấy để đặt viên nén vào mô mỡ bên dưới.

Thuốc tăng testosteron

Testosterone dạng uống là liệu pháp ít phổ biến vì đắt tiền và kém thực tế hơn. Sử dụng lâu dài dạng này có thể gây hại cho gan. Ngoài ra, cần lưu ý cảnh báo về nguy cơ gây đột quỵ và tăng huyết áp của testosterone viên uống. 

Do vậy, chỉ nên dùng liệu pháp này với những người có nguy cơ thấp gặp các tác dụng phụ trên và không thể sử dụng được các đường dùng khác của liệu pháp tăng testosterone.

tăng testosterone
Thuốc tăng testosteron

Dạng trong hốc mũi

Người bệnh bôi gel testosterone bên trong hốc mũi, 3 lần mỗi ngày và cách nhau từ 6 đến 8 giờ. Một số tác dụng phụ bao gồm đau đầu, chảy máu mũi, sổ mũi, và kích ứng niêm mạc mũi.

Lợi ích của liệu pháp tăng testosterone

Mục tiêu của liệu pháp là phục hồi nồng độ testosterone trong máu. Mục tiêu này có thể đạt được trong vòng 1 tuần áp dụng liệu pháp.

Một số lợi ích khác của liệu pháp cũng được ghi nhận, nhưng cần một thời gian dài hơn để nhận thấy các thay đổi này, từ vài tuần đến vài tháng. Liệu pháp tăng testosterone có thể giúp tăng mật độ xương và khối cơ bắp, tăng ham muốn tình dục và cải thiện tâm trạng.

tăng testosterone
Mục tiêu của liệu pháp là phục hồi nồng độ testosterone trong máu

Đây là một quá trình điều trị dài hạn. Một khi bắt đầu, bác sĩ sẽ liên tục kiểm tra đáp ứng của cơ thể người bệnh để có điều chỉnh thích hợp. Người bệnh cần tái khám định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng để kiểm tra nồng độ testosterone trong máu. 

Bác sĩ đánh giá mức độ cải thiện các triệu chứng và sự hiện diện của tác dụng phụ ở thời điểm 3 và 6 tháng sau khi khởi trị, và tiếp tục định kỳ hằng năm ở giai đoạn sau.

Liệu pháp này có an toàn không?

Bên cạnh những tác dụng phụ ngắn hạn, liệu pháp tăng testosterone cũng có nhiều rủi ro ảnh hưởng sức khỏe. Hiệp hội Nội tiết khuyến cáo người đang mắc các bệnh hoặc tình trạng sau đây không được áp dụng liệu pháp này:

  • Ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Nồng độ PSA trong máu cao
  • Hematocrit cao
  • Ngưng thở khi ngủ nặng hoặc không điều trị
  • Có triệu chứng đường tiểu dưới nặng
  • Suy tim sung huyết
  • Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ gần đây
  • Chứng dễ đông máu
tăng testosterone
Người bị nhồi máu cơ tim không được áp dụng những liệu pháp tăng testosterone

Liệu pháp này cũng không nên áp dụng ở nam giới có mong muốn thụ thai trong thời gian gần. Ngoài ra, những đối tượng cần thận trọng khi chỉ định bao gồm đàn ông trên 40 tuổi, người chưa dậy thì, người bị đau nửa đầu (migraine) hoặc động kinh.

Tác dụng phụ và các nguy cơ

Đây là một liệu pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Do đó việc khởi trị và theo dõi cần được chú trọng bởi cả bác sĩ và bệnh nhân. Một số tác dụng phụ và nguy cơ của liệu pháp tăng testosterone bao gồm: 

  • Tăng nguy cơ hình thành huyết khối, gây tắc nghẽn các mạch máu quan trọng, như thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Làm nặng thêm chứng ngưng thở khi ngủ
  • Kích ứng da và trổ mụn
  • Kích thích sự phát triển của phì đại tuyến tiền liệt lành tính và ung thư tuyến tiền liệt có sẵn
  • Tăng huyết áp
  • Nữ hóa tuyến vú
  • Giảm sản xuất tinh trùng, giảm kích thước tinh hoàn
  • Kích thích bàng quang
  • Suy chức năng gan
  • Rụng tóc hoặc mọc nhiều tóc
tăng testosterone
Nữ hóa tuyến vú là tác dụng phụ khi áp dụng những liệu pháp tăng testosterone

Tổng kết

Liệu pháp tăng testosterone chỉ được áp dụng cho nam giới mắc bệnh thiểu năng sinh dục. Không có khuyến cáo sử dụng testosterone ngoại sinh để cải thiện các triệu chứng của quá trình lão hóa ở nam giới. Liệu pháp này giúp hồi phục nồng độ testosterone trong máu và đảo ngược các biểu hiện của testosterone thấp. Vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác dụng phụ gây hại sức khỏe, liệu pháp testosterone nên được chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.