Bệnh tay chân miệng có ngứa không, gãi có sao không?

Khi mắc tay chân miệng trẻ thường nổi ban đỏ và mụn nước khắp cơ thể khiến nhiều phụ huynh lo lắng và thắc mắc bệnh tay chân miệng có ngứa không, khi gãi có làm sao không cũng như phải làm sao để bóng nước mau lành lại. Hãy cùng Docosan tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.

Bệnh tay chân miệng là bệnh gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính gây ra bởi các virus lây truyền qua đường ruột thuộc nhóm Enterovirus. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Coxsackie virus nhóm A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Bé bị tay chân miệng do nhiễm virus EV71 thường gây bệnh cảnh lâm sàng nặng nề cho trẻ và thậm chí dẫn đến tử vong.

Bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi. Bé bị tay chân miệng thường có diễn tiến nhẹ và tự khỏi mà không để lại di chứng trong đa số trường hợp. Tuy nhiên có những ca bệnh bé bị tay chân miệng lâm vào bệnh cảnh nặng nề và đưa đến biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tiêm, phù phổi, bại liệt,…

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em rất dễ lây lan và biến thành dịch, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa hè và thời điểm giao mùa từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 11. Do đó, ba mẹ nên chú ý phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là trong những khoảng thời gian này.

Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hoá, nguồn lây chính là qua những tiếp xúc thông thường với chất dịch từ nước bọt, chất nôn, phân, bóng nước trên cơ thể người bệnh hoặc tiếp xúc với giọt bắn ra không khí từ mũi, miệng hay các vật dụng, đồ chơi trẻ thường ngậm vào miệng.

Thời gian ủ bệnh của hầu hết Enterovirus là từ khoảng 3-10 ngày. Virus sau khi đi vào đường tiêu hoá sẽ phát triển và nhân lên tại đây. Sau giai đoan phát triển trong ống tiêu hoá, virus sẽ xâm nhập vào đường máu thông qua khoang miệng hoặc đường hô hấp gây nhiễm virus huyết, từ đó lan toả đến nhiều cơ quan khác nhau và gây tổn thương nhiều hệ cơ quan.

Tuỳ vào sức đề kháng của trẻ mà bệnh có diễn tiến và thoái lui khác nhau, thông thường bệnh sẽ hết trong 7-10 ngày nếu trẻ có hệ miễn dịch bình thường.

Các triệu chứng có thể gặp trên trẻ mắc tay chân miệng

Triệu chứng khởi phát bệnh tay chân miệng:

  • Sốt nhẹ, vừa hoặc sốt cao.
  • Đôi khi kèm nôn ói, tiêu chảy phân không có máu.
  • Bé bị tay chân miệng cũng có các triệu chứng gợi ý ba mẹ nên chú ý như quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ hoặc ngủ li bì.
  • Sau giai đoạn khởi phát, bé bị tay chân miệng sẽ có các triệu chứng toàn phát đặc trưng của bệnh mà ba mẹ dễ phát hiện như:
  • Sang thương ở da: Phát ban nổi gồ lên da sau đó tiến triển thành bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bàn tay, bàn chân, đầu gối. Có trường hợp bóng nước nổi trên mông và cơ quan sinh dục. Bóng nước kích thước nhỏ khoảng 2-10 mm, có thể vỡ và khi lành không để lại sẹo.
  • Sang thương ở niêm mạc: bóng nước nổi trên niêm mạc trong khoang miệng trẻ và cả trên lưỡi nhanh chóng diễn tiến thành vết loét. Vết loét gây đau khiến trẻ bú ít, bỏ bú vì đau; trẻ không dám nuốt nước bọt do đau nên chảy nước bọt liên tục, quấy khóc.

Các dấu hiệu bệnh đã gây biến chứng:

Biến chứng thần kinh:

  • Trẻ bứt rứt, lừ đừ, hôn mê
  • Trợn mắt
  • Run chi, yếu chi, chới với
  • Thỉnh thoảng giật mình, giơ hai tay lên
  • Co giật

Hô hấp:

  • Thở không đều, thở nhanh
  • Sùi bọt hồng
  • Rút lõm ngực

Tuần hoàn: mạch nhanh, huyết áp tăng, sốc.

Giai đoạn lui bệnh: thường trong vòng 7-10 ngày từ lúc khởi bệnh, nếu không xảy ra biến chứng, trẻ sẽ giảm sốt, ăn uống được, hết quấy khóc. Các vết loét ở miệng lạnh dần, bóng nước ngoài da đóng mày và thường không để lại sẹo.

Khi thấy trẻ có bất cứ triệu chứng nào kể trên, ba mẹ không được chủ quan mà hãy đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám vì có thể bé bị tay chân miệng, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng có ngứa không?

Các ban đỏ và bóng nước mọc rầm rộ khắp nơi trên cơ thể bé, hẳn khiến nhiều phụ huynh thắc mắc bệnh tay chân miệng có ngứa không. Câu trả lời chính xác là các sang thương này lại không hề gây ngứa. Khi phát hiện trẻ than ngứa, đau rát; trẻ thường xuyên dùng tay gãi vết thương, vết thương lở loét chứng tỏ bóng nước đã vỡ và vết thương bị bội nhiễm thêm vi trùng, từ đó gây ngứa.

Nguyên nhân có thể do ba mẹ không vệ sinh cơ thể cho trẻ vì kiêng tắm làm da bé không sạch sẽ, tập trung nhiều vi khuẩn hoặc ba mẹ tắm cho trẻ không đúng cách làm các bóng nước bị vỡ ra tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập. Do đó ba mẹ cũng chú ý không được để trẻ gãi vết thương hay nặn bóng nước trên da.

Sau khi thắc mắc bệnh tay chân miệng có ngứa không đã được giải đáp, ba mẹ cũng nên biết cách vệ sinh cơ thể cho bé sao cho đúng cách để bé không bị nhiễm trùng vết thương và mau khoẻ hơn.

Ba mẹ lưu ý một số điều khi tắm cho trẻ bị tay chân miệng như:

  • Tắm nhẹ nhàng, tránh thao tác mạnh tay làm vỡ các mụn nước tăng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ
  • Tắm cho trẻ nơi kín gió hoặc đóng các cửa không để gió lùa vào làm cảm lạnh, trẻ sốt cao hơn
  • Tắm bằng nước ấm vừa phải, không được dùng nước quá nóng gây bỏng rát da hay nước quá lạnh làm trẻ sốt cao hơn
  • Xối nước nhẹ nhàng lên cơ thể bé
  • Hạn chế đụng vào các vết thương, vết loét của trẻ; không nặn hay làm vỡ bóng nước
  • Nên dùng khăn mềm để lau khô cho trẻ, không để trẻ ẩm ướt

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bệnh tay chân miệng có ngứa không, gãi có sao không?”. Mong rằng bài viết đã giải đáp được thắc mắc bệnh tay chân miệng có ngứa không của nhiều bậc phụ huynh cũng như trang bị một số kiến thức cần thiết khác về bệnh tay chân miệng ở trẻ em cho ba mẹ.

Nguồn tham khảo: NHS