Những điều cần biết về tiêm phòng phế cầu cho trẻ

Tiêm phòng phế cầu có thực sự cần thiết? Vắc xin phế cầu đầu tiên được cấp phép tại Hoa Kỳ vào năm 1977, mặc dù đã được tìm thấy vào năm 1911 nhưng lúc đó sự ra đời của penicillin đã làm giảm sự quan tâm đối với vắc xin phế cầu. Vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ em. Tiêm phòng phế cầu sẽ mang đến một hệ miễn dịch chủ động đặc hiệu cho trẻ để chống lại chúng. Mời bạn đọc cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về tiêm phòng phế cầu cho trẻ em qua bài viết sau đây.

Tiêm phòng phế cầu là mũi tiêm quan trọng cho trẻ từ 6 tuần tuổi

Khái quát chung về tiêm phòng phế cầu cho trẻ

Phế cầu là gì?

Hình ảnh phế cầu dưới kính hiển vi

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là vi khuẩn gây nhiễm trùng cấp tính, thuộc loài vi khuẩn Gram dương thuộc chi Streptococcus. Chúng thường cư trú trong khoang mũi họng của những người khỏe mạnh nhưng không gây ra bệnh (những ngườ này thường được gọi là người lành mang trùng). Tuy nhiên ở những người có vấn đề bất thường về sức khỏe như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch… sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển gây nên bệnh.

Vi khuẩn phế cầu thường lây lan qua đường hô hấp khi có tiếp xúc với người có mầm bệnh hoặc đôi khi việc va chạm đồ dùng cá nhân có thể vô tình làm lây lam phế cầu thông qua đường tay-miệng. Vì thế ngoài việc tiêm phòng phế cầu ra, một số cách phòng ngừa hữu hiệu vẫn là mang khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh tay sạch sẽ, che mũi miệng bằng khuỷu tay khi ho, hắt hơi.

Vắc xin phế cầu là gì?

Synflorix là vắc xin phế cầu có nguồn gốc từ Bỉ

Vắc xin phế cầu đã và đang là biện pháp phòng ngừa chủ động hữu hiệu nhất cho các bệnh do phế cầu khuẩn giúp bao vệ trẻ em từ sớm. Bên cạnh đó các biện pháp phòng ngừa thụ động như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, tăng sức đề kháng cùng là một phần không thể thiếu trong việc phòng tránh bệnh do phế cầu. Vắc xin phế cầu nhằm chủ động tạo ra kháng thể đặc hiệu đối với phế cầu khuẩn để ngăn chăn và tiêu diệt chúng. Vắc xin được tiêm vào bắp thường ở vị trí như cơ delta hoặc bên đùi bé.

Hiện nay, có rất nhiều týp phế cầu khác nhau gây nên nhiễm trùng cấp tình ở người. Do đó trẻ chưa hoặc đã nhiễm bệnh do phế cầu nên được tiêm phòng phế cầu ở bất kỳ trường hợp nào để trẻ có được hệ miễn dịch toàn diện nhất. Việc điều trị phế cầu đang ngày càng trở nên khó khăn hơn do tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn, gây áp lực và gánh nặng không nhỏ lên ngành Y tế nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Hiện nay có 3 loại vắc xin phế cầu được cấp phép và đang được tiêm tại các điểm tiêm dịch vụ:

  • Vắc xin phế cầu Synflorix: Có nguồn gốc từ Bỉ, ngăn ngừa được 10 chủng phế cầu khuẩn khác nhau, phòng bệnh viêm tai giữa và viêm phổi. Vắc xin này nên được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6 tuần đến 5 tuổi, không dùng cho người lớn.
  • Vắc xin Prevenar 13: Có nguồn gốc từ Mỹ, là dòng vắc xin thế hệ mới được phát triển bởi tập đoàn Pfizer, ngăn ngừa được 13 chủng phế cầu khác nhau. Giúp ngăn ngừa các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa cấp tính, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và còn có thể dùng cho cả người lớn, người cao tuổi. 
  • Vắc xin phế cầu Pneumo 23: Có nguồn gốc từ Pháp, ngăn ngừa được 23 chủng phế cầu khác nhau. Cần lưu ý rằng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái diễn thường xuyên, đặc biệt là viêm tai giữa và viêm xoang, không phải là chỉ định để tiêm vắc xin. Sử dụng cho người có nguy cơ nhiễm bệnh cao từ 2 tuổi trở lên.

Tiêm phòng phế cầu phòng bệnh gì?

Do vắc xin phế cầu không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng của quốc gia nên nhiều bậc phụ huynh vẫn còn đang băn khoắn về tác dụng của tiêm phòng phế cầu ở trẻ. Vậy tiêm phòng phế cầu phòng bệnh gì?

Viêm phổi

Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm gây từ vong hàng đầu ở trẻ

Viêm phổi là bệnh lý cấp tính nguy hiểm thường gặp và có nguy cơ tử vong đứng hàng đầu ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân thường gặp của viêm phổi là do phế cầu khuẩn. Vì bệnh có triệu chứng dễ nhầm lần với các bệnh cảm cúm thông thường nên nhiều phụ huynh xem nhẹ, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong do không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đắc biệt, Việt Nam lại một trong số 15 quốc gia chiếm 75% gánh nặng về viêm phổi trên toàn thế giới ở người cao tuổi lẫn trẻ em và cũng là nơi có môi trường nguy cơ lây nhiễm cao.

Viêm màng não

Viêm màng não là căn bệnh nguy hiểm, để lại di chứng thần kinh nặng nề nếu mắc phải ở trẻ em như thần kinh chậm phát triển, yếu liệt chi, đôi khi là liệt nửa người hoặc thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện thần kinh lú lẫn, sảng hoặc thậm chí hôn mê. Do đó việc phòng bệnh cho trẻ là mối quan tâm hàng đầu được đặt ra đối với viêm màng não. Tiêm phòng phế cầu là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ngăn chặn các tác nhân gây viêm màng não do phế cầu.

Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở nhóm trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi do vi khuẩn phế cầu và vi khuẩn Haemophilus influenzae không định type (NTHi) gây nên. Bệnh do vi khuẩn phế cầu xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ lây lan từ họng đến tai qua vòi nhĩ, vì vậy dẫn đến bị viêm, dịch ứ đọng trong tai làm ảnh hưởng tới màng nhĩ, gây những hậu quả nghiêm trọng như thủng, giảm thính giác,… Việc tiêm phòng phế cầu nhằm giúp tạo ra kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh và bảo vệ cơ thể trẻ tối ưu nhất.

Nhiễm khuẩn máu (nhiễm trùng huyết)

Ngoài việc tiêm vắc xin phế cầu để phòng ngừa các bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa thì nhiễm trùng huyết cũng là bệnh lý nguy hiểm mà tiêm phòng phế cầu có thể ngăn ngừa tốt. Nhiễm trùng huyết là bệnh cực kỳ nguy hiểm, gây tử vong khoảng 20% trong tổng số ca mắc. Bệnh gây ra khi phế cầu xâm nhập vào màu và gây nên tình trạng sốc nhiễm trùng, bệnh thường đi kèm với các tình trạng sức khỏe khác.

Tiêm phòng phế cầu cần bao nhiêu mũi?

Synflorix và Prevenar 13 là hai mũi tiêm phòng phế cầu được sử dụng nhiều ở Việt Nam

Ở Việt Nam, 2 loại vắc xin thường được dùng để tiêm phòng phế cầu là Synflorix của Bỉ và Prevenar 13 của Mỹ được sản xuất tại Anh. Vắc xin phế cầu Synflorix (Bỉ) được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi. Theo đó lịch tiêm được khuyến cáo như sau:

Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi

  • Mũi 1: vào 2 tháng tuổi.
  • Mũi 2: vào 3 tháng tuổi.
  • Mũi 3: vào 4 tháng tuổi.
  • Mũi 4: sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3.

Trẻ từ 7- 11 tháng (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó)

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 1 tháng.
  • Mũi 3: hai tháng sau mũi 2 và phải tiêm sau 1 tuổi.

Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó)

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách mũi 1 là 2 tháng.

Vắc xin Prevenar 13 (Anh) được chỉ định cho trẻ em từ 6 tuần tuổi trở lên và còn có thể dùng cho cả người lớn, người cao tuổi.

Trẻ em từ 6 tuần tuổi – 6 tháng tuổi

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.
  • Mũi nhắc lại: tiêm khi trẻ 11 – 15 tháng tuổi và cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 7 – 11 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó)

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
  • Mũi nhắc lại: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi và cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó)

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 24 tháng tuổi – người lớn

  • Tiêm 1 mũi duy nhất.

Xem thêm:

Tiêm phòng phế cầu là một trong những biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng rất tốt ở trẻ và kể cả ở người lớn, đặc biêt là người cao tuổi có nguy cơ cao. Do đó bố mẹ cần lên lịch tiêm phòng phế cầu sớm nhất cho trẻ để bé đạt được hệ miễn dịch tối ưu nhất trong những năm tháng đầu đời.

Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.