4 dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành và cách chăm sóc tại nhà

Làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành là câu hỏi của nhiều sản phụ vừa mới trải qua cuộc “vượt cạn” thành công. Bài viết dưới đây của sẽ trả lời chi tiết câu hỏi trên, đồng thời, hướng dẫn sản phụ các cách chăm sóc vết khâu để rút ngắn quá trình làm lành vết thương và nhanh chóng hồi phục nhé.

Tầng sinh môn là gì?

Tầng sinh môn là phần mô mềm ngăn cách giữa âm đạo và hậu môn, có kích thước 4-5 cm. Đây là một bộ phận của phần nông sàn chậu, có cấu tạo gồm nhiều dây chằng và gân cơ bịt dưới khung chậu. Tầng sinh môn có chức năng nâng đỡ, bảo vệ cơ quan vùng chậu (trực tràng, bàng quang, tử cung, âm đạo). Trong quá trình chuyển dạ, tầng sinh môn sẽ giãn nở tối đa để em bé thuận tiện ra ngoài. Đôi khi tầng sinh môn có thể bị rách do kích thước em bé quá lớn hoặc bác sĩ chủ động rạch tầng sinh môn để mở rộng đường cho em bé chào đời. Điều này thường xảy ra với các mẹ sinh thường hoặc sinh con đầu lòng.

Tầng sinh môn là phần mô mềm ngăn cách giữa âm đạo và hậu môn
Tầng sinh môn là phần mô mềm ngăn cách giữa âm đạo và hậu môn

Tại sao cần theo dõi dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành?

Sau quá trình vượt cạn, tầng sinh môn có thể đặc biệt đau và khó chịu, thậm chí là bị rách, bầm tím và sưng tấy. Trường hợp sản phụ bị rách hoặc được chỉ định rạch tầng sinh môn, bác sĩ sẽ dùng chỉ tự tiêu để khâu vết rách. Vết khâu tầng sinh môn thường dài khoảng 3-5 cm, đi từ mép âm hộ chếch xuống hậu môn. Sản phụ cần chủ động theo dõi dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành nhằm:

  • Hỗ trợ làm lành vết khâu và rút ngắn quá trình hồi phục, giảm đau, giảm cảm giác khó chịu do vết thương gây ra.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng vết khâu do vị trí vết thương nằm ở vùng kín ẩm ướt, nguy cơ nhiễm trùng cao nếu không được chăm sóc đúng cách.
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và biến chứng (đứt chỉ khâu, hở vết khâu tầng sinh môn, hình thành mô hạt tại vết khâu,…) sau khi khâu tầng sinh môn.
  • Giúp sản phụ an tâm hơn và giảm stress sau sinh.

Dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành

Vết khâu tầng sinh môn thường lành lại hoàn toàn sau khoảng 3 tuần. Tùy từng cơ địa sản phụ, kích thước vết khâu và cách chăm sóc mà thời gian hồi phục của mỗi người có thể khác nhau. Sản phụ có thể theo dõi các dấu hiệu sau đây để nhận biết vết khâu tầng sinh môn đang lành:

Giảm sưng tấy và đau đớn

Thông thường, tầng sinh môn sẽ giảm đau và sưng sau tuần đầu tiên kể từ ngày vượt cạn. Sản phụ gần như không còn cảm giác khó chịu hay đau đớn trong quá trình hồi phục. Do đó, nếu sản phụ cảm thấy đau nhức dữ dội hoặc sưng tấy tại vết khâu kéo dài hơn 7 ngày, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Ít chảy máu

Sản phụ có thể chảy một ít máu tại vết khâu trong vòng vài ngày đầu sau sinh. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ giảm dần cho đến khi vết thương đã lành. Nếu sản phụ thấy vết khâu chảy nhiều máu trong thời gian dài, hoặc các hiện tượng bất thường tại vết khâu như chảy mủ, chảy dịch kèm mùi hôi, sốt cao, ớn lạnh,…hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị vì đây là dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng tại vết khâu.

Vết khâu khô ráo

Một trong những dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành là vết thương dần khô và se lại. Ở giai đoạn này, bạn có thể cảm thấy ngứa do vết khâu đang lên da non. Để tránh làm cản trở quá trình làm lành vết thương, sản phụ cần hạn chế gãi hoặc cọ xát vào vết khâu và đảm bảo vệ sinh vết khâu sạch sẽ. Tuy nhiên, vết khâu cũng có thể bị ngứa do những nguyên nhân khác. Vì vậy, nếu sản phụ cảm thấy ngứa ngáy, đau rát khó chịu, hãy thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra kịp thời.

Sản phụ có thể ngồi và đi lại thoải mái hơn

Sản phụ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi xuống hoặc di chuyển khi vết khâu đã lành. Tuy vậy, để tránh ảnh hưởng đến vết khâu, sản phụ cần di chuyển nhẹ nhàng và hạn chế mang vác vật nặng trong 2 tuần đầu sau khi vết khâu lành hoàn toàn.

Sản phụ cảm thấy thoải mái hơn khi vết thương lành.
Sản phụ cảm thấy thoải mái hơn khi vết thương lành

Liên hệ bệnh viện Đồng Nai để khám thai sản và kiểm tra các vấn đề về tầng sinh môn ngay.

Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn

Bạn có thể áp dụng các cách dưới đây để chăm sóc vết khâu tầng sinh môn, giúp rút ngắn thời gian lành lại của tầng sinh môn:

Chườm lạnh

Vết khâu có thể bị sưng và đau trong những ngày đầu sau khi sinh. Sản phụ có thể giảm đau bằng cách chườm lạnh với băng gạc hoặc túi đá (có lót vải mỏng) lên vết khâu. Sau đó, lau khô vết thương bằng khăn sạch. Nếu sản phụ cảm thấy đau dữ dội, hãy thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra. Các bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định thuốc giảm đau paracetamol nếu cần thiết. Paracetamol không ảnh hưởng đến sản phụ đang cho con bú nên mẹ có thể an tâm sử dụng.

Ngồi với tư thế thoải mái

Tư thế ngồi có thể tạo áp lực lên vết khâu tại tầng sinh môn nên có thể gây đau cho sản phụ. Để giảm bớt cảm giác khó chịu, mẹ bỉm nên ngồi trên đệm hơi hoặc lót vải mềm hai bên mông và không nên ngồi quá lâu. Cảm giác đau khi ngồi thường biến mất sau khoảng 3 – 4 ngày nên sản phụ cần chú ý nghỉ ngơi, hạn chế vận động để rút ngắn thời gian làm lành vết thương.

Vệ sinh vết khâu đúng cách

Thao tác vệ sinh là yếu tố quan trọng để vết khâu tại tầng sinh môn mau lành, hạn chế nhiễm trùng và biến chứng. Sản phụ vệ sinh vết khâu theo các cách sau:

  • Lau sạch vùng đáy chậu và âm hộ ít nhất 2 lần/ngày và sau khi đi đại tiện, tiểu tiện. Lau bằng nước ấm, vệ sinh từ trước ra sau (từ âm đạo về hậu môn) nhẹ nhàng, sau đó lau khô lại theo chiều tương tự. Tuyệt đối không lau theo chiều ngược lại vì có thể tạo điều kiện cho những vi khuẩn từ hậu môn gây nhiễm trùng vết khâu.
  • Thay băng vệ sinh sau mỗi 4 – 6 tiếng để đảm bảo vết khâu luôn sạch sẽ, hạn chế sự bí bách, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Giữ vùng kín sạch sẽ, khô ráo. Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng dung dịch dịu nhẹ
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng dung dịch dịu nhẹ

Vận động nhẹ nhàng

Sản phụ có thể vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ để tăng lưu thông máu đến vùng kín, từ đó giảm sưng tấy và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Ngoài ra, đi bộ còn giúp ngăn ngừa cứng khớp, đau nhức cơ thể do nằm thời gian dài. Mẹ có thể tập đi từ ngày thứ hai sau sinh, khi đã hoàn toàn hồi sức và ngồi dậy bình thường. Mẹ nên tập đi lại nhẹ nhàng xung quanh giường bệnh hoặc ngoài hành lang bệnh viện bằng những bước đi ngắn, sau đó tăng dần khoảng cách giữa các bước và thời gian đi bộ. Thời gian đầu, việc đi lại có thể khó khăn và hơi đau. Tuy nhiên, các sản phụ nên cố gắng tập luyện, đi đứng thẳng người và dang rộng hai chân vừa phải.

Ăn uống hợp lý, khoa học

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố mà sản phụ cần đặc biệt lưu ý để phục hồi sức khỏe và thúc đẩy làm lành vết thương. Theo đó, sản phụ nên:

  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, không ăn uống kiêng khem quá mức.
  • Ưu tiên ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, uống nhiều nước để hạn chế táo bón. Tránh ăn thức ăn cay nóng, đồ ăn khó tiêu hoặc nhiều dầu mỡ.
  • Mẹ bỉm đại tiện khó khăn có thể hỏi ý kiến bác sĩ sử dụng thuốc làm mềm phân.
Dinh dưỡng là một trong những yếu tố mà sản phụ cần đặc biệt lưu ý
Dinh dưỡng là một trong những yếu tố mà sản phụ cần đặc biệt lưu ý

Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc

Dưới đây là một số lưu ý trong quá trình chăm sóc vết khâu tại tầng sinh môn:

  • Cố gắng nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, hạn chế nằm nghiêng sẽ tạo áp lực lên vết khâu.
  • Giảm tối đa hoạt động gây áp lực lên cơ bắp hoặc hạn chế lưu lượng máu đến vùng chậu như gập bụng, mang vác vật nặng, bài tập kháng lực,…
  • Không sử dụng kem, thuốc mỡ, thuốc bột lên vùng da tầng sinh môn trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nên bắt đầu các bài tập cơ sàn chậu nhẹ nhàng 2-3 ngày sau khi sinh.
  • Sử dụng ghế gác chân hoặc nhấc gót chân lên sao cho đầu gối cao hơn hông khi ngồi trên bồn cầu.

Sau khi sinh con được 6 tuần, các sản phụ nên tái khám để kiểm tra vết khâu. Đặc biệt, trong quá trình hồi phục, sản phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường liên quan đến vết khâu tầng sinh môn, âm đạo, bàng quang hoặc ruột sau khi sinh như:

  • Sốt cao.
  • Âm đạo tiết dịch có mùi lạ và màu sắc bất thường.
  • Viêm, sưng, đỏ ở tầng sinh môn.
  • Vết khâu tầng sinh môn gây đau kéo dài từ 2-3 tuần.
  • Sản phụ xì hơi không kiểm soát hoặc không thể xì hơi.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Âm đạo có cảm giác nặng nề, đau đớn.

Giải đáp các câu hỏi thường gặp

Nguyên nhân và cách xử lý vết rạch tầng sinh môn bị nhức?

Đau nhức sau khi rạch tầng sinh môn có thể do các nguyên nhân sau:

  • Hệ quả của thủ thuật rạch tầng sinh môn được thực hiện trong quá trình sinh nở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho em bé chào đời.
  • Tầng sinh môn tự rách trong quá trình chuyển dạ.
  • Em bé nặng hơn 4 kg, vai em bé bị kẹt trong quá trình di chuyển từ ống sinh ra ngoài hoặc sản phụ cần dùng kẹp mỏ vịt để hỗ trợ sinh nở.

Theo một nghiên cứu, rạch tầng sinh môn có thể gây tổn thương thần kinh cho khoảng 20% sản phụ. Để giảm đau nhức, sản phụ có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi dùng thuốc để được tư vấn chi tiết hơn nhé.

Chỉ khâu tầng sinh môn bao lâu sẽ tự tiêu?

Vết khâu tầng sinh môn thường được khâu bằng chỉ tự tiêu có khả năng đóng vết thương mà không cần phải tháo chỉ. Thời gian chỉ khâu tự tiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vật liệu, vị trí vết thương, kích thước, độ sâu của vết thương và quá trình chữa lành của sản phụ. Thông thường, chỉ khâu sẽ tự tiêu trong vòng 1 – 8 tuần.

Thông thường, chỉ khâu tầng sinh môn sẽ tự tiêu trong vòng 1 - 8 tuần
Thông thường, chỉ khâu tầng sinh môn sẽ tự tiêu trong vòng 1 – 8 tuần

Nhiễm trùng tầng sinh môn phải làm sao?

Nhiễm trùng tầng sinh môn phải được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh. Sau liệu trình dùng kháng sinh, sản phụ phải kiểm tra lại vết thương để đảm bảo chấm dứt tình trạng nhiễm trùng hoàn toàn. Một số vết khâu có thể bị nhiễm trùng trở lại ngay cả khi đã điều trị bằng kháng sinh. Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý như tiểu đường, béo phì, ức chế miễn dịch, rối loạn mô liên kết,… có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và làm lành vết thương. Người bệnh nên thông báo tình trạng sức khoẻ hiện tại cho bác sĩ để có thể đưa ra phương án điều trị tốt nhất, phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể.

Xem thêm:

Bài viết trên đây đã cung cấp cho quý bạn đọc những dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành để người bệnh chủ động theo dõi và có các biện pháp vệ sinh đúng cách nhằm thúc đẩy làm lành vết thương. Nếu thấy bài viết bổ ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết nhé! Link tham khảo: 1. Perineal tears

  • Link tham khảo: https://www.pregnancybirthbaby.org.au/perineal-tears
  • Ngày tham khảo: 23/08/2024.

2. Perineum care after childbirth

  • Link tham khảo: https://www.cuh.nhs.uk/patient-information/perineum-care-after-childbirth/
  • Ngày tham khảo: 23/08/2024.

3. Perineal wound breakdown

  • Link tham khảo: https://www.rcog.org.uk/for-the-public/perineal-tears-and-episiotomies-in-childbirth/perineal-wound-breakdown/
  • Ngày tham khảo: 23/08/2024.

4. Perineal tears

  • Link tham khảo: https://www.tommys.org/pregnancy-information/giving-birth/perineal-tears
  • Ngày tham khảo: 23/08/2024.

5. Understanding Episiotomy Pain and Perineal Tears

  • Link tham khảo: https://www.advancedreconstruction.com/body/episiotomy-pain
  • Ngày tham khảo: 23/08/2024.