Giai đoạn tiền mãn kinh đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người phụ nữ. Một trong những vấn đề thường gặp ở giai đoạn này là rong kinh tiền mãn kinh. Vậy rong kinh tiền mãn kinh là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị ra sao? Cùng Docosan tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Tiền mãn kinh là gì?
- 2 Rong kinh tiền mãn kinh là gì?
- 3 Dấu hiệu nhận biết rong kinh tiền mãn kinh
- 4 Nguyên nhân gây rong kinh tiền mãn kinh
- 5 Những yếu tố nguy cơ gây rong kinh
- 6 Rong kinh tiền mãn kinh có nguy hiểm không?
- 7 Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh
- 8 Các phương pháp điều trị rong kinh tiền mãn kinh
- 9 Các phương pháp phòng ngừa rong kinh tiền mãn kinh
- 10 Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 11 Một số câu hỏi liên quan
Tiền mãn kinh là gì?
Tiền mãn kinh là giai đoạn cơ thể chuyển sang thời kỳ mãn kinh, chấm dứt khả năng sinh sản. Phụ nữ thường bắt đầu tiền mãn kinh từ tuổi 40, nhưng có thể sớm hơn ở tuổi 30. Trong giai đoạn này, nồng độ estrogen thay đổi thất thường, dẫn đến kinh nguyệt không đều và có thể có chu kỳ không rụng trứng. Các triệu chứng có thể gồm bốc hỏa, mất ngủ và khô âm đạo. Hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau giúp chị em điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng này.
Rong kinh tiền mãn kinh là gì?
Rong kinh tiền mãn kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày hoặc lượng máu ra nhiều hơn trong giai đoạn tiền mãn kinh (thường bắt đầu từ tuổi 40). Nguyên nhân chính là do nồng độ hormone estrogen và progesterone dao động không ổn định, khiến niêm mạc tử cung dày lên và gây kinh nguyệt bất thường. Tình trạng này cũng có thể do các chu kỳ không rụng trứng, khi buồng trứng không giải phóng trứng đều đặn.
Dấu hiệu nhận biết rong kinh tiền mãn kinh
- Kinh nguyệt kéo dài hơn bảy ngày.
- Lượng máu ra nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh hoặc tampon mỗi giờ trong nhiều giờ liên tục.
- Phải thay băng vệ sinh vào giữa đêm.
- Ra cục máu đông có kích thước bằng đồng xu hoặc lớn hơn nhiều lần trong ngày.
- Không thể thực hiện các hoạt động thường ngày khi có kinh.
Nguyên nhân gây rong kinh tiền mãn kinh
Sự mất cân bằng hormone
Các hormon như estrogen và progesterone điều chỉnh chu kỳ và lượng kinh nguyệt. Sự mất cân bằng hormone có thể gây chảy máu nhiều, do các nguyên nhân như không rụng trứng, bệnh tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc thừa cân, béo phì, ảnh hưởng đến sản xuất hormone.
Các khối u lành tính trong tử cung
Các khối u lành tính trong tử cung và các tình trạng khiến tế bào tử cung phát triển bất thường cũng có thể gây chảy máu kinh nguyệt nhiều. Các nguyên nhân bao gồm:
- Polyp.
- U xơ tử cung.
- Bệnh lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung (adenomyosis).
Nhiễm trùng
Các loại nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), có thể gây chảy máu nhiều. Bao gồm:
- Bệnh Trichomonas.
- Bệnh Lậu.
- Bệnh Chlamydia.
- Viêm nội mạc tử cung mạn tính.
Biến chứng khi mang thai
Chảy máu nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo các biến chứng thai kỳ, bao gồm:
- Sảy thai.
- Thai ngoài tử cung.
- Sẹo vết mổ sau sinh mổ.
Các khối u ung thư trong tử cung
Tình trạng tiền ung thư gọi là tăng sản nội mạc tử cung có thể gây rong kinh. Các loại ung thư khác ảnh hưởng đến tử cung cũng có thể gây chảy máu kinh nguyệt nhiều, bao gồm:
- Ung thư tử cung.
- Ung thư cổ tử cung.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây chảy máu kinh nguyệt nhiều, bao gồm:
- Thuốc chống đông máu, Aspirin và một số thuốc thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm khác.
- Liệu pháp thay thế hormone.
- Tamoxifen (thuốc trị ung thư vú).
- Vòng tránh thai (IUD).
- Que cấy ngừa thai.
- Thuốc tránh thai uống và tiêm.
- Quên tháo các dụng cụ tránh thai (như que cấy, IUD) khi đến thời hạn cũng có thể gây chảy máu tử cung bất thường.
Các tình trạng bệnh lý khác
Rong kinh là triệu chứng liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý, bao gồm cả rối loạn chảy máu và các bệnh không liên quan đến chảy máu. Một số tình trạng y khoa phổ biến có thể gây chảy máu nhiều gồm:
- Bệnh von Willebrand.
- Bệnh gan.
- Bệnh thận.
- Viêm vùng chậu (PID).
- Bệnh bạch cầu hoặc rối loạn tiểu cầu.
Những yếu tố nguy cơ gây rong kinh
- Tuổi cao.
- Rối loạn kinh nguyệt trước đó.
- Sử dụng một số loại thuốc tránh thai.
- Béo phì.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh lý tử cung.
Rong kinh tiền mãn kinh có nguy hiểm không?
Rong kinh tiền mãn kinh có thể gây nguy hiểm, gồm thiếu máu do mất máu kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa và ung thư tử cung, đồng thời gây lo âu, căng thẳng. Vì vậy, nếu có dấu hiệu rong kinh kéo dài, cần thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh
Để xác định chính xác nguyên nhân gây rong kinh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu, rối loạn đông máu, hoặc bệnh tuyến giáp.
- Siêu âm qua ngã âm đạo để xem xét các cơ quan vùng chậu.
- Chụp MRI để phát hiện cấu trúc bất thường trong tử cung khi siêu âm không đủ thông tin.
- Xét nghiệm Pap để phát hiện tế bào bất thường ở cổ tử cung.
- Nuôi cấy dịch cổ tử cung để kiểm tra nhiễm trùng.
- Sinh thiết nội mạc tử cung để kiểm tra tế bào ung thư hoặc bất thường khác.
- Nội soi tử cung để đánh giá trực tiếp tình trạng bên trong tử cung.
Các phương pháp điều trị rong kinh tiền mãn kinh
Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị rong kinh tiền mãn kinh:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Một số NSAIDs như Naproxen, Ibuprofen có thể giúp giảm lượng máu kinh và giảm đau bụng kinh
- Acid tranexamic: Đây là một loại thuốc cầm máu, giúp giảm lượng máu mất trong chu kỳ kinh nguyệt bằng cách ngăn cản sự tan rã của cục máu đông trong tử cung.
- Liệu pháp hormon: Bác sĩ có thể kê các thuốc hormon như estrogen hoặc progesterone để giúp cân bằng nội tiết tố, điều chỉnh sự bong tróc của niêm mạc tử cung, làm giảm lượng máu mất trong mỗi chu kỳ.
- Thuốc tránh thai phối hợp: Thuốc tránh thai phối hợp cũng được sử dụng rộng rãi để giảm rong kinh, tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế.
- Đặt dụng cụ tử cung (IUD) chứa hormone: IUD chứa levonorgestrel có thể giúp làm giảm lượng máu kinh và được khuyến cáo là phương pháp điều trị hiệu quả trong thời gian dài, nhưng có thể gây ra hiện tượng kéo dài thời gian chảy máu ban đầu.
- Phẫu thuật: Khi các phương pháp khác không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc đến các phương pháp phẫu thuật, bao gồm nạo buồng tử cung, cắt bỏ nội mạc tử cung và cắt tử cung. Tuy nhiên, những phương pháp này sẽ đi kèm với nhiều nguy cơ như vô sinh, tỷ lệ biến chứng cao,… Do đó bệnh nhân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
Các phương pháp phòng ngừa rong kinh tiền mãn kinh
Chú ý đến chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể giúp quản lý các triệu chứng tiền mãn kinh, bao gồm:
- Chú ý mức độ căng thẳng và giấc ngủ để tránh mất cân bằng hormone.
- Bổ sung thêm sắt cho cơ thể để ngăn ngừa thiếu máu, thiếu máu có thể gây ra triệu chứng như mệt mỏi và có thể góp phần làm chảy máu nhiều hơn.
- Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để kiểm soát tốt hơn tình trạng chảy máu nhiều.
- Sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon thoải mái khi máu ra nhiều.
- Bổ sung vitamin E bằng các thực phẩm chức năng như MEDICRAFTS. Sản phẩm giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, cân bằng nội tiết tố và giảm các triệu chứng khó chịu do sự thay đổi hormone.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu nhận biết triệu chứng bất thường
- Chảy máu rất nhiều, phải thay băng vệ sinh mỗi giờ.
- Xuất huyết liên tục giữa các chu kỳ.
- Nhiều chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn vài ngày so với bình thường.
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh nguyệt trên ba tháng.
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
Một số bệnh viện uy tín
Nếu nhận thấy các dấu hiệu rong kinh tiền mãn kinh kể trên, hãy đến khám phụ khoa tại các bệnh viện và phòng khám uy tín để được bác sĩ chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có phương pháp điều trị kịp thời. Dưới đây là một số phòng khám chuyên sản phụ khoa mà bạn có thể tham khảo:
- Bệnh viện Từ Dũ
- Bệnh viện Phụ sản – Nhi Bình Dương
- Bệnh viện Phụ sản MêKông
- Đặt lịch khám tại Phòng khám Đa khoa FV Sài Gòn
- Phòng Khám Chuyên Khoa Phụ Sản Hoa Sen
- Phòng khám Chuyên khoa Phụ Sản 315 – Chi Nhánh Trường Chinh
Một số câu hỏi liên quan
Bao nhiêu tuổi mới bị tiền mãn kinh?
Phụ nữ bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh ở những độ tuổi khác nhau. Bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu tiến triển đến mãn kinh, chẳng hạn như chu kỳ kinh nguyệt không đều, vào khoảng độ tuổi 40. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể thấy những thay đổi sớm hơn, ngay từ giữa độ tuổi 30.
Rong kinh 1 tháng phải làm sao?
Nếu rong kinh kéo dài hơn 1 tháng, bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Điều gì xảy ra nếu rong kinh không được điều trị?
Nếu không được điều trị, rong kinh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, suy nhược cơ thể, thậm chí ung thư. Xem thêm:
- Khí hư là gì? Nguyên nhân khiến dịch tiết âm đạo (khí hư) bất thường
- Nên khám phụ khoa khi nào là tốt nhất? Lưu ý trước khi khám phụ khoa
- Nên khám thai lần đầu khi nào? Các lưu ý cần nhớ khi khám thai lần đầu
- Mang thai 41 tuần tại sao không có dấu hiệu chuyển dạ? Cần lưu ý gì?
Rong kinh tiền mãn kinh là một vấn đề thường gặp ở phụ nữ trung niên. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đừng chần chừ, hãy bảo vệ sức khỏe của mình!
Nguồn tham khảo:
1. Abnormal Uterine Bleeding in Perimenopausal Women: The Role of Hysteroscopy and Its Impact on Quality of Life and Sexuality
- Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9140476/
- Ngày tham khảo: 29/10/2024
2. Menorrhagia (Heavy Menstrual Bleeding)
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17734-menorrhagia-heavy-menstrual-bleeding
- Ngày tham khảo: 29/10/2024
3. Managing perimenopausal menorrhagia
- Link tham khảo: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378512210001222
- Ngày tham khảo: 29/10/2024