Tiền mãn kinh thường bắt đầu vào độ tuổi 40, nhưng một số phụ nữ có thể bắt đầu thời kỳ này sớm hơn. Tiền mãn kinh sớm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của phụ nữ cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong bài viết sau đây của Docosan, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tiền mãn kinh sớm nhé.
Tóm tắt nội dung
Tiền mãn kinh sớm là gì?
Tiền mãn kinh (còn gọi là thời kỳ chuyển tiếp mãn kinh) là giai đoạn chuyển giao giữa thời kỳ sinh sản của phụ nữ và thời kỳ mãn kinh. Thông thường, tiền mãn kinh bắt đầu vào khoảng 40 – 45 tuổi.
Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể xuất hiện dấu hiệu tiền mãn kinh sớm vào tuổi 35 hoặc sớm hơn. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ hormon estrogen giảm dần dẫn đến nhiều thay đổi về tâm-sinh lý ở phụ nữ. Một số triệu chứng điển hình ở giai đoạn này như chu kỳ kinh nguyệt không đều, khô âm đạo, bốc hỏa, tâm trạng thay đổi thất thường, dễ nổi nóng,… Sau 12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt, phụ nữ chính thức bước vào giai đoạn mãn kinh.
Thời kỳ tiền mãn kinh dài hay ngắn tùy thuộc vào nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Thông thường, thời gian tiền mãn kinh là khoảng 4 năm. Tuy nhiên, một số người có thể chỉ trải qua tiền mãn kinh trong vài tháng, hoặc ngược lại, có thể kéo dài đến 7 – 8 năm. Mặc dù chu kỳ kinh nguyệt khá thất thường và nồng độ hormone dần suy giảm, nhưng phụ nữ vẫn có thể mang thai trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Nguyên nhân gây ra tiền mãn kinh sớm
Một số nguyên nhân dẫn đến tiền mãn kinh sớm ở phụ nữ có thể kể đến như:
- Hút thuốc: Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mãn kinh sớm 1 – 2 năm so với phụ nữ không hút thuốc.
- Tiền sử gia đình: Phụ nữ có tiền sử gia đình mãn kinh sớm có nguy cơ cao trải qua tình trạng tương tự.
- Phụ nữ đang điều trị ung thư: Điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu có thể dẫn đến mãn kinh sớm.
- Cắt bỏ tử cung: Cắt bỏ tử cung nhưng không cắt bỏ buồng trứng thường không gây ra mãn kinh. Mặc dù lúc này người bệnh không có kinh nguyệt, buồng trứng vẫn sản xuất estrogen như bình thường. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể khiến giai đoạn mãn kinh đến sớm hơn. Ngoài ra, nếu người bệnh cắt bỏ một bên buồng trứng, buồng trứng còn lại có khả năng ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến.
Dấu hiệu tiền mãn kinh sớm
Tiền mãn kinh sớm xảy ra ở phụ nữ trước 40 tuổi. Một số dấu hiệu tiền mãn kinh sớm mà phụ nữ có thể nhận biết như:
Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng sản xuất ít hormon estrogen và progesteron hơn bình thường. Đây là hai hormon chính đóng vai trò điều hòa kinh nguyệt. Do đó, phụ nữ tiền mãn kinh có chu kỳ kinh nguyệt không đều, lượng máu kinh cũng ít (thiểu kinh) hoặc nhiều hơn bình thường (cường kinh), thậm chí mất kinh ở một số chu kỳ, đặc biệt vào cuối thời kỳ tiền mãn kinh. Độ dài chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể ngắn hoặc dài hơn so với trước đây.
Bốc hỏa
Phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh có thể trải qua những cơn bốc hỏa đột ngột khởi phát trên mặt, cổ, rồi lan đến khắp cơ thể, kéo dài thành từng đợt 5 – 10 phút. Đi kèm với bốc hỏa, một số phụ nữ có thể bị đổ mồ hôi, tim đập nhanh,… khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và ớn lạnh. Tình trạng bốc hỏa diễn ra trầm trọng hơn vào ban đêm.
Khô âm đạo
Lượng estrogen và progesteron suy giảm khiến môi trường âm đạo của phụ nữ có những thay đổi nhất định như khô âm đạo, âm đạo kém đàn hồi,… Điều này làm cho việc quan hệ tình dục của phụ nữ trở nên khó khăn và đau rát. Ngoài ra, nội tiết tố giảm cũng khiến phụ nữ giảm ham muốn và khó đạt cực khoái hơn trong “chuyện chăn gối”.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Do thay đổi nội tiết tố và cảm giác bốc hỏa đi kèm, phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ, dẫn đến ngủ không ngon và không sâu giấc vào ban đêm. Một số người có thể bị tỉnh giấc giữa đêm và rất khó có thể ngủ lại.
Thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt
Trong giai đoạn này, phụ nữ có thể bị lo lắng quá mức, trầm cảm, hay quên, mất tập trung, tâm trạng thay đổi thất thường, dễ cáu gắt vô cớ,… Tất cả những triệu chứng này xuất phát từ sự sụt giảm hormon và chất lượng giấc ngủ kém.
Tiền mãn kinh sớm có ảnh hưởng gì không?
Mãn kinh sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ. Bên cạnh đó, phụ nữ bị tiền mãn kinh sớm có thể giảm khả năng thụ thai và khó có con. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ tiền mãn kinh sớm có nguy cơ mắc các bệnh loãng xương và tim mạch cao hơn phụ nữ bình thường.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Phụ nữ có thể đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, giảm ham muốn tình dục,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của mình. Chu kỳ kinh nguyệt không đều là dấu hiệu đặc trưng của giai đoạn tiền mãn kinh, truy nhiên đồng thời bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
- Máu kinh ra rất nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh/tampon 1 – 2 giờ/lần.
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
- Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Mỗi chu kỳ kinh nguyệt cách nhau ít hơn 21 ngày.
Những dấu hiệu trên là tín hiệu cảnh báo cơ quan sinh dục nữ đang có vấn đề và bạn cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.
Phương pháp chẩn đoán
Tiền mãn kinh là một quá trình biến đổi từ từ theo thời gian. Do đó, không có xét nghiệm hoặc dấu hiệu nào có thể giúp bạn nhận biết chính xác mình đã bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hay chưa. Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố như tuổi tác, tiền sử kinh nguyệt và các triệu chứng hiện có. Một số người có thể được chỉ định xét nghiệm nồng độ hormon estrogen và progesteron hoặc kiểm tra chức năng tuyến giáp. Xét nghiệm hormon hiếm khi cần thiết và hữu ích để đánh giá thời kỳ tiền mãn kinh.
Điều trị tiền mãn kinh sớm như thế nào?
Để hạn chế cảm giác khó chịu do các triệu chứng tiền mãn kinh gây ra, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp điều trị sau:
- Liệu pháp hormone: Liệu pháp estrogen toàn thân dưới nhiều hình thức như thuốc viên dùng đường uống, miếng dán da, thuốc dạng xịt, dạng gel hoặc dạng kem. Đây là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất để làm giảm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi trộm vào ban đêm ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tùy thuộc vào tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, bác sĩ có thể đề nghị khởi đầu trị liệu bằng estrogen liều thấp. Người bệnh chưa cắt bỏ tử cung có thể được chỉ định thêm progestin. Estrogen toàn thân còn giúp phụ nữ ngăn ngừa nguy cơ mất xương.
- Estrogen âm đạo: Estrogen được đưa trực tiếp vào âm đạo bằng viên đặt âm đạo, vòng âm đạo hoặc kem bôi. Với phương pháp này, một lượng nhỏ estrogen được giải phóng và hấp thụ bởi mô âm đạo. Nhờ đó, phụ nữ tiền mãn kinh sẽ giảm tình trạng khô âm đạo, khó chịu, đau rát khi giao hợp và cải thiện một số triệu chứng đường tiết niệu.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể làm giảm các cơn bốc hỏa thời kỳ tiền mãn kinh. Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm có thể hữu ích trong các trường hợp không thể dùng estrogen vì lý do sức khỏe, hoặc cần thuốc chống trầm cảm để điều trị rối loạn cảm xúc.
- Gabapentin: Chỉ định chính của gabapentin là điều trị động kinh. Tuy nhiên, thuốc cũng được chứng minh có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa. Gabapentin thích hợp cho những phụ nữ không thể sử dụng liệu pháp estrogen vì lý do sức khỏe và những người bị chứng đau nửa đầu.
- Fezolinetant: Đây là lựa chọn điều trị không dùng hormon để giảm chứng bốc hỏa thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Thuốc ức chế con đường truyền tín hiệu điều hòa nhiệt độ cơ thể trong não.
- Vitamin E: Vitamin E có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp cân bằng hormone, giảm các triệu chứng bốc hỏa, lo âu, mất ngủ và bảo vệ sức khỏe tế bào. Viên uống Vitamin E thiên nhiên MEDICRAFTS 400IU là liệu pháp cung cấp vitamin E tiện lợi và hiệu quả. Sản phẩm đặc biệt hữu ích cho phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh sớm, giúp duy trì làn da khỏe mạnh và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Phụ nữ tiền mãn kinh nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc. Đảm bảo người bệnh đã hiểu đầy đủ những lợi ích và rủi ro liên quan khi điều trị bằng liệu pháp chỉ định. Ngoài ra, người bệnh nên thực hiện khám sức khỏe hàng năm để điều chỉnh phương pháp điều trị theo tình trạng hiện tại của cơ thể.
Phòng ngừa và kiểm soát tình trạng tiền mãn kinh sớm bằng cách nào?
Phụ nữ có thể tự kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh mà không cần dùng thuốc. Một số phương pháp giúp làm giảm triệu chứng khó chịu trong giai đoạn này mà bạn có thể thử như:
- Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh.
- Tập luyện các bài tập kháng lực như đạp xe, đi bộ đường dài hoặc các bài tập đòi hỏi tiêu hao nhiều năng lượng.
- Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi.
- Sử dụng quạt hoặc máy lạnh để duy trì nhiệt độ trong nhà ở ngưỡng thoải mái.
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách hạn chế sử dụng thiết bị điện tử 2 tiếng trước khi đi ngủ, đồng thời, thực hiện các hoạt động thư giãn tâm trí như nghe nhạc nhẹ, uống sữa ấm,…
- Hạn chế sử dụng rượu và caffeine.
- Thực hành thiền định hoặc các kỹ thuật quản lý căng thẳng khác.
- Không hút thuốc lá.
- Duy trì cân nặng ở mức bình thường, giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì.
Xem thêm:
- Hiện tượng bốc hỏa do mãn kinh – Nhận biết và kiểm soát.
- Mối liên hệ giữa tiểu đường và thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.
- Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh: Nguyên nhân và điều trị.
- Mãn kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị.
Bài viết trên đây đã trình bày cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tiền mãn kinh sớm. Đây là một quá trình bình thường của cơ thể và ai cũng phải trải qua. Do đó, chị em hãy đối mặt với giai đoạn này bằng một tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái, chăm sóc và yêu thương bản thân thật nhiều để sống vui khỏe mỗi ngày nhé.
Link tham khảo:
1. Perimenopause.
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21608-perimenopause#management-and-treatment.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.
2. Perimenopause.
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/perimenopause/diagnosis-treatment/drc-20354671.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.
3. Early menopause.
- Link tham khảo: https://www.nhs.uk/conditions/early-menopause/.
- Ngày tham khảo: 01/11/2024.