Mất ngủ ở nam giới không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe tổng thể. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Trong bài viết sau đây, hãy cùng Docosan tìm hiểu các cách chữa bệnh mất ngủ ở nam giới nhé!
Tóm tắt nội dung
Dấu hiệu nhận biết mất ngủ ở nam giới
Có 2 dạng mất ngủ chính ở nam giới, bao gồm:
- Mất ngủ cấp tính: Xảy ra ngắn hạn trong vài ngày hoặc vài tuần. Nguyên nhân gây ra mất ngủ có thể do thay đổi môi trường, tiếng ồn hoặc ánh sáng quá mức, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, căng thẳng trong công việc hoặc học tập,…
- Mất ngủ mạn tính: Các triệu chứng mất ngủ kéo dài hơn 1 tháng, được chia thành 2 loại: Mất ngủ nguyên phát (không có nguyên nhân cụ thể) và thứ phát (do nguyên nhân cụ thể gây nên). Các nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ mạn tính gồm trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), tiểu đường, parkinson, đau mạn tính và trầm cảm.
Bệnh mất ngủ ở nam giới có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng với các triệu chứng khác nhau tuỳ từng đối tượng. Tuy nhiên, nhìn chung, các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gồm:
- Khó đi vào giấc ngủ.
- Thức giấc lúc giữa đêm.
- Thức dậy quá sớm vào buổi sáng.
- Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày.
- Thường xuyên cáu kỉnh và lo lắng.
Nguyên nhân gây bệnh mất ngủ ở nam giới
Trạng thái tăng kích thích về thể chất hoặc tinh thần được cho là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất ngủ ở nam giới. Bên cạnh đó, tình trạng mất ngủ cũng có thể là tín hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn. Ngoài ra, những nguyên nhân phổ biến khác gây mất ngủ ở nam giới bao gồm:
- Căng thẳng: Lo lắng về gia đình, công việc, tài chính, sức khoẻ, các mối quan hệ hoặc sự kiện đau buồn trong cuộc sống có thể khiến tâm trí bạn hoạt động quá mức, dẫn đến khó ngủ.
- Trầm cảm: Đây là một trong những nguyên nhân khá phổ biến gây mất ngủ với triệu chứng đặc trưng là khó ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Mặt khác, mất ngủ cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
- Tuổi tác: Nam giới lớn tuổi dễ bị mất ngủ hơn vào ban đêm. Họ có xu hướng thức dậy thường xuyên vào ban đêm và khó ngủ lại.
- Các loại thuốc đang dùng: Một số thuốc giảm đau, thuốc thông mũi, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm gián đoạn giấc ngủ của nam giới.
- Caffeine và các chất kích thích khác: Uống rượu hoặc cà phê vào chiều tối có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn vào ban đêm. Mặc dù rượu có thể giúp bạn dễ ngủ hơn, nhưng etanol trong rượu ức chế giai đoạn ngủ sâu, khiến bạn dễ thức giấc hơn vào ban đêm. Nicotine trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ do ức chế cơ thể sản xuất melatonin.
- Bệnh lý mạn tính: Một số bệnh lý mạn tính có thể gây mất ngủ như ợ nóng, bệnh phổi, đau mạn tính, khó thở, viêm khớp, tiểu đường, tim mạch, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Thói quen ngủ không tốt: Không có lịch trình đi ngủ và thói quen ngủ cố định có thể gây mất ngủ và khó đi vào giấc ngủ.
Bệnh mất ngủ ở nam giới sẽ chịu những ảnh hưởng gì?
Mất ngủ kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, học tập mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ nam giới. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa mất ngủ và các bệnh lý như hội chứng chân không yên, suy sinh dục, ngưng thở khi ngủ và trầm cảm ở nam giới.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy, ngủ ít hoặc ngủ không đủ giấc có thể gây ra bệnh tiểu đường, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ, một số rối loạn nội tiết và tim mạch. Hơn nữa, mất ngủ cũng ảnh hưởng đến nhận thức của bệnh nhân về các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng và khó điều trị hơn.
Cụ thể, mất ngủ có thể dẫn đến một số tình trạng sau đây ở nam giới:
- Rối loạn cương dương: Phân tích cắt ngang trên 2676 nam giới từ 67 tuổi trở lên cho thấy, người bị rối loạn giấc ngủ kèm ngưng thở khi ngủ có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương ở mức độ trung bình đến nặng.
- Triệu chứng đường tiết niệu dưới (tiểu rắt, tiểu không hết, thay đổi tần suất đi tiểu, tiểu đêm): Một cuộc khảo sát trên 5335 nam giới được chẩn đoán mắc các triệu chứng đường tiết niệu dưới cho thấy, có đến 77% bệnh nhân bị gián đoạn khi ngủ. Mất ngủ được coi là tác nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở đường tiết niệu dưới.
- Giảm khả năng sinh sản: Nghiên cứu trên 198 nam giới bị vô sinh cho thấy, ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc có thể gây giảm khả năng sinh sản ở nam giới do ức chế quá trình sinh tinh.
Biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ cho nam giới
Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngủ, nam giới có thể áp dụng các biện pháp điều trị sau:
Liệu pháp hành vi nhận thức
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là phương pháp tiếp cận dựa trên chứng cứ, giúp bệnh nhân mất ngủ chống lại những suy nghĩ tiêu cực có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Đây được xem là phương pháp điều trị đầu tay cho người mất ngủ nhờ hiệu quả đáng kể mà liệu pháp mang lại.
Trong quá trình CBT, người bệnh sẽ tìm hiểu mối liên hệ giữa suy nghĩ, hành vi và giấc ngủ. Phương pháp điều trị này giúp người bệnh mất ngủ đối phó với những suy nghĩ và hành vi tiêu cực có thể gây gián đoạn giấc ngủ, đồng thời, phá vỡ vòng lặp stress-mất ngủ. Liệu trình CBT kéo dài từ 6 – 8 tháng tùy theo nhu cầu của người bệnh. CBT bao gồm nhiều kỹ thuật như:
- Kỹ thuật thư giãn: Gồm các bài tập thư giãn cơ và duy trì nhịp thở nhằm làm giảm lo lắng và thúc đẩy cảm giác thư thái trước khi đi ngủ.
- Hạn chế thời gian ngủ: Hạn chế thời gian ngủ vào ban ngày và tránh ngủ trưa để có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm.
- Liệu pháp kiểm soát kích thích: Phương pháp điều trị này nhằm làm giảm các yếu tố kích thích tâm trí người bệnh.
- Liệu pháp ánh sáng: Liệu pháp ánh sáng thiết lập lại đồng hồ sinh học của người mất ngủ, giúp họ cảm thấy tỉnh táo hơn vào ban ngày và mệt mỏi vào ban đêm. Liệu pháp này cũng hữu ích cho những người gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng.
- Ý định nghịch lý: Kỹ thuật này giúp duy trì trạng thái tỉnh táo một cách thụ động. Nhờ đó, người bệnh giảm bớt những lo lắng về hiệu suất làm việc, học tập phát sinh do chứng mất ngủ gây nên.
Sử dụng thuốc theo toa
Nếu các biện pháp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định điều trị mất ngủ bằng thuốc. Một số thuốc điều trị mất ngủ phổ biến hiện nay gồm eszopiclone, ramelteon, zaleplon, zolpidem và benzodiazepin. Thuốc có tác dụng phụ là gây buồn ngủ vào ban ngày. Điều này có thể ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động thường nhật của bạn. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ trên trước khi dùng thuốc để có biện pháp xử trí phù hợp.
Sử dụng thuốc không kê toa
Bên cạnh các thuốc kê đơn kể trên, một số thuốc không kê đơn cũng có tác dụng an thần mà bạn có thể tìm mua tại nhà thuốc. Nổi bật trong nhóm này là thuốc kháng histamin như diphenhydramine (Benadryl).
Tuy nhiên, bệnh nhân cần có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Một số tác dụng phụ có thể gặp như buồn ngủ, chóng mặt hoặc tương tác với các loại thuốc khác.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là phương pháp không thể thiếu trong điều trị mất ngủ. Chỉ một vài thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng mất ngủ, điển hình như đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ, hạn chế ngủ trưa, tránh caffein, hạn chế ăn nhiều, thay đổi môi trường ngủ thoải mái,…
Mẹo phòng ngừa tình trạng mất ngủ ở nam giới
Để phòng ngừa tình trạng mất ngủ, nam giới có thể thử các phương pháp sau:
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền hoặc thư giãn cơ để giảm căng thẳng và lo lắng.
- Thiết lập lịch trình đi ngủ khoa học, nhất quán, tạo môi trường ngủ thoải mái, hạn chế ánh sáng và tạo không gian yên tĩnh, tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
- Tập thể dục thường xuyên, nhưng tránh tập thể dục mạnh trước giờ đi ngủ.
- Hạn chế dùng caffeine và rượu trước khi đi ngủ.
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn mất ngủ do bệnh lý hoặc do thuốc đang sử dụng.
- Cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc thần kinh nếu các triệu chứng mất ngủ có xu hướng trở nên nghiêm trọng và dai dẳng.
- Ngoài ra, việc bổ sung vitamin B có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mất ngủ liên quan đến thiếu hụt vitamin B, như rối loạn tâm trạng, căng thẳng, mệt mỏi, khó tập trung. Sản phẩm bổ sung Vitamin B cung cấp vitamin nhóm B giúp hỗ trợ chức năng thần kinh, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi cho người bị mất ngủ.
Xem thêm:
- Buồn phiền, mất ngủ…là dấu hiệu sức khỏe tinh thần gặp vấn đề.
- Bệnh mất ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị.
- Mách bạn cách tìm bác sĩ giỏi chữa mất ngủ uy tín.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho quý bạn đọc các cách chữa bệnh mất ngủ ở nam giới. Với phương pháp điều trị phù hợp, bạn hoàn toàn có thể đối phó với chứng mất ngủ và nhanh chóng có được sự nghỉ ngơi, thư giãn vốn có. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ để mọi người cùng được biết nhé!
Link tham khảo:
1. Insomnia In Men: Symptoms, Causes, And Treatment.
- Link tham khảo: https://healthmatch.io/insomnia/insomnia-in-men#common-symptoms-of-insomnia-in-men.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.
2. How Can Sleep Affect Men’s Health?.
- Link tham khảo: https://www.news-medical.net/health/How-Can-Sleep-Affect-Mens-Health.aspx.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.
3. What Contributes to Insomnia in Men?.
- Link tham khảo: https://www.dawn.health/blog/what-contributes-to-insomnia-in-men.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.