Xét nghiệm chức năng thận là gì?

Thận là cơ quan có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Xét nghiệm chức năng thận gồm nhiều loại xét nghiệm như mẫu máu, nước tiểu hay chẩn đoán hình ảnh để đánh giá. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ không chỉ định cho bạn làm tất cả các xét nghiệm mà chỉ chỉ định các loại xét nghiệm chức năng thận cần thiết trong chấn đoán và theo dõi bệnh.

Tại sao phải xét nghiệm chức năng thận

Tại sao cần làm xét nghiệm chức năng thận ? Xét nghiệm chức năng thận nhằm mục đích:

  • Để xác định các rối loạn chức năng thận
  • Để chẩn đoán bệnh giai đoạn sớm
  • Để theo dõi tiến trình bệnh lý
  • Để theo dõi đáp ứng điều trị
  • Để tiếp cận những thay đổi chức năng mà ảnh hưởng lên liệu pháp điều trị

Các loại xét nghiệm chức năng thận

Thận là cơ quan đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, gồm:

  • Tham gia chuyển hóa 1 số chất trong cơ thể như cacbohydrat, protein, …
  • Bài tiết nước tiểu
  • Loại trừ các sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa (ure, creatinine, acid uric ….)
  • Loại trừ các ngoại chất (thuốc, độc chất …)
  • Kiểm soát thể tích và thành phần dịch ngoại bào
  • Cân bằng nước – điện giải, kiềm toan.
  • Huyết áp
  • Chức năng nội tiết
    • Renin
    • Erythropoietin
    • Calcitriol

Chính vì có quá nhiều chức năng nên việc đánh giá được hết tổng quát chức năng thận cần phải làm nhiều loại xét nghiệm khác nhau:

  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Độ lọc cầu thận (GFR), Creatinine huyết thanh, Ure máu (BUN), Cystatin C máu, Ion đồ máu, Acid uric máu, …
  • Xét nghiệm hình ảnh học: CT scan có cản quang, Siêu âm, …
  • Sinh thiết thận
  • Xét nghiệm nước tiểu: Điện di nước tiểu, Tổng phân tích nước tiểu, Protein trong nước tiểu, Microalbumin nước tiểu, Cặn Addis, …

xet nghiem chuc nang than
Sinh thiết thận

Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận và các chỉ số xét nghiệm chức năng thận

Dưới đây sẽ liệt kê một số xét nghiệm và chỉ số xét nghiệm chức năng thận thường gặp nhất như sau:

Xét nghiệm sinh hóa máu

Độ lọc cầu thận (GFR)

GFR là chỉ số giúp chẩn đoán xác định sớm tình trạng suy thận, là chỉ số hữu ích để đánh giá chức năng lọc của cầu thận trong một đơn vị thời gian, đo lượng huyết tương lọc qua cầu thận từ đó phản ảnh khả năng lọc dịch và các chất của thận. GFR được ước tính dựa trên creatinine máu kết hợp với tuổi, kích thước cơ thể, giới tính và chủng tộc và không cần trị số creatinin nước tiểu.

Giá trị bình thường đối với GFR là: 90-120mL/min/1.73m2 da.

Giá trị bất thường đối với GFR là:

  • Dưới 60: dấu hiệu thận bắt đầu suy
  • Dưới 15: suy thận giai đoạn cuối, cần phải điều trị bằng các biện pháp như ghép thận, lọc máu.

Creatinine huyết thanh

Creatinin là sản phẩm thoái hóa từ Creatin của các cơ, đào thải trên 90% qua thận. Sự chuyển hóa creatinin gần như hằng định, không phụ thuộc vào chế độ ăn nhưng lại bị ảnh hưởng bởi khối lượng cơ. Giá trị bình thường của Creatinin máu là: 0,6 – 1,2 mg/dl, có khác biệt chút ít giữa nam và nữ. Giá trị bất thường của Creatinin máu là:

  • Giảm: hiếm xảy ra, thường gặp ở người có khối lượng cơ nhỏ (suy dinh dưỡng, teo cơ), ít có ý nghĩa bệnh lý
  • Tăng: có thể có giảm độ lọc cầu thận, gặp trong suy thận cấp hoặc mạn.

Ure máu (BUN)

Ure là sản phẩm đào thải cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein, được lọc chủ yếu ở cầu thận trước khi thải ra ngoài cùng nước tiểu, một phần được thải ra qua đường tiêu hóa và mồ hôi. Sử dụng ure đo độ lọc không chính xác vì ure được hấp thu khoảng 40% tại ống thận.

Ngoài ra còn có thể đo Ure bằng cách tính BUN (blood urea nitrogen) là định lượng nitrogen của ure trong máu: Ure (mg/dl) = BUN x 2,14 . Giá trị bình thường của Ure máu là: 3 – 7 mmol/l. Giá trị bất thường của Ure máu là:

  • Giảm: tổn thương gan nặng như xơ gan, chế độ ăn thiếu protein kéo dài, truyền dịch kéo dài, …
  • Tăng: suy thận mạn, viêm cầu thận/ống thận cấp, bỏng, chấn thương, phẫu thuật lớn, suy tim ứ huyết, tiêu chảy, …

Cystatin C máu

Cystatin C là một protein trọng lượng phân tử nhỏ, được sản xuất bởi tế bào có nhân, được lọc bởi cầu thận và tái hấp thụ ở ống lượn gần. Nồng độ cystatin C không bị ảnh hưởng bởi giới tính, chủng tộc, tuổi và khối lượng cơ. Xét nghiệm này có giá trị tương đương xét nghiệm creatinin máu và độ thanh thải của creatinin trong việc phát hiện sớm sự thay đổi của chức năng thận. Tăng Cystatin C thường xuất hiện sớm trước khi giảm mức độ lọc cầu thận hoặc tăng creatinin.

Acid uric máu

Acid Uric là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của Purin. Acid uric máu tăng sẽ lắng đọng các tinh thể monosodium urate ở khớp và ở ở thận tạo tinh thể urat trong cặn lắng nước tiểu. Giá trị bình thường của Acid uric máu là:

  • ≤6 mg/dL đối với nữ
  • ≤6.8 mg/dL đối với nam.

Giá trị bất thường của Acid uric máu là:

  • Tăng: ăn nhiều thực phẩm giàu purin, suy thận, bệnh lý cầu thận, Gout, tác dụng của thuốc (lợi tiểu quai, thiazid, …), bệnh đa hồng cầu, bệnh bạch cầu, bệnh nội tiết hoặc chuyển hóa như toan lactic, suy giáp …, trị liệu ung thư bằng hóa xạ trị

Xét nghiệm nước tiểu

Tổng phân tích nước tiểu

Tổng phân tích nước tiểu là phân tích các thông số nước tiểu qua 3 tiêu chí:

• Đánh giá đại thể (màu, trong đục, mùi, bọt…)
• Khảo sát các thông số vật lý- hóa sinh
• Khảo sát cặn lắng

Protein nước tiểu

Protein toàn phần trong nước tiểu gồm:

  • Albumin (khoảng 0,5% albumin máu)
  • Một ít globulin do ống thận tiết ra (sinh lý)
  • Các protein thoát ra do tổn tương màng lọc cầu thận.

Giá trị bình thường của Protein nước tiểu là: <200mg/24h (không thể phát hiện bằng các phương pháp xét nghiệm thông thường nên xem như không có protein trong nước tiểu).

Khi phát hiện có protein niệu hay còn được gọi là tiểu đạm có thể do nguyên nhân trước thận, tại thận và sau thận.

Microalbumin nước tiểu

Albumin là chất chỉ điểm sự tổn thương màng lọc cầu thận nhạy nhất.

Chỉ định: chẩn đoán và theo dõi sự suy thoái khả năng lọc của cầu thận trong các bệnh lý tổn thương cầu thận âm thầm. Điển hình là đái tháo đường và tăng huyết áp.

Giá trị bình thường của Albumin nước tiểu là: 30mg/24h

Giá trị bất thường của Albumin nước tiểu là:

  • Microalbumin niệu: lượng albumin/niệu ≤ 300mg/24h
  • Macroalbumin niệu: lượng albumin/niệu > 300mg/24h

Cặn Addis

Cặn Addis được chỉ định trong trường hợp tiểu máu, tiểu mủ đại thể để xác định số lượng hồng cầu và bạch cầu thoát ra nước tiểu trong 1 phút.

Kết quả:

  • > 1000 hồng cầu/phút: tiểu máu
  • > 2000 bạch cầu/phút: tiểu mủ

Kết luận

Xét nghiệm chức năng thận là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán và theo dõi tình trạng của thận, bộ phận đóng nhiều vài trò chủ chốt trong các hoạt động sống của cơ thể người. Có nhiều loại xét nghiệm khác nhau để đánh giá chức năng thận như xét nghiệm sinh hóa máu (Độ lọc cầu thận (GFR), Creatinine huyết thanh, Ure máu (BUN), Cystatin C máu, Ion đồ máu, Acid uric máu, …), xét nghiệm hình ảnh học (CT scan có cản quang, Siêu âm, …), sinh thiết thận, xét nghiệm nước tiểu (Điện di nước tiểu, Tổng phân tích nước tiểu, Protein trong nước tiểu, Microalbumin nước tiểu, Cặn Addis, …)


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  • Hóa sinh lâm sàng của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch