Tìm hiểu về bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối

Bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn cuối có tiên lượng nặng hơn và cách điều trị cũng khó khăn hơn những giai đoạn đầu. Tuy nhiên việc phát hiện sớm và điều trị sớm đúng phác đồ cũng giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và giảm nhẹ những cơn đau thể xác và tinh thần cuối đời. Hãy cùng tìm hiểu Docosan về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

Các giai đoạn của ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng là bệnh lý ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao. Ở Việt Nam, trong số các loại ung thư thì ung thư đại-trực tràng đứng hàng thứ ba về tỷ lệ mắc, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi, với tỷ lệ tử vong hằng năm khoảng 4,1%. Các yếu tố thuận lợi của bệnh ung thư đại tràng có thể kể đến như:

  • Chế độ ăn uống: nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, đồ uống có cồn, ít chất xơ
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì, ít vận động thể lực
  • Có các tổn thương tiền ung: polyp trực tràng, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn,…
  • Yếu tố di truyền
  • Lớn tuổi

Khi được chẩn đoán mắc ung thư trực tràng thì việc xác định giai đoạn bệnh là điều cực kỳ quan trọng để bác sĩ có thể điều trị phù hợp và tiên lượng bệnh. Ung thư trực tràng được chia thành 5 giai đoạn dựa theo hệ thống phân loại TMN của Uỷ ban Liên hợp Ung thư Hoa Kỳ (AJCC) với T là tumor (khối u tiên phát), N là node (di căn hạch vùng) và M là metastasis (di căn xa). Nếu có di căn xa (M1) ví dụ như di căn phổi, di căn gan, nghĩa là bạn đã mắc ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

Giai đoạn 0: Ung thư trực tràng giai đoạn đầu

Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư trực tràng, khối u chỉ khu trú trong lớp niệm mạc (lớp trong cùng của trực tràng) mà chưa phát triển ra ngoài niêm mạc. Giai đoạn này thường khi có biểu hiện gì và chỉ vô tình được phát hiện qua nội soi đại-trực tràng.

Giai đoạn I: Ung thư trực tràng giai đoạn 1

Khối u xâm lấn xuống lớp dưới niêm (T1) hoặc lớp cơ (T2) của trực tràng và các tế bào ung thư chưa di căn hạch bạch huyết. Ở giai đoạn này bệnh nhân có tỷ lệ phẫu thuật triệt căn thành công cao và tỷ lệ sống còn sau 5 năm điều trị lên đến trên 90%.

Giai đoạn II: Ung thư trực tràng giai đoạn 2

Khối u tiến sâu hơn qua lớp cơ của trực tràng, được chia làm ba nhóm nhỏ:

  • Giai đoạn IIA: Khối u xâm lấn quá lớp cơ đến lớp dưới thanh mạc (T3) và chưa di căn hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IIB: Khối u xâm lấn lá phúc mạc tạng (T4a) nhưng chưa xâm lấn cơ quan lân cận và chưa di căn hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IIC: Khối u xâm lấn trực tiếp đến cơ quan, cấu trúc lân cận (T4b) và chưa di căn hạch bạch huyết.

Giai đoạn III: Ung thư trực tràng giai đoạn 3

Đặc trưng của giai đoạn 3 là ung thư đã di căn đến các hạch, cùng với mức độ xâm lấn của khối u (T) và số lượng hạch di căn (N) người ta chia giai đoạn này làm 3 mức độ: Giai đoạn IIIA, IIIB và IIIC. Ở giai đoạn này cũng chưa có di căn cơ quan ở xa (M0).

Giai đoạn IV: Ung thư trực tràng giai đoạn cuối

Chuyên gia xác định ung thư trực tràng giai đoạn cuối khi có sự di căn cơ quan ở xa (M1) như ung thư trực tràng di căn gan giai đoạn cuối. Giai đoạn này cũng được phân làm 3 mức độ:

  • Giai đoạn IVA: Có sự di căn đến một cơ quan (M1a) hoặc một vùng như gan, phổi, buồng trứng hay não,…
  • Giai đoạn IVB: Có sự di căn đến nhiều hơn một cơ quan (M1b).
  • Giai đoạn IVC: Ung thư trực tràng di căn đến phúc mạc (M1c).

Biểu hiện của ung thư trực tràng giai đoạn cuối

Ở các giai đoạn đầu ung thư trực tràng thường có các triệu chứng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, sau đó tuỳ theo kích thước và vị trí khối u mà các triệu chứng dần thay đổi. Người lớn tuổi và tiền căn gia đình có người bị ung thư đại-trực tràng không nên lơ là khi phát hiện mình bị các triệu chứng sau đây:

  • Chảy máu đường tiêu hoá dưới: triệu chứng thường gặp nhất, máu chảy rỉ rả, máu lẫn trong phân, ít khi chảy ồ ạt lượng nhiều.
  • Thay đổi thói quen đi cầu hàng ngày: thường gặp là tiêu chảy, đi cầu nhiều lần trong ngày, phân nhỏ dẹt
  • Cảm giác đi không hết phân, mót vùng hậu môn
  • Tiêu són
  • Đau bụng từng cơn
  • Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không giải thích được

Dấu hiệu di căn hạch: sờ thấy hạch bẹn, hạch thượng đòn trái.

Triệu chứng của di căn cơ quan ở xa:

  • Di căn gan và phúc mạc: bụng báng, gan to lổn nhổn, vàng da
  • Di căn phổi: ho, khó thở
  • Di căn xương cùng cụt và cột sống: đau nhức cột sống và xương cùng
  • Di căn nào: nhức đầu, ói mửa

Biến chứng của ung thư đại tràng giai đoạn cuối:

  • Tắc ruột: rất thường gặp, do u lắp đầy trong lòng ruột khiến ruột bị tắc, bệnh nhân đau bụng nhiều, cấp tính, nôn hoặc buồn nôn, bụng chướng, không đi tiêu hay xì hơi được.
  • Viêm phúc mạc: do vỡ khối u hoặc vỡ đại tràng ngay trên khối u, bệnh nhân có thể tử vong vì nhiễm trùng-nhiễm độc nặng.
  • Rò trực tràng-bàng quang ở nam giới khiến bệnh nhân tiểu ra phân; hoặc rò trực tràng-âm đạo ở nữ giới khiến bệnh nhân chảy dịch phân ở âm đạo.

Điều trị ung thư trực tràng giai đoạn cuối

Điều trị ung thư trực tràng là điều trị đa mô thức, nghĩa là gồm cả phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị nâng đỡ,… và cá thể hoá theo từng trường hợp. Ở bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn cuối, ung thư đã lan sang nhiều cơ quan khác gây khó khăn cho việc loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư, do đó nguyên tắc điều trị ung thư trực tràng giai đoạn cuối thường là làm chậm sự tiến triển của ung thư, làm giảm nhẹ các triệu chứng, kéo dài tuổi thọ.

  • Phẫu thuật: cắt đoạn đại tràng nếu khối u có thể cắt được; cắt bỏ khối di căn biệt lập (gan, phổi, buồng trứng) dành cho một số bệnh nhân; nếu khối u di căn gan không cắt được có thể huỷ khối u bằng nhiệt, bằng sóng cao tầng hay hoá trị.
  • Hoá trị: hoá trị bổ túc có thể làm cải thiện tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn cuối.
  • Xạ trị: có thể có vai trò trước hoặc sau khi phẫu thuật.
  • Liệu pháp nhắm trúc đích: thường được các bác sĩ chỉ định điều trị cho bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc tấn công các gien và protein cụ thể trong tế bào ung thư như thuốc protein VEGF, thuốc EGFR: thúc đẩy sự phân chia nhanh chóng của các tế bào ung thư, chất ức chế kinase.

Tóm lại, ung thư trực tràng giai đoạn cuối là một bệnh nặng với tiên lượng sống còn sau 5 năm thấp (khoảng 15%) nhưng quan trọng nhất, việc tuân thủ điều trị phác đồ của bác sĩ cùng với thay đổi lối sống, chế độ ăn phù hợp, vận động thể lực và giữ tinh thần thoải mái lạc quan có thể giúp bệnh nhân cải thiện tiên lượng sống và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra thư trực tràng cũng có thể phát hiện sớm qua nội soi đại-trực tràng do đó hãy đi khám bệnh thường xuyên để được tư vấn và tầm soát bạn nhé.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS