Cúm mùa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Cúm mùa rất dễ bị lầm tưởng là một bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng đây lại là bệnh lý có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề nếu như không điều trị tích cực. Vậy cúm mùa là gì và vì sao lại lây lan nhanh đến thế? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Cúm mùa là gì?

Cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm (Influenza virus) lưu hành ở khắp nơi trên thế giới gây ra. Virus gây cúm chính là virus cúm A và B. Hai loại này thường lây lan nhanh và là nguyên nhân gây ra các vụ dịch cúm theo mùa mỗi năm.

Virus cúm gây bệnh ở người được phân thành 3 type: A, B, và C.

  • Virus cúm type A: có khả năng gây dịch và đại dịch ở người
  • Virus cúm type B: có khả năng gây những đợt dịch nhỏ
  • Virus cúm type C: gây bệnh với các triệu chứng nhẹ, không gây dịch. Do đó virus cúm type C ít được chú ý.

Tại sao phải tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm?

Phương pháp phòng ngừa bệnh cúm mùa hiệu quả nhất là tiêm ngừa cúm. Việc tiêm ngừa cúm cần được thực hiện mỗi năm một lần, đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao do:

  • Virus cúm có đặc điểm là thường xuyên thay đổi kháng nguyên để tạo ra biến thể mới. Điều đó nghĩa là vaccine cúm năm trước có thể không bảo vệ bạn khỏi chủng virus mới của năm nay.
  • Một vaccine không thể tạo ra kháng thể để cơ thể chống lại tất cả các loại virus cúm. Do đó vaccine cúm được cập nhật hàng năm, tuỳ theo chủng virus được dự đoán gây dịch của năm đó.
  • Thời gian tồn tại kháng thể của vaccine cúm trung bình khoảng dưới một năm. Do đó việc tiêm vaccine cúm hàng năm giúp cơ thể có đủ kháng thể để chống lại virus.

Cúm mùa gây ra những triệu chứng nào?

Cúm mùa đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng như sốt, ho (thường ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.

Thể bệnh cúm thông thường là thể bệnh thường gặp nhất:

  • Giai đoạn khởi phát : Sau khi ủ bệnh khoảng 1 – 2 ngày không triệu chứng, bệnh sẽ khởi phát đột ngột ở ngày thứ 3 ngày: Sốt > 38 độ C; Nhức đầu; Đau cơ; Mệt mỏi, chán ăn; Chảy nước mắt sống; Hắt hơi, chảy mũi, ho khan
  • Giai đoạn toàn phát (3 – 7 ngày): các triệu chứng diễn tiến nặng nề hơn, chẳng hạn như sốt cao, lừ đừ, vật vã, …. Hội chứng hô hấp: khó thở, thở co kéo các cơ hô hấp phụ, …
  • Hầu hết các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau 1 – 2 tuần mà không cần phải điều trị.

Thể bệnh cúm có biến chứng xảy ra ở những nhóm người có nguy cơ, có thể gây tử vong vì bệnh cảnh nặng.

  • Biến chứng ở phổi: viêm phổi, viêm xoang và viêm tai.
  • Biến chứng ngoài phổi: viêm các cơ quan trong cơ thể như cơ tim, cơ vân, hệ tiết niệu; HC Guillain-Barré, HC Reye
  • Cúm mùa làm các bệnh mạn tính trở nên nặng nề hơn. Chẳng hạn những bệnh nhân bị hen hoặc COPD sẽ dễ khởi phát những đợt cấp khi họ bị cúm, hoặc những bệnh nhân có các vấn đề về tim mạch sẽ diễn tiến nghiêm trọng hơn trong đợt mắc cúm mùa.

Cách chẩn đoán bệnh cúm mùa

Hầu hết các trường hợp cúm mùa ở người được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng cảm cúm lâm sàng và các yếu tố dịch tễ như sau:

Chẩn đoán dựa trên các yếu tố dịch tễ của bệnh nhân:

  • Đã từng sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm đang lưu hành
  • Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm

Chẩn đoán dựa trên các biểu hiện của bệnh nhân:

  • Sốt > 38 độ C
  • Đau nhức cơ toàn thân
  • Biểu hiện hô hấp: hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi,ho, khó thở…

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không có các yếu tố dịch tễ thì rất khó chẩn đoán phân biệt giữa cúm mùa với các tác nhân gây viêm đường hô hấp khác. Khi đó, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán, chẳng hạn như :

  • Chụp X-quang phổi: bình thường hoặc tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi
  • Bạch cầu bình thường hay giảm
  • Xác định tác nhân gây cúm bằng xét nghiệm PCR

Điều trị cúm mùa

Hầu hết bệnh nhân cúm thuộc thể bệnh cúm thông thường, không triệu chứng, do đó nhóm bệnh nhân này chỉ cần điều trị triệu chứng. Lưu ý, kháng sinh không có tác dụng diệt virus cúm nên không nên sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Đối với những bệnh nhân thuộc thể cúm có biến chứng, hoặc nhóm bệnh nhân bị cúm thông thường nhưng có nguy cơ diễn tiến nặng (ví dụ như trẻ em, người già…) nên được điều trị bằng thuốc kháng virus cúm bên cạnh các thuốc điều trị triệu chứng nhằm ngăn sự nhân lên của vi rút cúm. Nếu sử dụng thuốc kháng virus sớm có thể làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian bị bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh cúm mùa

Tiêm vaccine cúm hàng năm giúp bảo vệ bệnh nhân tới 70% – 80%. Các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng trong phòng cúm mùa như:

  • Rửa tay thường xuyên và thực hiện đúng theo hướng dẫn các bước rửa tay sát khuẩn
  • ­Vệ sinh hô hấp tốt – che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay, sử dụng khăn giấy đúng cách
  • Tự nguyện cách ly sớm những người cảm thấy mệt mỏi, sốt và có các triệu chứng cúm khác
  • ­Tránh tiếp xúc gần với người bệnh, giữ khoảng cách xa >1m
  • Tránh để tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
  • Tránh tụ tập đông người trong thời gian có dịch
  • Xử lý dụng cụ, đồ dùng của bệnh nhân cúm đúng quy cách
  • Có thể giặt đồ của người bệnh cúm trong máy giặt thông thường. Nên thận trọng khi xử lý đồ giặt dơ bẩn (nghĩa là tránh “ôm” đồ dơ vào người) để tránh bị nhiễm bệnh. Nên vệ sinh tay sau khi xử lý đồ giặt dơ. 
  • Chén dĩa dơ bẩn và đồ dùng ăn uống nên rửa trong máy rửa chén hay rửa bằng tay với nước ấm và xà phòng.

Dịch cúm mùa có nguy hiểm không?

  • Theo WHO trên thế giới có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong liên quan đến dịch cúm mùa hàng năm
  • Cúm mùa tuy là một bệnh cấp tính và hầu hết tự phục hồi trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế nhưng đồng thời cũng là một bệnh nguy hiểm và cần phải được dự phòng, cũng như phát hiện và điều trị kịp thời để tránh xảy ra những biến chứng không mong muốn và làm tử vong người bệnh.
  • Cúm mùa lây lan nhanh, có thể gây dịch và đại dịch: Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm.
  • Cúm mùa là nguyên nhân chính của bệnh tật và tử vong trong nhóm bệnh lý đường hô hấp
  • Nguy cơ bệnh nặng và tử vong, đặc biệt trong số các nhóm đối tượng nguy cơ cao bao gồm người lớn tuổi, người có bệnh nền (tim, phổi, thận …), suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế.
  • Gánh nặng chi phí về kinh tế: mất ngày lao động của người bệnh và cả người chăm sóc bệnh nhân.

Cúm mùa ở Việt Nam vào tháng mấy?

Mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền; cùng với ô nhiễm môi trường tăng cao điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới, vì vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Dự báo của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Việt Nam, cúm mùa thường tập trung trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.

Vì vậy người dân nên tiêm phòng vaccine lý tưởng nhất là trước khi vào mùa cúm. Khoảng thời gian thích hợp để tiêm vaccine cúm là 2 tuần đến 1 tháng trước khi vào mùa cúm cao điểm. Các gia đình được khuyến khích nên đi tiêm phòng vaccine cúm từ tháng 9 đến tháng 3 để có hiệu quả tốt nhất,

Mặc dù vậy, nếu như đã không tiêm phòng bệnh được vào thời điểm trên thì bạn vẫn có thể tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Việc tiêm vaccine vẫn sẽ giúp phòng ngừa bệnh.

Tiêm vaccine phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ thể bệnh cúm biến chứng và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ bệnh cúm cao. WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:

  • ­Phụ nữ dự định mang thai
  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
  • Người lớn tuổi (trên 65 tuổi)
  • Người mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch như:
    • Hen, COPD
    • Bệnh tim mạch
    • Bệnh thận mạn
    • Đái tháo đường, ung thư
    • Dùng corticoid kéo dài
    • Bệnh nhân HIV/AIDS
  • Nhân viên y tế và những người thường xuyên chăm sóc bệnh nhân bị cúm.

Tuỳ mỗi loại vaccine cúm khác nhau mà một số đối tượng không thể tiêm vaccine. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết bản thân có thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine cúm hay không.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm