Bệnh rubella: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bệnh rubella là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch do virus rubella gây ra. Hầu hết các trường hợp nhiễm rubella ở trẻ em và người lớn không có biểu hiện bệnh trên lâm sàng hoặc lành tính tự khỏi, nhưng nhiễm rubella trong lúc mang thai lại rất nguy hiểm vì thai nhi rất dễ có nguy cơ cao bị hội chứng rubella bẩm sinh gây ra nhiều dị tật nặng nề. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc cùng Docosan tham khảo nội dung dưới đây.

Bệnh rubella là gì?

Bệnh rubella là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch do virus rubella gây ra với các triệu chứng nổi bật là sốt trung bình 3 ngày, tổng trạng không thay đổi, nổi các hồng ban dát sẩn, nổi hạch (đặc biệt hạch sau tai) và viêm khớp (ở người lớn).

Bệnh rubella: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách đề phòng | Vinmec
Bệnh Rubella

Hầu hết các trường hợp nhiễm rubella ở trẻ em và người lớn đều không có các triệu chứng bệnh trên lâm sàng hoặc bệnh thường lành tính và tự khỏi, nhưng nhiễm rubella trong thai kỳ thì lại rất nguy hiểm vì thai nhi sẽ dễ có nguy cơ cao bị hội chứng rubella bẩm sinh gây nên nhiều dị tật nặng nề.

Nguyên nhân bệnh Rubella

Nguyên nhân bệnh rubella là do virus Rubella gây ra. Rubella là virus ARN chuỗi đơn, có vỏ bọc, tăng sinh trong bào tương của tế bào ký chủ, thuộc họ Togaviridae, giống Rubivirus.

Virus rubella không lây bệnh qua trung gian côn trùng. Người là ký chủ và là nguồn bệnh duy nhất của bệnh rubella. Người bệnh có triệu chứng, người nhiễm rubella không biểu hiện triệu chứng, trẻ sơ sinh mắc bệnh rubella bẩm sinh là những nguồn lây bệnh quan trọng.

Bệnh rubella lây qua đường hô hấp thông qua giọt bắn hoặc hạt khí dung từ chất tiết hô
hấp của người mang mầm bệnh. Thời điểm lây nhiễm quan trọng từ khoảng 5 ngày trước khi xuất hiện ban tới 6 ngày sau khi ban bắt đầu xuất hiện. Lây nhiễm mạnh nhất xảy ra vào thời điểm ban xuất hiện và giảm nhanh ngay sau đó.

Cần lưu ý ở các trẻ bị rubella bẩm sinh, virus vẫn tiếp tục được thải ra ngoài với số lượng lớn thông qua các dịch tiết cơ thể (dịch tiết hô hấp và nước tiểu) trong nhiều tháng và có thể tới khi trẻ được 2 tuổi.

Người chích ngừa rubella không có khả năng truyền bệnh rubella cho người khác, dù rubella hiện diện thoáng qua trong chất tiết hầu họng ở những đối tượng này vì lượng virus quá ít trong chất tiết để có thể lây bệnh cho người khác.

Chẩn đoán bệnh Rubella

Bệnh rubella là thể bệnh nhẹ, tự khỏi, tuy nhiên các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu nên thường khó chẩn đoán chính xác. Một số dấu hiệu gợi ý trên lâm sàng để hướng tới chẩn đoán bệnh rubella:

Dịch tễ

  • Chưa chủng ngừa rubella
  • Tiếp xúc với người bị sốt phát ban nghi ngờ hoặc xác định nhiễm rubella
  • Chưa bị rubella

Lâm sàng

Nhiễm rubella mắc phải sau sanh thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhàng, tự khỏi, ít biến chứng nặng và rất nhiều trường hợp nhiễm rubella không biểu hiện triệu chứng.

Bệnh Rubella gồm 4 thời kì:

  • Thời kỳ ủ bệnh: kéo dài trung bình khoảng 14 ngày, thay đổi từ 12-23 ngày.
  • Thời kỳ khởi phát:
    • Thường kéo dài khoảng một ngày sau đó ban sẽ xuất hiện, tuy nhiên có thể kéo dài tới 5 ngày.
    • Triệu chứng tiền triệu chủ yếu xuất hiện ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Triệu chứng tiền triệu gồm:
      • Sốt nhẹ, đôi khi có thể đi kèm với nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn. Các triệu chứng này thường nhẹ nhàng và không ảnh hưởng tới tổng trạng chung của bệnh nhân.
      • Viêm long với biểu hiện viêm nhẹ mũi họng và viêm kết mạc, bệnh nhân không sợ ánh sáng hoặc sợ gió như trong bệnh sởi. Khi ban xuất hiện, các triệu chứng trên sẽ nhanh chóng suy giảm và thường biến mất vào ngày hôm sau.
      • Nổi hạch viêm là triệu chứng nổi bật nhất. Hạch viêm xuất hiện sớm (ít nhất 24 giờ) trước khi ban xuất hiện, kích thước trên 1cm, di động, ấn đau rõ nhất vào ngày phát ban, sau đó đau giảm nhanh vào ngày hôm sau nhưng hạch tovẫn còn sờ được sau nhiều ngày tới vài tuần sau đó. Trong bệnh rubella một số trường hợp có thể không có triệu chứng tiền triệu, nhưng nổi hạch sau tai, hạch chẩm, hạch cổ kéo dài (tới vài tuần) rất thường gặp trên lâm sàng và mặc dù không đặc hiệu cho bệnh rubella nhưng là dấu hiệu hướng tới chẩn đoán rubella trên lâm sàng.
      • Xuất hiện chấm xuất huyết ở khẩu cái mềm trong giai đoạn tiền triệu ngay trước phát ban hoặc trong ngày ban xuất hiện, biến mất nhanh khi ban hết.
  • Thời kỳ toàn phát
    • Thời kỳ này kéo dài trung bình khoảng 3 ngày, tuy nhiên có thể thay đổi từ 1 tới 5 ngày.
    • Ban dạng hồng ban dát sẩn xuất hiện đầu tiên ở mặt rồi nhanh chóng lan toàn thân, xu hướng li tâm, theo thứ tự từ trên xuống trong vòng 24 giờ. Cuối ngày thứ nhất ban lan toàn thân, dạng dát sẩn, hoặc dát hồng ban, màu hồng đỏ nhạt, đứng rời rạc. Ngày thứ 2, ban bắt đầu nhạt màu ở vùng đầu mặt, ban vùng thân mình có xu hướng kết hợp tạo ra những một vùng da hồng đỏ, đều, đồng nhất cho hình ảnh giống như ban sốt tinh hồng nhiệt, tuy nhiên sang thương ở tứ chi vẫn rải rác chứ không có xu hướng kết hợp như ban ở thân mình. Cuối ngày 3 ban sẽ biến mất hết và thường không để lại dấu vết.
    • Thời gian phát ban thường kéo dài 3 ngày, đôi khi có thể tới 5 ngày hoặc có khi ban chỉ xuất hiện trong ngày rồi biến mất.
  • Thời kỳ hồi phục: Từ lúc ban biến mất hoàn toàn (ngày thứ 4-5 của bệnh), các ban biến mất, tổng trạng bình thường, tuy nhiên hạch to vẫn có thể tồn tại thêm một vài tuần nữa.

Cận lâm sàng

  • Vì có nhiều bệnh lý phát ban tương tự bệnh rubella và nhiều trường hợp nhiễm rubella không biểu hiện triệu chứng nên xét nghiệm Rubella đóng vai trò quyết định trong chẩn đoán xác định nhiễm rubella.
    • Hai xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm huyết thanh chẩn đoán và xét nghiệm PCR hoặc RT-PCR là hai xét nghiệm quan trọng giúp khẳng định chẩn đoán trên thực hành lâm sàng:
      • Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, phát hiện ARN của virus bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc phân lập virus là những cách duy nhất để chẩn đoán xác định nhiễm rubella: huyết thanh chẩn đoán: Bệnh rubella có thể được chẩn đoán dựa vào sự mới xuất hiện của kháng thể IgM hoặc/và sự gia tăng tối thiểu 4 lần hiệu giá kháng thể IgG ở hai lần khác nhau, hai lần cách nhau tối thiểu một tuần.
      • Xét nghiệm PCR hoặc RT-PCR: kết quả có thể âm tính sau ngày 7-ngày 10 của bệnh.

Điều trị bệnh Rubella

Bệnh rubella vẫn chưa có điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, làm giảm sốt và giảm đau trong trường hợp có biến chứng viêm khớp.

Dị tật bẩm sinh do rubella cần được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.

Bệnh nhân bị bệnh Rubella nên được cách ly trong giai đoạn lây nhiễm của bệnh khoảng 5 ngày trước khi xuất hiện ban và 6 ngày sau khi ban bắt đầu xuất hiện.

Trẻ em bị nhiễm rubella bẩm sinh có thể thải virus qua chất tiết trong vòng một năm, trừ khi cấy nước tiểu hay phân âm tính trong 3 tháng liền. Bố mẹ của bé bị rubella bẩm sinh phải được hướng dẫn và có ý thức được nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn của bệnh nhi đến phụ nữ có thai chưa có miễn dịch với bệnh này.

Tất cả phụ nữ trước khi chuẩn bị hoặc đang mang thai nên được sàng lọc tầm soát miễn dịch với rubella bằng xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán để có hướng xử lý thích hợp

  • Nếu chưa có miễn dịch thì nên chủng ngừa trước khi quyết định mang thai
  • Nếu chưa có miễn dịch hoặc nồng độ kháng thể thấp thì phải hạn chế tối đa tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào bị sốt kèm phát ban.

Kết luận

Bệnh rubella là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch do virus rubella gây ra với các triệu chứng nổi bật qua 4 thời kì. Bệnh rubella được chẩn đoán dựa vào dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh rubella. Chỉ là điều trị triệu chứng chủ yếu là giảm sốt hoặc/và giảm đau trong trường hợp có biến chứng viêm khớp.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Bệnh Rubella của TS. BS Hoàng Trường

Có thể bạn quan tâm