Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tại nhà bạn cần biết

Cha mẹ cần biết cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tại nhà, đặc biệt là trong các thời điểm bệnh sốt xuất huyết đang diễn tiến thành dịch, nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho trẻ. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà trong bài viết dưới đây nhé!

Sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh gì?

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và có thể tạo thành dịch bệnh. Bệnh lây lan với trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, chúng đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở phần lớn các quốc gia có khí hậu nhiệt đới.

Ở Việt Nam, sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành địa phương, bệnh có thể gặp ở cả miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, cả thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 5 đến tháng 10, tùy vào khí hậu từng năm.

Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Thường gây ra dịch lớn với số lượng người mắc rất cao, là gánh nặng của ngành y tế, khó khăn cho việc điều trị. Bệnh có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào đặc biệt là trẻ em, bệnh cũng có khả năng gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Cha mẹ cần biết cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tại nhà

Ở trẻ em bệnh thường khởi phát với triệu chứng như sốt cao đột ngột, không có dấu hiệu hay triệu chứng nào trước đó và trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 đến 5 ngày đầu, kèm theo biểu hiện của nhiễm siêu vi như:

  • Đỏ mặt, da xung huyết
  • Đau nhức cơ – xương – khớp
  • Nhức đầu, chóng mặt
  • Đỏ mắt, đau họng
  • Mệt mỏi, buồn nôn, nôn

Triệu chứng kể trên có thể gặp trong những bệnh lý khác, khó phân biệt chúng với nhau do đó nếu trẻ có những triệu chứng này cha mẹ cần theo dõi kĩ, đưa trẻ đi khám để được đánh giá cẩn thận và điều trị các triệu chứng cũng như được làm các xét nghiệm cần thiết.

Trong giai đoạn tiếp theo trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như xuất huyết chấm (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), thường ở cẳng tay, cẳng chân, ngực, lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, đau bụng vùng gan… Đây là những triệu chứng cảnh báo gợi ý trẻ bị sốt xuất huyết cần đưa trẻ đi viện ngay.

Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tại nhà

Sốt xuất huyết nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Một số phụ huynh thường nhầm lẫn rằng trẻ hết sốt là khỏi bệnh như một số nhiễm siêu vi đơn thuần khác, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai. Dù tình trạng bé có thể hết sốt từ ngày thứ 3 của bệnh tuy nhiên giai đoạn sau đó mới đặc biệt vì quan trọng vì có thể xuất hiện các triệu chứng chuyển nặng.

Một trong những biến chứng nặng có thể gặp của bệnh đó là sốc do giảm thể tích, do mất máu và thất thoát huyết tương. Nguyên nhân là do virus Dengue khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm gia tăng tính thấm mao mạch. Máu bị cô đặc dần dẫn đến sốc, kéo dài có thể làm ứ đọng dịch huyết tương ở não gây phù não, ảnh hưởng chức năng thần kinh của trẻ. Ngoài ra còn có thể gây phù phổi, tràn dịch màng phổi,…

Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em thường được sử dụng đó là:

  • Giảm đau, hạ sốt bằng Paracetamol, đây là cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tại nhà thường thấy vì sốt là triệu chứng luôn có ở bệnh lý này.
  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát
  • Bù dịch bằng đường uống: oresol, nước sôi để nguội hoặc nước cháo loãng với muối

Phần lớn cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em trong giai đoạn sớm chưa có triệu chứng nguy hiểm thường là điều trị tại nhà hoặc theo dõi tại các cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bố mẹ cách điều trị triệu chứng và dặn dò các dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đưa trẻ đến nhập viện để xử trí kịp thời.

  • Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tựu chung cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc rồi cho trẻ uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Không sử dụng các biện pháp chăm sóc như cạo gió vì làm trẻ đau, gây chảy máu, nhiễm trùng mà không có hiệu quả trong việc điều trị.
  • Không cho trẻ ăn các loại thức ăn có màu đỏ, nâu, vì có thể làm đổi màu phân, gây nhầm lẫn với tiêu phân đen trong xuất huyết tiêu hóa.
  • Không hạ sốt, giảm đau bằng Aspirin, Ibuprofen vì nguy cơ gây xuất huyết.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

Đa số các trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết bố mẹ có thể đưa bé đi khám và khi có chỉ định điều trị ngoại trú có thể để bé ở nhà và tự điều trị. Cha mẹ cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ cũng như cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em đã được hướng dẫn và đưa trẻ đi khám ngay khi gặp các dấu hiệu gợi ý trở nặng.

Phụ huynh khi chăm sóc trẻ tại nhà cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo như: ngủ nhiều, lừ đừ, bứt rứt, vật vã, quấy khóc liên tục, bé lớn than đau bụng, vùng hạ sườn phải hoặc bé nôn ói nhiều. Bé ăn uống kém, chảy máu chân răng, chảy máu cam, đi cầu ra máu hoặc hành kinh bất thường ở trẻ gái… Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đến viện ngay.

Bù dịch là một trong những cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em có dấu hiệu nặng. Lượng dịch bù vào trong trường hợp trẻ bị sốc cần được chỉ định bởi bác sĩ.

Việc nắm bắt cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tại nhà trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của bé là hết sức cần thiết. Điêu quan trọng nhất cha mẹ vẫn nên lưu ý đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS