Cảm cúm: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm có thể lây sang từ người sang người. Tuy đã có vaccine và thuốc đặc trị nhưng người bệnh vẫn không nên xem thường. Theo WHO có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong liên quan đến dịch cúm hàng năm và cảm cúm là bệnh lây lan nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Hãy cùng Docosan tìm hiểu xem cảm cúm là gì, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa bệnh như thế nào trong bài viết dưới đây.

Cảm cúm là gì?

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm (Influenza virus) lưu hành ở khắp nơi trên thế giới gây ra, nó có thể gây nhiễm trùng cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. 

bệnh cảm cúm
Cảm cúm gây cản trở nhiều trong sinh hoạt của người bệnh

Cảm cúm và cảm lạnh có khác nhau không?

Về nguyên nhân

Nguyên nhân gây cảm lạnh: Do > 200 loại virus khác nhau có thể gây bệnh cảm lạnh như Rhinovirus là thường gặp nhất, Coronavirus, Adenovirus, Coxsackie virus, Paramyxovirus, Parainfluenza virus, Respiratory syncytial virus, …

Nguyên nhân gây cảm cúm: Do virus cúm (Influenza virus) gây ra. Influenza virus thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được có 3 type: A, B và C.

  • Virus cúm A: nguồn bệnh tự nhiên ở thủy cầm, có khả năng gây dịch và đại dịch ở người
  • Virus cúm B: chỉ có ở người, có khả năng gây dịch nhưng không gây đại dịch
  • Virus cúm C: chỉ có ở người, bệnh nhẹ, không gây dịch

Về triệu chứng

Cảm cúmCảm lạnh
SốtThường cóHiếm có
ĐauThường cóKhông đáng kể
mệt mỏi, yếu cơThường cóThỉnh thoảng có
Hắt hơiThỉnh thoảng cóHay gặp
Nghẹt mũiThỉnh thoảng cóHay gặp
Đau họngThỉnh thoảng cóHay gặp
Đau ngực, hoHay gặpNhẹ đến vừa 
Đau đầuHay gặpHiếm
Bảng so sánh các triệu chứng giữa Cảm cúm và cảm lạnh

Tuy nhiên không thể chỉ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán phân biệt cảm cúm với những bệnh lý hô hấp do các tác nhân virus khác hoặc viêm phổi do vi trùng gây ra được, cần phải phối hợp cả các yếu tố dịch tễ (có ý nghĩa quan trọng gợi ý chẩn đoán) và các yếu tố cận lâm sàng (có ý nghĩa xác định chẩn đoán).

Mùa cúm ở Việt Nam rơi vào tháng mấy?

Tại Việt Nam mùa cúm thường rơi vào mùa xuân và mùa đông, đỉnh của dịch cúm mùa vào khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10 hằng năm.

Vì vậy người dân nên tiêm phòng vắc xin lý tưởng nhất là trước khi vào mùa cúm, khoảng thời gian thích hợp để tiêm vắc-xin cúm là 2 tuần đến 1 tháng trước khi vào mùa cúm cao điểm. Các gia đình được khuyến khích nên đi tiêm phòng vaccine cúm từ tháng 9 đến tháng 3 để có hiệu quả tốt nhất.

Mặc dù vậy, nếu như đã không tiêm phòng bệnh được vào thời điểm nếu trên thì vẫn có thể tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào trong mùa cúm, vẫn sẽ giúp phòng ngừa mắc bệnh.

Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ thể bệnh cúm biến chứng và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ bệnh cúm cao. WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:

  • ­Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ
  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
  • Người lớn tuổi (trên 65 tuổi)
  • Người mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch: Hen suyễn, COPD, tiểu đường, ung thư, sử dụng corticoid kéo dài, nhiễm HIV
  • Nhân viên y tế

Bên cạnh đó, việc sử dụng vaccine cúm chống chỉ định với những người có cơ địa dị ứng với trứng gia cầm.

Tại sao phải tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm?

Tiêm ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do: 

  • Virus cúm có đặc điểm là thường xuyên và liên tục thay đổi kháng nguyên tạo ra biến thể mới hàng năm, nên vaccin cúm luôn được cập nhật hàng năm. Điều đó nói lên rằng vắc xin năm ngoái không thể bảo vệ bạn khỏi chủng vi-rút mới của năm nay
  • Thời gian miễn dịch trung bình của vaccine cúm là một năm
  • Khả năng thay đổi kháng nguyên  của virus cúm khiến nó luôn tiềm ẩn nguy cơ gây dịch cúm hoặc đại dịch cúm chính vì vậy việc tiêm phòng bệnh là vô cùng cần thiết

Dấu hiệu cảm cúm gồm những triệu chứng nào?

Triệu chứng cảm cúm thường thấy như sốt, nhức đầu, ho, đau cơ, mệt mỏi. Đa phần đều diễn biến cấp tính và tự giới hạn trong vòng 1 tuần. Bệnh thường biểu hiện ở 2 thể:

  • Thể bệnh cúm thông thường: là thể bệnh thường gặp nhất
  • Ủ bệnh (1 – 2 ngày): Không triệu chứng
    • Khởi phát (3 ngày): 
      • Sốt > 38 độ C
      • Nhức đầu
      • Đau cơ
      • Mệt mỏi, chán ăn
      • Chảy nước mắt sống
      • Hắt hơi, chảy mũi, ho khan
    • Toàn phát (3 – 7 ngày)
      • Hội chứng nhiễm trùng – nhiễm độc: sốt cao, lừ đừ, vật vã, …
      • Hội chứng hô hấp: khó thở, thở co kéo các cơ hô hấp phụ, …
    • Lui bệnh (1 – 2 tuần): Thường lành bệnh hoàn toàn.
  • Thể bệnh cúm có biến chứng: ít xảy ra, nhưng nếu bị thì có thể gây tử vong vì bệnh cảnh nặng.
    • Biến chứng phổi: viêm phổi, viêm thanh khí phế quản (trẻ em), đợt cấp của COPD hoặc hen suyễn, viêm tai giữa (thường ở trẻ em), viêm xoang.
    • Biến chứng ngoài phổi: viêm cơ, viêm cơ tim, Sốc độc tố, Hội chứng Guillain-Barré, viêm não, viêm tủy cắt ngang, Hội chứng Reye

Chẩn đoán bệnh cảm cúm như thế nào?

Phương pháp chẩn đoán dịch tễ:

  • Sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành
  • Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm

Chẩn đoán thông qua các triệu chứng:

  • Sốt trên 38 độ C
  • Đau nhức cơ toàn thân
  • Biểu hiện hô hấp: hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi,ho, khó thở…
  • X-quang phổi: bình thường hoặc tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi
  • Bạch cầu bình thường hay giảm

Ngoài ra, các bác sĩ có thể tiến hành bằng phương pháp xét nghiệm PCR

Điều trị cảm cúm như thế nào?

Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày. 

Cần lưu ý, kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút cúm nên không được sử dụng. 

Thuốc kháng virus cúm được sử dụng để ngăn sự nhân lên của vi rút cúm. Nếu uống thuốc trước khi bị bệnh hay trong 2 ngày đầu của bệnh, những thuốc này có thể  phòng được nhiễm bệnh hay giảm số ngày bị bệnh.

Làm sao để phòng ngừa bệnh cúm mùa?

Tiêm vacxin cúm hàng năm (Hiệu lực bảo vệ: 70% – 80%)

Các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng trong phòng cúm mùa như:

  • Rửa tay thường xuyên và thực hiện đúng 6 bước rửa tay, lau khô tay đúng cách
  • ­Vệ sinh hô hấp tốt – che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khủy tay, sử dụng khăn giấy đúng cách
  • Tự nguyện cách ly sớm những người cảm thấy mệt mỏi, sốt và có các triệu chứng cúm khác
  • ­Tránh tiếp xúc gần với người bệnh, giữ khoảng cách xa >1m
  • Tránh để tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
  • Tránh tụ tập đông người trong thời gian có dịch
  • Xử lý dụng cụ, đồ dùng của BN cúm đúng quy cách
  • Có thể giặt đồ của người bệnh cúm trong máy giặt tiêu chuẩn bằng nước ấm hay lạnh và chất tẩy. Không cần thiết để riêng vải lanh dơ và đồ giặt của bệnh nhân bị cúm với đồ giặt khác trong gia đình. Nên thận trọng khi xử lý đồ giặt dơ bẩn (nghĩa là tránh “ôm” đồ dơ vào người) để tránh bị nhiễm bệnh. Nên vệ sinh tay sau khi xử lý đồ giặt dơ.  
  • Chén dĩa dơ bẩn và đồ dùng ăn uống nên rửa trong máy rửa chén hay rửa bằng tay bằng nước ấm và xà phòng. Không cần thiết để riêng đồ dùng ăn uống của bệnh nhân mắc bệnh cúm.  

Một số bác sĩ khám và điều trị cảm cúm

  • Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Bảo Xuân Thanh, hơn 10 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, TP.HCM
  • Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Kim Sang, hơn 30 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, TP.HCM

Kết luận

Bệnh cảm cúm là một bệnh tương đối nguy hiểm nếu không được tiêm phòng vacxin và có thể lây lan cho mọi người xung quanh. Do đó, để phòng bệnh, mọi người phải có ý thức tiêm phòng vacxin hằng năm. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến gặp các bác sĩ càng sớm càng tốt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm