Lưu ý khi sử dụng 2 loại thuốc bôi thủy đậu bạn cần biết

Thủy đậu không chỉ khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu mà còn dễ gây mất thẩm mỹ nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời. Thuốc bôi thủy đậu hiện nay là một phương pháp không thể thiếu trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân thủy đậu. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu các loại thuốc bôi thủy đậu và cần lưu ý gì khi sử dụng trong bài viết dưới đây nhé!

Thủy đậu là bệnh lý gì?

Thủy đậu (hay còn được gọi là trái rạ) là bệnh lý truyền nhiễm gây ra bởi virus varicella zoster (VSV). Ở những người khỏe mạnh, thủy đậu được xem là một bệnh lành tính, ít nguy hiểm, đặc trưng bởi các triệu chứng sốt nhẹ, khó chịu và nổi mụn nước kèm ngứa toàn thân. Phát ban mụn nước thường xuất hiện đầu tiên ở mặt, bụng, ngực, lưng và lan nhanh theo hướng ly tâm đến các phần khác của cơ thể.

Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng,nhất là với những người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm virus varicella zoster. Bệnh có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó, bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Thông thường, khi bị nhiễm thủy đậu, bệnh sẽ phát triển theo 4 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng khác nhau. Trong đó:

  • Giai đoạn ủ bệnh: là giai đoạn nhiễm virus. Ở giai đoạn này người bệnh sẽ không có dấu hiệu gì nên khó nhận biết. Thời gian ủ bệnh của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào sức đề kháng và đối tượng nhiễm bệnh,  thường kéo dài trong khoảng 10-20 ngày.
  • Giai đoạn phát bệnh: xuất hiện những triệu chứng: sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng. Cơ thể bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ.
  • Giai đoạn toàn phát: Các mụn nước hay còn gọi là ban dạng phỏng nước với đường kính từ 1-3mm, có chứa dịch, gây ngứa rát, khó chịu xuất hiện toàn thân. Một số trường hợp, thủy đậu mọc trong miệng gây khó khăn trong việc ăn uống.
  • Giai đoạn hồi phục: Sau 7-10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy. Trong giai đoạn này cần vệ sinh và bôi thuốc để sát trùng khiến vết mụn nhanh khô. Thủy đậu sẽ để lại sẹo sau khi chúng biến mất, người bệnh nên kết hợp sử dụng thuốc trị sẹo, trị thâm để làn da trở về trạng thái bình thường.

Tuy bệnh lành tính ở đa số người khỏe mạnh nhưng trong một số trường hợp thủy đậu có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm:

  • Viêm não – màng não
  • Viêm phổi do thủy đậu
  • Nhiễm khuẩn thứ phát
  • Rối loạn đông máu
  • Nhiễm trùng chu sinh do lây truyền từ mẹ đe dọa tính mạng của em bé.

Nguy cơ mắc thủy đậu thường cao hơn trong thai kỳ, trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày tuổi) và những người bị suy giảm miễn dịch.  Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến thai nhi như sảy thai hoặc dị tật thai nhi. Sau khi nhiễm trùng nguyên phát, virus varicella zoster có khả năng tồn tại tiềm ẩn trong cơ thể chúng ta (tế bào thần kinh). Sau đó, nếu xuất hiện yếu tố thúc đẩy có thể tái kích hoạt tạo thành bệnh zona.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm và lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp. Khi nói chuyện, ho, hắt hơi…nước bọt của người bị thủy đậu sẽ bay trong không khí, người khỏe mạnh sẽ bị nhiễm bệnh nếu hít phải. Chất dịch ở nốt phỏng thủy đậu cũng có thể gây lây lan căn bệnh này. Ngoài ra, thủy đậu còn có thể lây lan nếu như sử dụng chung đồ dùng cá nhân chứa dịch thủy đậu với người mắc bệnh như: bàn chải đánh răng, quần áo, khăn tắm, khăn mặt, bát đũa…

Chính vì vậy, khi mắc bệnh thủy đậu, người bệnh cần có ý thức trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

Thuốc bôi thủy đậu thường được sử dụng

Khi mắc bệnh bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà hãy đi khám để được kiểm tra cũng như sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào mức độ bệnh, sức đề kháng, tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ có phương pháp phù hợp. Các loại thuốc bôi thủy đậu thường được sử dụng là:

Thuốc bôi thủy đậu Acyclovir

Acyclovir ngoài đường uống còn có dạng thuốc bôi dùng để bôi ngoài da. Thuốc bôi thủy đậu chứa acyclovir bao gồm dẫn chất purin nucleoside. Chất này có khả năng ức chế mạnh đối với virus gây bệnh VSV. Bên cạnh đó, thuốc bôi thủy đậu Acyclovir còn giúp làm mềm, cân bằng độ ẩm trên da và giúp thành phần của thuốc thấm sâu vào các lớp dưới da tốt hơn, nâng cao hiệu quả điều trị.

Thuốc bôi thủy đậu Acyclovir chứa các hoạt chất và thành phần có khả năng ức chế quá trình tổng hợp và phân chia DNA của virus VSV gây bệnh thủy đậu, giúp ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng hơn, hồi phục nhanh hơn và nâng cao hiệu quả điều trị. Đây cũng là một trong những loại thuốc bôi thủy đậu thường được dùng nhất.

Chỉ định thường gặp của thuốc bôi thủy đậu Acyclovir đó là trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch hoặc các trường hợp thủy đậu có biến chứng nặng. Bên cạnh thủy đậu, loại thuốc bôi này còn được sử dụng trong một số bệnh lý ngoài da khác. Acyclovir có giá thành phù hợp với túi tiền của bệnh nhân. Khi sử dụng tránh để thuốc dính vào mắt, miệng, âm đạo,…

Thuốc bôi thủy đậu thuốc xanh methylen

Thuốc bôi thủy đậu xanh methylen là một trong những loại thuốc bôi thường được dùng bởi sự lành tính, vai trò sát khuẩn nhẹ, giúp người bệnh ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm. Bôi thuốc xanh methylen sẽ giúp các mụn nước khô nhanh hơn, hạn chế sự lây lan mầm bệnh đến các nơi khác trên cơ thể.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc bôi thủy đậu xanh methylen tránh để vấy thuốc dính vào quần áo vì rất khó tẩy rửa sạch hoàn toàn, tránh sử dụng chung với các loại thuốc có thuộc tính kiềm hay có khả năng oxy hóa mạnh. Loại thuốc bôi thủy đậu này còn được dùng trong một số bệnh lý khác như viêm da mủ. Xanh methylen có độ an toàn cao và có thể sử dụng được cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi thủy đậu

Thủy đậu thường là một bệnh lành tính, có thể tự hồi phục. Do đó chỉ nên sử dụng thuốc bôi thủy đậu Acyclovir trong một số trường hợp nhất định như người có miễn dịch suy yếu khi sử dụng corticoid dài ngày. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc tự ý điều trị tại nhà mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thuốc bôi thủy đậu Acyclovir cần được bảo quản kỹ lưỡng ở nhiệt độ phòng, điều kiện mát mẻ, tránh nóng ẩm và tránh nơi nhiều ánh sáng. Thuốc chỉ được sử dụng khi có sự kê đơn của bác sĩ. Tùy từng trường hợp bệnh nhân sẽ được kê đơn với hàm lượng khác nhau. Thường bôi thuốc bôi thủy đậu Acyclovir trong khoảng 7 ngày, tùy vào khả năng hồi phục của người bệnh. Khi dùng người bệnh chỉ nên sử dụng một lượng vừa đủ.

Khi bị thủy đậu, mọi người sẽ ngay đến việc bôi thuốc xanh methylen. Thuốc có thể gây mất thẩm mỹ do màu xanh đặc trưng đồng thời khiến quần áo, chăn gối bị dính bẩn, tuy nhiên lại hỗ trợ điều trị rất hiệu quả. Khi bôi thuốc xanh methylen, người bệnh cần lưu ý, chỉ bôi thuốc khi nốt mụn nước của bệnh thủy đậu bị vỡ. Lúc này, thoa thuốc mới có tác dụng sát trùng, giúp nốt vỡ se lại, khô nhanh, ngừa bội nhiễm vi khuẩn và hạn chế việc lây lan sang vùng da xung quanh.

Thuốc bôi thủy đậu thường ít gây ra các tác dụng phụ hơn đường uống như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, đau đầu… Các triệu chứng có thể gây ra bởi thuốc bôi tại chỗ thường là cảm giác nóng, châm chích đôi khi có thể cảm thấy rát. Nếu chỉ bôi lượng ít thì các triệu chứng này chỉ xuất hiện trong vài lần bôi đầu tiên. Tuy nhiên nếu xuất hiện tình trạng sang đỏ dữ dội hoặc các phản ứng bất thường khác sau khi bôi, người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay.

Đặc biệt, đối với từng trường hợp bệnh, khi đi khám bạn cần thành thật trong việc khai báo các thông tin về sức khỏe của mình: tình trạng sức khỏe hiện tại ra sao, có sử dụng thuốc gì hoặc có bệnh nền gì không để được điều trị phù hợp. Đặc biệt với đối tượng có suy giảm miễn dịch do dùng thuốc hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai… cần cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ.

Hiện nay, các nghiên cứu về tác dụng phụ của các thuốc bôi thủy đậu vẫn chưa được xác định một cách bài bản, chuyên sâu. Do đó việc theo dõi kĩ các triệu chứng khi sử dụng thuốc là điều cần thiết để kịp thời phát hiện các tác dụng phụ của thuốc. Đặc biệt chỉ nên bôi thuốc sau khi đã vệ sinh cơ thể sạch sẽ, điều này sẽ hạn chế nguy cơ bội nhiễm đồng thời thuốc có thể ngấm tốt hơn.

Khi bị thủy đậu, bạn nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra và có phương pháp cũng như kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng cũng như điều kiện sức khỏe của bản thân. Việc điều trị kịp thời, đúng cách giúp hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Sau khi đã đến bác sĩ bạn có thể tự điều trị tại nhà với những lưu ý sau:

  • Sử dụng thuốc bôi thủy đậu hoặc thuốc uống đúng liều, đúng thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không gãi khiến các nốt mụn nước thủy đậu bị vỡ ra dễ để lại sẹo và khiến dịch lây nhiễm sang những vùng da xung quanh hoặc đồ dùng cá nhân lây sang người khác.
  • Khi mụn nước bị vỡ nên bôi thuốc xanh methylen để sát trùng, khiến nốt mụn se lại, nhanh khô. Khi vết thủy đậu khô miệng nên bôi thuốc trị sẹo tránh để lại sẹo gây mất thẩm mỹ nhất là vùng da mặt.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nên dùng sữa tắm dịu nhẹ, lành tính, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh, không tắm trong thời gian quá lâu. Sau khi tắm, lau khô người rồi mới dùng thuốc bôi thủy đậu.
  • Trong thời gian bị thủy đậu, mặc quần áo rộng, thoáng mát, tránh những quần áo bó sát, khô ráp dễ khiến mụn nước bị vỡ cũng như gây khó chịu cho da.
  • Trường hợp thủy đậu mọc trong miệng, cần chú ý vệ sinh răng miệng, đánh răng, súc miệng bằng nước muối thường xuyên.
  • Khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang, tự động cách ly với những người xung quanh, không để đồ dùng cá nhân bừa bãi, cần sát khuẩn đồ dùng cá nhân tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
  • Ăn uống những thực phẩm tốt cho sức khỏe, rau củ quả nhiều vitamin, dinh dưỡng…, tập luyện những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc giúp tăng sức đề kháng ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh. Không nên ăn đồ nhiều dầu mỡ, cay nóng,  thức ăn nhanh, đồ uống có gas, có cồn như bia rượu…
  • Trong quá trình điều trị thủy đậu tại nhà, nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Phòng ngừa bệnh thủy đậu

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, mọi người có thể thực hiện theo những phương pháp sau:

  • Tiêm vắc xin ngăn ngừa thủy đậu là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và lâu dài nhất. Những người đã tiêm vắc xin mà vẫn bị thủy đậu, các triệu chứng sẽ nhẹ hơn. Chính vì vậy, người lớn cũng như trẻ nhỏ hãy tiêm ngừa thủy đậu theo đúng liều lượng, thời gian theo hướng dẫn của trung tâm tiêm chủng.
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như: khăn tắm, khăn mặt, quần áo…với người đang bị thủy đậu.
  • Không tiếp xúc trực tiếp hay chạm vào những những nốt mụn nước thủy đậu. Khi đang có dịch hoặc có người xung quanh bị thủy đậu, cần đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ.
  • Cần cách ly người bệnh với người thân và cộng đồng, tránh lây lan bệnh.
  • Khi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh thủy đậu, cần đi khám để được kiểm tra cũng như điều trị kịp thời, hiệu quả tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hiện nay thuốc bôi thủy đậu thường được sử dụng trong một số trường hợp nhất định. Trong đó đa số bệnh nhân sẽ được bôi thuốc xanh methylen để phòng ngừa bội nhiễm. Đối với thuốc bôi Acyclovir chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định. Việc sử dụng thuốc bôi thủy đậu phải được có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ điều trị.

Khi nào thì bôi thuốc trị sẹo thủy đậu?

Khi thủy đậu khỏi, nếu không bôi thuốc trị sẹo đúng thời điểm, sẹo sẽ xuất hiện. Sẹo là quá trình tự nhiên chữa lành vết thương nhưng thường để lại những vết lồi, lõm, thâm gây mất thẩm mỹ. Thời điểm sử dụng thuốc trị sẹo tốt nhất là khi vết thủy đậu vừa khô miệng, chuẩn bị lên da non. Bởi đây là thời điểm da tái tạo và hấp thu dưỡng chất mạnh mẽ nhất, giúp da mịn màng, ngăn chặn sự hình thành của sẹo nhất là vùng da mặt.

Thuốc xanh bôi thuỷ đậu có tác dụng gì?

Khi bị bệnh thủy đậu, thuốc xanh được dùng thoa lên nốt vỡ thủy đậu để sát trùng, giúp vết thủy đậu mau khô và mau kết vảy hơn, hạn chế sự lây lan mầm bệnh đến các nơi khác trên cơ thể.

Xem thêm: Giá vacxin thủy đậu

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước..


Nguồn tham khảo: NHS