Các chỉ số và ý nghĩa của xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là một xét nghiệm cần thiết trong y khoa, đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Qua bài viết này, Doctor có sẵn sẽ cung cấp cho bạn ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm nước tiểu nhé!

Xét nghiệm nước tiểu là gì?

Xét nghiệm nước tiểu hay còn gọi là tổng phân tích nước tiểu là một trong những xét nghiệm không thể thiếu khi đánh giá các bệnh lý thận – niệu, được sử dụng để phát hiện đồng thời các rối loạn như nhiễm trùng tiểu, bệnh thận, đái tháo đường. Xét nghiệm sẽ kiểm tra sự hiện diện cũng như nồng độ các chất trong nước tiểu. 

Bình thường, các chỉ số lý hóa của nước tiểu có giá trị cụ thể còn các chất bất thường thì có nồng độ rất thấp, gần như không thể phát hiện được. Kết quả tổng phân tích nước tiểu không bình thường có thể là dấu hiệu minh chứng bạn đang có vấn đề về sức khỏe.

xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu giúp đánh giá bệnh lý về thận – niệu

Trước khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các lưu ý như: tránh ăn các thực phẩm có thể làm nước tiểu đổi màu, không tập thể dục quá sức, tránh xét nghiệm khi đang hoặc gần bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang uống.

Xem thêm: Nước tiểu màu vàng là bệnh gì?

Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu

Đây là 10 chỉ số trong xét nghiệm nước tiểu thường được sử dụng tai các bệnh viện và trung tâm y tế:

  • SG (Specific Gravity – Trọng lượng riêng)
  • pH (Độ pH)
  • BLD (Blood – Tế bào hồng cầu)
  • LEU hay BLO (Leukocytes – Tế bào bạch cầu)
  • NIT (Nitrite)
  • PRO (Protein)
  • GLU (Glucose – Đường)
  • KET (Ketone – Xeton)
  • BIL (Bilirubin)
  • UBG (Urobilinogen)
xét nghiệm nước tiểu
Các chỉ số và ý nghĩa của xét nghiệm nước tiểu

SG (Specific Gravity – Trọng lượng riêng)

Là chỉ số thể hiện trọng lượng riêng của nước tiểu bằng cách đo nồng độ các chất tan trong nước tiểu thông qua đó phản ánh khả năng cô đặc nước tiểu của cơ thể.

  • Trị số bình thường nằm trong khoảng 1,003 – 1,030
  • Trị số tăng khi: nước tiểu bị cô đặc trong các trường hợp suy thận cấp trước thận, ói nhiều mất dịch, tiêu chảy, sốt cao, hội chứng thận hư.
  • Trị số giảm khi: thân mất khả năng cô đặc (đái tháo nhạt).

pH (Độ pH)

Là chỉ số thể hiện tình trạng toan-kiềm của nước tiểu thông qua đo lượng ion H+ trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường nằm trong khoảng 5,0 – 8,5
  • Trị số tăng khi: toan hóa ống thận, nhiễm trùng vi khuẩn sinh urease, chế độ ăn chay.
  • Trị số giảm khi: toan chuyển hóa, mất dịch, chế độ ăn nhiều thịt.

BLD (Blood – Tế bào hồng cầu)

Là chỉ số thể hiện sự tồn tại của tế bào hồng cầu trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường âm tính, nồng độ cho phép: 0.015 – 0.062 mg/dL.
  • Trị số dương tính khi nước tiểu có lẫn máu, gặp trong các bệnh lý như: ung thư  thận, bàng quang, sỏi thận, sỏi tiền liệt tuyến, viêm cầu thận, xung huyết thận thụ động, hội chứng thận hư, thận đa nang, viêm đài bể thận, nhiễm trùng niệu, nhiễm khuẩn nước tiểu, cao huyết áp có tán huyết ngoại mạch thận.
xét nghiệm nước tiểu
Chỉ số BLD (Blood – Tế bào hồng cầu)

LEU hay BLO (Leukocytes – Tế bào bạch cầu)

Là chỉ số thể hiện sự tồn tại của tế bào bạch cầu trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường âm tính, nồng độ cho phép: 10 – 25 Leu/UL.
  • Trị số dương tính khi có các bệnh lý như: viêm cầu thận cấp, viêm ống thận mô kẽ cấp, nhiễm trùng tiểu, sỏi thận.

NIT (Nitrite)

Là chỉ dấu để phát hiện một nhóm vi khuẩn gây bệnh tại đường niệu.

  • Trị số bình thường âm tính
  • Trị số dương tính khi xuất hiện nhóm vi khuẩn có khả năng tiết enzyme khử nitrate thành nitrite trong các trường hợp nhiễm trùng đường niệu.

PRO (Protein)

Là chỉ số thể hiện nồng độ protein (hay thường gọi là độ đạm) trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường âm tính, Âm tính, chỉ số cho phép: 7.5 – 20 mg/dL.
  • Trị số dương tính khi: thiếu nước, mẫu xét nghiệm chứa dịch nhầy, nhiễm trùng đường tiểu, tăng huyết áp, có vấn đề ở thận, tiền sản giật ở thai phụ.

GLU (Glucose – Đường)

Là chỉ số thể hiện nồng độ glucose trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường âm tính hoặc cao hơn ở phụ nữ mang thai, nồng độ cho phép: 50 – 100 mg/dL.
  • Trị số dương tính khi: Đái tháo đường có nồng độ đường huyết >180mg/dl, đa u tủy, hội chứng Fanconi.
xét nghiệm nước tiểu
Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu khác được bác sĩ ghi nhận

KET (Ketone – Ceton)

Là chỉ số thể hiện nồng độ keton (một chất chuyển hóa từ chất béo) trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường âm tính, nồng độ cho phép 2,5 – 5 mg/dL.
  • Trị số dương tính khi: Đái tháo đường nhiễm keton, nhịn đói lâu ngày, ói nhiều, mất nước, cường giáp, ứng đọng glycogen.

BIL (Bilirubin) 

Là chỉ số thể hiện nồng độ Bilirubin ( là sắc tố mật chính, là sản phẩm thoái giáng của heme trong tế bào hồng cầu) trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường âm tính, nồng độ cho phép: 0.4 – 0.8 mg/dL.
  • Trị số dương tính khi: có tổn thương gan, tắc mật, viêm gan do virus, nhiễm độc thuốc.

UBG (Urobilinogen)

Là chỉ số thể hiện nồng độ Urobilinogen (là sản phẩm giáng hóa của Bilirubin) trong nước tiểu.

  • Trị số bình thường âm tính
  • Trị số dương tính khi: xơ gan, viêm gan.

Xét nghiệm nước tiểu ở đâu?

  • Bệnh viện Quốc tế City (CIH) là bệnh viện đa khoa cao cấp đầu tiên của Khu Y tế kỹ thuật cao ở Quận Bình Tân, được trang bị đầy đủ máy xét nghiệm nước tiểu, máy xét nghiệm máu, … đa thông số, nhập khẩu, chất lượng cao.

Lời kết

Tóm lại, tổng phân tích nước tiểu là xét nghiệm để đo lường nồng độ của một số chất hóa học trong bệnh phẩm là nước tiểu, giúp cho việc chẩn đoán và theo dõi bệnh lý.

Kết quả của xét nghiệm nước tiểu thường không phải là kết quả chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ có thể dựa vào kết quả của tổng phân tích nước tiểu để đưa ra hướng điều trị hoặc đề nghị các xét nghiệm tiếp theo. Nếu kết quả vượt mức bình thường, bạn cần tham khảo bác sĩ để có hướng chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

  • Bộ môn nội tổng quát – ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, Bài giảng Phân tích nước tiểu.
  • What is urinalysis? – webmd.com