Dày sừng nang lông là một tình trạng da rất thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên, nhất là tuổi dậy thì khiến các bạn trẻ tự ti về vẻ ngoài của mình. Vậy dày sừng nang lông có nguy hiểm không và có cách nào trị được không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết sau.
Tóm tắt nội dung
Bệnh dày sừng nang lông là gì?
Dày sừng nang lông là một tình trạng da mãn tính khá phổ biến. Bệnh gặp ở 80% trẻ vị thành niên và 40% người trưởng thành. Dày sừng nang lông thường xuất hiện từ khi bệnh nhân còn nhỏ và tiến triển dần, lan rộng đến 20 tuổi, nhiều nhất ở tuổi dậy thì, đến tuổi ngoài 30 tuổi thì bệnh giảm hoặc tự mất.
Bệnh biểu hiện đặc trưng với các sẩn nhỏ trên nền hồng ban, xuất hiện nhiều ở bề mặt của chi trên và chi dưới. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ của người bệnh.
Nguyên nhân bệnh dày sừng nang lông là gì?
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ các nguyên nhân gây dày sừng nang lông. Giả thuyết đặt ra là bệnh lý có liên quan đến sự tích tụ keratin, một loại protein cấu trúc sợi có nhiều ở lông và tóc. Keratin có tác dụng bảo vệ da khỏi các chất có hại và các tác nhân gây nhiễm trùng.
Thông thường, các tế bào da khi chết sẽ bị bong ra. Tuy nhiên, ở một số người keratin bị tích tụ ở nang lông rất nhiều. Nguyên nhân gây tích tụ keratin chính xác vẫn chưa được biết rõ, có thể do tụ cầu vàng, nấm hoặc dinh dưỡng kém, tuổi tác, suy giảm miễn dịch, chấn thương, môi trường vệ sinh kém, tiếp xúc hóa chất, …
Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện thấy dày sừng nang lông liên quan đến vấn đề di truyền và các bệnh về da khác. Một số yếu tố yếu tố nguy cơ di truyền dẫn tới tình trạng mắc bệnh bao gồm:
- Bệnh da vảy cá
- Trong gia đình có người mắc bệnh dày sừng nang lông
- Bệnh chàm (viêm da cơ địa)
- Bệnh lý khác, chẳng hạn đái tháo đường, hội chứng Down và hội chứng Noonan.
Chẩn đoán bệnh dày sừng nang lông
Những người bị dày sừng nang lông thường sẽ đến khám vì làn da nổi những sẩn đỏ không đau hoặc ngứa. Các sang thương da xuất hiện đơn thuần và không có triệu chứng nào khác, thường thấy trên bề mặt của chi trên và chi dưới hoặc ở mông, có thế xuất hiện cả trên mặt và thân. Có thể có hồng ban và phù nề đi kèm với sẩn đỏ nếu bệnh nhân nặn các sẩn để lấy chất sừng ra. Khi chất sừng bong tróc có thể thấy có một sợi lông nằm cong bên dưới, dùng tay khều, sợi lông sẽ mọc lên được. Bệnh không xảy ra ở vùng không có nang lông như lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Hỏi bệnh sử kỹ lưỡng và khám tổng quát là 2 việc cần thiết để bác sĩ da liễu chẩn đoán bệnh dày sừng nang lông. Bác sĩ thường hỏi về sự xuất hiện, vị trí sang thương da và các triệu chứng của các sang thương da. Bác sĩ cũng hỏi thêm về các phương pháp điều trị tại nhà và ảnh hưởng của bệnh lý đến bệnh nhân như thế nào để có thể lập kế hoạch điều trị cụ thể.
Bên cạnh đó bác sĩ có còn có thể đánh giá các tổn thương da bằng kính soi da để hỗ trợ chẩn đoán. Các bất thường của nang lông sẽ được hiển thị khi quan sát các sẩn bằng kính soi da. Các sợi lông có thể mỏng và ngắn, cuộn lại hoặc nhúng vào trong lớp sừng.
Điều trị dày sừng nang lông như thế nào ?
Người bệnh luôn băn khoăn liệu bệnh bệnh dày sừng nang lông có chữa được không ? Dày sừng nang lông là một tình trạng sang thương da đơn thuần, không nguy hiểm, thường tự hồi phục theo thời gian. Chính vì vậy việc điều trị bệnh đôi khi không cần thiết. Nhưng nếu tình trạng dày sừng nang lông làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cuộc sống của bạn, hãy đến khám bác sĩ da liễu để xin ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra những giải pháp điều trị và lời khuyên phù hợp cho vấn đề của bạn để giúp triệu chứng thuyên giảm nhanh hơn.
Sau đây là một số biện pháp chúng tôi đề nghị để bạn có thể áp dụng giúp giảm bệnh nhanh hơn và cũng giúp phòng ngừa bệnh tái phát sau này:
- Dưỡng ẩm và chăm sóc da thường xuyên, thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da cần điều trị ít nhất 2 hoặc 3 lần một ngày. Nên dưỡng ẩm sau khi tắm, khi da vẫn còn ẩm bằng kem có chứa lanolin hoặc dùng Vaseline hoặc kem chứa glycerin, kem urê 20%.
- Sử dụng máy tạo ẩm di động hoặc cố định trong phòng để duy trì độ ẩm không khí khắp phòng ở mức thích hợp, giúp giữ da luôn được mềm mại, không bị khô.
- Sử dụng thêm các thuốc bôi tại chỗ như các loại kem bôi có nguồn gốc từ vitamin A có thể làm giảm sự tích tụ keratin và ngăn ngừa tình trạng bít tắc nang lông. Lưu ý rằng những sản phẩm chứa retinoids có thể gây kích ứng và làm khô da.
- Tẩy da chết bằng phương pháp cơ học (dùng xơ mướp hay bộ dụng cụ chuyên biệt hoặc dùng muối biển: trộn 2 muỗng cà phê muối biển với bốn muỗng cà phê mật ong, thoa đều và chà xát nhẹ nhàng vào da, sau đó giữ yên trong 15 phút và rửa sạch với nước ấm.) hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa axit salicylic 6% – sản phẩm này có thể tẩy da chết một cách nhẹ nhàng và an toàn. Tuy nhiên axit có thể gây mẩn đỏ và châm chích, vì vậy không được khuyến khích dùng cho trẻ nhỏ và chỉ nên sử dụng các sản phẩm tẩy da chết theo đúng liều lượng và số lần mà bác sĩ chỉ định.
- Biện pháp laser thường được cân nhắc dùng để điều trị cho các trường hợp dày sừng nang lông nặng, không thuyên giảm khi sử dụng kem dưỡng ẩm và thuốc bôi. Laser có thể giúp làm giảm sưng và mẩn đỏ cũng như cải thiện kết cấu làn da
- Tăng cường ăn các thực phẩm kháng viêm, nhất là nhóm giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu mà cơ thể cần cho sự phát triển tế bào da, chữa lành tổn thương và hydrat hóa da, bổ sung thực phẩm giàu omega – 3, uống nhiều nước để giữ cho cơ thể không bị thiếu nước, tăng ẩm cho da và cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Không tắm nước quá nóng, tốt nhất là tắm nước ấm hoặc nước mát.
- Sử dụng xà phòng nhẹ, tự nhiên, không độc để làm sạch các khu vực nhạy cảm
- Không tự ý nặn các nốt sẩn.
- Không chà xát quá mạnh lên da vì có thể gây kích ứng da và khiến các triệu chứng thêm nghiêm trọng.
- Mặc quần áo thoải mái, không mặc quá chật để tránh gây ma sát, trầy xước và tổn thương da.
- Tránh để da tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.
- Bệnh dày sừng nang lông là gì? – Sở y tế Hà nội