Nam tính độc hại (Toxic masculinity): Góc nhìn tâm lý và sức khỏe

Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là những cuộc thảo luận về chủ đề “nam tính độc hại” cũng trở nên phổ biến. Vậy nam tính độc hại là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến xã hội?  Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Nam tính độc hại là gì?

Nam tính độc hại (hay tính nam độc hại) là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ một tập hợp các tiêu chuẩn xã hội cực đoan về nam tính, gây tác động tiêu cực đến nam giới, phụ nữ và xã hội nói chung. Thuật ngữ này đã phát triển theo thời gian và có một vị trí cả trong học thuật và trong lời nói hàng ngày.

Một nghiên cứu về nam tính độc hại trên tạp chí Journal of School Psychology đã sử dụng định nghĩa cho thuật ngữ này như sau: “Là tập hợp các đặc điểm nam tính lạc hậu về mặt xã hội nhằm đề cao sự thống trị của nam giới, hạ thấp giá trị của phụ nữ, thúc đẩy kỳ thị đồng tính và bạo lực bừa bãi”.

Có nhiều tiêu chuẩn truyền thống về nam tính đã trở nên phổ biến trong nhiều nền văn hóa, thậm chí được tôn vinh như: sức mạnh, sự độc lập, sự thống trị, khả năng tình dục và không biểu đạt cảm xúc. Bản thân các tiêu chuẩn này không sai, nhưng việc nhấn mạnh quá mức vào những điều này và áp đặt rằng mọi người đàn ông muốn trở nên “nam tính” thì buộc phải đáp ứng tất cả những yêu cầu trên được xem là biểu hiện của sự nam tính độc hại.

Một ví dụ như, các bé trai thường được dặn rằng “Mạnh mẽ lên! Con trai không được khóc”, lời động viên này đôi khi mang tính nam độc hại vì đang coi thường những cảm xúc và sự dễ tổn thương ở con trai. Những chỉ dẫn này khắc sâu vào tâm trí của các bé, khiến trẻ sợ hãi vẻ ngoài yếu đuối hay hèn nhát của bản thân.

Một ví dụ phổ biến khác là câu nói “Đàn ông thì phải đàn ông lên”, điều này giống như cho phép nam thanh niên được hành động bất cẩn, hung hăng và bạo lực thay vì dạy chúng về trách nhiệm và thừa nhận sai lầm của mình. 

Sự kỳ vọng về những tiêu chuẩn nam tính này có thể đến từ cha mẹ, giáo viên và bạn bè cùng trang lứa. Mặc dù thường không có ác ý, nhưng những mong đợi này lại đang gieo mầm cho sự lệch lạc xã hội. Các tổ chức, chuyên gia y tế và nhiều nam thanh niên đang cố gắng thay đổi quan niệm nam tính độc hại này, với việc khuyến khích nam giới coi trọng các mối quan hệ, tính cách và sức khỏe tinh thần của họ hơn những gì được kỳ vọng theo truyền thống.

Nguồn gốc của khái niệm “nam tính độc hại”

Các giá trị nam truyền thống đã phát triển từ hàng ngàn năm trước ở thời kỳ con người còn phải chiến đấu và săn bắn. Khi đó, những người nam thành công nhất là những người hội tụ đủ khả năng cho việc chiến đấu đó: sức mạnh thể chất, sự tàn nhẫn và hung hăng. Trong suốt nhiều thập kỷ, nam giới vẫn thể hiện sự thống trị và cầm quyền thông qua việc chinh phục người khác.

Cho đến những năm 1980, hình mẫu nam giới này dần trở nên không phù hợp với quan điểm của xã hội đương đại. Trước làn sóng nữ quyền mạnh mẽ thời bấy giờ, những hành vi và tính cách được xem là đáng tự hào của người đàn ông bỗng được nhìn nhận như là đang chống lại phụ nữ. 

Khi tính nam truyền thống dần được cho là “có hại”, một số nhóm nam giới cảm thấy họ không còn khả năng thể hiện những hành vi nam tính truyền thống trong một xã hội hiện đại. Phong trào nam giới những năm 1980 (the mythopoetic men’s movement) đã hình thành và khái niệm “nam tính độc hại” ra đời như một lối thoát cho “bản lĩnh đàn ông” của họ.

Phong trào này không nhằm giành lại quyền lợi cho người đàn ông. Thay vào đó, nó khuyến khích nam giới hiểu thêm về vai trò của tính nam trong xã hội mới và thoát khỏi những quan niệm độc hại về nam tính trước kia. 

Mặt khác, khái niệm “nam tính độc hại” cũng không nhằm mục đích hạ thấp tất cả giá trị của nam giới. Nói một cách khách quan, bản thân nam tính không độc hại, những tiêu chuẩn nam tính lành mạnh sẽ được mọi người công nhận khi nó không gây mất cân bằng xã hội, khi con người có thể sống theo những tiêu chuẩn đó và hoạt động tốt trong xã hội. 

Dấu hiệu của nam tính độc hại

Nam tính độc hại có nhiều sắc thái, nhưng nhìn chung một số biểu hiện của nó bao gồm:

Chứng sợ đồng tính luyến ái

Nam tính độc hại cho rằng đồng tính luyến ái là một sự sai lệch nghiêm trọng so với nam tính truyền thống. Họ bày tỏ thái độ gay gắt, kỳ thị với những người đồng tính nam. Một ví dụ điển hình là thuật ngữ “gay” hay “fagot” thường được nhóm này sử dụng với mục đích xúc phạm những người nam mang xu hướng tính dục là nữ.

nam tính độc hại
“Sợ đồng tính luyến ái” là một đặc trưng của nam tính độc hại

Thích kiểm soát

Nam tính độc hại cũng khuyến khích đàn ông khẳng định quyền lực và sự thống trị của họ. Ở nhóm người này, họ tin rằng nam giới là người kiểm soát và ra quyết định cuối cùng trong mọi mối quan hệ; hay như việc họ có quyền được biết bạn gái/ vợ của họ đang ở đâu.

Từ chối giúp đỡ công việc gia đình

Đối với những người mang nam tính độc hại thì công việc gia đình được xem là “công việc của phụ nữ”. Họ tin rằng đàn ông thì không cần phải giúp đỡ những việc trong nhà và cho rằng kiếm tiền mới là việc của đàn ông. Họ cũng chỉ dạy cho các bé trai trong gia đình tư tưởng không tham gia vào các “công việc của phụ nữ” như nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc trẻ em,…

Xu hướng lăng nhăng và quấy rối tính dục

Nam tính độc hại thường coi đàn ông có nhiều bạn tình là “ngầu”, là “nam tính”, trong khi đó bày tỏ sự ghê tởm với những phụ nữ làm điều tương tự. Nghiêm trọng hơn, những người đàn ông bị ảnh hưởng bởi tính nam độc hại có thể tin rằng họ có quyền đối với cơ thể phụ nữ. Họ cho phép mình được bình phẩm về cơ thể phụ nữ hay được thực hiện hành vi quấy rối tình dục.

Bạo lực

Như một tiêu chuẩn của nam tính truyền thống, sức mạnh là một vẻ đẹp của người đàn ông. Tuy nhiên, khi tiêu chuẩn này trở nên tiêu cực, nó khuyến khích đàn ông sử dụng bạo lực để khẳng định sự thống trị và nam tính của mình. Hành vi nam tính độc hại này luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội và gây ra nhiều hậu quả thương tâm.

Che dấu cảm xúc

Một điều rất thường thấy ở những người mang nam tính độc hại là họ cho rằng đàn ông phải cứng rắn về tinh thần và thể chất mà không bị suy sụp. Họ xem việc bày tỏ cảm xúc vui, buồn,… là quá yếu đuối và không chấp nhận một người đàn ông khóc cả khi anh ta trải qua chuyện buồn. Thống kê và nghiên cứu cho thấy nam giới ít tìm đến các dịch vụ sức khỏe tâm thần mặc dù nam giới có khả năng tự tử cao hơn nữ giới 1,8 lần.

Chấp nhận rủi ro

Chấp nhận rủi ro và kìm nén nỗi sợ hãi là một đặc điểm khác của sự nam tính độc hại. Kết quả là, nam giới có nhiều khả năng lạm dụng ma túy, lái xe nguy hiểm, cờ bạc hay tham gia vào bạo lực.

Điều gì tạo nên một người mang nam tính độc hại?

Hầu hết mọi người đều có thể truy cập internet và kết quả là hầu hết mọi người đều có thể tiếp xúc với nam tính độc hại. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người tiếp xúc với nam tính độc hại sẽ trở nên độc hại hoặc bạo lực. Có một số yếu tố rủi ro đã biết có thể góp phần vào điều này bao gồm:

  • Gia đình xung đột và xảy ra nhiều vấn đề
  • Tiếp xúc với các chuẩn mực khuyến khích bạo lực và sự thống trị của nam giới (từ gia đình, nhà trường và xã hội)
  • Chứng kiến nhiều hành vi bạo lực trong gia đình, trong các mối quan hệ và trong cộng đồng
  • Thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần
  • Thiếu kiểm soát hành vi
  • Sự từ chối xã hội của đồng nghiệp

Nam tính độc hại và ảnh hưởng trên sức khỏe 

Tính nam độc hại là những tiêu chuẩn sai lệch và lạc hậu đè nặng lên xã hội nói chung và lên bản thân người đàn ông nói riêng. Dù những kỳ vọng đó đôi khi đến từ người khác, nhưng sự gánh nặng này lại chỉ có chính cá nhân nam giới cảm nhận được. Chúng đi theo người đàn ông từ lúc họ chào đời cho tới khi trưởng thành, tạo nên những áp lực vô hình và đôi khi gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, những người đàn ông và trẻ em nam bị buộc phải tuân theo những đặc điểm nam tính độc hại thường gặp phải những tác động tiêu cực và các vấn đề như: trầm cảm, tự ti về hình ảnh cơ thể, chức năng xã hội kém, lạm dụng chất kích thích, stress,… Những điều này gây nguy hiểm cho chính cá nhân họ và là mầm mống của nhiều vấn đề xã hội.

Hơn thế nữa, tính nam độc hại còn ảnh hưởng đến việc nam giới bộc lộ cảm xúc, tâm sự hay chủ động điều trị các vấn đề tâm lý. Trong nhiều trường hợp, vì muốn duy trì hình ảnh “nam tính” mà rất nhiều người đã từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ ngay cả khi họ thực sự cần một ai đó lắng nghe. Điều này cuối cùng dẫn đến những tổn thương tinh thần ngày càng dâng cao và ảnh hưởng lên cả sức khỏe thể chất của họ.

nam tính độc hại
Nam tính độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Nam tính độc hại và tác động đối với xã hội

Dù nam tính độc hại gây tổn thương cho nam giới, nhưng hậu quả lớn hơn là nó có thể ảnh hưởng đến cả xã hội. Khi một người nam cố gắng theo đuổi các tiêu chuẩn “nam tính” một cách lệch lạc, rất nhiều vấn đề xã hội có thể phát sinh như: 

  • Bạo lực học đường
  • Bạo lực gia đình 
  • Tấn công tình dục
  • Tự tử
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Các hành vi rủi ro như lái xe nguy hiểm, cờ bạc,… 
nam tính độc hại
Nam tính độc hại khuyến khích hành vi bạo lực

Ngăn chặn nam tính độc hại

Để ngăn chặn sự đầu độc các thế hệ nam thanh niên bằng các tư tưởng nam tính độc hại, cần có sự thay đổi của toàn xã hội. Trong đó, giáo dục mang một ý nghĩa quan trọng. 

Các bậc cha mẹ cần được giáo dục về tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường phát triển lành mạnh cho con cái, về những tổn thương tâm lý mà con cái phải chịu đựng từ những kỳ vọng lệch lạc của cha mẹ. Thanh thiếu niên nam cần được giáo dục về cách hành xử “nam tính” lành mạnh, không rập khuôn và vô cảm, biết cách biểu lộ và điều tiết cảm xúc, cởi mở chia sẻ về khó khăn và điều trị tâm lý khi cần thiết.

Ngoài ra, các môi trường xã hội như trường học, cơ quan,… cũng nên có các chiến dịch/ hoạt động nhằm thay đổi nhận thức về các chuẩn mực xung quanh tính nam, cung cấp các chương trình giúp trẻ em trai và nam giới hòa nhập tích cực vào xã hội, thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh không có lạm dụng hay bạo lực.

Và cuối cùng, dù những quan điểm về nam tính đã được hình thành từ lâu trong xã hội, trong một số tôn giáo hoặc tổ chức chính trị, nhưng tốt hơn hết là mỗi cá nhân nên hành động theo quan điểm và niềm tin của riêng mình, miễn là điều đó không gây hại cho bản thân và người khác.

Ngăn chặn nam tính độc hại không có nghĩa là chúng ta bác bỏ tất cả đặc điểm nam tính truyền thống, bởi lẽ những đặc điểm như tính phiêu lưu, sức mạnh,… vẫn là những điều giúp một người xác định sự nam tính của họ mà không hề “độc hại” cho xã hội. Không có bất kỳ khuôn mẫu cụ thể nào về “nam tính” mà xã hội có thể áp đặt lên bạn. Điều quan trọng là cá nhân bạn muốn xác định bản thân như thế nào, điều bạn quan tâm là gì. 

Đã đến lúc bạn cần mở rộng và tích hợp các khái niệm mới vào định nghĩa “nam tính” của riêng bạn. Điều quan trọng cần biết là không phải tất cả các hành vi độc hại ở nam giới đều do nam tính độc hại gây ra. Điều quan trọng nữa là chúng ta không đổ lỗi cho nó và trốn tránh trách nhiệm cá nhân. Hiểu, chấp nhận bản thân và chấp nhận người khác sẽ giúp bạn trở thành một người đàn ông thực sự. 


Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã hiểu thêm nam tính độc hại là gì? Và nó “độc hại” như thế nào đối với sức khỏe của cá nhân nói riêng và với xã hội nói chung. Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Contact Me on Zalo
Call Now Button