Thuốc hạ huyết áp và những điều bạn nên biết

Thuốc hạ huyết áp là một trong những phương pháp điều trị cho người mắc bệnh tăng huyết áp bên cạnh việc thay đổi lỗi sống lành mạnh. Khi người bệnh được bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp, việc duy trì thuốc hạ huyết áp hằng ngày nên được thực hiện bởi thuốc sẽ giúp kiểm soát huyết áp bệnh nhân ở mức tối ưu nhất. Mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu về một số loại thuốc hạ huyết áp được bác sĩ sử dụng thường xuyên trên lâm sàng.

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành mạch để đưa máu từ tim đi nuôi dưỡng các mô và cơ quan trong cơ thể cao hơn so với bình thường. Các nguyên nhân tăng huyết áp rất đa dạng, tuy nhiên trong số đó đa phần là nguyên nhân vô căn chiếm hơn 90%. Một số nguyên nhân thứ phát chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 10% tuy nhiên thường rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một người được coi là mắc bệnh tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg, được đo tại phòng khám. Tuy nhiên để khẳng định chính xác tình trạng tăng huyết áp, bác sĩ thường cho bệnh nhân theo dõi huyết áp tại nhà thêm vài ngày. Huyết áp đo tại nhà được cho là tăng khi trị số huyết áp lớn hơn 135/85 mmHg.

Tăng huyết áp ngoài việc đem đến những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, xây xẩm mặt mày còn khiến bệnh nhân tổn thương các cơ quan đích như não bộ, tim, thận, mạch máu. Do đó, huyết áp nên được kiểm soát thường xuyên tránh các đợt tăng huyết áp không cần thiết. Thay đổi lối sống lành mạnh là một trong những phương pháp điều trị hữu hiệu hàng đầu được bác sĩ khuyên khi bệnh nhân mắc bệnh huyết áp cao.

Một số loại thuốc hạ huyết áp

Theo Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, hiện nay có 5 nhóm thuốc hạ huyết áp chính bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc đối kháng kênh calci, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin. Tuy nhiên theo Liên ủy ban Quốc gia Hoa Kỳ, thuốc chẹn beta không được liệt vào trong nhóm các loại thuốc điều trị tăng huyết áp do đó chỉ có 4 nhóm thuốc chính. Phần lớn bệnh nhân cần lớn hơn 1 nhóm thuốc để đạt huyết áp mục tiêu.

Một số loại thuốc hạ huyết áp

Dưới đây là một số thông tin cơ bản về 4 loại thuốc hạ huyết áp chính theo JNC:

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu bao gồm nhiều loại khác nhau, chúng đều có công dụng lợi tiểu nhưng được bác sĩ sử dụng trên lâm sàng với nhiều mục đích khác nhau đi kèm:

  • Lợi tiểu thẩm thấu: Mannitol
  • Ức chế Cacbonic Anhydrase
  • Ức chế chất đồng vận Natri/Glucose
  • Lợi tiểu quai: Furosemide
  • Lợi tiểu Thiazide
  • Lợi tiểu tiết kiệm Kali

Các loại thuốc lợi tiểu có hiệu ứng lợi tiểu khác nhau từ yếu đến mạnh. Trong lợi tiểu thẩm thấu và lợi tiểu quai là một trong hai loại thuốc có tác dụng lợi tiểu mạnh nhất. Các thuốc lợi tiểu hầu như sẽ có cơ chế hạn chế hấp thụ lại nước ở các ống thận, kèm với đó là gia tăng tốc độ lọc của cầu thận, tăng lưu lượng máu đến thận từ đó giúp hạ huyết áp người bệnh. Lợi tiểu là một trong những loại thuốc hạ huyết áp được dùng khá nhiều trên lâm sàng.

Thuốc ức chế kênh canxi

Nhóm thuốc ức chế kênh canxi là một trong những loại thuốc hạ huyết áp có cơ chế ức chế các kênh canxi làm giảm nồng độ canxi trong tế bào cơ tim từ đó dẫn đến huyết áp, sức co bóp cơ tim, nhịp tim giảm. Thuốc ức chế kênh canxi ảnh hưởng chủ yếu lên các tiểu động mạch, được chia làm hai nhóm chính:

  • Thuốc tác động chủ yếu lên mạch máu (nhóm DPH): nifedipine, felodipine, amlodipine, nicardipine.
  • Thuốc tác động chủ yếu lên tim (nhóm non-DPH): verapamil, diltiazem

Thuốc ức chế kênh canxi ngoài tác dụng là một thuốc hạ huyết áp còn có tác dụng phụ gây nặng hơn tình trạng suy tim, nhịp chậm xoang, block nhĩ thất, đỏ bừng mặt, đau đầu, phù ngoại biên. Do thuốc cần được hướng dẫn sử dụng dưới chỉ định của bác sĩ tránh tự ý sử dụng. Chống chỉ định khi quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, nhịp chậm hay hội chứng suy nút xoang (đặc biệt là nhóm non-DPH).

Thuốc ức chế men chuyển

Thuốc ức chế men chuyển là một thuốc hạ huyết áp có tác dụng theo cơ chế ức chế men ACE, giúp ngăn sự tạo thành Angiotensin-II từ Angiotensin-I, từ đó giảm tình trạng co mạch và bài tiết Aldosterol giúp hạ huyết áp, tăng nhẹ kali máu, mất natri và nước. Bên cạnh đó, thuốc ức chế men chuyển còn có tác dụng ức chế phá hủy bradikinin – một chất có tác dụng dãn mạch – gây tích tụ bradykinin, giải phóng NO và prostaglandin tạo tác dụng dãn mạch của thuốc ức chế men chuyển.

Một số thuộc hạ huyế áp thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển bao gồm: Captopril, Enalapril, Lisinopril, Perindopril, Ramipril, Enalaprilat. Trong đó chỉ có mỗi Enalaprilat dùng đường tĩnh mạch còn tất cả các thuốc còn lại đều dùng đường uống. Thuốc chống chỉ định đối với phụ nữ đang mang thai và bệnh nhân có bệnh mạch máu thận. Thuốc có tác dụng phụ gây ho khan do tăng bradykinin và tụt huyết áp nên thận trọng khi dùng.

Thuốc ức chế men chuyển đặc biệt được chỉ định trong các trường hợp tăng huyết áp, suy tim, đau thắt ngực, sau nhồi máu cơ tim, tiểu đạm ở bệnh nhân có hoặc không có đái tháo đường. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng do có thể gây tụt huyết áp và giảm tạo nước tiểu ở thai nhi, gây quái thai và tử vong.

Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin-II

Thuốc có tác dụng ngăn Angiotensin-II gắn vào thụ thể của chính nó từ đó gây dãn mạch, giảm bài tiết Aldosterol, giảm tái hấp thu Natri ở ống lượn xa. Đắc biệt thuốc ức chế thụ thể Angiotensin-II không làm tăng nồng độ bradykinin do đó không hoặc rất ít gây ho khan. Một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin-II bao gồm: Candersartan, Valsartan, Telmisartan, Losartan, Irbersartan.

Thuốc hạ huyết áp nên được hướng dẫn sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch. Tránh trường hợp tự ý sử dụng thuốc hạ huyết áp tại nhà bởi chúng ta không thể lường trước được các tác dụng phụ mà thuốc có thể mang lại. Thuốc hạ huyết áp sẽ hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát huyết áp nếu như được dùng liều phù hợp, thường xuyên.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.