Tuổi dậy thì ở nam và nữ – 9 điều phụ huynh cần lưu ý

Tuổi dậy thì là nguyên nhân của nhiều thay đổi lớn về cả thể chất và tinh thần ở trẻ, do đó trẻ rất cần sự giúp đỡ của cha mẹ để vượt qua giai đoạn trưởng thành khó khăn này. Vì thế hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu những kiến thức đó thông qua bài viết dưới đây. 

Tóm tắt nội dung

Tuổi dậy thì là gì?

Tuổi dậy thì được mô tả là những thay đổi về hình thái và sinh lý xảy ra ở một bé trai hoặc bé gái đang lớn khi cơ quan sinh dục thay đổi từ trạng thái trẻ sơ sinh sang trạng thái trưởng thành. Tuổi dậy thì được đặc trưng bởi sự bắt đầu phát triển đặc trưng giới tính, sự phát triển chiều cao, sự xuất hiện các đặc điểm giới tính thứ cấp và vô số thay đổi nội tiết tố. 

Đây là một quá trình phức tạp, đa yếu tố, bao gồm các yếu tố di truyền, dinh dưỡng, kinh tế xã hội và môi trường tác động một cách tổng thể để làm trung gian cho các quá trình thay đổi sinh lý và tâm lý ở trẻ. Do đó trẻ trong giai đoạn này rất nhạy cảm và cần nhiều sự quan tâm của các bậc cha mẹ để trẻ có thể phát triển một cách tốt nhất về cả mặt sinh học lẫn nhân cách.

Trẻ ở độ tuổi dậy thì có nhiều thay đổi cả về sinh lý và tâm lý
Trẻ ở độ tuổi dậy thì có nhiều thay đổi cả về sinh lý và tâm lý

Độ tuổi dậy thì

Những thay đổi của tuổi dậy thì bắt đầu khi não kích hoạt sản xuất hormone giới tính. Mặc dù những thay đổi về thể chất tuân theo một khuôn mẫu có thể dự đoán được, nhưng mỗi trẻ đều phát triển theo tốc độ của riêng chúng, do đó, độ tuổi dậy thì ở từng trẻ là khác nhau. Thông thường, tuổi dậy thì của con gái thường bắt đầu sớm hơn con trai. 

  • Tuổi dậy thì ở nữ: Đối với hầu hết các bé gái, tuổi dậy thì bắt đầu vào khoảng 10 – 14 tuổi. Ngày nay, dậy thì sớm ở bé gái trở nên phổ biến hơn trước, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng môi trường và dinh dưỡng.
  • Tuổi dậy thì ở nam: Đối với các bé trai, tuổi dậy thì thường bắt đầu muộn hơn, từ 12 – 15 tuổi.

Những thay đổi sinh lý ở tuổi dậy thì

Sự thay đổi trong tuổi dậy thì ở nữ

Bầu vú bắt đầu phát triển vào khoảng 6 – 18 tháng trước khi dậy thì và là một dấu hiệu dễ thấy nhất cho biết bé gái chuẩn bị vào giai đoạn dậy thì. Thông thường một bên vú sẽ phát triển nhanh hơn bên còn lại.

Khoảng một năm sau khi tuổi dậy thì bắt đầu, các bé gái sẽ có sự thay đổi đáng kể về vóc dáng. Bé gái sẽ cao hơn và lớp mỡ dưới da dày lên làm cho cơ thể các em trở nên mềm mại, nữ tính, rõ nét các đường cong của cơ thể, chẳng hạn như có hông rộng hơn và ngực đầy đặn hơn. 

Kinh nguyệt là điểm đặc trưng khác biệt nhất trong tuổi dậy thì của con gái so với con trai. Một bé gái thường có kinh nguyệt lần đầu tiên từ 10 đến 16 tuổi (khoảng 2 đến 2 năm rưỡi sau khi bắt đầu dậy thì).

Kinh nguyệt xảy ra do sự bong tróc theo chu kỳ của lớp niêm mạc tử cung (còn gọi là nội mạc tử cung hay dạ con) khi không xảy ra sự làm tổ và mang thai ở người nữ. Khi đó, sẽ quan sát được có máu kinh chảy ra từ bộ phận sinh dục nữ. Kinh nguyệt là dấu hiệu cho thấy bé gái đã trưởng thành về mặt thể chất và có thể mang thai. 

Kinh nguyệt là điểm đặc trưng trong tuổi dậy thì của nữ
Kinh nguyệt là điểm đặc trưng trong tuổi dậy thì của nữ

Sự thay đổi trong tuổi dậy thì ở nam

Dấu hiệu dậy thì ở nam có nhiều khác biệt so với nữ. Dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì ở bé trai rất khó phát hiện – sự gia tăng kích thước tinh hoàn. Tinh hoàn to ra và mỏng bìu thường là dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì ở nam giới, tiếp theo là tăng sắc tố bìu và tăng trưởng dương vật.

Ở giai đoạn dậy thì này, con trai có thể xảy ra hiện tượng cương cứng dương vật và xuất tinh. Sự xuất tinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào ngay cả khi ngủ (mộng tinh). Tinh dịch mang theo tinh trùng và có thể thụ tinh với trứng của phụ nữ để tạo ra em bé. 

Về vóc dáng, sự phát triển đỉnh điểm của con trai thường xảy ra muộn hơn so với con gái. Khi đó, trẻ sẽ cao lên, vai của trẻ sẽ trở nên đầy đặn và rộng hơn, hình dạng khuôn mặt của trẻ sẽ trông bớt tròn và giống người lớn hơn. Tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu dậy thì, trẻ sẽ phát triển chiều cao nhanh chóng, tuy nhiên, có những trẻ cao sớm, nhưng cũng có những trẻ chỉ cao vọt lên vào cuối tuổi thiếu niên hoặc thậm chí đầu những năm 20 tuổi.

Sự phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp khác trong tuổi dậy thì

Ở nữ, các đặc điểm sinh dục thứ cấp khác bao gồm: ít lông trên cơ thể, tóc dày hơn (trong một số trường hợp), mọc lông nách, lông mu, mông tròn trịa, eo nhỏ, khả năng tạo khối cơ có tốc độ chậm hơn nam giới, giảm sức mạnh ở phần trên cơ thể.

Ở nam giới, các đặc điểm sinh dục thứ cấp khác bao gồm: xuất hiện lông mặt và ngực, nách, lông cằm (râu), lông mu và nhìn chung nam thường mọc nhiều lông trên cơ thể. Bên cạnh đó, nam có cấu trúc khung xương chậu hẹp (không tròn trịa), có cơ bắp và khả năng tạo khối cơ với tốc độ nhanh hơn so với nữ, giọng nói trầm hơn.

Những thay đổi tâm lý trong tuổi dậy thì

Dậy thì là một quá trình rất phức tạp và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý trẻ. Khi mà năng lực xử lý các vấn đề xã hội của trẻ vẫn trong giai đoạn hình thành thì những thay đổi trong tâm lý luôn thôi thúc trẻ phải hành động như người lớn.

Do đó, trẻ chưa thể làm chủ và dễ bị tổn thương bởi các mối quan hệ như quan hệ gia đình, tình bạn, tình cảm khác giới… Vì thế, cha mẹ cần hiểu và thông cảm cho sự nhạy cảm này ở trẻ để có thể giúp trẻ phát triển theo một định hướng lành mạnh và tốt nhất.

Trẻ ở độ tuổi dậy thì tăng nguy cơ mắc trầm cảm
Trẻ ở độ tuổi dậy thì tăng nguy cơ mắc trầm cảm

Tính độc lập của trẻ khi đến tuổi dậy thì

Những thay đổi nội tiết tố và phát triển thần kinh đã làm tăng khả năng nhận thức và trí tuệ của trẻ vị thành niên. Trẻ bắt đầu có những khả năng suy luận mạnh mẽ hơn, tư duy logic và thường tự đưa ra những phán đoán của riêng mình.

Từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, ở tuổi dậy thì, trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động, khao khát được thể hiện bản thân, được tham gia ý kiến và quyết định các vấn đề của mình như một người lớn. Chính vì thế, trẻ sẽ ngày càng miễn cưỡng khi phải nghe theo lời khuyên của cha mẹ, ít chia sẻ với gia đình và dần nảy sinh nhiều mâu thuẫn gay gắt với cha mẹ, thầy cô.

Tuy nhiên khi đạt đến một mức độ trưởng thành nhất định, trẻ có ý thức trở lại về những giá trị lời khuyên của cha mẹ, tôn trọng, hiểu biết hơn với những kinh nghiệm của cha mẹ truyền thụ lại.

Tâm lý lo lắng, trầm cảm ở tuổi dậy thì

Nhiều nghiên cứu gợi ý rằng sự khởi đầu của tuổi dậy thì có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc trầm cảm bất kể thời điểm dậy thì. Trên thực tế, các bé gái có nhiều triệu chứng trầm cảm hơn các bé trai, đặc biệt với những bé gái dậy thì sớm. Điều này dẫn đến một loạt các rối loạn tâm thần (như trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống), hành vi tự làm hại bản thân, cảm giác đau khổ, không hài lòng và suy nghĩ tiêu cực về cơ thể của mình…

Quan tâm đến bạn khác giới khi đến tuổi dậy thì

Ở tuổi dậy thì, trẻ sẽ bắt đầu quan tâm đến việc khám phá những cảm xúc và hành vi tình dục. Các bé bắt đầu sẽ chăm chút hơn cho ngoại hình và chú ý ăn mặc. Tâm lý các bé cũng trở nên thơ mộng, bắt đầu có tình cảm nhớ mong, yêu thương và thích được yêu thương bởi bạn khác giới. 

Trẻ thường bắt đầu quan tâm đến bạn khác giới khi đến tuổi dậy thì

Cha mẹ cần lưu ý gì về tuổi dậy thì ở con?

Giáo dục giới tính cho trẻ về tuổi dậy thì

Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh thường không quan tâm đến việc giáo dục về giới tính hay sức khỏe cho con cái. Tuy nhiên điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều trẻ thường cảm thấy sợ hãi khi nhận thấy những thay đổi bất thường của các bộ phận trên cơ thể. Nhiều bé gái thậm chí cảm thấy suy sụp trong lần đầu tiên hành kinh do không được dạy rằng điều này là hoàn toàn bình thường.

Không chỉ thế, sự không hiểu biết đầy đủ về giới tính có thể khiến trẻ bị lạm dụng mà không hay biết, hoặc khiến trẻ tò mò, bắt chước và có những hành vi tình dục không phù hợp với lứa tuổi.

Do đó, việc giáo dục giới tính cho trẻ là hết sức cần thiết. Ngày nay, theo các chuyên gia, cha mẹ cần cởi mở hơn trong việc dạy cho trẻ biết về các bộ phận của cơ thể kể cả bộ phận sinh dục, sự khác biệt nam nữ hay việc đụng chạm không an toàn ngay từ khi trẻ đạt 4 – 5 tuổi. 

Khi lớn hơn, trẻ cần được dạy về tuổi dậy thì là gì, các thông tin cơ bản về sinh sản, xu hướng tính dục, tình yêu và tình dục an toàn, các kênh thông tin phù hợp để tìm hiểu về tình dục… Những điều này sẽ giúp trẻ được chuẩn bị vững chắc về mặt kiến thức khi tuổi dậy thì bắt đầu, tránh sự hoang mang lo lắng hay những hành vi sai lệch xảy ra làm ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ.

Giao tiếp với trẻ trong tuổi dậy thì

Bước vào độ tuổi dậy thì, mỗi trẻ đều có rất nhiều câu hỏi nhưng lại ngại giao tiếp với cha mẹ, vì thế, cha mẹ cần chủ động giao tiếp và lắng nghe các vấn đề của con. Đồng thời, bản thân cha mẹ cần biết xây dựng sự tin tưởng với con cái để con sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ khi gặp vấn đề. 

Lắng nghe một cách đồng cảm chính là chìa khóa giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về những thay đổi ở con mình. Ba mẹ cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm của bản thân, những thay đổi và mối quan tâm đã phải trải qua khi bước vào tuổi dậy thì để giúp các em cảm thấy không đơn độc.

Nếu việc giao tiếp thực sự khó khăn, cha mẹ có thể mua những sách về giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục… có nội dung chính xác và để ở những khu vực mà trẻ có thể thấy và đọc. Đây cũng là một cách thức tế nhị để cung cấp thông tin và định hướng cho trẻ trước những thay đổi lớn sắp đến trong cuộc đời.

Giao tiếp với trẻ trong tuổi dậy thì là hết sức cần thiết
Giao tiếp với trẻ trong tuổi dậy thì là hết sức cần thiết

Nhận biết các bệnh lý liên quan đến dậy thì

Dậy thì sớm

Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến chiều cao và gây nên nhiều vấn đề tâm lý ở trẻ. Trẻ được gọi là dậy thì sớm khi các quá trình thay đổi của tuổi dậy thì (như sự phát triển của vú và kinh nguyệt ở bé gái, sự phát triển của tinh hoàn và dương vật, lông mặt và giọng nói trầm hơn ở bé trai, sự xuất hiện lông mu hoặc lông nách, mụn…) xảy ra trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam.

Nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 10 lần so với bé trai. Nguy cơ này sẽ tăng cao hơn khi trẻ bị béo phì.Dậy thì sớm có thể do nhiều nguyên nhân bệnh lý hoặc không, do đó cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để chắc chắn.

Dậy thì muộn

Dậy thì muộn là khi các dấu hiệu dậy thì ở nam và nữ không xảy ra hoặc xảy r không đầy đủ dù trẻ đã đến tuổi. Ở bé gái dậy thì muộn, vú, lông mu không phát triển, không thấy kinh nguyệt. Ở bé trai, bộ phận sinh dục và/hoặc lông mu không phát triển. Trên cả 2 giới, tầm vóc thấp, tốc độ tăng trưởng giảm ở trẻ dậy thì muộn. 

Dậy thì muộn có thể liên quan đến một số bệnh lý. Đồng thời, do hạn chế về tầm vóc so với bạn đồng trang lứa nên trẻ có thể bị trêu chọc hoặc bắt nạt và  cần được giúp đỡ trước các vấn đề xã hội trên. Do đó, cha mẹ cần quan tâm vấn đề này để đưa trẻ đi khám bác sĩ và hỗ trợ kịp thời cho con.

Dinh dưỡng cho tuổi dậy thì

Giai đoạn dậy thì là giai đoạn trẻ phát triển đột phá về mặt thể chất, khi đến tuổi trưởng thành, hầu hết sự phát triển sẽ chậm đi đáng kể. Do đó, bổ sung một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trước và trong giai đoạn dậy thì là điều hết sức cần thiết.

Dinh dưỡng cho trẻ trong tuổi dậy thì
Dinh dưỡng cho trẻ trong tuổi dậy thì

Chất đạm 

Lúc này trẻ dậy thì phát triển cơ bắp nên lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành. Chất đạm chiếm 14 – 15% tổng số năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày tương đương với 70 – 80gr/ ngày. Lượng đạm lấy từ thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng sữa…. Trong đó đạm động vật là tốt nhất vì thức ăn có nguồn gốc động vật chứa nhiều sắt – chất sắt có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu.

Do vậy nên khuyến khích trẻ ăn nhiều đạm động vật để xây dựng các cấu trúc tế bào và hoàn thiện phát triển các nội tiết tố về giới tình. Ngoài ra, trẻ ở lứa tuổi này có nhiều hoạt động tiếp xúc với ngoại cảnh và môi trường sống nên cũng cần chất đạm để tham gia vào hệ miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng.

Chất béo

Chất béo cũng rất cần thiết cho trẻ. Dầu, mỡ không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng mà còn là nguồn cung cấp năng lượng tốt và giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Ở giai đoạn này cần cả chất béo no có trong thức ăn chứa nhiều đạm động vật và chất béo không no trong dầu ăn và cá, nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật, khoảng 40 – 50gr mỗi ngày.

Chất bột đường

Là chất cung cấp năng lượng chính cho cơ thể chiếm 60 – 70% năng lượng có trong gạo, bột mì, và sản phẩm chế biến, khoai, củ… Nên chọn lựa những loại bột/đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì.

Vitamin và khoáng chất

Để phát triển tối đa về chiều cao và độ rắn chắc của xương thì trẻ cần được bổ sung canxi 1.000 – 1.200mg mỗi ngày. Canxi có nhiều trong sữa, cả sữa bò và sữa đậu nành, các loại thủy sản, xương cá (nên kho nhừ cá để có thể ăn cả xương). Nên uống 400 – 500ml sữa/ ngày.

Bên cạnh đó, đối với bé gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn bé trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt nên khuyến khích bổ sung sắt cho bé từ các thực phẩm giàu chất sắt như phủ tạng động vật, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, lòng đỏ trứng, đậu đỗ…

Ngoài ra, bổ sung các vitamin luôn là điều cần thiết để cơ thể trẻ phát triển bình thường vì mỗi vitamin đều đóng những vai trò quan trọng cho cơ thể.

Cuối cùng, nên nhắc trẻ uống nước vì nước cần thiết cho mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể, khoảng 1,5 – 2 lít nước/ngày. Và hướng dẫn trẻ kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm giúp trẻ lựa chọn những thức ăn đảm bảo vệ sinh, không nên cho trẻ ăn thức ăn ngoài đường phố.

Câu hỏi thường gặp 

Tại sao bị rạn da ở tuổi dậy thì?
Rạn da xảy ra khi các mô dưới da bị kéo căng do cơ thể phát triển hoặc tăng cân nhanh chóng khi ở tuổi dậy thì.
Tuổi dậy thì nên ngủ lúc mấy giờ?
Tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng cao nhất vào lúc 23:00 – 1:00 sáng vì thế nên bắt đầu đi ngủ trước 22:00 để có thể tăng chiều cao tốt nhất.
Bao nhiêu tuổi dậy thì?
Đối với các bé gái, tuổi dậy thì bắt đầu vào khoảng 10 – 14 tuổi. Đối với các bé trai, tuổi dậy thì thường bắt đầu muộn hơn, từ 12 – 15 tuổi.
Tuổi dậy thì ở nữ kết thúc khi nào?
Thông thường ở bé gái thì nằm ở 15 – 17 tuổi.
Khi nào hết tuổi dậy thì?
Thông thường ở bé gái thì nằm ở 15 – 17 tuổi còn với bé trai là từ khoảng 16 – 18 tuổi.
Tại sao dậy thì lại không có mụn?
Mụn tuổi dậy thì chủ yếu do sự tăng tiết hormon androgen trong cơ thể, làm da tăng tiết nhờn dẫn đến nổi mụn. Do đó mụn dậy thì mọc nhiều hay ít còn tùy thuộc vào lượng hormon cơ địa mỗi người. Cũng có nhiều trường hợp dậy thì không có mụn.
Trẻ dậy thì sớm khi nào cần điều trị?
Khi nhận  thấy trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm (trước 8 tuổi ở nữ và 9 tuổi ở nam) cần bình tĩnh và đưa trẻ đi khám để điều trị.
Tuổi dậy thì có lông nách phải làm sao?
Cần thường xuyên chú ý vệ sinh vùng da dưới cánh tay thật sạch sẽ mỗi ngày để ngăn mùi hôi và đảm bảo sức khỏe cho khu vực nhạy cảm này. Ngoài ra, nếu muốn tăng tính thẩm mĩ, có thể chọn 1 phương pháp làm sạch lông nách phù hợp.
Vì sao tuổi dậy thì hay bị mụn trứng cá?
Nguyên nhân khiến tuổi dậy thì dễ gặp mụn trứng cá là do những thay đổi về nội tiết tố khiến da tiết bã nhờn nhiều hơn, song song đó là các yếu tố khác như chăm sóc da hay sinh hoạt/ ăn uống.
Tại sao dậy thì muộn?
Dậy thì muộn có thể do thể chất, do di truyền hoặc các vấn đề về nội tiết tố và bất thường cơ quan sinh dục.
Có ai không dậy thì không?
Một số trẻ có những rối loạn về nội tiết tố (do bệnh lý hay di truyền), dẫn đến làm giảm tiết hormon sinh dục dù đã đến tuổi dậy thì. Ở những trẻ này có thể gặp tình trạng dậy thì muộn hoặc thậm chí không trải qua tuổi dậy thì và vô sinh nếu không được điều trị. 
Dậy thì có nên tập thể hình?
Độ tuổi không ảnh hưởng đến việc có nên tập thể hình hay không nhưng điều quan trọng là phải tập đúng cách và lựa chọn bài tập phù hợp với bản thân để tránh tổn thương các khớp và cơ của cơ thể.
Dậy thì có thể mang thai không?
Ở bạn nữ khi đã có kinh nguyệt thì hoàn toàn có khả năng mang thai.

Hy vọng qua bài viết từ Doctor có sẵn, mọi người đã có thêm thông tin về tuổi dậy thì cũng như các lưu ý về giáo dục, chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn dậy thì. Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm về vấn đề này, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ trên Docosan.com.