Bệnh chàm bìu ở nam giới: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bệnh chàm bìu là chàm ở vùng bìu, cơ quan bao bọc lấy tinh hoàn ở nam giới. Chàm làm cho tình trạng da bị viêm, gây khô và ngứa, và ảnh hưởng rất khác nhau tùy người. Có rất nhiều dạng của chàm tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh lý. Docosan mời bạn tham khảo bài viết này để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị bệnh chàm bìu.

Bệnh chàm bìu là gì?

Vùng da bị chàm (eczema) có thể sản xuất ra ít chất dầu và nhờn hơn vùng da bình thường. Nếu điều này xảy ra, các tế bào da chứa ít nước hơn, khoảng cách giữa các tế bào da trở nên rộng hơn. Những khoảng trống này là cơ hội để vi khuẩn và các chất kích ứng dễ xâm nhập và gây ra các vấn đề về da.

Chàm phổ biến ở trẻ em, nhưng nó có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Vùng da chàm thường là những mảng da bị kích ứng, có màu đỏ hoặc màu đỏ-xám. Theo thời gian, những mụn nước có thể vỡ ra và hình thành các vảy da cứng. 

Bệnh chàm có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là ở một số vị trí: bàn tay, bàn chân, da đầu, mặt, khoeo (mặt sau đầu gối), mặt trong của khuỷu tay. Chàm bìu (scrotal eczema) cũng có những biểu hiện tương tự chàm ở nơi khác, tuy có một số đặc trưng riêng nhưng nó vẫn chưa được nhìn nhận như một bệnh riêng biệt.

chàm bìu, da vùng bìu trở nên dày, lichen hóa, đỏ, bong vảy và ngứa nhiều. Bệnh liên quan tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là vấn đề tâm lý và các tác nhân gây dị ứng, kích ứng. Việc chữa trị triệu chứng không quá khó khăn nhưng bệnh hay tái phát, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đời sống tình dục.

chàm bìu
Bệnh chàm bìu là gì?

Nguyên nhân gây bệnh chàm bìu?

Theo các bác sĩ khoa da liễu, nguyên nhân gây chàm bìu có thể là do cấu trúc da vùng bìu, dương vật thường lỏng lẻo hơn các vùng da khác, đồng thời có nhiều mạch máu nên rất dễ bị dị ứng, viêm, đỏ và sưng phù. Bên cạnh đó, khu vực này thường xuyên bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ và phát sinh viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, bệnh chàm bìu có thể là kết quả của nhiều tác động khác từ môi trường bên ngoài hoặc từ phía người bệnh.

  • Căng thẳng tâm lý: căng thẳng (stress) có thể gây cảm giác ngứa vùng bìu, thành lập một chu kỳ lập lại gồm ngứa, gãi, tổn thương da.
  • Tiếp xúc liên tục với nhiệt độ cao và độ ẩm cao: như ở những vùng khí hậu nhiệt đới hoặc trong các khu công nghiệp; mặc quần áo quá dày cũng có thể là nguyên nhân
  • Phơi nhiễm với một số chất kích ứng: những chất này bao gồm dầu mỡ, dầu diesel, thuốc nhuộm trong quần áo
  • Phản ứng với một số thuốc dùng quá liều: thuốc kháng sinh bề mặt, như neomycin, gentamicin
  • Kích ứng da do bao cao su: điều này có thể do chính chất liệu cao su hoặc chất diệt tinh trùng nonoxynol gây ra
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Chế độ ăn không cung cấp đủ một số dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm và vi chất quan trọng khiến sức khỏe làn da không đảm bảo. Điều này khiến chàm cũng như các bệnh ngoài da khác dễ khởi phát hơn.
  • Một bệnh khác: bao gồm HIV và một số nhiễm trùng khác
chàm bìu
Tâm lý căng thẳng (stress) có thể gây cảm giác ngứa vùng bìu

Một số gien bị ảnh hưởng cũng có thể làm người ta nhạy cảm hơn với chàm. Một số nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa những gien gây ra hen, sốt mùa và chàm.

Triệu chứng bệnh chàm bìu

Bệnh chàm bìu thỉnh thoảng có thể bị nhầm lẫn với những bệnh về da khác, ví dụ nhiễm nấm. Do đó, điều tốt nhất khi có các triệu chứng là đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác. Người bệnh không nên cảm thấy ngại khi bày tỏ các triệu chứng của mình với bác sĩ.

Ở trường hợp chàm bìu nhẹ, vùng da bị ảnh hưởng sẽ đỏ, ngứa, khô và có vảy. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bao gồm chảy máu, đóng vảy cứng, vết loét chảy nước. Việc gãi ngứa có thể mở rộng vết loét, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Chàm bìu có thể được chia thành 4 típ như sau:

chàm bìu
Triệu chứng bệnh chàm bìu

Típ 1 – nhẹ, cấp tính và khô

  • Da trở nên đỏ và kích ứng, rất ngứa, phân biệt rõ ràng với da lành
  • Kéo dài vài ngày đến vài tuần, có thể tự khỏi

Típ 2 – nặng, mạn tính và khô

  • Da bìu có vảy, kèm theo thay đổi sắc da, đỏ nhạt hoặc nhợt nhạt bất thường
  • Vùng da đùi và dương vật do tiếp xúc với chàm bìu mà cũng có thể bị ảnh hưởng theo
  • Cảm giác ngứa và châm chích trầm trọng hơn típ 1

Típ 3 – mạn tính và ẩm ướt

  • Cả vùng da bìu và mặt trong đùi trở nên mềm và ẩm ướt, rỉ dịch từ vùng da bị chàm
  • Các mạch máu có thể nổi lên như hình mạng nhện 
  • Thường có mùi hôi và các vết loét gây đau

Típ 4 – sưng phù và loét

  • Da bìu sưng lên, dịch và mủ rỉ ra từ các vết loét, kèm mùi hôi nặng
  • Giai đoạn này rất đau
  • Những trường hợp nặng có thể xuất hiện vùng hoại tử, lan đến chân và bụng dưới 

Biến chứng của bệnh chàm bìu là gì?

Trên thực tế, có rất nhiều loại bệnh chàm khác nhau. Mỗi loại lại được phân loại và đánh giá theo mức độ nghiêm trọng cũng hoàn toàn khác nhau. Thông thường, bệnh chàm được xem là một tình trạng mạn tính, có nghĩa là việc điều trị cần lâu dài và rất khó để chữa trị dứt điểm. Ngược lại, điều trị các triệu chứng chàm có thể giảm bớt và phòng ngừa chàm da tái phát được cho là phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay.

Cần làm rõ rằng chàm bìu không phải là bệnh truyền nhiễm. Nó không thể lây truyền từ người này sang người khác mà chỉ trở nên nặng hơn hoặc giảm nhẹ ở mỗi người. Tuy nhiên trong trường hợp chàm bìu nhiễm khuẩn, nấm men, nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra do sự truyền nhiễm của vi khuẩn trên da.

Khi mắc bệnh chàm bìu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tinh hoàn do phần da ở bìu rất mỏng. Biến chứng thấy dễ thấy nhất đó là viêm tinh hoàn. Viêm tinh hoàn làm suy giảm chất lượng tinh trùng hoặc có thể làm không có tinh trùng ở nam giới.

Gãi những vùng ngứa có thể dẫn đến vết thương hở hoặc vết loét, chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một trong những bệnh nhiễm trùng có thể là herpes simplex. Các biến chứng khác của bệnh chàm có thể bao gồm: Da dày, bong vảy vĩnh viễn do trầy xước liên tục; hen suyễn mãn tính; sốt.

Chẩn đoán bệnh chàm bìu

Vì bệnh chàm bìu thường bị nhầm với bệnh ngứa da do vi khuẩn hoặc do nấm. Nên bác sĩ thường chẩn đoán bệnh chàm bằng cách xem sang thương da, tiền sử bệnh và các đặc tính liên quan đến triệu chứng ngứa. Nếu bị chàm bìu nặng hoặc kéo dài, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu hoặc chuyên khoa nam học. 

Cách chữa bệnh chàm bìu

Điều trị bệnh chàm nói chung tập trung vào việc ngừa cơn ngứa. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn áp dụng một trong những biện pháp sau:

  • Kem chứa corticosteroid thoa lên vùng da chàm
  • Tiêm corticosteroid cho những trường hợp nặng, không kiểm soát được với dạng thoa bề mặt
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (như Elidel, Protopic) để hạn chế phản ứng miễn dịch tại vùng da chàm
  • Thuốc giúp giảm căng thẳng
  • Liệu pháp tia UV B. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên bạn nên phơi da dưới sáng cực tím để giúp giảm triệu chứng bệnh.
  • Bột thấm, như pramoxine 
  • Thuốc trị nhiễm trùng kèm theo, như nhiễm nấm, nhiễm tụ cầu khuẩn
  • Thuốc kháng histamine toàn thân
  • Điều trị bằng thuốc tiêm. Nếu làn da của bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể khuyên dùng dupilumab (Dapoxetine). Loại thuốc tiêm này thường chỉ được sử dụng cho bệnh chàm nghiêm trọng. Loại thuốc này đắt tiền và vẫn đang được thử nghiệm để sử dụng lâu dài.
chàm bìu
Điều trị chàm bìu bằng thuốc bôi ngoài

Nếu các triệu chứng của bệnh nhẹ, bạn có thể giảm đau bằng các biện pháp đơn giản tại nhà hoặc áp dụng các phương pháp điều trị không kê đơn (OTC). Bao gồm:

  • Sử dụng phương pháp nén lạnh: Làm ẩm một miếng vải hoặc khăn bằng nước lạnh. Gấp hoặc quấn khăn lên dương vật có vùng da bị ảnh hưởng. Thực hiện khi cần thiết trong khoảng 20 phút mỗi lần. Bạn cũng có thể sử dụng một túi nước đá hoặc một vật đông lạnh trong một chiếc khăn để nén lạnh.
  • Tắm bột yến mạch: Cho khoảng 1 chén bột yến mạch vào bồn nước ấm để tắm. Nó sẽ giúp giảm ngứa. Bạn cũng có thể dùng bột yến mạch và bôi vào khu vực bị ảnh hưởng và băng lại băng lại.
  • Sử dụng kem trị ngứa: Bôi kem OTC với ít nhất 1% hydrocortison để giảm ngứa. Bạn cũng có thể thoa kem lên một miếng băng và quấn băng xung quanh vùng ngứa. Không sử dụng kem hydrocortison quá bảy ngày trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ.
  • Dùng thuốc chống dị ứng OTC: Uống một loại thuốc dị ứng nhẹ, chẳng hạn như diphenhydramine (Benadryl) hoặc cetirizine (Zyrtec). Đây là những thuốc dành cho viêm da dị ứng. Thuốc này gây buồn ngủ, nên nếu bạn cần lái xe hoặc tập trung tinh thần thì không uống thuốc.

Phòng khám chữa bệnh chàm bìu

  • Phòng khám nam khoa Thạc sĩ bác sĩ Lê Vũ Tân – Q.10
  • Trung tâm sức khỏe nam giới Men’s health – Q.10
  • Phòng khám chuyên khoa Mai Tâm Vĩnh Hiền – Q.8

Phòng ngừa bệnh chàm bìu

Phòng ngừa chàm bìu chủ yếu dựa trên việc tránh xa các yếu tố nguy cơ và nguồn kích ứng da. Các bước bao gồm:

  • Nên lựa chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát. Tốt nhất nên chọn chất liệu vải được làm từ cotton. Đặc biệt, quần lót có độ co giãn thoải mái, thông thoáng. Và nên phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời.
  • Hạn chế gãi ngứa, vì như vậy có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Cắt móng tay và giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng.
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với thời tiết nên hạn chế việc tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ. Có thể sử dụng máy tạo ẩm hoặc điều hòa để điều chỉnh, giúp cân bằng nhiệt độ ngoài trời với nơi làm việc và phòng ngủ.
  • Nên tránh vận động tiết mồ hôi nhiều hoặc để da khô vào mùa đông. Bởi đây chính là nguyên nhân khiến chàm bìu tiến triển nghiêm trọng.
  • Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm tự nhiên để cân bằng độ ẩm, ngăn ngừa khô da.
  • Không nên dùng các loại sữa tắm, chất tẩy rửa có tính tẩy mạnh và có mùi thơm.
  • Vệ sinh tay chân và thân thể thường xuyên.
  • Giữ tâm lý luôn vui vẻ, thoải mái, tránh stress và căng thẳng. Có thể tham gia các lớp thiền hoặc yoga vừa giúp cân bằng tâm lý vừa giúp đẹp dáng và da.
  • Quan hệ tình dục lành mạnh với tần suất điều độ.
  • Người bệnh cũng nên quan tâm đến các tác nhân khiến bệnh chàm bìu trở nên tồi tệ hơn như chất diệt tinh trùng, bao cao su hoặc một số yếu tố khác bao gồm nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm,…

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh chàm bìu

Bệnh chàm bìu có lây không?

Bệnh chàm bìu không phải là bệnh truyền nhiễm. Nó không thể lây truyền từ người này sang người khác mà chỉ trở nên nặng hơn hoặc giảm nhẹ ở mỗi người.

Bệnh chàm bìu có chữa được không?

Bệnh chàm bìu là một dạng bệnh viêm da khá thường gặp ở nam giới, khiến cho vùng da nhạy cảm này trở nên đỏ, bong vảy, dày hơn, dễ bị kích ứng hơn. Triệu chứng bệnh chàm bìu có thể được cải thiện khi điều trị nhưng dễ dàng tái phát, khó điều trị dứt điểm.

Bị bệnh chàm không nên ăn gì?

Khi bị bệnh chàm, bệnh nhân không nên ăn hải sản, nội tạng động vật, thịt gà, thức ăn cay nóng, dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường, muối và những thực phẩm chế biến sẵn.

Tổng kết

Chàm bìu là một bệnh viêm da vùng bìu có liên quan chủ yếu đến tâm lý, các nguồn gây kích ứng, dị ứng da. Việc điều trị triệu chứng tương đối dễ, nhưng vì có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây nên chàm da và chàm da cũng có thể nhầm với một số bệnh da liễu khác, người bệnh không nên cảm thấy hổ thẹn khi đến gặp bác sĩ nam khoa để nói về những khó chịu của mình. Việc tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị đúng cách tùy mức độ là rất quan trọng.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu bệnh chàm bìu tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.