Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên: Triệu chứng, điều trị

Bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên xảy ra khi có sự giãn rộng các tĩnh mạch nằm ở trong bìu. Bệnh có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất tinh trùng của tinh hoàn, suy giảm chất lượng tinh trùng. Hãy cùng  Docosan tìm hiểu bệnh giãn tĩnh mạch tinh 2 bên nhé!

Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên là sự giãn rộng tĩnh mạch trong bìu ở 2 bên. Bìu chính là phần túi da chứa 2 tinh hoàn. Giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên là bệnh lý có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất tinh trùng và làm suy giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới. Giãn tĩnh mạch thừng tinh còn làm cho tinh hoàn teo lại, thu nhỏ về kích thước, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây vô sinh.

Hiện nay, nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên vẫn còn chưa được làm rõ và khẳng định chắc chắn trong y văn và các tài liệu y khoa. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ việc:

  • Sự tăng nhiệt độ bất thường tại bìu dẫn đến tăng nhiệt độ tinh hoàn, hậu quả làm giãn tĩnh mạch tinh.
  • Có sự dội ngược dòng chảy từ thận, tuyến thượng thận vào tĩnh mạch tinh làm ứ đọng máu tĩnh mạch, có thể do suy yến van tĩnh mạch.
  • Bất thường cấu trúc bẩm sinh của hệ thống tĩnh mạch tinh 2 bên như: tĩnh mạch tinh không có van hoặc hệ thống van chống trào ngược gặp sự cố.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên tương đối ít gặp, thường chi gặp ở một bên trái hoặc phải. Giãn 2 bên có thể là chỉ điểm cho tình trạng tổn thương kéo dài, từ 1 bên thành 2 bên hoặc có sự bất thường về mặt cấu trúc, di truyền hoặc điều trị nhưng kém đáp ứng.

Triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên

Hầu hết các trường hợp giãn tĩnh mạch tinh không gây ra những triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên khi xuất hiện giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên, các triệu chứng có thể xuất hiện nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng hơn do mất đi sự bù trừ khi mắc bệnh ở 1 bên. Triệu chứng gây ra vẫn tương đối mơ hồ, dễ nhầm lẫn.

Ở một số người bệnh, giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên có thể gây ra cảm giác đau hay cảm giác nặng ở vùng bìu 2 bên. Cơn đau có thể xảy ra nhiều hơn vào buổi chiều tối sau một ngày làm việc hoặc sau khi bệnh nhân đứng quá lâu, làm việc gắng sức kéo dài. Trường hợp tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn có thể thấy vùng trên bìu sưng lên rõ ràng.

Với cơ chế gây ra hiện tượng ứ máu tinh, giãn tĩnh mạch tinh 2 bên có thể gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu sau giúp cánh mày râu cảnh giác khi gặp phải:

  • Tinh hoàn có cảm giác đau âm ỉ, nóng rát, cảm giác chướng căng.
  • Vùng bìu sưng to, phồng lên rõ ràng khi các tĩnh mạch tinh giãn to và quấn lấy nhau. Người bệnh có thể quan sát thấy tại vùng bìu có tạo thành các búi sợi dưới da giống như “túi giun” cộm lên.
  • Người bệnh có thể dùng tay để sờ nắn trực tiếp
  • Một số bệnh nhân có thể sờ tinh hoàn bị teo nhỏ nếu bệnh kéo dài

Một số chuyên gia cho rằng giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên có thể gây ra tình trạnggây teo tinh hoàn. Điều này đến từ việc máu nuôi tinh bị nghẽn lại không được quay trở về hệ tuần hoàn đẫn đến sự tắc nghẽn lưu thông máu, máu mới mang chất dinh dưỡng đến nuôi tinh hoàn bị giảm sút đáng kể. Thực tế từ một số kết quả cho rằng thể tích tinh hoàn có thể giảm tới 20ml. Tuy nhiên kết luận này vẫn còn đang được nghiên cứu chuyên sâu.

Điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên

Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cánh mày râu. Các biện pháp phẫu thuật có thể cải thiện chức năng tinh hoàn, tăng tỷ lệ có con lên cho bệnh nhân. Việc can thiệp điều trị kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh.

Phương pháp phẫu thuật có thể sử dụng đó là phẫu thuật qua ngã bẹn. Phương pháp này đã đạt được một số hiệu quả nhất định nhưng nhược điểm:

  • Có nguy cơ tái phát tương đối
  • Khar năng bảo tồn động mạch tinh thấp
  • Gây đau vùng bẹn sau khi mổ

Phẫu thuật qua ngã dưới bẹn cũng đạt được một số ưu điểm giống như phương pháp qua ngã bẹn và tương đối ít đau hơn. Phương pháp khác cũng thường được sử dụng đó là thủ thuật cột tĩnh mạch qua ngã sau phúc mạc, nó khắc phục được những nhược điểm của phương pháp phẫu thuật qua ngã bẹn, giảm thiểu tái phát và có thể bảo tồn động mạch tinh tốt hơn.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng là phương pháp hiệu quả tương đương với phẫu thuật cột tĩnh mạch qua ngã sau phúc mạc tuy nhiên mổ nội soi có chi phí cao hơn và có khả năng gây tổn thương đến một số cơ quan lân cận trong ổ bụng như ruột, các tạng,…

Sau khi phẫu thuật xong, người bệnh cần lưu ý tuyệt đối tuân theo lời dặn dò, hướng dẫn của bác sĩ để hiệu quả điều trị là tốt nhất, dưới đây là một số gợi ý về cách chăm sóc bản thân sau khi phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh hai bên:

  • Thời gian để bệnh nhân quay trở lại làm việc tối thiểu 48h tương đương 2 ngày, tùy theo phương pháp phẫu thuật
  • Không nên thực hiện các hoạt động, vận động gắng sức trong vòng 48h, bao gồm cả việc quan hệ tình dục.
  • Có thể tập thể dục thể thao lại như bộ môn bơi sau 1-2 tuần tùy vào độ lành của vết thương.
  • Cần chăm sóc vết thương đúng cách, tốt nhất nên được thực hiện bởi cán bộ y tế như bác sĩ, điều dưỡng,… để tránh vết mổ bị nhiễm trùng.
  • Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau, mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tái khám đúng hẹn để được kiểm tra các vấn đề liên quan.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên là bệnh lý tương đối hiếm gặp ở nam, tuy nhiên nam giới cũng cần cẩn trọng với các dấu hiệu của bệnh để can thiệp điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS