Protein niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Protein niệu (hay còn gọi là protein trong nước tiểu) là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến thận. Vậy protein niệu là gì? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao? Cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Protein niệu là gì?

Protein niệu là tình trạng lượng protein trong nước tiểu tăng lên đáng kể. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của những tổn thương và bệnh lý về thận.

Protein (hay còn gọi là chất đạm) giúp hình thành cơ và xương, điều chỉnh thể tích máu, chống nhiễm trùng và sửa chữa mô. Nếu protein xuất hiện trong nước tiểu, chúng sẽ bị thải ra khỏi cơ thể và điều này không có lợi cho sức khỏe.

Lượng protein trong nước tiểu bình thường sẽ dưới 150mg / ngày. Thông thường, tiểu cầu thận, những cuộn mao mạch (mạch máu) nhỏ trong thận, lọc các chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu.

Tiểu cầu thận sẽ thải những chất này vào nước tiểu, nhưng không cho các protein lớn và tế bào máu đi qua màng lọc. Nếu các protein nhỏ hơn lọt qua tiểu cầu thận, các ống thận sẽ tái hấp thu các protein đó và ngăn không cho protein đi ra ngoài cơ thể.

Tuy nhiên, nếu tiểu cầu thận hoặc ống thận bị tổn thương, quá trình tái hấp thu protein có vấn đề, hoặc nếu có quá nhiều protein trong máu, protein sẽ xuất hiện trong nước tiểu và đi ra khỏi cơ thể.

Xem thêm: Nước tiểu màu vàng là bệnh gì?

protein niệu
Protein niệu liên quan đến những bệnh lý về thận

Nguyên nhân gây ra protein niệu

Trong nhiều trường hợp, protein niệu xuất hiện là do các bệnh lý tương đối lành tính hoặc tạm thời.

Những trường hợp đó bao gồm tình trạng mất nước, viêm và huyết áp thấp. Tập thể dục hoặc hoạt động cường độ cao, căng thẳng cảm xúc, điều trị bằng aspirin và tiếp xúc với không khí lạnh cũng có thể gây ra protein niệu. Ngoài ra, sỏi thận cũng có thể gây ra protein niệu.

protein niệu
Sỏi thận cũng có thể gây ra protein niệu

Thỉnh thoảng, protein niệu là dấu hiệu sớm của bệnh thận mãn tính. Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là những nguyên nhân hàng đâu gây ra ảnh hưởng đến thận.

Các bệnh lý khác có thể dẫn đến protein niệu bao gồm:

  • Rối loạn miễn dịch như lupus và hội chứng Goodpasture
  • Viêm thận cấp tính (viêm cầu thận)
  • Ung thư tương bào (đa u tủy)
  • Tan máu nội mạch, là sự phá hủy các tế bào hồng cầu và giải phóng hemoglobin trong máu
  • Bệnh tim mạch
  • Tiền sản giật, sự phát triển đồng thời của tăng huyết áp và protein niệu ở phụ nữ mang thai
  • Bị ngộ độc
  • Chấn thương
  • Ung thư thận
  • Suy tim

Triệu chứng của protein niệu

Thông thường, người bệnh sẽ không có triệu chứng gì, đặc biệt trong giai đoạn sớm của bệnh. Tuy nhiên, nếu protein niệu tiến triển nặng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Cảm thấy khó thở
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Bị phù ở mặt, bụng, bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Cảm thấy chán ăn
  • Thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm
  • Xuất hiện bọng xung quanh mắt, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Nước tiểu có bọt
protein niệu
Đi tiểu thường xuyên

Protein niệu được chẩn đoán như thế nào?

Protein niệu được chẩn đoán thông qua xét nghiệm nước tiểu. Bệnh nhân sẽ phải gửi một mẫu nước tiểu để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Các bác sĩ sử dụng một que nhựa mỏng có hóa chất ở đầu que để kiểm tra ngay lập tức một phần mẫu nước tiểu. Nếu có quá nhiều một chất nào đó trong nước tiểu, đầu tăm sẽ đổi màu.

Phần còn lại của nước tiểu sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi. Các bác sĩ tìm kiếm những chất thông thường không có trong nước tiểu. Những chất này bao gồm các tế bào máu (hồng cầu và bạch cầu), vi khuẩn và các tinh thể có thể phát triển thành sỏi thận.

protein niệu
Protein niệu được chẩn đoán như thế nào?

Điều trị protein như thế nào?

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra protein niệu. Mỗi tình trạng bệnh cần các phương pháp điều trị khác nhau.

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán có bệnh lý thận, kế hoạch điều trị có thể bao gồm thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân và tập thể dục. Bệnh nhân đái tháo đường và cao huyết áp có protein niệu có thể cần thuốc điều trị huyết áp và những người bị đái tháo đường sẽ phải kiểm soát lượng đường trong máu của họ. Bệnh nhân đái tháo đường nên được xét nghiệm đo mức lọc cầu thận (glomerular filtration rate – GFR) hàng năm và có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa thận.

protein niệu
Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, không ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ

Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật cần được theo dõi thường xuyên. Tình trạng này mặc dù tiến triển nặng trong thai kỳ nhưng sẽ tự khỏi sau khi chấm dứt thai kỳ. Những bệnh nhân bị protein niệu có huyết áp thấp nên được xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp định kỳ.

Nếu protein niệu không kèm theo bệnh đái tháo đường, cao huyết áp hoặc bất kỳ tình trạng bệnh lý nào khác, thuốc huyết áp vẫn có thể được kê đơn để ngăn ngừa tổn thương thận. Bệnh nhân nên kiểm tra huyết áp và nước tiểu sáu tháng một lần để đảm bảo không mắc bệnh thận. Nếu bệnh nhân bị protein niệu nhẹ hoặc tạm thời thì có thể không cần điều trị.

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.

Kết luận

Protein niệu có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến thận. Người bệnh cần nhanh chóng tìm đến các bác sĩ tiết niệu gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Một số bác sĩ có thể khám và điều trị bệnh tiết niệu

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trang Võ Anh Vinh, gần 10 năm kinh nghiệm, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
  • Thạc sĩ Bác sĩ Trà Anh Duy, hơn 10 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Nguồn tài liệu tham khảo: Cleverlandclinic.org