Suy tuyến thượng thận có rất nhiều nguyên nhân. Bệnh thường có biểu hiện rất mơ hồ và không đặc hiệu nên thường phát hiện khi bệnh đã tiến triển được một thời gian. Docosan mời bạn tham khảo bài viết này để biết thêm về bệnh suy tuyến thượng thận.
Tóm tắt nội dung
Suy tuyến thượng thận là gì?
Tuyến thượng thận là cơ quan đôi (hai bên cơ thể) nằm ở khoang sau phúc mạc. Sỡ dĩ có tên gọi như vậy vì một phần của nó nằm phía trên hai thận hai bên.
Tuyến thượng thận tuy có kích thước nhỏ nhưng đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự sống còn. Đó là vì cơ quan này chịu trách nhiệm cho tổng hợp nhiều hormon quan trọng trong cơ thể như: glucocorticoid, mineralocorticoid, epinephrine, norepinephrine.
Suy tuyến thượng thận, hay suy thượng thận, là tình trạng giảm sản xuất glucocorticoid hay mineralocorticoid hoặc cả hai. Glucocorticoid được tổng hợp tại lớp bó và lớp lưới, hai lớp trong cùng của vỏ thượng thận. Trong khi mineralocorticoid được tổng hợp tại lớp ngoài cùng, lớp cầu.
Suy tuyến thượng thận có bao nhiêu loại?
Suy tuyến thượng thận được phân thành hai thể tùy vị trí của tổn thương tại bản thân tuyến thượng thận hay tại vị trí trung ương cao hơn:
- Suy tuyến thượng thận nguyên phát: đây là sự rối loạn chức năng tại tuyến thượng thận, làm giảm sự sản xuất cortisol (hormon glucocorticoid) và làm tăng ACTH (một hormon từ vị trí trung ương) trong máu
- Suy tuyến thượng thận thứ phát: do rối loạn chức năng của vị trí trung ương trong trục nội tiết của thượng thận, đó là vùng hạ đồi và tuyến yên. Hậu quả là gây giảm sản xuất cortisol và nồng độ ACTH máu thì bình thường hoặc thấp.
Có sự khác biệt về hai hormon tuyến thượng thận (cortisol và aldosterone) giữa hai thể bệnh trên. Cả hai thường thiếu trong suy thượng thận nguyên phát, trong khi chỉ một mình cortisol thiếu trong suy thượng thận thứ phát. Điều này đã dẫn đến một vài sự khác biệt về triệu chứng giữa hai thể bệnh.
Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận
Vì bản chất sinh bệnh khác nhau giữa hai thể bệnh của suy tuyến thượng thận, căn nguyên của mỗi loại cũng không giống nhau.
Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận nguyên phát
- Suy thượng thận tự miễn (bệnh Addison)
- Các nhiễm trùng, trong đó lao toàn thể là nguyên nhân thường gặp nhất
- Ung thư di căn đến tuyến thượng thận (từ ổ nguyên phát ở vú, phổi, dạ dày, đại tràng) hoặc ung thư lymphôm
- Cắt bỏ tuyến thượng thận hai bên
- Xuất huyết tuyến thượng thận hai bên: chấn thương, sử dụng thuốc kháng đông, sốc mất máu, nhiễm trùng hoặc phỏng rộng
- Bệnh di truyền: tăng sản thượng thận bẩm sinh, tăng sản thượng thận nhiễm lipid bẩm sinh, loạn sản chất trắng thượng thận, hội chứng Allgrove,…
Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận thứ phát
Những nguyên nhân gây ức chế lên trục nội tiết hạ đồi – tuyến yên – thượng thận:
- Nguồn gốc ngoại sinh (dùng corticoid lâu ngày)
- Nội sinh (hội chứng Cushing)
Những sang thương tại vùng hạ đồi và tuyến yên
- U tuyến yên hoặc ung thư di căn, viêm tuyến yên, chiếu xạ tuyến yên
- U sọ hầu, nang Rathkle
- Nhiễm trùng: lao, nấm, actinomycosis, nhiễm Nocardia
- Sự cố về mạch máu trong hội chứng Sheehan
- Sau can thiệp cắt bỏ u tuyến yên
Ngoài ra còn có thể do sarcoid, chấn thương sọ não, thiếu đơn độc ACTH.
Triệu chứng suy tuyến thượng thận
Triệu chứng suy tuyến thượng thận nguyên phát
Nổi bật nhất là sự suy nhược toàn bộ thể chất, tinh thần, sinh dục. Bệnh khởi phát thầm lặng với nhiều triệu chứng không đặc hiệu cho bệnh nên thường được chẩn đoán muộn.
- Yếu mệt
- Chán ăn, buồn nôn, nôn ói, táo bón…
- Sụt cân
- Sạm da niêm
- Chóng mặt
- Hạ đường huyết nặng
- Thay đổi cảm xúc, suy nghĩ chậm chạp, có khi trầm cảm
- Suy nhược sinh dục rõ ở nữ: bất lực, lãnh cảm, vô kinh, thưa lông mu, lông nách
- Bạch biến
- Đau cơ, co cứng cơ, vọp bẻ, đau khớp
Những người suy tuyến thượng thận không hoàn toàn thì các triệu chứng có thể mờ nhạt hơn.
Triệu chứng suy tuyến thượng thận thứ phát
- Khác với suy thượng thận nguyên phát, bệnh nhân suy thượng thận thứ phát không sạm da niêm, hạ đường huyết rất thường gặp và hạ natri máu.
- Nếu suy tuyến yên thì sẽ kèm với thiếu hormon của các trục khác mà tuyến yên sản xuất và điều hòa. Hay nói cách khác, suy tuyến thượng thận thứ phát có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nữa.
Biến chứng suy tuyến thượng thận
- Cơn suy tuyến thượng thận cấp
- Hạ đường huyết nặng
- Hôn mê
- Rối loạn điện giải
- Thậm chí tử vong
Chẩn đoán suy tuyến thượng thận
Việc chẩn đoán bệnh suy tuyến thượng thận được dựa trên sự hỏi bệnh kỹ càng của bác sĩ về tiền sử bệnh của bản thân bệnh nhân và gia đình, các triệu chứng khiến bệnh nhân khó chịu phải đi khám, kết hợp với thăm khám hệ thống và không thể thiếu xác định nồng độ hormon trong máu.
Một số xét nghiệm có thể cần thiết cho chẩn đoán:
- Cortisol máu
- ACTH máu
- Test Corticosyn/Synacthen
- Test hạ đường huyết bằng insulin
- Tự kháng thể thượng thận
- Công thức máu
- Điện giải đồ
- Glucose máu
Tùy trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc thêm các công cụ hình ảnh học để hỗ trợ chẩn đoán: X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng, chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến yên.
Điều trị suy tuyến thượng thận
Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng một hoặc nhiều phương pháp sau đây:
- Điều trị thay thế bằng glucocorticoid suốt đời
- Điều trị thay thế bằng mineralocorticoid nếu suy thượng thận nguyên phát nặng
- Điều trị cơn suy thượng thận cấp như: bù đủ dịch, điều chỉnh điện giải, glucose máu
- Xử trí khi có stress (phẫu thuật, nhiễm trùng, chấn thương…): tăng liều hydrocortisone (một glucocorticoid)
Bệnh viện, phòng khám nội tiết – nội tổng hợp
- Bệnh viện quốc tế City – City International Clinic – Q. Bình Tân
- Vigor Health – Q.3
- Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare – Q.10
Kết luận
Suy tuyến thượng thận không có biểu hiện đặc trưng, người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, sạm da, … Nếu không được khám và chỉ định xét nghiệm sớm thì bệnh sẽ tiến triển xấu có thể đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy cấp, thậm chí tử vong. Để chủ động chữa bệnh hãy khám sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ tại các cơ sở y tế được gợi ý trên đây.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu bệnh suy tuyến thượng thận tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.
- PGS. TS. BSCKII. Trần Thị Khánh Tường. Triệu chứng học – bệnh học nội khoa 2020. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Adrenal Insufficiency (Addison’s Disease) – Johns Hopkins Medicine