Tổng quan về tuyến thượng thận: 1 số chức năng, vai trò

Tuyến thượng thận sản xuất ra các hormon vô cùng quan trọng trong cơ thể. Những rối loạn liên quan đến tuyến thượng thận phức tạp và biểu hiện trên thực tế rất đa dạng. Mời quý độc giả cùng Docosan tìm hiểu về giải phẫu và sinh lý chức năng của tuyến thượng thận thông qua bài viết này.

Tuyến thượng thận là gì?

Tuyến thượng thận là cơ quan đôi (có ở hai bên) tuy có kích thước nhỏ nhưng đóng vai trò sống còn với cơ thể của chúng ta. Chúng nằm ở khoang sau phúc mạc, tức khu vực sau các tạng trong ổ bụng, gần về phía sau lưng hơn, sát với vị trí của hai thận. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng tuyến thượng thận có tác dụng sản sinh ra hormone cortisol và aldosterone trong cơ thể. Nếu tuyến thượng thận bị tổn thương có thể gây ảnh hưởng lớn đến tổng thể sức khỏe.

Giải phẫu tuyến thượng thận

Hình thể bên ngoài

Bình thường có hai tuyến thượng thận nằm ở hai bên cột sống và ngay phía trên mỗi thận. Chúng có kích thước nhỏ và nằm sát sau lưng, được vây quanh bởi những cấu trúc cố định và tương đối chắc chắn như cơ hoành, gan, mạc thận, xương sườn, khối cơ lưng gáy.

Tuy gọi là tuyến thượng thận, nhưng thật sự chỉ 1/10 tuyến này nằm trùm lên đầu trên của thận. Phần còn lại thì nằm dọc theo bờ trong của thận, ngay phía trên rốn thận.

Mỗi tuyến thượng thận nặng từ 3-6 gam ở người trưởng thành. Tuy vậy, lúc mới sinh tuyến thượng thận hơi to hơn. Mỗi tuyến thượng thận có màu vàng xám, hình tam giác với ba mặt như một kim tự tháp.

Ngoài hai tuyến thượng thận bình thường, đôi khi có những tuyến thượng thận phụ ở trong ổ bụng hay trong vùng chậu.

tuyen-thuong-than
Hình thể ngoài và hình thể trong của tuyến thượng thận hai bên

Hình thể trong

Tuyến thượng thận gần hai phần riêng biệt là tủy thượng thận và vỏ thượng thận. Hai thành phần này có nguồn gốc phôi thai học khác nhau, do đó cấu tạo mô học và chức năng sinh lý cũng rất khác nhau.

  • Vỏ thượng thận nằm bên ngoài và chiếm đến 80% khối lượng của tuyến. Vùng vỏ thượng thận thật ra không phải một khối thống nhất, nó được cấu tạo bởi ba lớp riêng biệt và sản xuất các hormon có tác dụng rất khác nhau, nhưng có bản chất chung đều là các chất steroid (nên còn gọi là steroid thượng thận). Ba lớp này là lớp lưới, lớp bó và lớp cầu.
  • Tủy thượng thận nằm bên trong và chỉ chiếm 20% khối lượng mô tuyến. Đây là vùng chuyên tổng hợp các chất catecholamine, gồm epinephrine (hay adrenaline) và norepinephrine (hay noradrenaline).
tuyen-thuong-than

Sinh lý tuyến thượng thận

Tuy có kích thích nhỏ nhưng chức năng của tuyến thượng thận là rất quan trọng. Một số hormon do nó tiết ra có vai trò thiết yếu đối với sự sống còn.

Tác dụng của hormon vỏ thượng thận

Vỏ thượng thận gồm 3 lớp. Vùng trong cùng là lớp lưới, vùng ở giữa là lớp bó. Hai vùng này tổng hợp các glucocorticoid (corticoid đường) và androgen tuyến thượng thận. Vùng ngoài cùng là lớp cầu, chuyên tổng hợp các mineralocorticoid (corticoid khoáng).

Nếu vỏ thượng thận bị loại bỏ hoặc không còn hoạt động, cơ thể phải được bổ sung các chất ngoại sinh có hoạt tính tương tự, nếu không sẽ dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là vì glucocorticoid và mineralocorticoid nắm giữ nhiều vai trò quan trọng để duy trì hoạt động sống của cơ thể. 

Các hormon vỏ thượng thận tác động lên nhiều tế bào khác nhau theo cơ chế chung của chất steroid là kích thích quá trình tổng hợp protein của các tế bào. Do đó, các hormon này có các tác dụng sinh lý rất đa dạng và khác biệt, tùy vào đặc tính của loại protein được tạo ra. 

Tác dụng của glucocorticoid (sản xuất bởi lớp lưới và lớp bó của vỏ thượng thận)

  • Tăng dị hóa đạm, mỡ để chuyển hóa năng lượng dự trữ thành năng lượng hoạt động
  • Tăng đường huyết, rất quan trọng khi cơ thể trong tình trạng nhịn đói
  • Kháng viêm và ức chế miễn dịch
  • Duy trì đáp ứng co mạch của mạch máu đối với catecholamine (từ tủy thượng thận) để duy trì huyết áp ở mức bình thường
  • Gây ức chế hình thành xương, do đó người sử dụng quá mức glucocorticoid ngoại sinh (từ thực phẩm chức năng, thuốc) có thể bị loãng xương
  • Có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương, làm gia tăng thời gian thức giấc, giảm chất lượng giấc ngủ

Tác dụng của mineralocorticoid, hay aldosterone, (tổng hợp bởi lớp cầu)

  • Tác động lên hệ thống ống lọc của thận (ống lượn xa và ống góp) để duy trì nồng độ các muối khoáng trong máu ở mức ổn định
  • Làm tăng tái hấp thu ion natri ở ống lọc của thận trở ngược lại vào máu,
  • Làm tăng bài tiết ion kali và ion hydrogen (H+) vào dịch lòng ống (để thải ra ngoài như nước tiểu)
  • Thông qua đó, nồng độ aldosterone có ảnh hưởng lớn đến huyết áp, lượng dịch trong cơ thể, nồng độ kali máu và tình trạng toan kiềm của máu

Tác dụng của tủy thượng thận

Tủy tuyến thượng thận là nơi tổng hợp và phóng thích các catecholamin vào trong máu, bao gồm 80% là epinephrine (hay adrenaline) và 20% là norepinephrine (hay noradrenaline). 

Tủy thượng thận là một phần của hệ thần kinh giao cảm. Khi có kích thích thần kinh giao cảm tới tủy thượng thận sẽ gây giải phóng một lượng lớn epinephrine và norepinephrine vào máu tuần hoàn. Từ đó, hai hormon này đi đến tất cả các mô trong cơ thể. 

Hai chức năng chính của tủy thượng thận là: 

  • Huy động năng lượng cho toàn cơ thể
  • Tái phân phối lưu lượng máu từ các cơ quan không quan trọng về các cơ quan quan trọng như tim và não

Do đó, mỗi khi cơ thể đáp ứng với một stress tinh thần hay thể chất nào đó, tủy thượng thận sẽ tiết các catecholamin vào tuần hoàn. Đây là một cơ chế sinh lý giúp cơ thể thích nghi với những phản ứng kích thích, các mối đe dọa, sự sợ hãi,…

Theo đó, các hormon này cũng có những chức năng khác để đảm bảo cơ thể có một nguồn năng lượng dồi dào để đáp ứng với các kích thích từ bên ngoài như:

  • Tăng nồng độ đường và các acid béo trong máu, sẵn sàng để các cơ quan sử dụng với mức nhu cầu cao hơn
  • Tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim
  • Tăng huyết áp tâm thu
  • Tăng tưới máu cho não, tim
  • Giãn cơ trơn ở phế quản, tử cung

Với đặc tính này, các catecholamin ngoại sinh có thể được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực quan trọng trong y học như: điều trị sốc phản vệ, ngưng tim, giảm co thắt phế quản, giảm gò tử cung trong dọa sảy thai,… 

Bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận có vai trò rất lớn trong việc cân bằng, ổn định sức khỏe. Những tổn thương ở tuyến thượng thận có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể. Xét nghiệm u tuyến thượng thận để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, giúp điều trị chính xác, hiệu quả. Những căn bệnh ở bộ phận này có thể là:

Bệnh lý liên quan vỏ thượng thận

  • Suy vỏ thượng thận: Bệnh Addison là một dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả và sản xuất không đủ lượng hormone cortisol hoặc aldosterone cần thiết, dẫn đến tình trạng muối và nước của cơ thể sẽ bị thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu và lượng kali tăng nhanh đến mức nguy hiểm.Bệnh có các triệu chứng thường gặp như: da sạm đen, cơ thể mệt nhọc, gầy, giảm cân nhanh chóng, hạ huyết áp, buồn nôn và nôn, đau bụng…
  • Cường vỏ thượng thận:
    • Cường vỏ thượng thận loại chuyển hóa: Bệnh Cushing ( loại rối loạn hiếm gặp này xảy ra khi tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều cortisol với các triệu chứng như:  Vùng trung tâm cơ thể có tình trạng tích tụ mỡ, béo tròn nhưng chân tay bị nhỏ đi, khẳng khiu, da có những biến đổi bất thường: dễ bị bầm máu, da mỏng hơn bình thường, có các vết rạn da màu tím đỏ, lông mọc nhiều, huyết áp tăng cao, mệt mỏi không muốn hoạt động…), bệnh Conn ( với các triệu chứng: thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều hơn, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút, đau nhức đầu, rối loạn thị giác…)
    • Cường hormon sinh dục nam của vỏ thượng thận (hypercorlicisme androénique)

Bệnh lý liên quan tủy thượng thận

  • Suy tủy thượng thận: Chưa thấy thông tin về bệnh lý suy tủy thượng thận.
  • Cường tủy thượng thận (Phrocromocytom-là loại khối u thần kinh nội tiết): gây tăng tiết các catecholamin (thông thường là Adrenalin và/hoặc Noradrenalin, hiếm gặp hơn là tiết dopamin) gây tăng huyết áp nặng và nguy hiểm. Ngoài ra, thỉnh thoảng bị sốt nhẹ, ù tai, buồn nôn hoặc nôn, ra mồ hôi, ù tai…Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời, chẩn đoán hoặc điều trị không đúng.

Bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (Congenital adrenal hyperplasia – CAH)

Là bệnh di truyền, biểu hiện của bệnh là tình trạng rối loạn tổng hợp hormon vỏ thượng thận. Nguyên nhân chính là do đột biến gen CYP21A2 dẫn đến thiếu men 21-hydroxylase. Thiếu hụt 21-hydroxylase có thể được chia thành 2 dạng:

  • Mất muối
  • Nam tính hóa

Ở cả hai dạng, mức androgen thượng thận tăng lên, gây nam tính hóa.

Phương pháp chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận

Ngay khi cơ thể có những triệu chứng bất thường ở tuyến thượng thận, người bệnh cần đi khám để được kiểm tra cũng như làm các xét nghiệm u tuyến thượng thận cần thiết. Các biện pháp chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận có thể được chỉ định là:

  • Xét nghiệm sinh hóa máu: giúp định lượng nồng độ các hormon tuyến thượng thận, hormon tuyến yên, đường huyết, kali, natri…giúp chẩn đoán bệnh chính xác nhất
  • Xét nghiệm di truyền: Những bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận nếu có nguyên nhân là yếu tố di truyền cần thực hiện xét nghiệm này để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời sàng lọc bệnh lý với các thành viên trong gia đình.
  • Chẩn đoán hình ảnh: các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao như CT scan, MRI, PET, siêu âm, X-quang  giúp phát hiện và tầm soát các khối u với độ chính xác cao.

Tùy vào nguyên nhân và bệnh lý tuyến thượng thận mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhất giúp chữa trị dứt điểm căn bệnh. Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị giúp tuyến thượng thận hoạt động bình thường trở lại nhưng cũng có bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận và khối u thì mới có thể loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp nào bạn cũng nên phối hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả tốt đẹp, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng ngừa bệnh lý tuyến thượng thận

Để ngăn ngừa cũng như điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận, bên cạnh việc sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, mọi người nên có lối sống, chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lành mạnh, khoa học:

  • Chế độ dinh dưỡng: nên ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng,thực phẩm có nhiều chất xơ, protein, chất béo tốt và vitamin, nhất là vitamin C (xoài, táo, cam…), vitamin nhóm B (B5, B6), uống đủ nước…. Kiêng những thực phẩm chứa đường, nhiều muối, các chất làm ngọt nhân tạo (aspartame) vì những chất như này làm gánh nặng cho tuyến thượng thận,khiến cơ thể trở nên mệt mỏi.
  • Không uống rượu bia, hút thuốc lá
  • Chế độ luyện tập thể dục: không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn tăng sức đề kháng, giúp tinh thần thoải mái, dễ chịu. Nên tập những bài tập nhẹ nhàng với cường độ nhẹ nhưng thường xuyên như: đi bộ, yoga, bơi lội…, không nên tập nặng và tập nhiều để tránh cơ thể không đáp ứng được thì dẫn đến tình trạng mệt mỏi hơn.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống, đời sống tinh thần: giữ tinh thần thoải mái, không áp lực, căng thẳng kéo dài; đảm bảo chất lượng giấc ngủ: ngủ đủ giấc, ngủ ngon, không thức khuya…
  • Duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân, phát hiện sớm bệnh ngay từ giai đoạn đầu để chữa trị
  • Khi được chẩn đoán các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận, cần tuân thủ, thực hiện theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc, nhất là thuốc corticoid vì đây là một trong những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận. Tốt nhất, nếu phải dùng thuốc hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Tổng kết

Tuyến thượng thận là một tạng nhỏ, có ở hai bên, nằm ở khoang sau phúc mạc. Chúng đóng vai trò thiết yếu cho sự sống còn của chúng ta. Cấu tạo của tuyến thượng thận bao gồm nhiều phần và lớp với những đặc điểm mô học và sinh lý rất khác nhau. Những rối loạn liên quan tuyến thượng thận do đó mà cũng vô cùng phức tạp và nguy hiểm.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  • GS. TS. BS. Nguyễn Quang Quyền. Bài giảng Giải phẫu học. Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
  • PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc. Sinh lý học y khoa. Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
  • TS. BS. Phan Ngọc Tiến. Sinh lý học y khoa Tập 2. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch