Băng huyết sau sinh: Biểu hiện và cách xử trí an toàn

Băng huyết sau sinh là một cấp cứu sản khoa, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các sản phụ, số liệu ước tính có khoảng 140.000 phụ nữ trên thế giới tử vong vì băng huyết sau sinh. Có nghĩa là cứ mỗi 4 phút thì có một trường hợp tử vong vì băng huyết sau sinh, trong số đó, hơn ½ số ca tử vong xảy ra trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh. Cùng tìm hiểu về triệu chứng nguy hiểm này với Docosan nhé! 

Băng huyết sau sinh là gì?

Trong mỗi cuộc sinh nở, người phụ nữ sẽ mất một lượng máu tương đối. Băng huyết sau sinh được định nghĩa là khi mất trên 500 ml máu đối với trường hợp sản phụ vừa sanh em bé qua ngả âm đạo hoặc trên 1000 ml (1 lít) máu đối với trường hợp mổ lấy thai.

Tuy nhiên, định nghĩa này không thật chính xác, bởi vì lượng máu mất là ước lượng chủ quan của người đánh giá, bên cạnh đó, cùng một lượng máu mất nhưng trên những người phụ nữ khác nhau (về cân nặng, về tình trạng bệnh lý huyết học trước đó…) thì sẽ có những ảnh hưởng khác nhau.

Vì vậy, trên thực tế, bác sĩ còn dựa trên các xét nghiệm về máu của người sản phụ, đánh giá sự thay đổi các thông số để nhận định mức độ ảnh hưởng của việc mất máu gây ra.

bang-huyet

Yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng băng huyết

Có nhiều yếu tố được xem là nguy cơ làm tăng khả năng xảy ra hiện tượng băng huyết ở sản phụ sau khi sinh em bé, ví dụ như:

  • Một quá trình chuyển dạ kéo dài.
  • Cần sử dụng thuốc tăng co trong quá trình chuyển dạ.
  • Sản phụ có tiền sử đã từng xảy ra hiện tượng băng huyết sau sinh trong lần sinh em bé trước đó.
  • Trong quá trình mang thai, sản phụ mắc bệnh tiền sản giật.
  • Tình trạng tử cung căng to trước sinh, vì thai to, đa thai, hoặc đa ối… 
  • Nhiễm trùng nước ối…

Khi có các yếu tố kể trên sẽ làm tăng tỷ lệ xuất hiện băng huyết sau sinh ở sản phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp, dù không có bất cứ yếu tố nguy cơ nào, không có dấu hiệu cảnh báo trước đó, băng huyết sau sinh vẫn có thể xảy ra.

Nguyên nhân băng huyết sau sinh

Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến băng huyết sau sinh là đờ tử cung, chiếm tỉ lệ gần 80%. Tử cung sau một thời gian dài, giãn nở, tăng kích thước khi mang thai, và trải qua quá trình sanh tốn nhiều “năng lượng”, thông thường sẽ tự co hồi, và dần trở về kích thước bình thường. Đờ tử cung là tình trạng tử cung không hoặc co hồi chậm, bởi vì chính động tác co hồi cũng sẽ giúp ép chặt các mạch máu, cầm máu cho sản phụ, vậy nên tử cung co hồi kém làm máu chảy rỉ rả và gây băng huyết sau sinh.

Nguyên nhân thường gặp thứ nhì đó là tổn thương đường sinh dục hoặc tạo khối máu tụ đường sinh dục gây chảy máu.

Các nguyên nhân khác như: sót nhau thai, rối loạn đông máu,… thường ít gặp.

Triệu chứng của băng huyết sau sinh

  • Chảy máu từ đường sinh dục: máu đỏ tươi hoặc máu đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng… Lượng máu có thể ít hoặc nhiều. Điều quan trọng là cần đánh giá lượng máu mất tác động ra sao đến sản phụ (về tri giác, về hô hấp, tim mạch…)
  • Máu ứ đọng trong buồng tử cung. Vùng dưới rốn của sản phụ căng, to dần, tăng kích thước theo bề ngang và sờ lên bề mặt da cảm nhận sự mềm nhão.
  • Da xanh xao, sắc mặt nhợt nhạt, tay chân (đặc biệt là các đầu ngón) lạnh hoặc tím tái, cảm giác khát nước, mạch nhanh, huyết áp giảm…
  • Về một số bất thường (thường là giảm) các chỉ số xét nghiệm máu về số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin, dung tích hồng cầu… 

Nếu tình trạng băng huyết sau sinh không được phát hiện và xử trí kịp thời, việc mất máu tiếp diễn sẽ khiến sản phụ có thể rơi vào tình trạng sốc do giảm quá mức thể tích máu lưu thông trong hệ tuần hoàn, đồng thời, kèm theo các biến chứng suy các cơ quan và có thể dẫn đến tử vong. 

bang-huyet

Xử trí băng huyết sau sinh

Việc phát hiện tình trạng băng huyết sau sinh thường xảy ra ngay trong bệnh viện và việc xử trí cần được thực hiện chính xác, kịp thời và do người có chuyên môn phụ trách.

Về nguyên tắc, xử trí băng huyết sau sinh cần song song giữa chẩn đoán và xử trí triệu chứng cũng như nguyên nhân. Tuỳ theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ có các biện pháp để can thiệp phù hợp.

Hồi sức tích cực

  • Đặt sản phụ nằm đầu thấp, thở oxy.
  • Xoa bóp phần bụng dưới rốn (vùng đáy tử cung để giúp tử cung co hồi tốt hơn, bởi vì nguyên nhân thường gặp nhất của băng huyết sau sinh là đờ tử cung).
  • Đảm bảo huyết áp, tim mạch sản phụ ổn định.
  • Kiểm tra, xác định tất cả các nguyên nhân có thể gây chảy máu, bởi vì rất có thể hiện tượng băng huyết là do phối hợp một số nguyên nhân cùng gây ra.
  • Chuẩn bị các chế phẩm máu, tiểu cầu, thuốc hỗ trợ tim mạch cần thiết để có thể sử dụng khi diễn tiến của sản phụ tiến triển xấu đi.

Cắt tử cung

Đây là giải pháp cuối cùng để nhằm cứu tính mạng của sản phụ. Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, đủ con (theo ý kiến của sản phụ và gia đình), việc cắt tử cung là giải pháp đầu tiên được nghĩ đến để xử trí tình trạng băng huyết sau sinh.

Tuy nhiên, đối với những sản phụ trẻ tuổi, các bác sĩ thường sẽ cân nhắc thêm các biện pháp cầm máu, thắt các động mạch tử cung hoặc các động mạch liên quan, để giảm nguy cơ phải cắt tử cung nhất có thể, bảo toàn chức năng sinh sản cho người bệnh 

Các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau sinh

Điều đầu tiên và quan trọng nhất để ngăn ngừa băng huyết sau sinh, các sản phụ cần thăm khám thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai, để có thể sớm phát hiện các bệnh lý hoặc bất thường kèm theo, từ đó tiên lượng và chuẩn bị trước cho cuộc sinh được diễn ra tốt đẹp.

Trước sinh

  • Tầm soát, xác định các yếu tố nguy cơ có thể gây hiện tượng băng huyết.
  • Thực hiện các xét nghiệm máu đầy đủ, về nhóm máu, yếu tố/bệnh lý đông cầm máu nếu có.
  • Khám thai định kỳ đẩy đủ.

Trong cuộc sinh

  • Tránh chuyển dạ kéo dài.
  • Sử dụng thận trọng các thuốc gây mê, gây tê, giảm đau trong quá trình chuyển dạ.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng ối.
  • Thủ thuật bảo đảm nhẹ nhàng, chính xác.

Sau sinh

Theo dõi sản phụ ít nhất 6 giờ sau khi sinh để kịp thời phát hiện hiện tượng băng huyết sau sinh xảy ra.

Phòng khám phụ sản uy tín

  • Phòng khám Marie Stopes Tân Bình HCM – Q. Tân Bình
  • Phòng khám chuyên khoa phụ sản Hoa Sen Lotus-Ob-Gyn- Clinic – Q.4
  • Phòng khám sản phụ khoa Thiên Phúc – Q.2

Kết luận

Băng huyết sau sinh là một bệnh lý nặng, có tính chất cấp cứu trong chuyên ngành sản phụ khoa. Tình trạng mất máu lượng lớn sau sinh còn đưa đến nhiều hậu quả nặng nề khác như suy hô hấp, suy đa cơ quan, bệnh lý đông cầm máu, mất khả năng sinh sản… hoặc thậm chí là tử vong.

Do đó, việc tầm soát tốt các yếu tố nguy cơ, khám thai định kỳ có vị trí vô cùng quan trọng và cần được thực hiện tốt ở tất cả phụ nữ khi mang thai, để từ đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có những nhận định, tiên lượng cho cuộc sinh và chuẩn bị ứng phó với tình huống băng huyết nếu xảy ra. 


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.