Không có kinh nguyệt (vô kinh): Nguyên nhân, cách điều trị

Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt, thường được định nghĩa là mất một hoặc nhiều kỳ kinh nguyệt liên tiếp. Nguyên nhân phổ biến nhất của vô kinh liên quan đến nồng độ hormone. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về triệu chứng, chẩn đoán và hướng điều trị bệnh, hãy cùng Docosan tìm hiểu nội dung dưới đây.

Không có kinh nguyệt (vô kinh) là gì?

Vô kinh hay không có kinh nguyệt là tình trạng bạn không có kinh mặc dù đã qua tuổi dậy thì, chưa mang thai và chưa đến giai đoạn mãn kinh. Nếu bạn bị vô kinh, bạn sẽ không bao giờ có kinh. Mặc dù đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng bạn nên được thăm khám phụ khoa sớm vì đây có thể là một triệu chứng của một bệnh lý có thể được điều trị.

Có hai loại vô kinh:

  • Vô kinh nguyên phát: Là tình trạng không có kinh nguyệt mặc dù đã ở độ tuổi 15 (độ tuổi dậy thì)
  • Vô kinh thứ phát: Đây là tình trạng bạn đang chu kỳ kinh nguyệt bình thường nhưng chúng dừng lại từ 3 tháng liên tiếp trở lên

Triệu chứng vô kinh

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vô kinh, bạn có thể gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác cùng với việc không có kinh nguyệt, chẳng hạn như:

  • Tiết dịch sữa từ núm vú
  • Rụng tóc
  • Đau đầu
  • Râu mọc dày trên khuôn mặt
  • Đau vùng xương chậu
  • Mụn
  • Ngực không phát triển

Nguyên nhân gây vô kinh

Vô kinh có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số nguyên do là bình thường, trong khi một số trường hợp có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của bệnh lý phụ sản.

Vô kinh tự nhiên

Trong quá trình bình thường của cuộc sống, bạn có thể không có kinh nguyệt vì những lý do tự nhiên, chẳng hạn như:

  • Thai kỳ
  • Cho con bú
  • Thời kỳ mãn kinh

Dùng thuốc tránh thai

Một số người uống thuốc tránh thai có thể không có kinh. Ngay cả sau khi ngừng thuốc tránh thai, có thể mất một thời gian trước khi rụng trứng và kinh nguyệt đều đặn trở lại. Thuốc tránh thai dưới dạng tiêm hoặc cấy cũng có thể gây vô kinh.

Thuốc men

Một số loại thuốc có thể khiến kinh nguyệt ngừng lại, bao gồm:

  • Thuốc chống loạn thần
  • Hóa trị ung thư
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc huyết áp
  • Thuốc dị ứng

Yếu tố lối sống

Đôi khi các yếu tố lối sống góp phần gây ra tình trạng vô kinh, ví dụ:

  • Nhẹ cân: Trọng lượng cơ thể quá thấp – khoảng 10% so với trọng lượng bình thường sẽ làm gián đoạn nhiều chức năng nội tiết tố trong cơ thể, có khả năng ngăn cản quá trình rụng trứng. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn vô độ, thường bị ngừng kinh do những thay đổi bất thường về nội tiết tố này.
  • Tập thể dục quá sức: Những phụ nữ tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tập luyện nghiêm ngặt, chẳng hạn như múa ba lê, chu kỳ kinh nguyệt của họ có thể bị gián đoạn. Một số yếu tố kết hợp lại góp phần vào việc mất kinh ở các vận động viên, bao gồm cơ thể ít mỡ, căng thẳng và tiêu hao nhiều năng lượng.
  • Căng thẳng: Căng thẳng tinh thần có thể tạm thời làm thay đổi hoạt động của vùng dưới đồi – một khu vực não kiểm soát các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Kết quả là quá trình rụng trứng và kinh nguyệt có thể ngừng lại. Kinh nguyệt đều đặn thường trở lại sau khi bạn giảm căng thẳng.

Mất cân bằng hóc môn

Một số bệnh lý có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, bao gồm:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS):  PCOS gây ra mức độ hormone tương đối cao và duy trì, thay vì mức độ dao động được thấy trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường
  • Bệnh tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp) có thể gây ra kinh nguyệt không đều, bao gồm tình trạng không có kinh nguyệt
  • Khối u tuyến yên: Một khối u không phải ung thư (lành tính) trong tuyến yên của bạn có thể cản trở việc điều hòa nội tiết tố của kinh nguyệt
  • Thời kỳ mãn kinh sớm: Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu vào khoảng tuổi 50. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, nguồn cung cấp trứng của buồng trứng giảm trước tuổi 40 khiến kinh nguyệt ngừng lại

Các vấn đề về cấu trúc cơ quan sinh dục

Bản thân các vấn đề với cơ quan sinh dục cũng có thể gây ra tình trạng vô kinh. Những ví dụ bao gồm:

  • Sẹo tử cung: Hội chứng Asherman, một tình trạng trong đó mô sẹo tích tụ trong niêm mạc tử cung, đôi khi có thể xảy ra sau khi nong và nạo (D&C), mổ lấy thai hoặc điều trị u xơ tử cung. Sẹo tử cung ngăn cản sự tích tụ và bong tróc bình thường của niêm mạc tử cung
  • Khiếm khuyết cơ quan sinh sản: Đôi khi các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thai nhi dẫn đến thiếu các bộ phận của hệ thống sinh sản, chẳng hạn như tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo. Bởi vì hệ thống sinh sản không phát triển đầy đủ, chu kỳ kinh nguyệt không thể diễn ra
  • Bất thường về cấu trúc của âm đạo: Sự tắc nghẽn của âm đạo có thể ngăn cản máu kinh có thể nhìn thấy được. Có thể có màng hoặc thành trong âm đạo để ngăn dòng máu chảy ra từ tử cung và cổ tử cung.

Chẩn đoán tình trạng không có kinh nguyệt

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô kinh, chính vì thế có thể mất thời gian để tìm ra nguyên nhân chính xác.

Trước tiên, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của bạn và thăm khám sức khỏe vùng chậu. Nếu bạn có hoạt động tình dục, bác sĩ có thể yêu cầu thử thai để loại trừ nguyên nhân mang thai. Sau đó có thể bạn sẽ cần thực hiện một số loại xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh của bạn. Bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều cách sau:

  • Xét nghiệm máu: Các chỉ số này đo nồng độ của một số hormone trong máu của bạn, bao gồm hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone kích thích tuyến giáp, prolactin và hormone nam. Quá nhiều hoặc quá ít các hormone này có thể gây trở ngại cho chu kỳ kinh nguyệt
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm này có thể cho thấy những bất thường của cơ quan sinh sản của bạn hoặc vị trí của các khối u. Các xét nghiệm bao gồm siêu âm , chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Nội soi tử cung: Bác sĩ sẽ đặt một ống soi qua âm đạo và cổ tử cung để quan sát bên trong tử cung của bạn
  • Sàng lọc di truyền: Tìm kiếm những thay đổi di truyền có thể khiến buồng trứng ngừng hoạt động và các nhiễm sắc thể X bị thiếu một phần hoặc hoàn toàn (hội chứng Turner).
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể (karyotype): Xác định các tế bào bị thiếu, thừa hoặc sắp xếp lại trong nhiễm sắc thể của bạn để giúp xác định các bất thường có thể gây ra tình trạng không có kinh nguyệt.

Điều trị vô kinh như thế nào?

Phác đồ điều trị vô kinh của bác sĩ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên triệu chứng, bao gồm:

  • Nếu bệnh liên quan đến béo phì: Bác sĩ có thể sẽ đề nghị một liệu trình giảm cân. Nếu lý do giảm cân quá mức hoặc tập thể dục quá mức, họ sẽ khuyến khích bạn tăng cân hoặc tập thể dục ít hơn.
  • Để giúp bạn kiểm soát sức khỏe tâm thần: Bác sĩ cũng có thể kê đơn liệu pháp trò chuyện, thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác
  • Để điều trị các vấn đề với tuyến giáp: Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như thay thế hormone hoặc khuyên bạn nên phẫu thuật
  • Đối với ung thư buồng trứng: Bác sĩ có thể đề nghị điều trị kết hợp thuốc, xạ trị và hóa trị 
  • Thuốc hoặc phẫu thuật: Để điều trị các tình trạng khác có thể gây vô kinh

Mặc dù triệu chứng không có kinh nguyệt không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng nó có thể mang lại những rủi ro về sức khỏe. Nếu bệnh liên quan đến những thay đổi nội tiết tố, nó có thể ảnh hưởng đến mật độ xương của bạn, làm tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương. Vô kinh cũng có thể khiến bạn khó mang thai hơn nếu bạn đang có dự định này.

Trong hầu hết các trường hợp vô kinh đều có thể điều trị được. Hãy thăm khám bác sĩ để biết thêm thông tin về tình trạng sức khỏe của bạn, các lựa chọn điều trị và triển vọng lâu dài.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: mayoclinic, healthline