Tổng quan về thủ thuật soi cổ tử cung (Colposcopy)

Soi cổ tử cung là một thủ thuật giúp kiểm tra cổ tử cung, âm đạo và âm hộ để tìm dấu hiệu của một số bệnh lý như ung thư, viêm nhiễm. Để thực hiện thủ thuật soi cổ tử cung, bác sĩ sử dụng một dụng cụ đặc biệt gọi là máy soi cổ tử cung. Tiến trình soi cổ tử cung có thể được bác sĩ đề nghị thực hiện nếu bạn có một bất thường trong quá trình thăm khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư vùng sinh dục. Để hiểu rõ hơn về thủ thuật y khoa này, mời bạn đọc cùng Docosan tham khảo ngay nội dung dưới đây.

Tại sao cần soi cổ tử cung?

Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thủ thuật này nếu bạn có một bất thường trong quá trình thăm khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư vùng sinh dục.

Soi cổ tử cung có thể được sử dụng để chẩn đoán:

  • Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà).
  • Viêm cổ tử cung.
  • Những thay đổi tiền ung thư của cổ tử cung.
  • Những thay đổi tiền ung thư của âm đạo.
  • Những thay đổi tiền ung thư âm hộ.
soi co tu cung la gi
Bài viết chia sẻ đến bạn đọc soi cổ tử cung là gì?

Rủi ro khi soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là một thủ thuật an toàn và có rất ít rủi ro. Hiếm khi xảy ra các biến chứng do sinh thiết trong quá trình soi cổ tử cung. Các biến chứng đó bao gồm:

  • Chảy máu nhiều.
  • Nhiễm trùng.
  • Đau vùng chậu.

Khi nào nên gọi cho bác sĩ?

Các dấu hiệu có thể chỉ ra các biến chứng sau khi soi cổ tử cung bao gồm:

  • Chảy máu nặng hơn kỳ kinh nguyệt thông thường.
  • Ớn lạnh.
  • Sốt.
  • Đau bụng nghiêm trọng.

Gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên sau khi soi cổ tử cung.

Chuẩn bị trước khi soi cổ tử cung

Để chuẩn bị cho việc soi cổ tử cung, bác sĩ có thể đề nghị bạn:

  • Tránh thực hiện thủ thuật trong thời gian hành kinh.
  • Không giao hợp qua đường âm đạo một hoặc hai ngày trước khi soi.
  • Không sử dụng băng vệ sinh dạng nhét (tampon) một hoặc hai ngày trước khi soi.
  • Không sử dụng thuốc đặt âm đạo trong hai ngày trước khi soi.
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin IB, v.v.) hoặc acetaminophen (Tylenol, v.v.), trước khi soi cổ tử cung.
  • Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng các thuốc chống đông
  • Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai. Nếu bạn có thai vẫn có thể thực hiện soi cổ tử cung nhưng sẽ không làm sinh thiết tế bào cổ tử cung.

5. Thực hiện soi cổ tử cung

Trong quá trình soi cổ tử cung

Quy trình nội soi tử cung thường mất từ ​​10 đến 20 phút. Bệnh nhân sẽ được đề nghị nằm ngửa trên bàn với chân chống, giống như khi khám phụ khoa hoặc làm xét nghiệm Pap.

Bác sĩ đặt một mỏ vịt vào âm đạo. Mỏ vịt giúp mở âm đạo để bác sĩ có thể quan sát cổ tử cung của bạn. Cổ tử cung và âm đạo được lau bằng gạc để loại bỏ dịch tiết giúp bác sĩ quan sát rõ hơn. Bác sĩ có thể thoa một loại dung dịch khác lên khu vực này, bạn có thể cảm thấy nóng rát hoặc ngứa ran.

Bác sĩ đặt dụng cụ phóng đại đặc biệt, được gọi là máy soi cổ tử cung, cách âm hộ của bạn vài cm. Sau đó, bác sĩ chiếu sáng âm đạo của bạn và quan sát qua ống kính soi cổ tử cung, để quan sát rõ hơn các tổn thương hoặc những thay đổi trên bề mặt cổ tử cung.

Trong quá trình sinh thiết

Nếu bác sĩ nghi ngờ tổn thương ác tính ở âm đạo hay cổ tử cung, bác sĩ sẽ thu thập một mẫu mô nhỏ để kiểm tra bằng một dụng cụ sinh thiết. 

Quá trình sinh thiết phụ thuộc vào loại mô đang được loại bỏ :

  • Sinh thiết cổ tử cung. Sinh thiết cổ tử cung sẽ gây khó chịu nhẹ nhưng thường không đau quá nhiều; bạn có thể cảm thấy áp lực hoặc chuột rút.
  • Sinh thiết âm đạo. Sinh thiết phần dưới của âm đạo hoặc âm hộ có thể gây đau, vì vậy bác sĩ có thể tiến hành gây tê cục bộ khu vực này.

Bác sĩ có thể bôi dung dịch hóa chất lên vùng sinh thiết để hạn chế chảy máu.

Sau khi soi cổ tử cung

Nếu bạn đã được lấy mẫu sinh thiết trong khi soi cổ tử cung, bạn có thể gặp phải:

  • Đau âm đạo hoặc âm hộ kéo dài một hoặc hai ngày.
  • Chảy máu âm đạo nhẹ, kéo dài vài ngày.
  • Tiết dịch sẫm màu từ âm đạo của bạn.

Tránh dùng băng vệ sinh dạng nhét (tampon), thụt rửa và giao hợp bằng âm đạo trong một tuần sau khi sinh thiết. Nếu bác sĩ không lấy mẫu sinh thiết trong quá trình soi cổ tử cung, bạn sẽ không có bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động của mình sau khi khám xong.

Bác sĩ phụ sản nội soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là một thủ thuật tìm các dấu hiệu của bệnh phụ khoa lành tính hoặc ác tính. Kết quả soi cổ tử cung sẽ gợi ý xem bạn có cần xét nghiệm và điều trị thêm hay không.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Colposcopy – mayoclinic

Contact Me on Zalo
Call Now Button