Bệnh lao da là gì? Cách phòng tránh và điều trị như thế nào?

Bệnh lao da đã và vẫn đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn từ thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Bệnh lao da có thể biểu hiện dưới nhiều triệu chứng khác nhau chứ không chỉ là các tổn thương ngoài da đơn thuần. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh lao da và cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Bệnh lao da là gì?

bệnh lao da
Bệnh lao da là gì? Cách phòng tránh và điều trị như thế nào?

Bệnh lao da là bệnh nhiễm khuẩn mãn tính phổ biến gây tổn thư­ơng nặng nề trong cơ thể. Bệnh lao da do trực khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis xâm lấn qua da, đây cũng là chủng vi khuẩn gây ra bệnh lao phổi.

Bệnh lao không chỉ đơn thuần gây tổn thư­ơng da mà đây là bệnh lý diễn ra trên toàn cơ thể. Ở bệnh nhân lao da ta, có từ 3–40% sẽ mắc kèm lao hạch, 25–30% có lao phổi đi kèm. Ngoài ra còn có thể phát hiện có lao sinh dục và lao buồng trứng kèm theo.

Bệnh lao da phụ thuộc chủ yếu vào 3 yếu tố:

  • Độc lực của trực khuẩn lao
  • Số l­ượng của trực khuẩn lao
  • Hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh

Bệnh còn có thể chịu ảnh hưởng từ môi trư­ờng, yếu tố dinh dư­ỡng bản thân bệnh nhân sau những bệnh nhiễm trùng khác rồi sau đó mới bị bệnh lao hoặc do những thói quen có hại cho sức khỏe như nghiện r­ượu.

Hiện nay nhờ có sự cải thiện về thói quen vệ sinh, chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn và cùng với đó là sự ra đời của vắc-xin BCG giúp phòng ngừa bệnh lao, tỷ lệ mắc bệnh lao da đã giảm đáng kể. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng lây nhiễm bệnh HIV ngày một tăng cao, các chủng lao da đa kháng thuốc đang dẫn xuất hiện và khiến bệnh lao da trở lại và còn nặng nề hơn trước.

Bệnh lao da có lây không?

Đa số các trường hợp lao da là dạng phát triển từ trực khuẩn lao được di chuyển từ các cơ quan nội tạng khác đến da như từ ổ lao ở phổi, ở hạch, … Lao da nguyên phát rất hiếm do lao rất ít khi xâm nhập trực tiếp từ bên ngoài vào da.

Các con đường lây truyền của vi khuẩn lao đến da gồm:

  • Đường máu: một số mạch máu từ ổ lao có thể bị phá hủy và khiến vi khuẩn lao có cơ hội xâm nhiễm trực tiếp vào máu và di chuyển đến khắp các cơ quan khác trong cơ thể và đi đến da.
bệnh lao da
Bệnh lao da là gì? Cách phòng tránh và điều trị như thế nào?
  • Đường lympho: trực khuẩn len theo các khe gian bào và mạch lympho đến vùng tổn thương trên da, thường gây ra lao hạch trên đường đi của nó.
  • Đ­ường lây truyền qua tiếp xúc: Lao da thường là biểu hiện thứ phát của nhiễm khuẩn lao. Lao da nguyên phát là điều rất hiếm. Nếu có là do trực khuẩn lao xâm nhập trực tiếp vào da lần đầu ở những người bệnh chưa có đáp ứng miễn dịch nên bệnh thường gặp ở trẻ em.

Dấu hiệu bệnh lao da như thế nào?

Tổn thương thường ở vùng sang chấn với các biểu hiện là những vết loét không đau có kích thước khoảng 0,5 cm ở tại nơi vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể, sau đó lan rộng vài cm, bờ không đều, đáy không cứng, màu đỏ nhạt, mùi hôi, đôi khi có vảy. Dần dần, đáy vết loét thâm nhiễm và trở nên cứng. Trường hợp vi khuẩn thâm nhập sâu có thể gây nên áp xe lao.

Ở niêm mạc thường là các vết trợt, màu hồng, phù nề, không đau. Hạch vùng tương ứng phát triển thành phức hợp lao nguyên phát. Lúc đầu hạch cứng, sau đó mềm loét, chảy dịch chứa nhiều vi khuẩn. Tiến triển nhiều tháng và có thể khỏi. Một số trường hợp có thể chuyển thành lao thông thường hoặc hồng ban nút, lao kê, viêm màng não hay cốt tủy viêm.

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm trực tiếp tìm vi khuẩn lao, mô bệnh học và nuôi cấy vi khuẩn.

Điều trị bệnh lao da ra sao?

Khi đã mắc bệnh lao da thì nguyên tắc điều trị là phải điều trị tòan thân qua kháng sinh điều trị lao theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, cần phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau (đa hóa trị liệu) và tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ lao sẽ chỉ định các phác đồ phù hợp với từng cá nhân. Bên cạnh đó phải phối hợp nâng cao thể trạng, chăm sóc tại chỗ nhưng thuốc bôi da tại chỗ chỉ có tính chất sát khuẩn, không điều trị khỏi hẳn lao da được.

Thời gian điều trị thường là 6 tháng nhưng riêng đối với những người bệnh mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải thì thời gian điều trị là 9 tháng. Trong quá trình điều trị cần theo dõi định kỳ các chức năng gan, thận, công thức máu và soi đáy mắt.

Để điều trị hiệu quả, người bệnh ngoài tuân thủ chỉ định của thầy thuốc cần phải có một chế độ ăn uống, dinh dưỡng tốt, nâng cao thể trạng.

Phòng ngừa bệnh lao da như thế nào?

Tiêm phòng vắc-xin BCG

bệnh lao da
Bệnh lao da là gì? Cách phòng tránh và điều trị như thế nào?

Cho đến nay, tiêm phòng vắc-xin BCG vẫn được xem là phương pháp phòng ngừa bệnh lao da tốt nhất nói riêng và phòng ngừa bệnh lao nói chung.

Tiêm vắc-xin BCG (bacille calmette – Guerin) do Chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện nhằm giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Vắc-xin có tác dụng khi được tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng và phải được bảo quản đúng, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ dây chuyền đến từng liều sử dụng.

Chỉ định tiêm vắc-xin BCG:

  • Trẻ không nhiễm HIV được tiến hành cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi;
  • Trẻ nhiễm HIV không có triệu chứng của bệnh HIV/AIDS.
  • Người trưởng thành và chưa từng chủng ngừa lao trước đây cũng nên được tiêm phòng.

Không tiêm vắc-xin BCG trong các trường hợp:

  • Người suy giảm miễn dịch bẩm sinh
  • Người nhiễm HIV có triệu chứng lâm sàng của HIV/AIDS
  • Cân nhắc đối trẻ sinh non thiếu tháng, đang nhiễm khuẩn cấp tính, sau một bệnh cấp tính, nhiễm virut cúm, sởi.

Điều trị dự phòng lao bằng isoniazid

Chỉ định đối với tất cả những người nhiễm HIV (người lớn và trẻ em) đã được sàng lọc hiện không mắc bệnh lao tiến triển; trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây là người bệnh lao phổi AFB(+).

Bệnh lao da là một bệnh nhiễm khuẩn mãn tính phổ biến gây tổn thư­ơng nặng nề trong cơ thể do trực khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis xâm lấn qua da gây nên. Đa số các trường hợp lao da là dạng phát triển từ trực khuẩn lao được di chuyển từ các cơ quan nội tạng khác. Khi đã mắc bệnh lao da thì nguyên tắc điều trị là phải điều trị tòan thân qua kháng sinh điều trị lao theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, phối hợp nâng cao thể trạng, chăm sóc tại chỗ.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm