Những thông tin cần biết về kháng sinh trị viêm phế quản

Kháng sinh trị viêm phế quản không phải trường hợp viêm phế quản nào cũng phải sử dụng mà sẽ có những cách nhận biết để bác sĩ có thể quyết định có cho người bệnh viêm phế quản sử dụng kháng sinh hay không. Sau đây hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về bệnh kháng sinh trị viêm phế quản qua bài viết dưới đây.

Viêm phế quản là gì?

kháng sinh trị viêm phế quản
Kháng sinh trị viêm phế quản: những thông tin cần biết

Phế quản là một ống dẫn khí nằm trong đường hô hấp dưới của con người. Đây là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó sẽ phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong phổi tạo nên cây phế quản. Nhiệm vụ chính của phế quản là dẫn khí vào phổi.

Bệnh viêm phế quản là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị kích thích phồng lên, tăng tiết dịch nhầy làm bít tắc phế quản do nguyên nhân khác nhau có thể kể đến gồm:

  • Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm đường hô hấp là do sự xâm nhập của vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào trong niêm mạc đường hô hấp. Các vi khuẩn thường gây viêm đường hô hấp bao gồm: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, …   
  • Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp viêm đường hô hấp do virus như: HSV, Coronavirus, Enterovirus, …
  • Hoặc do các tác nhân vật lý như: do nhiệt, xạ trị, chấn thương lồng ngực, không khí quá khô, quá ẩm, quá nóng, …
  • Và các tác nhân hóa học như: chất kích ứng ở dạng khí, bụi, hoá chất, khói thuốc lá, khói xe,… 
  • Ngoài ra các nguyên nhân bên trong cơ thể gây ra sự hoại tử các mô hô hấp như: tắc nghẽn, xuất huyết mạch máu phổi, viêm tắc động mạch phổi, …

Viêm phế quản được chia thành hai loại:

  • Viêm phế quản cấp tính: nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn gram dương, virus, nấm, …. Biến chứng: viêm phế quản mạn, viêm phổi, …
  • Viêm phế quản mạn tính: là sự viêm nhiễm tại phế quản kéo dài trên 3 tháng. Nguyên nhân gây viêm phế quản mạn thường gặp là do hút thuốc lá trong nhiều năm hoặc sống ở môi trường nhiều bụi bẩn.

Để chẩn đoán bệnh viêm phể quản ta có thể chú ý đến các Hội chứng bệnh và triệu chứng bệnh sau:

  • Hội chứng tắc nghẽn hô hấp dưới: bé bị viêm phế quản thở khò khè, khó thở thì thở ra, nghe phổi có ran ngáy hoặc ran rít
  • Hội chứng đáp ứng Viêm toàn thân nếu viêm đường hô hấp trên do nhiễm vi khuẩn: sốt > 38 độ C hoặc < 36 độ C, nhịp tim > 90 nhịp/phút, nhịp thở > 20 lần/phút, …
  • Nếu nguyên nhân do siêu vi, người bệnh có Hội chứng nhiễm siêu vi: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu, …
  • Nặng hơn nữa có thể dẫn đến Hội chứng suy hô hấp cấp: khó thở, nhịp thở > 30 lần/phút, co kéo cơ hô hấp phụ, …
  • Triệu chứng liên quan đến phế quản: ho khan, ho kèm theo đờm, nặng tức ngực.
  • Nếu bệnh tiến triển nặng có tổn thương phổi: khó thở, đau ngực khi hít sâu, ho khạc đờm, ho ra máu.

Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản thường biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn:

  • Giai đoạn khởi phát: viêm xuất tiết đường hô hấp trên và có Hội chứng nhiễm siêu vi
  • Giai đoạn viêm khô: kéo dài 1-3 ngày, ho, khó khạc đờm, khó thở, cảm giác đau rát sau xương ức
  • Giai đoạn viêm tiết dịch: tương tự triệu chứng giai đoạn viêm khô nhưng lúc này đàm dễ đẩy ra ngoài hơn
  • Triệu chứng: sốt nhẹ, nhức đầu, đau mỏi khắp cơ thể, ho khan hoặc đờm trắng, có thể ho ra máu do khạc đờm nhiều gây tổn thương niêm mạc, xuất hiện khi có sự thay đổi nhiệt độ không khí, khó thở, đau ngực, … Bệnh thường tự khỏi sau vài tuần lễ, hô hấp bình thường sau 20-30 ngày.

Kháng sinh điều trị viêm phế quản khi nào nên dùng?

kháng sinh trị viêm phế quản
Kháng sinh trị viêm phế quản: những thông tin cần biết

Chỉ nên dùng kháng sinh khi xuất hiện trường hợp viêm phế quản cấp nghi do vi khuẩn. Các trường hợp viêm phế quản cấp do virut thì không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng.

Các dấu hiệu viêm phế quản cấp do vi khuẩn và cần chỉ định kháng sinh:

  • Khạc đờm mủ, đờm màu xanh, đờm màu vàng
  • Bệnh kéo dài >10 ngày
  • Xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao.
  • Ho kéo dài trên 7 ngày.
  • Viêm phế quản cấp ở người có bệnh mạn tính nặng như suy tim, ung thư.
  • Bệnh nhân trên 65 tuổi, có ho cấp tính, đi kèm trên 2 dấu hiệu sau: Nhập viện trong 1 năm trước, bị tiểu đường, có tiền sử suy tim sung huyết, hiện đang dùng thuốc corticoid đường uống.

Việc chỉ định dùng kháng sinh nào, liều lượng, cách dùng, thời gian dùng trong bao lâu…người bệnh phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, chú ý tuyệt đối tránh các trường hợp tự ý thay đổi liều dùng, thời gian dùng, hoặc bỏ thuốc khi thấy bệnh lui mà không dùng hết liệu trình… vì có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh mà bệnh cũng không khỏi hẳn.

Và ngược lại, nếu người bệnh có sốt, đau đầu, đau mỏi người, rát họng, ho khan hoặc có khạc đờm trắng… thường là viêm phế quản cấp do virut. Do đó, các trường hợp này không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng.

Các loại kháng sinh viêm phế quản phổ biến hiện nay

Tùy tình hình đáp ứng của người bệnh, mức độ kháng thuốc tại địa phương mà có thể dùng:

  • Ampicillin, amoxicilin 3 g/ngày hoặc
  • Amoxicillin – acid clavulanic; Ampicillin – sulbactam: liều 3 g/ ngày hoặc.
  • Cephalosporin thế hệ 1: Cephalexin 2-3 g/ ngày hoặc
  • Cefuroxim 1,5 g/ ngày hoặc
  • Nhóm Macrolid:
    + Erythromycin  1,5g/  ngày  x  7  ngày
    + Azithromycin 500 mg/ ngày x 3 ngày
  • Đồng thời phải điều trị bệnh lý ổ nhiễm trùng khác.

Việc lựa chọn kháng sinh sẽ khác nhau tùy triệu chứng và biểu hiện bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định:

  • Đối với bệnh nhân viêm phế quản cấp nhưng trước đó hoàn toàn khỏe mạnh: bác sĩ có thể cho kháng sinh nhóm macrolid hoặc doxycyclin
  • Chọn kháng sinh nhóm quinolon hoặc kháng sinh nhóm beta lactam phối hợp với chất ức chế beta lactamase cho người bị viêm phế quản cấp có tiền sử dùng kháng sinh trong 3 tháng gần đây hoặc bệnh nhân viêm phế quản cấp tuổi cao, có bệnh mãn tính đi kèm;
  • Bệnh nhân viêm phế quản cấp do Mycoplasma pneumoniae hoặc Chlamydophila pneumoniae: Đều nhạy cảm với macrolid, tetracyclin và fluoroquinolon;
  • Bệnh nhân viêm phế quản cấp do Influenza virus: Không có thuốc điều trị đặc hiệu, trường hợp nặng có thể dùng các thuốc ức chế neuraminidase như oseltamivir hoặc zanamivir…

Các lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh trị viêm phế quản

  • Trong quá trình điều trị kháng sinh nên bổ sung lợi khuẩn hoặc sữa đông trong bữa ăn để tăng cường vi khuẩn chí đường ruột và chống lại các tác hại của kháng sinh.
  • Đảm bảo uống 2-3 lít nước mỗi ngày nhằm duy trì lượng nước cho cơ thể khi sử dụng kháng sinh và giúp loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi cơ thể.
  • Tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên, cay nóng.
  • Có thể dùng các chế phẩm làm giảm độ axit trong dạ dày và bổ sung vitamin khi dùng kháng sinh.
  • Nên tập luyện các bài tập nhẹ hoặc tập yoga ít nhất 30 phút/ngày để tăng cường chuyển hóa khi đang dùng kháng sinh
kháng sinh trị viêm phế quản
Kháng sinh trị viêm phế quản: những thông tin cần biết
  • Nếu khi dùng kháng sinh có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thì nên tái khám và hỏi thêm ý kiến của bác sĩ nếu tình hình trở nên nghiêm trọng.

Viêm phế quản là bệnh lý do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, do đó việc điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh là không bắt buộc cho tất cả các trường hợp mắc bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh cho bệnh nhân viêm phế quản khi có các dấu hiệu gợi ý bệnh xảy ra do vi khuẩn hoặc có bằng chứng vi sinh học từ mẫu dịch tiết của bệnh nhân.