Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Tràn dịch màng phổi là hiện tượng dịch xuất hiện nhiều hơn bình thường trong khoang màng phổi. Vậy nguyên nhân của tràn dịch màng phổi là gì? Triệu chứng và cách điều trị ra sao? Hãy cùng Docosan theo dõi bài viết dưới đây.

Nguyên nhân của tràn dịch màng phổi

Cần đặc biệt lưu ý khi bác sĩ sử dụng thuật ngữ “tràn dịch phổi”. Từ này có thể bao gồm hai trường hợp, có thể là bệnh tràn dịch màng phổi hoặc tràn dịch bên trong phổi (phù phổi), giữa hai trường hợp này có sự khác biệt.

tran dich phoi
Hình chụp X-quang của hiện tượng tràn dịch màng phổi

Nguyên nhân của tràn dịch màng phổi phụ thuộc vào loại dịch mà người bệnh mắc phải. Tràn dịch màng phổi được phân loại thành 2 nhóm chính: tràn dịch màng phổi dịch thấm hay tràn dịch màng phổi dịch tiết.

  • Tràn dịch màng phổi dịch thấm: Thường do các bệnh về tim, gan, thận gây ra. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ albumin (thành phần quan trọng để duy trì áp suất keo của máu, giữ nước bên trong lòng mạch) trong máu thấp sẽ làm giảm áp suất keo. Kết quả là các thành phần trong máu tiếp tục thoát ra khỏi mạch máu và đến các mô kẽ, hoặc dịch trong mô khó tái hấp thu vào mạch máu. Hầu hết các trường hợp là tràn dịch màng phổi hai bên. Các bệnh lý thường gặp là suy tim, suy thận, hội chứng thận hư và xơ gan.
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết: Thường liên quan đến các bệnh truyền nhiễm hoặc ung thư, trong đó phần lớn liên quan đến cơ chế viêm nhiễm trong cơ thể, ung thư ác tính chiếm khoảng 40% nguyên nhân. Lượng dịch thường nhiều hơn, và thường xuất hiện ở màng phổi bên bị tổn thương. Tràn dịch màng phổi dịch tiết thường gặp nhất là bệnh lao, ung thư phổi, ung thư di căn (ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư hạch,…), viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, thuyên tắc mạch phổi…

Những đối tượng có nguy cơ cao bị tràn dịch màng phổi là:

  • Bệnh nhân suy tim
  • Bệnh nhân với bệnh xơ gan
  • Bệnh nhân ung thư phổi
  • Bệnh nhân bệnh thận

Ngoài ra một số trường hợp tràn dịch màng phổi hiếm gặp hơn, chẳng hạn như

  • Tràn máu màng phổi: Do chấn thương thành ngực, ung thư màng phổi nguyên phát hoặc thứ phát, các tai biến của thủ thuật chọc dò hoặc sinh thiết màng phổi.
  • Tràn dưỡng chấp màng phổi: Dịch màng phổi trắng như sữa, tái lập rất nhanh. Nguyên nhân thường do phẫu thuật lồng ngực gây lỗ dò ống ngực – màng phỏi, viêm bạch mạch do lao, giun chỉ hoặc ung thư hệ tạo máu dòng lympho.

Triệu chứng của tràn dịch màng phổi

Các triệu chứng của tràn dịch màng phổi không thống nhất, nguyên nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau ở mỗi người, và đôi khi các triệu chứng không rõ ràng. 

Về mặt lâm sàng, các triệu chứng tràn dịch màng phổi phổ biến bao gồm đau ngực (đặc biệt nghiêm trọng hơn khi hít thở sâu), sốt, thở nhanh, ho khan và tiếng thở yếu.

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Để xác định người bệnh có bị tràn dịch màng phổi hay không, các bác sĩ sẽ hỏi tiền sử cũng như các triệu chứng mà bệnh nhân đang có. Sau đó các bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp để củng cố chẩn đoán như sau :

  • Khám sức khỏe tổng quát: Bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng toàn thân và đặc biệt các triệu chứng đường hô hấp của bệnh nhân bằng phương pháp nhìn – sờ – gõ – nghe.
  • Chụp X-quang phổi: Các bác sĩ có thể quan sát mức độ tràn dịch màng phổi thông qua hình ảnh phim X quang.
  • Siêu âm ,đặc biệt chú ý khoang màng phổi: Nếu tràn dịch màng phổi ít, có thể dùng siêu âm kiểm tra để hỗ trợ chẩn đoán sau khi chụp X-quang phổi. Siêu âm có thể giúp các bác sĩ ước lượng lượng dịch và hướng dẫn chọc dò chính xác hơn.
  • Chụp cắt lớp (CT): Nếu hình ảnh X-quang hoặc siêu âm không đủ rõ ràng, bác sĩ có thể sử dụng chụp cắt lớp để xác định chẩn đoán.
  • Xét nghiệm dịch màng phổi: Dịch màng phổi trích ra để xét nghiệm sinh hóa, tế bào học và cấy vi khuẩn, từ đó làm cơ sở để đưa ra chẩn đoán xác định và quyết định hướng điều trị phù hợp.

Điều trị tràn dịch màng phổi

Điều trị tràn dịch màng phổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên bệnh và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, ví dụ như khó thở nghiêm trọng.

Nguyên tắc điều trị tràn dịch màng phổi cho bệnh nhân là:

  • Điều trị triệt căn nguyên nhân gây bệnh
  • Chọc dò hoặc dẫn lưu dịch màng phổi
  • Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân.

Một số thuốc được sử dụng trong điều trị tràn dịch màng phổi là:

  • Thuốc lợi tiểu và các thuốc điều trị suy tim khác
  • Hoá chất xạ trị trong những trường hợp bệnh nhân bị ung thư
  • Các nhóm thuốc điều trị lao
  • Kháng sinh điều trị những viêm nhiễm gây tràn dịch màng phổi
  • Gây dính màng phổi bằng bột talc, povidon iod. Phương pháp này thành công 50% trong việc ngăn ngừa tái phát tràn dịch màng phổi.

Nếu các phương pháp không thành công, bệnh nhân có thể sẽ cần phải nhờ đến can thiệp phẫu thuật. Có 2 phương pháp phẫu thuật được áp dụng là:

  • Phẫu thuật nội soi: phương pháp này có hiệu quả trong việc xử trí các tràn dịch màng phổi khó dẫn lưu hoặc tái phát do ác tính. Bột talc vô trùng hoặc thuốc kháng sinh có thể được đưa vào thời điểm phẫu thuật để ngăn ngừa sự tái phát của tràn dịch màng phổi.
  • Phẫu thuật mở lồng ngực: Phẫu thuật mở lồng ngực được thực hiện thông qua một vết rạch dài từ 15 đến 20 cm ở ngực. Phẫu thuật mở lồng ngực nhằm loại bỏ tất cả các mô xơ và hỗ trợ loại bỏ nhiễm trùng khỏi khoang màng phổi. Bệnh nhân sẽ phải đặt ống dẫn lưungực trong 2 ngày đến 2 tuần sau phẫu thuật để tiếp tục dẫn lưu dịch tiết.

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.

Bác sĩ khám và điều trị tràn dịch màng phổi

  • Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận

Tràn dịch màng phổi nếu không được điều trị sẽ dẫn tới nhiều bệnh nguy hiểm. Do đó, khi cảm thấy bản thân có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần tìm ngay các bác sĩ hô hấp gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tài liệu tham khảo: Cleverlandclinic.org, Commonhealth.com.tw

Contact Me on Zalo
Call Now Button