Mỡ trong máu có nguy hiểm không? Cách điều trị ra sao?

Mỡ trong máu là một bệnh mạn tính không lây, không điều trị khỏi hẳn được mà chỉ có thể làm bệnh chậm tiến triển và không xuất hiện thêm biến chứng. Bệnh xảy ra do nhiều yếu tố cùng tác động, hạn chế hoặc thay đổi được các yếu tố đó sẽ không chỉ giúp phòng ngừa được bệnh mà còn giúp cho quá trình điều trị được suôn sẻ hơn. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu cách điều trị chứng mỡ trong máu nhé!

Mỡ trong máu là gì?

mo-trong-mau

Mỡ hay còn gọi là lipid là một thành phần dinh dưỡng quan trọng của cơ thể, có vai trò cung cấp và dự trữ năng lượng chính cho cơ thể, hấp thu và chuyển hóa các vitamin tan trong chất béo và là nguyên liệu của các hormon và tế bào thần kinh. Tuy nhiên không phải vì vậy mà ăn quá nhiều chất béo sẽ tốt, mà ngược lại còn gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác.

Mỡ trong máu là tình trạng rối loạn lipid máu, đặc trưng bởi tình trạng gia tăng cholesterol và triglycerid trong máu hoặc giảm HDL-cholesterol gây tăng nguy cơ phát triển xơ cứng mạch. 

Mỡ trong máu bao nhiêu là cao?

Dựa vào bảng dưới đây sẽ cho ta biết mức bình thường, và mốc vượt mức bình thường của các chỉ số chất béo: 

Bình thường (mong muốn đạt được) (mg/dl)Giới hạn cao (mg/dl)Cao (mg/dl)
Triglycerid< 200200 – 400400 – 1000
Cholesterol< 200200 – 239>= 240
LDL-cholesterol< 130130 – 159>= 160
HDL-cholesterol>= 40 ở nam>= 50 ở nữ

Mỡ trong máu được chẩn đoán bằng cách đo lường các chỉ số chất béo trong máu.

Khi bạn có 1 trong các chỉ số Triglycerid, Cholesterol, LDL-cholesterol cao hơn ngưỡng mong muốn và/hoặc HDL-cholesterol thấp hơn ngưỡng bình thường thì có thể bạn đang có tình trạng máu nhiễm mỡ. 

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì?

7 yếu tố kiểm soát và thay đổi được

  • Chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều chất béo no như thịt mỡ, bơ động vật, nước luộc thịt, thức ăn nhanh và nhiều cholesterol như óc, lòng, phủ tạng động vật, trứng, … làm tăng nhanh lượng mỡ trong máu đặc biệt là LDL-cholesterol gây nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
  • Lối sống tĩnh tại: lười nhác, không vận động, không tập luyện thể thao, … 
  • Béo phì: Không chỉ gây tăng nguy cơ máu nhiễm mỡ mà còn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, cũng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Để tính cân nặng lý tưởng, người ta dựa trên chiều cao và cân nặng của bạn để tính ra chỉ số khối lượng cơ thể (BMI), béo phí ở người Châu Á là khi BMI > 25. Bên cạnh đó, vòng bụng là một trong các chỉ số quan trọng bởi béo phì ở bụng còn liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đó là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, giảm dung nạp đường và đái tháo đường. Tốt nhất ta nên giữ vòng bụng < 90cm (nam giới) và < 75cm (nữ giới).
  • Hút thuốc lá: Là yếu tố nguy cơ của vô số căn bệnh nguy hiểm không chỉ mỡ trong máu.
  • Uống rượu: Uống quá nhiều rượu (nhiều hơn một đơn vị uống: tương đương 60ml rượu vang, 300ml bia, hoặc 30ml rượu nặng) mỗi ngày lại có thể có hại cho sức khỏe. Lúc đó rượu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm mỡ trong máu, tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan và biến chứng thần kinh trung ương cũng như rất nhiều rối loạn khác, một vài trong số đó lại là các rối loạn về tim mạch.
  • Stress trong đời sống sinh hoạt và công việc hàng ngày
  • Sử dụng các loại thuốc gây tăng mỡ máu

5 yếu tố không kiểm soát và thay đổi được

  • Gia đình, di truyền: có người thân bị mắc bệnh mỡ trong máu 
  • Bệnh nền: người bệnh mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, …  trước khi bị mỡ trong máu
  • Giới tính: dưới 50 tuổi thì tình trạng máu nhiễm mỡ gặp ở nam nhiều hơn nữ nhưng tỷ lệ mắc bệnh này lại thay đổi ở độ tuổi trên 50 tuổi thì lại gặp nhiều trong nữ giới hơn là nam giới. 
  • Tuổi: người càng lớn tuổi, lượng cholesterol trong máu càng cao 
  • Yếu tố chủng tộc

Mỡ trong máu có nguy hiểm không?

Mỡ trong máu là một tình trạng rối loạn lipid máu của nhóm bệnh mạn tính không lây. Bệnh không lây nhiễm như các bệnh truyền nhiễm khác, tuy nhiên cũng không thể dự phòng bằng bất kỳ loại vaccine nào và một khi đã mắc thì không thể chữa khỏi hoàn toàn và cũng không tự biến mất.

Bệnh nhân sẽ không tử vong vì bệnh mạn tính này nhưng nếu không được kiểm soát và ổn định bệnh tốt thì bệnh có thể tiến triển hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, các bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và thậm chí có thể gây tử vong.

mo-trong-mau

Điều trị mỡ trong máu như thế nào?

Bệnh mỡ trong máu một khi đã mắc thì không thể chữa khỏi hoàn toàn và cũng không tự biến mất, việc điều trị bệnh nhằm vào mục đích giúp ổn định bệnh, duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể ở mức độ bình thường nhất có thể, làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh và ngăn chặn các biến chứng xảy ra.

Điều trị bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn, 
  • Vận động: nên luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30’ mỗi ngày, giúp giảm cân nặng, tăng khả năng dung nạp đường, tăng sức mạnh cơ tim, tăng nồng độ HDL-C, giảm căng thẳng, hạ huyết áp … Các hình thức luyện tập được khuyến cáo là tập đều (hầu hết các ngày), mỗi ngày ít nhất 30 phút, tập đủ mạnh (ấm người, thở hơi nhanh, ra mồ hôi vừa)
  • Giảm cân nặng nếu bạn thừa cân
  • Nếu có hút thuốc lá phải ngừng ngay, nếu chưa hút thì không được hút.
  • Sử dụng thuốc hạ lipid máu như thuốc nhóm statin, nhóm fibrat, …
  • Khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần.

Mỡ trong máu nên ăn gì?

Để làm giảm mỡ trong máu thì chúng ta cần phải có một chế độ ăn phù hợp như sau:

  • Giảm năng lượng ăn vào trong ngày để giảm cân
  • Giảm lượng chất béo < 25%
  • Giảm lượng cholesterol ăn vào < 200mg/ngày
  • Nên dùng dầu thực vật (mỡ cá, hạt có dầu, quả béo, dầu hạt, ngũ cốc, đậu phộng, dầu olive, dầu đậu nành) thay cho mỡ. Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid béo no như thịt mỡ, bơ động vật, nước luộc thịt, thức ăn nhanh và nhiều cholesterol như óc, lòng, phủ tạng động vật, trứng
  • Nên chú ý chất lượng chất béo: phải cân đối giữa mỡ động vật với dầu thực vật và cá, hải sản.
  • Tăng lượng đạm (protein) ít béo: thịt bò nạc, thịt gà nạc bỏ da, thịt heo nạc, cá, nhóm họ đậu. Lượng protein nên chiếm khoảng 12-18% tổng năng lượng, bao gồm cả đạm động vật và đạm thực vật.
  • Tinh bột: 60-65% năng lượng, nên ăn thức ăn chứa bột đường cấu tạo dạng phức hợp và có chỉ số đường huyết thấp tốt cho sức khỏe hơn như bánh mì lên men chua, snack khoai tây, gạo lứt, bắp ngọt, bột yến mạch, mì spaghetti, …
  • Sử dụng ngũ cốc, kết hợp khoai củ giàu vitamin, chất khoáng vi lượng, chất xơ chủ yếu trong rau quả, gạo, mì.
mo-trong-mau

Phòng khám chuyên khoa huyết học

  • Golden Healthcare International Clinic – Q. Tân Bình
  • Bệnh viện đa khoa An Việt – Q. Thanh Xuân
  • Phòng khám nội tổng hợp Sông Trà | ThS BS Đào Duy An – Q. Bình Thạnh

Kết luận

Mỡ trong máu là một tình trạng rối loạn lipid máu của nhóm bệnh mạn tính không lây, một khi đã mắc thì không thể chữa khỏi hoàn toàn và cũng không tự biến mất.

Việc điều trị bệnh nhằm vào mục đích giúp ổn định bệnh, duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể ở mức độ bình thường nhất có thể, làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh và ngăn chặn các biến chứng như xơ vữa động mạch, các bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và thậm chí có thể gây tử vong xảy ra.

Cần có một chế độ ăn hợp lý, tập luyện thể dục thể thao cũng như sử dụng thuốc giúp hạ mỡ máu là 3 yếu tố quan trọng nhất trong điều trị bệnh mỡ trong máu.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  • Sách Dinh dưỡng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.