Chỉ số HCT trong xét nghiệm máu là gì? Quy trình kiểm tra chỉ số HCT

Chỉ số HCT (hematocrit) là một trong những thông số thường thấy trong các xét nghiệm phân tích tế bào máu. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của chỉ số  trong máu là gì và mục đích của việc kiểm tra chỉ số HCT trong bài viết dưới đây nhé!

Chỉ số HCT là gì?

Xét nghiệm đo lường chỉ số HCT (hematocrit) giúp đo tỷ lệ hồng cầu có trong máu. Trong cơ thể chúng ta, hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, việc hồng cầu quá ít hoặc quá nhiều có thể là dấu chỉ điểm cho một số bệnh lý. Chỉ số HCT còn bị ảnh hưởng bởi thể tích máu, trong một số trường hợp giảm thể tích tuần hoàn như sốc giảm thể tích sẽ khiến chỉ số HCT có thể tăng cao.

Mục đích của việc kiểm tra chỉ số HCT

Xét nghiệm chỉ số HCT trong máu thường nằm trong bộ xét nghiệm công thức máu toàn phần hay tổng phân tích tế bào máu ngoại vi. Hiện nay phương pháp xét nghiệm này tại các bệnh viện lớn được thực hiện bằng phương pháp máy đếm laser. Ngoài ra trong một số bệnh lý như sốc giảm thể tích do sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể được đo chỉ số HCT ngay tại giường để kiểm tra độ cô đặc máu, theo dõi đáp ứng điều trị của người bệnh. Mục đích của việc kiểm tra chỉ số HCT để biết lượng hồng cầu trong máu là cao hay thấp. Trường hợp chỉ số HCT thấp hơn giá trị bình thường có thể do thiếu máu lâu dài hoặc mất máu cấp, thiếu vitamin và khoáng chất,… Ngược lại nếu chỉ số HCT tăng cao chứng tỏ tỷ lệ hồng cầu trong máu tăng cao hơn ngưỡng bình thường, có thể do cơ thể đang mất nước, rối loạn điện giải. Nguyên nhân của tình trạng này là cơ thể sản xuất quá nhiều hồng cầu như trong bệnh cảnh đa hồng cầu, bệnh lý tim mạch, hô hấp, sống ở các vùng cao hơn nhiều so với mặt nước biển.

Chỉ số HCT còn được dùng để đánh giá thiếu máu, thiếu dịch
Chỉ số HCT còn được dùng để đánh giá thiếu máu, thiếu dịch

Quy trình kiểm tra chỉ số HCT

Chuẩn bị trước khi kiểm tra

Trước khi được kiểm tra máu, bạn cần cung cấp cho bác sĩ các thông tin về tiền căn bệnh lý, thuốc sử dụng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, trước những buổi lấy máu, người bệnh nên nhịn đói để có thể thực hiện được nhiều loại xét nghiệm khác nhau, riêng với chỉ số HCT người bệnh có thể lấy máu bất cứ khi nào. Trước khi lấy máu, người bệnh cần ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước, tránh thức khuya và hãy nhớ lưu ý uống đủ nước cho cơ thể, giữ sự bình tĩnh trong thời điểm lấy máu để tránh cảm giác lo lắng, rụt tay gây nguy hiểm vì dễ làm lệch kim gây chảy máu.

Quá trình diễn ra như thế nào?

Quy trình lấy máu được thực hiện theo cách thông thường, người lấy máu sẽ buộc một sợi dây cao su chuyên dụng để tĩnh mạch được lộ nhiều hơn, dễ thấy hơn. Sau đó, người lấy máu sẽ làm sạch vùng da định lấy máu. Tiếp theo, người lấy máu sử dụng kim để luồn vào trong tĩnh mạch. Lúc này bạn có thể sẽ thấy có cảm giác đau nhẹ. Sau khi thu nhập đủ lượng máu cần thiết, người lấy máu rút kim, gửi máu đến phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích. Quá trình lấy máu chỉ mất khoảng 5 phút.

Sau khi kiểm tra HCT

Sau khi kiểm tra HCT, người bệnh sẽ được tư vấn về kết quả, trong một số trường hợp cần thiết có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán. Dựa vào kết quả, bác sĩ điều trị sẽ có những kế hoạch khác nhau cho người bệnh.

Quy trình lấy máu xét nghiệm cần đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn
Quy trình lấy máu xét nghiệm cần đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn

Chỉ số HCT trong xét nghiệm máu bình thường là gì?

Chỉ số HCT (Hematocrit) trong xét nghiệm máu bên cạnh việc phụ thuộc vào giới tính, chúng còn có sự phân hóa độ tuổi của người được xét nghiệm. Thông thường, chỉ số HCT được quy định ở ngưỡng bình thường như sau:

  • Nam giới: 35% – 50%
  • Nữ giới: 36% – 50%
  • Ở trẻ em, chỉ số HCT có thể khác biệt tùy thuộc vào độ tuổi. Tuổi càng nhỏ thì trẻ càng có chỉ số càng HCT và cao hơn người lớn.

Liên hệ bệnh viện Đồng Nai để xét nghiệm HCT ngay

Chỉ số HCT cao có ý nghĩa gì?

Chỉ số HCT cao trong một số trường hợp có thể là là do các rối loạn sau:

  • Mất nước: cơ thể mất nước làm thoát một lượng huyết tương ra khỏi cơ thể, dẫn đến tăng tỷ lệ của hồng cầu trong máu. Tình trạng này thường gặp trong trường hợp sốt, điển hình là sốc mất nước trong bệnh lý sốt xuất huyết Dengue.
  • Bệnh đa hồng cầu: đây là một rối loạn khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hồng cầu.
  • Bệnh phổi hoặc tim: bệnh lý tim phổi làm tăng nhu cầu oxy để nuôi các vùng mô trên cơ thể, dẫn đến việc sản xuất nhiều hồng cầu hơn và làm cô đặc máu.
  • Sống ở vùng cao: cư dân ở các vùng vị trí địa lý như cao nguyên, miền núi, quanh năm có nồng độ oxy trong không khí thấp hơn vùng đồng bằng, thấp trũng. Do đó cơ thể sẽ tăng sản xuất hồng cầu để lượng oxy cung cấp cho mô cơ thể luôn ở trạng thái dồi dào.
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những nguyên nhân làm tăng chỉ số HCT
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những nguyên nhân làm tăng chỉ số HCT

Chỉ số HCT thấp có ý nghĩa gì?

Chỉ số HCT thấp có thể là do một số nguyên nhân sau đây:

  • Mất máu do chấn thương bên trong cơ thể (xuất huyết nội tạng) hoặc bên ngoài (vết thương hở)
  • Tổn thương tủy xương do tác dụng phụ hóa trị liệu hoặc độc tố
  • Rối loạn miễn dịch máu, chẳng hạn như hội chứng Evans
  • Bệnh thận mạn
  • Bệnh bạch cầu, u lympho hoặc các loại ung thư tủy xương khác
  • Rối loạn chuyển hóa, béo phì
  • Dung nạp quá nhiều nước vào trong cơ thể (uống, dịch truyền,..)
  • Bất thường về chức năng tuyến giáp
Thiếu máu cũng là nguyên nhân dẫn đến hạ chỉ số HCT
Thiếu máu cũng là nguyên nhân dẫn đến hạ chỉ số HCT

Làm thế nào để tăng chỉ số HCT?

Để gia tăng, cải thiện chỉ số HCT, bạn có thể ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt như:

  • Thịt đỏ
  • Gan
  • Trứng
  • Tôm
  • Cá ngừ
  • Rau chân vịt
  • Đậu Hà Lan
  • Súp lơ
  • Bánh mì nguyên cám

Nếu phát hiện tình trạng giảm chỉ số HCT, bạn nên kiểm tra định kỳ để theo dõi thêm về việc chỉ số HCT tăng có đạt mục tiêu hay chưa, từ đó có những điều trị phù hợp.

Bạn cần kiểm tra chỉ số HCT định kỳ để đánh giá tình trạng tăng chỉ số HCT có đạt mục tiêu hay chưa.
Bạn cần kiểm tra chỉ số HCT định kỳ để đánh giá tình trạng tăng chỉ số HCT có đạt mục tiêu hay chưa

Xem thêm:

Bài viết đã cung cấp các thông tin chỉ số HCT trong công thức máu là gì cũng như cách đọc và hiểu về kết quả của xét nghiệm. Hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân những thông tin hữu ích từ bài viết nhé! Nguồn tham khảo: 1. Hematocrit test – Mayo Clinic

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/hematocrit/about/pac-20384728
  • Ngày tham khảo: 26/08/2024

2. Hematocrit test – Cleveland Clinic

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/17683-hematocrit
  • Ngày tham khảo: 26/08/2024

3.  Hematocrit level test – Very Well Health

  • Link tham khảo: https://www.verywellhealth.com/hematocrit-level-test-1942505
  • Ngày tham khảo: 26/08/2024