Các bệnh về mắt thường gặp ai cũng nên biết!

Các bệnh về mắt ngày nay đang trở nên phổ biến và trở thành mối quan tâm của rất nhiều người. Việc tiếp xúc nhiều với các sản phẩm công nghệ cũng như thức khuya, cường độ làm việc ngày càng cao cũng khiến cá các bệnh về mắt ngày một nhiều hơn. Sau đây Docosan sẽ giới thiệu đến cho các bạn một số bệnh lý về mắt thường gặp.

Các tật về khúc xạ (Refractive errors)

Theo một số thống kê tại Việt Nam, Hoa Kì và một số nước khác thì trong các bệnh về mắt phổ biến thì tật khúc xạ là nguyên nhân gây nên các bệnh lý ở mắt thường gặp nhất. Trong đó bao gồm cận thị (nhìn xa không rõ), viễn thị (nhìn gần không rõ), loạn thị (tầm nhìn méo mó ở mọi khoảng cách), lão thị (xảy ra trong độ tuổi 40-50). Nguyên nhân nói chung của các tật khúc xạ là do thay đổi hình dạng của giác mạc, độ dài của nhãn cầu hay do sự lão hóa tự nhiên của mắt trong lão thị, viễn thị.

Trong các bệnh về mắt kể trên thì cận thị thường gặp nhất và ngày càng phổ biến với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Khi mắt bị cận, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi nhìn xa ví dụ như biển báo giao thông, bảng hiệu với kích cỡ chữ người bình thường có thể đọc được, hình ảnh các vật ở xa bị nhòe. Đồng thời, khả năng nhìn gần của họ vẫn hoạt động tốt như đọc sách báo.

benh-ve-mat
Các bệnh về mắt xuất hiện ngày một nhiều và trở thành mối quan tâm của hầu hết mọi người

Cận thị xảy ra khi các tia sáng chiếu tới mắt hội tụ trước võng mạc thay vì phải tới đúng tại võng mạc khiến cho hình ảnh được phản chiếu không chính xác làm mắt nhìn không chuẩn. Nguyên nhân có thể gặp do trục nhãn cầu quá dài, giác mạc, thể thủy tinh quá cong.

Nếu gặp phải tình trạng bệnh về mắt như trên bạn phải đến ngay các trung tâm y tế để được bác sĩ nhãn khoa thăm khám kĩ lưỡng và đề ra phương án điều trị. Đa số các trường hợp sẽ được đo khúc xạ và cho đeo kính phù có phân độ phù hợp với từng bệnh lý khúc xạ, trong một số trường hợp có thể có các chỉ định phẫu thuật.

Ngày nay, phương pháp phẫu thuật bằng tia Laser ngày càng phổ biến trong điều trị cho các trường hợp cận nặng. Một trong những thủ thuật được quan tâm hàng đầu ngày nay là phẫu thuật bằng tia Laser như phẫu thuật PRK, phẫu thuật LASIK, femto LASIK …

Ngoài ra, việc xây dựng và tuân thủ chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin A và các chất dinh dưỡng giúp làm chậm sự lão hóa sẽ giúp cải thiện tình trạng ở mắt. Quan trọng nhất, bạn phải biết bảo vệ mắt tốt, không nên để mắt hoạt động quá mỏi mệt, nghỉ ngơi masaage vùng mắt thường xuyên, không để mắt làm việc trong điều kiện thiếu sáng.


Thoái hóa điểm vàng là một loại bệnh về mắt liên quan đến sự lão hóa của cơ thể, ảnh hưởng đến trung tâm thị giác và độ rõ nét của hình ảnh. Trung tâm thị giác là bộ phận cần thiết để nhìn rõ các vật thể và cho các công việc hàng ngày như đọc sách, lái xe, học tập và làm việc. Bệnh lý về mắt này gây ảnh hưởng lên điểm vàng, phần trung tâm của võng mạc cho phép mắt nhìn rõ các chi tiết.

Bệnh thoái hóa điểm vàng có hai thể là thể ướt và thể khô. Thể ướt xảy ra khi có sự phát triển các mạch máu bất thường ở phía sau võng mạc tại hoàng điểm, dẫn đến sự chảy máu và rò rỉ. Triệu chứng của thể ướt không thực sự rõ ràng, có thể thấy hình ảnh những đường lượn sóng.

Đối với thể khô, xảy ra khi điểm vàng mỏng đi theo sự lão hóa, dần dần làm cho trung tâm thị lực mờ đi. Thể này phổ biến hơn thể ướt và chiếm 70-90% về tỉ lệ mắc bệnh. Triệu chứng đa số sẽ bắt gặp tình trạng nhìn mờ, hình ảnh mù mờ méo mó đôi khi người bệnh không phân biệt được màu săc. Do đó rất khó phát hiện bệnh và thường người bệnh đến khám khi triệu chứng trở nặng.

Một số phương pháp điều trị chính của bệnh thoái hóa điểm vàng là bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin A, vitamin E. Với giai đoạn nặng bác sĩ sẽ đánh giá có cần phẫu thuật Laser hay sử dụng liệu pháp quang động đồng thời người bệnh cũng cần xây dựng một lối sống lành mạnh.

Đục thủy tinh thể (Cataract)


Đục thủy tinh thể là một trong những bệnh về mắt gây mù hàng đầu thế giới. Đây là hiện tượng thủy tinh thể mắt bị mờ đục, ảnh hưởng thị giác. Dân gian còn gọi bệnh lý này với cái tên khác như cườm khô, cườm đá. Bệnh hình thành ở hai mắt nhưng chỉ biểu hiện bệnh với 1 mắt. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lão hóa của cơ thể, nhưng độ tuổi mắc bệnh là không giới hạn, thậm chí ngay sau khi sinh.

Một số nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh đục thủy tinh thể bao gồm: tuổi tác, bẩm sinh, tăng nhãn áp, đái tháo đường, chấn thương và nhiều các nguyên nhân khác. Dấu hiệu thường gặp của bệnh là: giảm thị lực, nhìn kém khi có ánh sáng nhưng lại nhìn rõ trong trong bóng râm, xuất hiện chấm đen hay ruồi bay trước mắt.

Đục thủy tinh thể là một bệnh lý cần được điều trị kịp thời. Ở giai đoạn đầu có thể chưa cần can thiệp phẫu thuật mà tác động chính yếu qua thuốc và các vitamin. Dù vậy phẫu thuật vẫn là phương pháp tối ưu giúp khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)

Viêm kết mạc là tình trạng bệnh về mắt được đặc trưng bởi tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu, kết mạc. Bệnh xảy ra ở tất cả các độ tuổi. bệnh có khả năng lây lan, thậm chí thành dịch.

Tác nhân gây bệnh thường gặp là:

  • Virus: Hay gặp là Adeno virus, lây lan khi tiếp xúc với nước mắt hoặc dịch tiết mũi miệng của bệnh nhân, tự khỏi và không cần điều trị can thiệp. Chủ yếu người bệnh phải giữ vệ sinh mắt và ngăn không lây lan cho những người xung quanh.
  • Vi khuẩn: Tác nhân thường gặp là Staphylococus, Haemophilus influenza, … cần được thăm khám và điều trị cẩn thận nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề. Bệnh cũng lây qua tiếp xúc với dịch tiết của người mắc.
  • Dị ứng: Dị ứng nguyên thừng gặp là lông thú vật, bụi, phấn hoa, thuốc, hóa chất.

Tăng nhãn áp (Glaucoma)

Bệnh tăng nhãn áp là bệnh về mắt mà có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác và dẫn đến mất thị lực thậm chí mù lòa. Bệnh xảy ra khi áp suất chất lỏng bình thường bên trong mắt từ từ tăng lên. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng bệnh tăng nhãn áp có thể xảy ra với nhãn áp bình thường. Nếu điều trị sớm, bạn có thể bảo vệ đôi mắt của mình, chống lại tình trạng mất thị lực nghiêm trọng.

Bệnh được phân thành hai loại tăng nhãn áp góc mở và góc đóng. Góc mở, là tình trạng mãn tính tiến triển chậm trong thời gian dài mà người bệnh không nhận thấy bị mất thị lực cho đến khi bệnh tiến triển nặng.Bệnh còn được gọi là “kẻ trộm thị lực”. Còn góc đóng có thể xuất hiện đột ngột và gây đau đớn. Mất thị lực có thể tiến triển nhanh chóng; tuy nhiên, cảm giác đau đớn và khó chịu là nguyên nhân khiến bệnh nhân phải đi khám trước khi có tổn thương vĩnh viễn.

Việc điều trị ở từng thể tăng nhãn áp là khác nhau:

  • Với tăng nhãn áp góc đóng cấp cần phải cấp cứu tích cực cho bệnh nhân, cốt yếu phải hạ được nhãn áp, giảm đau và an thần cho bệnh nhân. Thường cần phải nhờ tới phẫu thuật để giải quyết bệnh.
  • Với góc mở: điều trị hạ áp xuống dưới mức nguy hại cho mắt, có thể sử dụng các thuốc có tác dụng tại chỗ.
Phòng ngừa các bệnh về mắt giúp bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh

Phòng tránh các bệnh về mắt như thế nào?

Đối với trẻ em

Để phòng ngừa các bệnh về mắt rẻ em cần được bổ sung vitamin A theo chương trình và kế hoạch của quốc gia. Gia đình và phụ huynh phải hướng dẫn cho bé tư thế ngồi học thẳng lưng, không được cúi quá sát, đảm bảo điều kiện ánh sáng cho bé. Đồng thời cung cấp cho trẻ bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp mắt luôn khỏe mạnh. Quan trọng bạn phải luôn theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện các bệnh về mắt nếu có.

Đối với người lớn

Ngay khi phát hiện mắt có triệu chứng bất thường bạn cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay để được kiểm tra xem có mắc bệnh về mắt không. Đồng thời cũng giống trẻ em, người lớn cũng cần xây dựng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng để bảo vệ mắt. Không nên làm việc trong bóng tối hay điều kiện thiếu sáng. Hạn chế thời gian sử dụng công cụ điện tử, công nghệ ở mức vừa phải. Thường xuyên để mắt nghỉ ngơi và massage cho mắt.

Kết luận

Ngày nay tần suất mắc các bệnh về mắt ngày một tăng cao, do đó bạn cần phải trang bị một số kiến thức về các căn bệnh này đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa các bệnh về mắt để luôn có một đôi mắt khỏe mạnh.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  1. Những bệnh về mắt thường gặp, Bộ Y tế
  2. Common Eye Disorders and Diseases (2020), CDC.
  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt, Bộ Y tế