Tìm hiểu về hội chứng thị giác màn hình

Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và đời sống, nhưng hội chứng thị giác màn hình sẽ làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt thông thường hằng ngày. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh lý này cũng như cách điều trị bệnh hiệu quả.

Hội chứng thị giác màn hình là gì?

Hội chứng thị giác máy tính (Computer Vision Syndrome – CVS) hay cũng được gọi là hội chứng thị giác màn hình là tình trạng mỏi mắt, khô mắt và các vấn đề về mắt và thị lực khi gia tăng thời gian sử dụng các màn hình thiết bị kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng.

hội chứng thị giác màn hình
Hội chứng thị giác máy tính là tình trạng mỏi mắt, khô mắt và các vấn đề về mắt và thị lực khi gia tăng thời gian sử dụng các màn hình thiết bị kỹ thuật số

Nguyên nhân gây ra hội chứng thị giác màn hình (CVS)

Nguyên nhân của hội chứng này chưa được xác định, nhưng một giả thuyết cho rằng hội chứng liên quan đến mắt do không có khả năng tập trung vào điểm ảnh. 

Tập trung vào các điểm ảnh không giống như tập trung vào một trang in văn bản bởi vì đôi mắt không có một hình ảnh vững chắc để cố định. Để tập trung, mắt cần điều chỉnh nhiều lần trong 1 phút. Theo thời gian, điều chỉnh này gây ra chấn thương kiểu căng thẳng lặp đi lặp lại gây ra các triệu chứng đặc trưng của hội chứng thị giác màn hình.

hội chứng thị giác màn hình
Nguyên nhân gây ra hội chứng thị giác màn hình (CVS)

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ sau đây làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng thị giác màn hình:

  • Màn hình: độ chói, độ phân giải
  • Ánh sáng trong môi trường làm việc: cường độ ánh sáng, hướng ánh sáng
  • Tư thế ngồi làm việc: khoảng cách từ mắt đến màn hình, tầm nhìn của mắt đến màn hình
  • Thời gian nhìn màn hình liên tục trên 2h
  • Tình trạng mắt tiềm ẩn: tật khúc xạ, mất cân bằng cơ mắt
  • Đeo kính áp tròng sai cách
  • Tình trạng mắt sau phẫu thuật lasik: dễ bị khô mắt

Các triệu chứng của hội chứng thị giác màn hình

Người bị hội chứng thị giác màn hình thường sẽ trải qua một loạt các triệu chứng sau:

  • Mờ mắt
  • Khô mắt
  • Mỏi mắt
  • Nhức đầu
  • Đau cổ vai gáy

Đa số người bị hội chứng này có các triệu chứng giảm bớt khi rời xa màn hình, vì thế, giảm thời gian nhìn màn hình liên tục có ý nghĩa làm cho mắt dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, ở một số người, các triệu chứng CVS có thể kéo dài, dẫn đến khó chịu mắt và giảm năng suất làm việc. Nếu bạn tiếp tục có triệu chứng CVS ngay cả sau khi ngừng sử dụng máy tính trong một thời gian dài (1 hoặc 2 ngày), bạn nên đến khám bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tư vấn điều trị.

hội chứng thị giác màn hình
Mỏi mắt là triệu chứng thường gặp của hội chứng thị giác màn hình

Ở trẻ em, sẽ khó khăn hơn trong việc phát hiện các triệu chứng bởi vì nhiều lý do, trẻ sẽ không nói với bạn về các triệu chứng mà trẻ gặp phải khi sử dụng máy tính bảng hoặc máy vi tính quá lâu.

Có thể trẻ quá nhỏ để miêu tả chính xác triệu chứng mình gặp phải là gì, cũng có thể bé sợ, nếu nói ra, bố mẹ sẽ không cho bé chơi máy vi tính nữa, cũng có thể sự mỏi mắt, khô mắt biến mất khi bé ngừng chơi điện thoại nên dễ dàng bị bỏ qua.

Vì thế, cách duy nhất để phát hiện sớm ảnh hưởng của việc chơi máy tính bảng, chơi điện thoại quá nhiều là đưa bé đi khám mắt định kì, hoặc chú ý đọc kết quả phần khám mắt khi nhà trường tổ chức khám tổng quát định kì cho bé.

Chẩn đoán hội chứng thị giác màn hình

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về công việc bạn đang làm, thời gian dành cho máy tính mỗi ngày và các vấn đề có thể gây ra hội chứng thị giác màn hình, sự xuất hiện và tần suất bạn bị mỏi mắt, … Bác sĩ sẽ thực hiện khám mắt bao gồm: đo thị lực và kiểm tra khúc xạ để xác định tình trạng mắt của bạn.

Các đánh giá sẽ xác định cách mắt bạn hoạt động trong những hoàn cảnh bình thường, và có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn sử dụng hoặc không sử dụng thuốc nhỏ mắt. 

Bác sĩ đặc biệt quan sát việc mắt bạn tập trung, di chuyển và làm việc cùng nhau tốt đến mức nào. Điều này giúp xác định vấn đề khiến mắt không tập trung hiệu quả (rối loạn thích nghi) hoặc khó khăn khi sử dụng cả hai mắt với nhau (rối loạn hai mắt).

hội chứng thị giác màn hình
Khám mắt chẩn đoán hội chứng thị giác màn hình

Nếu bạn đeo kính áp tròng, bác sĩ sẽ xem xét điều này trước khi chẩn đoán – khô mắt có thể do kính gây ra khi sử dụng máy tính. Bạn sẽ được yêu cầu thử một cặp kính áp tròng khác để loại trừ nguyên nhân gây ra các triệu chứng hội chứng thị giác màn hình đến từ việc đeo kính áp tròng sai cách.

Tiếp đó, bác sĩ sẽ thực hiện test Schirmer để xác định xem mắt bạn có đủ nước mắt giữ ẩm hay không và các xét nghiệm khác để loại trừ các rối loạn 2 mắt và bệnh tật, cũng như rối loạn chức năng vận động (cố định và khó theo dõi) và aniseikonia (hình dạng và kích thước hình ảnh khác nhau ở mỗi mắt).

Điều trị hội chứng thị giác màn hình

Một số thay đổi sau sẽ giúp giảm các triệu chứng của hội chứng này như mỏi mắt, khô mắt, … Để tìm hiểu thêm về thao tác và lưu ý khi thực hiện các cách điều trị sau đây, bạn tốt nhất nên gặp bác sĩ nhãn khoa để được hướng dẫn và giải đáp thắc mắc.

  • Điều chỉnh màn hình máy tính
  • Thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động
  • Thực hiện liệu pháp thị lực
  • Lưu ý khi đeo kính trị tật khúc xạ (cận, viễn, loạn)
  • Trị liệu khô mắt

Điều chỉnh màn hình máy tính

  • Đặt màn hình để mắt nhìn xuống dưới, 15-20 độ dưới mắt, khoảng cách từ trung tâm màn hình đến mắt từ 45-70 cm.
  • Giảm thiểu ánh sáng chói màn hình cũng như trên tường và đồ nội thất trong tầm nhìn của bạn. 
  • Làm tối căn phòng bằng cách đóng cửa sổ và sử dụng nắp máy tính để tránh ánh sáng chói từ ánh sáng phía trên.
  • Màn hình chống lóa hoặc bộ lọc có thể làm giảm lượng ánh sáng phản chiếu từ màn hình. 
  • Có thể nâng cấp lên màn hình mới với lớp phủ chống phản chiếu. 
  • Điều chỉnh độ sáng, độ tương phản trên màn hình, đảm bảo độ tương phản cao giữa nền màn hình và các ký tự.
hội chứng thị giác màn hình
Điều chỉnh màn hình máy tính cải thiện tình trạng mỏi mắt do hội chứng thị giác màn hình

Các biện pháp chủ động phòng bệnh

  • Chớp mắt thường xuyên:
  • Nguyên tắc 20-20-20: Cách 20 phút nhìn liên tục vào màn hình máy tính, bạn cần cho mắt nghỉ ngơi 20 giây, nhìn vào đồ vật ở cách mắt 20 bàn chân (6m).
  • Đeo kính có tròng lọc ánh sáng xanh, ngay cả khi không bị tật khúc xạ như cận viễn loạn, bạn vẫn nên đeo kính không độ loại trong này để giảm lượng ánh sáng xanh đến võng mạc làm thoái hóa mắt.
  • Đeo loại kính đặc biệt chuyên dụng cho người nhìn lau vào máy tính, có thể yêu cầu làm tròng kính màu để giảm độ chói từ màn hình. Loại kính này loại bỏ nhu cầu cho đôi mắt của bạn để liên tục tái tập trung khi xem màn hình, và do đó làm giảm mỏi mắt và các triệu chứng CVS.

Liệu pháp thị lực

Liệu pháp thị lực là một chương trình có cấu trúc các bài tập mắt có thể cải thiện khả năng thị giác. Các bài tập liên quan đến chuyển động mắt, tập trung vào mắt và phối hợp mắt để tăng cường kết nối mắt-não.

Điều quan trọng nhất để có một đôi mắt sáng đẹp là luôn khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần tại các bác sĩ mắt để được thăm khám điều trị kịp thời các bệnh về mắt.

Lưu ý khi đeo kính trị tật khúc xạ (cận, viễn, loạn)

Người đã bị tật khúc xạ (cận viễn loạn) cần chăm sóc mắt kỹ hơn để tránh bị mỏi mắt và các triệu chứng khác của hội chứng thị giác màn hình. Cụ thể, một số lưu ý sau đây sẽ giúp đôi mắt luôn khỏe:

  • Khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần để đo độ và điều chỉnh trong kính đúng độ cận
  • Đeo kính độ cao hoặc thấp hơn đều gây mỏi mắt, vì vậy khi mỏi mắt kéo dài mặc dù đã thực hiện nguyên tắc 20-20-20, bạn cần đến phòng khám mắt uy tín để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng mắt đang gặp phải.
  • Đeo kính chống nắng có độ, mắt bị tật khúc xạ dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời hơn mắt khỏe mạnh
  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A (lòng đỏ trứng, cà chua, …); caroten (cải xanh, đậu xanh, …); crom (thịt bò, nấm, … ); canxi (sò, sữa, …).
hội chứng thị giác màn hình
Đeo kính thuốc khắc phục tình trạng mỏi mắt nhiều

Trị liệu khô mắt

Khô mắt là hội chứng mãn tính, khó điều trị dứt điểm, vì vậy bác sĩ nhãn khoa điều trị tình trạng này giúp duy trì thị lực và giữ gìn đôi mắt mạnh khỏe.

Các phương pháp để điều trị khô mắt gồm: bổ sung nước mắt nhân tạo, duy trì phim nước mắt trên bề mắt nhãn cầu, làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu.

Người bị khô mắt kéo dài cần đến gặp và nghe tư vấn điều tị của bác sĩ mắt để được kê đơn dùng thuốc điều trị tùy theo mức độ bệnh.

Sự phát triển của xã hội sẽ không đi kèm với sự suy giảm sức khỏe của con người, đặc biệt là sức khỏe đôi mắt, nếu như bạn biết cách chăm sóc chúng.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.