Viêm bờ mi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm bờ mi là một bệnh lý cấp hoặc mạn tính của bờ mi. Đây là một bệnh lý mắt khá phổ biến, có thể gặp ở độ tuổi trung niên hay ở phụ nữ trang điểm thường xuyên. Mặc dù không phải một bệnh lý nguy hiểm nhưng gây nhiều sự khó chịu cho người bệnh do đó cần được điều trị đúng cách để giảm thiểu biến chứng. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này trong bài viết dưới đây.

Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi xảy ra khi mí mắt có hiện tượng viêm, chủ yếu tại các tuyến nhờn tại đây có hiện tượng bít tắc. Lúc này mắt của người bệnh sẽ bị kích thích, mi mắt sưng đỏ, ngứa ngáy nhiều làm người bệnh khó chịu. Chần chừ trong việc đi khám khiến tình trạng viêm kéo dài thành mạn tính sẽ gây khó khăn trong công tác điều trị.

Nguyên nhân viêm bờ mi thường gặp

  • Cấp tính:
    – Nhiễm khuẩn Staphylococcal
    – Virus: Herpes simplex virus (HSV), Varicella zoster
    – Dị ứng
  • Mạn tính:
    – Rối loạn chức năng tuyến Melbonian
    – Viêm kết giác mạc khô/ khô mắt

Viêm bờ mi đôi khi có thể gây ra bởi bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bệnh lậu có thể gây ra một dạng viêm bờ mi, viêm kết mạc do vi khuẩn hiếm gặp nhưng lại khá nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến mất thị lực nếu bạn không điều trị. Chlamydia có thể gây viêm bờ mi ở người lớn.

Nếu bạn bị nhiễm chlamydia, bệnh lậu hoặc các vi khuẩn khác trong cơ thể trong lúc chuyển dạ, bạn có thể truyền bệnh đau mắt đỏ cho con qua đường sinh. Đau mắt đỏ do một số vi khuẩn và vi rút gây ra có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác, nhưng không nguy hiểm cho sức khỏe nếu được chẩn đoán kịp thời. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra ở trẻ sơ sinh, hãy báo với bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức, vì nó có thể là một bệnh nhiễm trùng đe dọa thị lực của em bé về lâu dài.

viêm bờ mi
Gặp bác sĩ khám mắt khi bị viêm bờ mi

Triệu chứng thường gặp

  • Cấp tính:
    – Xuất hiện mụn mủ nhỏ có thể vỡ ra tạo thành ổ loét
    – Dính mi mắt
    – Sẹo bờ mi
    – Lông mi mọc ngược (lông xiêu)
    – Không loét: bờ mi sưng đỏ, bám tiết tố không
    – Chảy nước mắt nhiều hơn bình thường
    – Có thể chảy dịch xanh/ mủ vàng
    – Nhìn mờ
    – Nhạy cảm với ánh sáng
    – Các hạch bạch huyết sưng to trong bệnh cảnh nhiễm do virus
  • Mạn tính:
    – Ấn vào lỗ tuyến Melbonian sẽ thấy dịch đặc màu vàng chảy ra
    – Lớp vảy mỡ dễ bóc
    – Cảm giác mi mắt có dị vật, lộm cộm, căng mỏi mắt
    – Khô mắt, nhìn lâu kéo dài có thể nhìn mờ
viêm bờ mi
Triệu chứng viêm bờ mi

Viêm bờ mi ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết một trẻ mắc viêm bờ mi bao gồm: mí mắt trẻ có hiện tượng viêm, kích ứng, sưng đỏ, đóng vảy vào buổi sáng khi thức dậy, có hiện tượng ngứa kèm theo, cảm giác lộm cộm, trong một vài trường hợp có thể trẻ sẽ khóc rất nhiều.
Ở trẻ em nguyên nhân gây viêm bờ mi chủ yếu là nhiễm trùng do vi khuẩn và rối loạn chức năng tuyến Melbonian.
Khi trẻ có các triệu chứng trên ba mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh những biến chứng không đáng có xảy ra.

viêm bờ mi
Viêm bờ mi ở trẻ em

Viêm bờ mi có nguy hiểm không?

Trường hợp viêm bờ mi cấp tính đáp ứng khá tốt với điều trị tuy nhiên lại tiềm ẩn nguy cơ tái phát, diễn tiến thành mạn tính thì giai đoạn này việc điều trị khó khăn hơn nhiều. Một số biến chứng có thể gặp trong bệnh lý viêm bờ mi có thể kể đến như:
– Chảy nước mắt nhiều
– Khô mắt
– Tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc
– Chắp (nhiễm trùng), lẹo (khối mủ)
– Sẹo mi mắt

viêm bờ mi
Viêm bờ mi có nguy hiểm không?

Vậy khi nào bạn cần liên hệ bác sĩ khẩn cấp? Câu trả lời nằm trong những dấu hiệu nguy hiểm của viêm bờ mi, có thể kể đến như sau:

  • Chảy nhiều dịch màu vàng hoặc xanh lá cây từ mắt hoặc nếu mi mắt bị dính vào nhau vào buổi sáng
  • Cơn đau mắt dữ dội khi nhìn vào ánh sáng chói
  • Thị lực của ràng bị ảnh hưởng, suy giảm như nhìn mờ
  • Sốt cao, ớn lạnh, đau mặt hoặc giảm thị lực

Điều trị viêm mi mắt

  • Cấp tính:
    – Thuốc mỡ kháng sinh
    – Trường hợp do virus thì dùng thuốc kháng virus toàn thân.
    – Tránh đưa tay dụi gãi mi mắt hay đổi loại thuốc nhỏ mắt mới trong thời gian bệnh
    – Chườm ấm
    – Trường hợp vẫn còn sưng >24h thì có thể dùng corticoid bôi tại chỗ theo hướng dẫn của BS.
  • Mạn tính:
    – Có thể điều trị theo hướng viêm kết giác mạc khô, bổ sung nước mắt nhân tạo.
    – Bôi thuốc mỡ kháng sinh và tùy tình huống BS sẽ có chỉ định nút lỗ lệ.
    – Chườm ấm, massage mí mắt
    – Dùng tăm bông làm sạch bờ mi ngày 2 lần.
    – Cân nhắc sử dụng thuốc bôi tại chỗ theo hướng dẫn của BS điều trị.
viêm bờ mi
Điều trị viêm mi mắt bằng thuốc nhor mắt

Như vậy, có thể nhận định viêm bờ mi là một bệnh lý viêm nhiễm có thể là mạn hoặc cấp tính. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. Người bệnh cũng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tái phát hoặc làm tình trạng bệnh nặng nề hơn, ảnh hưởng kết quả điều trị.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.