Võng mạc tiểu đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường là bệnh võng mạc tiểu đường, biến chứng này gây tác động đến khả năng nhìn người bệnh tiểu đường và là nguyên nhân chính gây mù lòa, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc cùng Docosan tham khảo nội dung dưới đây.

Võng mạc tiểu đường là gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường là một bệnh của mạch máu võng mạc tăng sinh ở nhiều mức độ khác nhau trên đa số những người có tiền căn bệnh tiểu đường lâu năm. 

bệnh võng mạc tiểu đường
Hình ảnh mô phỏng mắt bị võng mạc tiểu đường

Nguyên nhân của bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Biến chứng của bệnh tiểu đường không chỉ gồm các biến chứng cấp như nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu và hạ đường huyết mới nguy hiểm mà ngay cả các biến chứng mạn tính cũng gây nhiều hậu quả không kém.

Tiểu đường gây tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể từ các mạch máu lớn (bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên) cho đến các mạch máu nhỏ (bệnh lý mắt do tiểu đường, bệnh thận tiểu đường, bệnh thần kinh do tiểu đường) và một số biến chứng khác như bàn chân tiểu đường, nhiễm trùng,…

Trong số các tổn thương của biến chứng bệnh lý mắt do tiểu đường thì bệnh võng mạc tiểu đường là thường gặp hơn cả.

Ở bệnh nhân tiểu đường, võng mạc của học sẽ bị biến đổi, bệnh võng mạc tiểu đường là kết quả của 5 quá trình cơ bản:

  • Sự hình thành vi mạch võng mạc do tổn thương các mao mạch võng mạc
  • Sự phát triển của tăng tính thấm mạch máu võng mạc, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề
  • Nghẽn mạch: Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc 
  • Khi đó cơ thể phản ứng lại bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch, tăng sinh) và các mô sợi trên bề mặt võng mạc và đĩa thị để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này, 
  • Nhưng những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết dịch kính, xơ hóa gây co kéo thể kính và mô sợi tăng sinh này làm bong võng mạc khiến người bệnh có thể bị mất đi thị lực mãi mãi.

Triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường như thế nào?

Các tổn thương mắt thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, nhưng chờ đến khi thị lực giảm, mắt nhìn mờ đột ngột, mất một phần hoặc toàn bộ thị lực, tầm nhìn ban đêm kém, tầm nhìn thay đổi hoặc có vùng tối trong tầm nhìn… thì lúc đó đã là tổn thương nặng của bệnh, khi đó sẽ rất khó để điều trị được bệnh nên việc khám chuyên khoa mắt được khuyến cáo với tất cả các bệnh nhân bị tiểu đường type 2 mới chẩn đoán và tiểu đường type 1 sau 5 năm chẩn đoán.

Thời gian mắc bệnh tiểu đường tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường, tức nếu bạn bị tiểu đường càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường cũng tăng cao theo. Đặc biệt, nguy cơ này còn có thể tăng cao hơn nữa nhất là ở những người bệnh tiểu đường không kiểm soát đường huyết tốt,  có các bệnh nền khác như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.…

Bệnh võng mạc tiểu đường gồm: bệnh võng mạc không tăng sinh và bệnh võng mạc tăng sinh 

Bệnh lý võng mạc không tăng sinh (viêm võng mạc tổn thương cơ bản)

Là bệnh thường gặp trong tiểu đường type 2. Bệnh gây tổn thương mạch máu: vi phình mạch, giãn mao mạch, gấp khúc, xuất tiết, xuất huyết trong võng mạc là những chấm dạng bông hoặc vết nhưng chưa ảnh hướng đến thị lực

Phù hoàng điểm là tổn thương nặng hơn, do sự tích tụ dịch bất thường gây ra hiện tượng dày lên của võng mạc và/hoặc xuất tiết vùng trung tâm hoặc gần, đe dọa tiến tới trung tâm võng mạc làm giảm thị lực đột ngột, nặng hơn có thể gây mù không hồi phục. Chính vì vậy cần phải được điều trị ngay

Bệnh lý võng mạc tăng sinh

Bệnh thường gặp trong tiểu đường type 1. Đặc trưng bởi sự xuất hiện của tân mạch võng mạc gây ra bởi sự thiếu máu do tắc các vi mạch máu võng mạc dẫn đến làm giảm thị lực và có thể xuất huyết trong dịch kính, sẹo xơ, bong võng mạc. 

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường đừng nên bỏ qua khi thấy những thay đổi nhỏ của mắt mình:

  • Thỉnh thoảng bị mất khả năng nhận biết màu sắc; 
  • Đôi khi cảm thấy mắt bị mờ thoáng qua; 
  • Mắt nhìn thấy các đốm đen hoặc các chớp sáng; 
  • Thấy mắt mờ đi khi đọc sách báo hoặc lái xe; 

Nếu có các dấu hiệu thoáng qua kể trên thì nên đi khám ngay để có thể điều trị kịp thời nếu bạn thật sự mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Nên nhớ rằng bệnh võng mạc do tiểu đường có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho võng mạc nếu không được điều trị sớm. 

Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường như thế nào?

  • Bệnh nhân có phù hoàng điểm cần phải được cân nhắc laser quang đông võng mạc khu trú, đặc biệt là khi vùng trung tâm hoàng điểm bị tổn thương hoặc khi vùng dày võng mạc và xuất tiết cứng rất gần hoàng điểm.
  • Bệnh lý võng mạc không tăng sinh: Ở giai đoạn này cần cân nhắc chỉ định laser quang đông toàn võng mạc. 
  • Bệnh nhân glaucoma tân mạch hoặc bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh nguy cơ cao cần phải được quang đông toàn võng mạc kịp thời.
  • Bên cạnh đó cũng có một số biện pháp điều trị khác như: Tiêm nội nhãn các thuốc chống tân mạch và các thuốc chống phù hoàng điểm, Phẫu thuật cắt dịch kính và bong võng mạc điều trị các biến chứng muộn ở giai đoạn cuối

Phòng bệnh võng mạc tiểu đường như thế nào?

  • Khám tầm soát: tất cả bệnh nhân tiểu đường nên được khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh ít nhất mỗi năm 1 lần
  • Người bệnh tiểu đường nên điều trị tích cực, giữ lượng đường và huyết áp ở mức ổn định là đã có thể làm giảm sự phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường và thậm chí còn góp phần không nhỏ để ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả. 
  • Điều trị các bệnh phối hợp và các biến chứng khác của đái tháo đường nếu có.
  • Thay đổi lối sống: thường xuyên luyện tập thể dục, chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý.
  • Quy tắc 20-20-20: khi tiếp xúc với màn hình kỹ thuật số hay máy tính sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, khô mắt vì vậy để cải thiện tình trạng này, hãy thực hiện theo quy tắc 20/20/20: cứ 20 phút làm việc, lại nhìn nhìn xa 20 feet (khoảng 7m) trong 20 giây.

Một số bác sĩ khám và chữa bệnh võng mạc tiểu đường

  • Bác sĩ Jan Dirk Ferwerda – 25 năm kinh nghiệm – Quận 2
  • BSCKII Huỳnh Thị Thu Ba – 30 năm kinh nghiệm – Quận 8
  • BSCKII Lê Hồng Hà – 15 năm kinh nghiệm – Quận Phú Nhuận

Kết luận

Bệnh võng mạc tiểu đường tương đối nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến mù lòa. Do đó, người bệnh cần gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo