Giãn tinh hoàn: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 

Ngày nay nam giới gặp phải tình trạng giãn tinh hoàn (giãn tĩnh mạch thừng tinh) rất thường gặp, chủ yếu ở tuổi trưởng thành. Đây là một bệnh lý nam khoa sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản do làm suy giảm chức năng sản xuất tinh trùng. Vậy hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về bệnh lý này trong bài viết sau đây nhé!

Giãn tinh hoàn (tĩnh mạch thừng tinh) là gì?

Giãn tinh hoàn hay giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự giãn của đám rối các tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh có chức năng thu hồi máu ra khỏi tinh hoàn. Bệnh giãn tinh hoàn đa số xảy ra một bên và thường xuất hiện ở bên trái, chiếm tỉ lệ hơn 90% và khoảng 10% còn lại các trường hợp bị cả hai bên. Đây là một trong các lý do hàng đầu gây ra tình trạng vô sinh ở nam giới, và chỉ có khoảng 1% trẻ em nam bé hơn 10 tuổi mắc bệnh này.

Xem thêm: Tinh hoàn to

Giãn tinh hoàn

Nguyên nhân gây giãn tinh hoàn 

Giãn tinh hoàn (tĩnh mạch thừng tinh) được xếp vào nhóm bệnh tự phát xảy ra ở nam giới, do các nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như: suy van tĩnh mạch, bất thường vị trí đổ của tĩnh mạch thừng tinh vào tĩnh mạch thận trái hoặc tĩnh mạch chủ bụng. Ngoài ra còn có thể do các yếu tố gây tăng áp lực ổ bụng như khối u vùng tiểu khung, viêm tạng sau phúc mạc…

Giãn tinh hoàn

Cơ chế bệnh sinh của giãn tinh hoàn thừng tinh là do sự suy yếu của hệ thống van tĩnh mạch, dẫn đến sự ứ đọng thường xuyên của máu từ hệ thống tĩnh mạch chủ vào hệ thống tĩnh mạch thừng tinh. Từ đó làm giãn và tạo thành búi các đám rối tĩnh mạch tinh ở vùng bẹn và bìu, kéo dài sẽ gây ứ trệ máu làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn dẫn đến sự phá hủy tinh trùng.

Triệu chứng của giãn tinh hoàn

Đa số nam giới bị giãn tinh hoàn không có triệu chứng cụ thể, mà thi thoảng có thể gây đau nhẹ hay cảm giác nặng ở vùng bìu. Cường độ đau có thể nhiều hơn vào buổi chiều tối, hay sau khi đứng lâu và ngồi nhiều hoặc làm việc gắng sức. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn kéo dài, bệnh nhân có thể thấy sưng ở phía trên bìu so với bên bình thường.

Chẩn đoán giãn tinh hoàn ở nam giới

Giai đoạn đầu của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có biểu hiện rầm rộ nên phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Lúc này hoàn toàn có thể sờ thấy các búi tĩnh mạch giãn tinh hoàn, hoặc có triệu chứng lâm sàng là đau tinh hoàn, sưng căng bìu một bên. Một số người nam khi đi khám hiếm muộn thì tình cờ phát hiện bệnh lý giãn tinh hoàn qua các xét nghiệm.

Giãn tinh hoàn
Một số người nam khi đi khám hiếm muộn thì tình cờ phát hiện bị giãn tinh hoàn

Chẩn đoán giãn tinh hoàn (tĩnh mạch thừng tinh) giai đoạn tiến triển không phức tạp, có thể kết hợp cả thăm khám lâm sàng và siêu âm. Theo phân loại Dubin, giãn tinh hoàn được chia làm 5 mức độ:

  • Độ 0: Chỉ chẩn đoán được trên siêu âm hoặc các phương tiện chẩn đoán khác mà không phát hiện được trên lâm sàng
  • Độ 1: sờ thấy búi tĩnh mạch giãn khi bác sĩ làm nghiệm pháp Valsava 
  • Độ 2: sờ tìm thấy búi tĩnh mạch khi bệnh nhân trong tư thế đứng thẳng
  • Độ 3: nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn to khi bệnh nhân trong tư thế đứng thẳng. 
  • Độ 4: dễ dàng nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo dưới da bìu dù đứng, ngồi hay nằm.

Cách điều trị giãn tinh hoàn 

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Không phải người bệnh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh là cần phải phẫu thuật ngay lúc đó. Nếu bạn không xuất hiện triệu chứng đau hoặc không có vấn đề trở ngại nào trong vấn đề sinh sản, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên theo dõi tiếp trong một thời gian và tìm ra các yếu tố nguy cơ để kiểm soát tốt, từ đó làm giảm tình trạng giãn tinh hoàn. 

Giãn tinh hoàn

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh

Nếu bệnh nhân giãn tinh hoàn bị đau nhiều vùng bìu, hoặc tĩnh mạch đã bị giãn ngoằn ngoèo gây mất thẩm mỹ; hoặc đang gặp trở ngại trong vấn đề sinh sản, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc làm những thủ thuật chuyên sâu khác để điều trị.

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh là các bác sĩ sẽ thắt tĩnh mạch thừng tinh giãn ở phía trên hoặc xung quanh tinh hoàn để chúng trở lại bình thường. Đây là phẫu thuật đơn giản, tiến hành phẫu thuật trong vài giờ và có thể về ngay trong ngày. 

Giãn tinh hoàn
Phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh

Trong cuộc mổ, bác sĩ có thể gây mê hoặc chỉ cần gây tê, miễn sao tạo mọi điều kiện để bạn cảm thấy thoải mái và không đau. Để tiến hành phẫu thuật cần một vết rạch da nhỏ ở vùng bụng dưới hoặc trên nếp bẹn dài 2 đến 3 cm, nếu vết mổ lành tốt thì sẽ không để lại sẹo.

Những lưu ý sau phẫu thuật giãn tinh hoàn

  • Bạn có thể trở lại với công việc sau 48 giờ sau mổ.
  • Hạn chế hoạt động gắng sức trong vòng 48 giờ sau phẫu thuật: khiêng vác vật nặng, quan hệ tình dục.
  • Hoạt động bình thường trở lại sau 5 đến 7 ngày, kể cả chơi thể thao nhẹ.
  • Đôi khi vết mổ có đau nhẹ hoặc rỉ dịch, sưng bìu ít… Bạn có thể chăm sóc bằng cách dùng bông, gạc đắp lên vết mổ.
  • Sau mổ, bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau và bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn, đôi khi cần dùng thuốc chỉ khi cần thiết như đau nhiều…
  • Tái khám để kiểm tra tình trạng vết mổ sau 2 tuần để đảm bảo không bị nhiễm trùng hoặc tái phát sớm sau mổ.
  • Ba tháng sau mổ bạn nên đi xét nghiệm lại thử tinh dịch đồ và đếm số lượng tinh trùng. 
Giãn tinh hoàn

Giãn tinh hoàn (tĩnh mạch thừng tinh) đang là căn bệnh phổ biến và gây nhiều phiền toái cho nam giới. Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu gợi ý của bệnh thì hãy nhanh chóng gặp bác sĩ nam khoa để được thăm khám và tư vấn theo dõi điều trị dứt điểm. Tình trạng giãn tinh hoàn để kéo dài sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày và khả năng sinh sản của nam giới.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.