Vàng da sơ sinh: nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng

Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Lưu Hồng Vân và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com.


Vàng da sơ sinh là một hiện tượng phổ biến ở trẻ mới sinh, do đặc điểm về chuyển hóa bilirubin của trẻ trong những ngày đầu đời. Tuy nhiên, vàng da sơ sinh kéo dài là bệnh lý sẽ để lại biến chứng thần kinh hoặc gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Những thông tin bố mẹ cần để giúp trẻ vàng da sơ sinh lớn lên khỏe mạnh được tổng hợp trong bài viết sau.

1. Vàng da sơ sinh là gì?

Vàng da sơ sinh là tình trạng phổ biến nhất, một số trường hợp nặng cần được chăm sóc y tế và nhập viện. Màu vàng của da và củng mạc biểu hiện ở trẻ sơ sinh vàng da là kết quả của sự tích tụ của bilirubin không liên hợp. Ở hầu hết trẻ sơ sinh, tăng bilirubin không liên hợp phản ánh một hiện tượng chuyển tiếp bình thường. Tuy nhiên, ở một số trẻ, nồng độ bilirubin huyết thanh có thể tăng quá mức, điều này có thể gây lo ngại vì bilirubin không liên hợp là chất độc thần kinh và có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh hoặc để lại di chứng thần kinh suốt đời ở trẻ.

vang da so sinh
Vàng da sơ sinh

2. Nguyên nhân gây vàng da sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý thường sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, nếu bị vàng da bệnh lý, da bé sẽ bị vàng sớm (24h sau sinh), nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị biến chứng và có thể tử vong.

Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là kết quả của sự xuất hiện đồng thời của hai hiện tượng sau:

  • Sản xuất bilirubin tăng cao do sự tăng phân hủy hồng cầu của trẻ sơ sinh. Ở trẻ sơ sinh, sự tăng phá hủy hồng cầu xảy ra do các hồng cầu thay đổi cấu trúc từ hồng cầu của thai nhi sang hồng cầu của trẻ nhỏ.
  • Khả năng bài tiết của gan thấp Trong thời gian mang thai, gan của mẹ sẽ loại bỏ bilirubin cho thai nhi. Sau khi chào đời, phải mất một thời gian gan của bé mới bắt đầu làm việc. Kết quả là bilirubin sẽ tích tụ trong máu của bé và gây vàng da ở trẻ sơ sinh.

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh xảy ra khi các yếu tố nguy cơ đi kèm với 2 cơ chế cơ bản được mô tả ở trên.

Các yếu tố nguy cơ chuyển vàng da sinh lý thành vàng da bệnh lý:

  • Chủng tộc: Người Đông Á có nguy cơ mắc vàng da bệnh lý cao hơn các chủng tộc khác.
  • Giới tính: Bé trai có nguy cơ mắc vàng da bệnh lý cao hơn bé gái.
  • Di truyền: Trẻ có anh chị ruột từng điều trị vàng da sơ sinh thì có nguy cơ cao hơn bị bệnh này. Ngoài ra, nếu trong gia đình có người bị bệnh thiếu máu tán huyết, thiếu men G-6-PD, trẻ cũng có nguy cơ cao bị vàng da bệnh lý.
  • Dinh dưỡng: Việc nuôi con bằng sữa mẹ không gây ra tình trạng vàng da, nhưng vàng da gặp nhiều ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Nguyên nhân có thể là do mẹ chưa có nhiều sữa đủ cho con bú, lượng dịch trong cơ thể bé không đủ khiến nồng độ bilirubin trong máu tăng lên, gia tăng nguy cơ con bị vàng da. Trẻ bú sữa công thức cũng bị vàng da nếu không được cung cấp đủ sữa.
  • Yếu tố người mẹ: Trẻ sơ sinh của người mẹ mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh) cũng là một nguyên nhân gây vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
  • Cân nặng và tuổi thai: Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ sinh non và trẻ nhẹ cân.
  • Nhiễm trùng bẩm sinh

3. Triệu chứng vàng da sơ sinh

Thông thường, vàng da sơ sinh biểu hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau khi bé chào đời.

Vàng da ở trẻ sơ sinh xuất hiện đầu tiên ở mặt và trán. Sau đó vàng da dần lan đến trên thân và tứ chi. Sự biến mất của vàng da theo thứ tự ngược lại (tứ chi trước rồi mới đến thân, mặt).

Những triệu chứng tổn thương về thần kinh, chẳng hạn như thay đổi trương lực cơ gây co giật là những dấu hiệu cho thấy vàng da đã chuyển thành thể nặng và cần được nhập viện ngay lập tức để ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện li bì, khó đánh thức hoặc bú kém, bỏ bú, bạn cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị khi cần thiết.

4. Biến chứng vàng da sơ sinh

4.1 Biến chứng nguy hiểm từ vàng da bệnh lý

Trẻ sơ sinh khi bị vàng da bệnh lý có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

  • Bệnh não tăng bilirubin cấp tính: Bilirubin rất độc hại đối với tế bào của bộ não. Vàng da nặng thì lượng bilirubin không được đào thải kịp sẽ có thể đi vào trong não và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
  • Vàng da nhân: Khi bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, thì bilirubin thấm vào não dẫn đến tình trạng vàng da nhân, đây là những tổn thương não không hồi phục được nữa.

4.2 Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Vàng da xuất hiện sớm trước 24 giờ tuổi
  • Mức độ vàng da càng lúc càng rõ, vàng toàn thân
  • Tốc độ vàng da tăng nhanh
  • Vàng da kéo dài đến trên 1 tuần (trẻ sinh đủ tháng) hay trên 2 tuần (với trẻ đẻ non)
  • Vàng da có kèm với bất kỳ dấu hiệu bất thường khác như: đi tiêu phân có màu trắng phấn, nôn, bú kém, bụng chướng, cơn ngưng thở, nhịp thở nhanh, nhịp tim chậm, hạ thân nhiệt, sụt cân, xanh tái, ban xuất huyết, ngủ li bì, gồng cứng người, co giật, hôn mê…

Đây là các triệu chứng nghi ngờ vàng da bệnh lý, trong vòng 7 ngày sau sinh, nếu trẻ có các triệu chứng này thì cần được nhập viện điều trị.

5. Các phương pháp chẩn đoán vàng da sơ sinh

Sau khi hỏi bệnh sử về thời gian xuất hiện vàng da của trẻ sơ sinh, tiền căn của mẹ và gia đình, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát và kết hợp chẩn đoán bằng các phương pháp sau:

  • Đo bilirubin qua da
  • Xét nghiệm máu: xét nghiệm đo nồng độ bilirubin toàn phần, bilirubin không liên hợp trong huyết thanh, xét nghiệm Coombs trực tiếp, ở trẻ sơ sinh, xét nghiệm công thức máu, nhóm máu, xét nghiệm đánh giá chức năng gan
  • Các xét nghiệm tìm nhiễm vi-rút và / hoặc ký sinh trùng: Có thể được chỉ định ở trẻ sơ sinh gan lách to, chấm xuất huyết, giảm tiểu cầu hoặc các bằng chứng khác của bệnh gan để loại trừ các nguyên nhân gây vàng da khác của trẻ.
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp

6. Điều trị vàng da sơ sinh

Vàng da sơ sinh sinh lý thường tự khỏi sau 2 hoặc 3 tuần. Những trẻ bị vàng da trung bình hoặc nặng (vàng da bệnh lý) cần nhập viện theo dõi sát, và được điều trị đặc hiệu.

Thuốc thường không được sử dụng để kiểm soát sự tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh. Thay vì thuốc, các liệu pháp sau được áp dụng để trị vàng da sơ sinh:

6.1 Quang trị liệu

Quang trị liệu có hiệu quả trong điều trị vàng da sơ sinh nhờ phản ứng chuyển đổi bilirubin thành chất khác không hoặc ít có hại hơn bằng tác động của ánh sáng.

Phương pháp phổ biến là chiếu sáng tia cực tím giúp phá vỡ các bilirubin để không gây áp lực tổn thương cho gan. Còn một phương pháp nữa là điều trị bằng sợi quang. Ở phương pháp này, trẻ được bao bọc trong chăn có chứa sợi quang học đặc biệt, tỏa ánh sáng trực tiếp lên da của trẻ.

vang da so sinh
Quang trị liệu trong điều trị vàng da sơ sinh

6.2 Thay máu

Thay máu là phương pháp điều trị cấp cứu khi chiếu đèn không hiệu quả, hoặc khi nồng độ bilirubin tăng quá cao, có khả năng làm tổn thương não.

Cụ thể, khi tiến hành thay máu, trẻ sẽ nhận được một lượng máu nhỏ từ người hiến hoặc ngân hàng máu, giúp thay thế tế bào máu bị tổn thương bằng các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Điều này cũng làm tăng số lượng tế bào hồng cầu của trẻ và làm giảm nồng độ bilirubin.

Vàng da là một hiện tượng sinh lý phổ biến ở 85% trẻ sơ sinh, tuy nhiên hiện tượng này có thể chuyển thành bệnh lý nguy hiểm. Nếu thấy tình trạng vàng da kéo dài trên 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ sinh thiếu tháng, cần đưa trẻ nhập viện điều trị ngay để được điều trị, tránh biến chứng ảnh hưởng đến tương lai.

Một số bệnh viện, phòng khám có cơ sở vật chất điều trị vàng da sơ sinh

Tham khảo: Medscape


Đọc thêm:

Contact Me on Zalo
Call Now Button