Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ: Những điều cha mẹ cần biết

Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ là gì và làm sao để hiểu về bệnh cũng như cách chăm sóc trẻ đúng cách để con có thể hồi phục nhanh chóng, không ảnh hưởng đến sức khỏe là điều nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ gửi đến bạn thông tin về “Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ”.

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Uyên, chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.

Sốt phát ban ở trẻ là bệnh gì?

Sốt phát ban là biểu hiện thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Do độ tuổi này, trẻ có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện. Thậm chí, một trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần tùy theo tình trạng sức khỏe của trẻ và nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết nguyên nhân gây sốt phát ban cho trẻ là do virus (70 – 80%) và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày.

Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ
Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ: những điều cha mẹ cần biết

Những biểu hiện bệnh sốt phát ban ở trẻ nhỏ

Khi bị bệnh, con sẽ có thể xuất hiện một số dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ như sau:

  • Giai đoạn trước khi phát ban: Biểu hiện thường nhất của trẻ là quấy khóc và kèm theo tình trạng sốt. Tùy theo các nguyên nhân khác nhau mà trẻ có thể xuất hiện thêm một số các biểu hiện kèm theo. Ví dụ, đối với sốt phát ban do sởi: trẻ có biểu hiện sốt cao kèm theo một số triệu chứng như ho, mắt đỏ và hay bị chảy nước mũi.
  • Trong giai đoạn phát ban: Những nốt ban đỏ sẽ xuất hiện sau khi trẻ bị sốt vài ngày, màu hồng hay đỏ, từng cụm, li ti. có thể xuất hiện ở ngực, bụng, lưng hay khắp cơ thể và thường không ngứa. Ngoài ra, trẻ có thể có một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa đi kèm. Giai đoạn phát ban thường kéo dài vài ngày và sẽ tự hết nếu trẻ được điều trị đúng cách.
  • Giai đoạn sau khi phát ban: Vùng da sau phát ban đa số sẽ hồi phục mà không gây ra vết thâm, sẹo trên da của trẻ. Một số trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn gây ra tình trạng lở loét thì có thể có nguy cơ để lại sẹo trên da. Cha mẹ cần chăm sóc đúng cách thì sau khi bị sốt phát ban, để giúp bé sẽ khỏe mạnh trở lại, sinh hoạt, ăn uống và vui chơi bình thường.

Hướng dẫn cha mẹ chăm sóc con tại nhà khi con có biểu hiện sốt phát ban ở trẻ

Hạ sốt cho trẻ

Cha mẹ cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ, hạ nhiệt khi cần thiết để trẻ dễ chịu. Nếu nhiệt độ từ 38.5 độ C trở lên, cha mẹ có thể cân nhắc cho bé uống một số loại thuốc hạ sốt hiệu quả như Acetaminophen hay Ibuprofen. Đây là thuốc không cần kê toa nên cha mẹ có thể dễ dàng mua ở các hiệu thuốc, tuy nhiên liều dùng cho trẻ phụ thuộc vào cân nặng và độ tuổi. Chính vì vậy, nếu chưa biết rõ, bạn nên liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng cách chườm mát. Cha mẹ cần nới lỏng quần áo của trẻ, dùng khăn mềm nhúng nước ấm để chườm cho bé, mỗi lần chườm không quá 10p/giờ. Mẹ cũng nên cho con mặc những bộ đồ thoáng mát, có chất liệu mềm mại, thấm hút tốt để con thấy thoải mái hơn.

Nếu đã dùng thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn sốt kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng khác, mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt để được các bác sĩ xử trí kịp thời.

Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ
Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ: những điều cha mẹ cần biết

Bù nước đầy đủ

Sốt dẫn đến nguy cơ mất nước. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cha mẹ cần bù đủ nước cho trẻ. Với trẻ đang bú mẹ, cần tăng thời gian cho bé bú. Đối với trẻ lớn uống được, cần cho bé uống nhiều nước và bổ sung thêm sữa, nước trái cây, súp,…

Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ
Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ: những điều cha mẹ cần biết

Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn

Sốt phát ban khiến trẻ bị đau nhức, mệt mỏi, khó chịu và lười hoạt động. Trong thời gian này, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi. Bạn không cần ép trẻ ăn/ngủ theo quy định và chỉ cho bé đi học hoặc tham gia các hoạt động khác khi trẻ đã hạ sốt và sức khỏe ổn định.

Giữ gìn vệ sinh cơ thể cho bé

Cha mẹ cần giữ vệ sinh cơ thể của trẻ để hạn chế gây ngứa, không để trẻ gãi lên vùng da đang nổi ban đỏ để tránh gây nhiễm trùng và để lại seo. Tuy nhiên, khi bị sốt phát ban, cơ thể trẻ sẽ rất yếu vì thế mẹ cần cẩn thận khi tắm rửa cho con. Nên tắm cho con bằng nước ấm và trong phòng kín gió và không dùng các loại sữa tắm có tính tẩy rửa mạnh. Nếu không tắm đúng cách, trẻ có nguy cơ bị cúm hoặc mắc phải một số bệnh nghiêm trọng khác.

Trẻ bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, hóa chất và tránh cho trẻ chơi với vật nuôi như chó mèo vì có nguy cơ khiến những nốt phát ban ngày càng nghiêm trọng hơn.

Những điều cha mẹ nên tránh trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

Để tránh bệnh tiến triển xấu hơn, không nên để trẻ nghỉ ngơi trong không gian ngột ngạt, bí bách hoặc ẩm ướt. Ngoài ra, trang phục hằng ngày cần hạn chế những loại bó sát vì dễ gây kích ứng da làm nổi ban đỏ.

Bên cạnh đó, mẹ cần xây dựng cho bé chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh những loại thực phẩm khó tiêu, những thực phẩm lạnh như uống nước đá hay ăn kem.

Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý: sốt phát ban ở trẻ nhỏ có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc với các đồ dùng của người bệnh, nhất là ở môi trường đông đúc như khu vui chơi, trường học. Vì thế, nếu thấy con có biểu hiện bệnh, mẹ nên cho con nghỉ học và không nên đưa con đến các khu vui chơi để hạn chế lây nhiễm bệnh cho những trẻ khác.

Trong thời gian điều trị sốt phát ban ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên theo tăng cường sức đề kháng cho trẻ, theo dõi các biểu hiện cơ thể để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám nếu cần thiết.

Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ
Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ: những điều cha mẹ cần biết

Khi nào trẻ bị sốt phát ban cần đi khám ngay?

Cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ, những nốt phát ban, các triệu chứng khác của trẻ và đưa trẻ đi khám khi có những dấu hiệu dưới đây:

  • Sốt phát ban kéo dài hơn 7 ngày.
  • Nốt phát ban không giảm dần sau 3 ngày.
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ C.
  • Trẻ trên 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ C trong hơn 3 ngày hoặc có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, bứt rứt, mệt mỏi.
  • Trẻ bị sốt cao co giật hoặc không đáp ứng thuốc hạ sốt.
  • Trẻ có bệnh nền: tim mạch, ung thư, lupus,…
  • Trẻ sốt phát ban kèm các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau đầu, thở nhanh….
  • Tình trạng không cải thiện dù đã được thăm khám hoặc xuất hiện những triệu chứng mới.
Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ
Biểu hiện sốt phát ban ở trẻ: những điều cha mẹ cần biết

Khi trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Tóm lại, dấu hiệu trẻ bị sốt phát ban thường xuất hiện những nốt phát ban sau sốt vài ngày và nếu được điều trị đúng cách, bé có thể hồi phục mà không để lại sẹo, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan và hiểu đúng để chăm sóc bé thật tốt.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.