Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ em và điều trị bạn cần biết

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là tình trạng tiêu chảy xảy ra đột ngột, nhiều lần trong ngày và có thể kéo dài gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em trong bài viết dưới đây nhé!

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Uyên, chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là bệnh gì?

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là hiện tượng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước ≥ 3 lần/ngày. Tiêu chảy cấp là đợt tiêu chảy khởi đầu cấp tính kéo dài không quá 14 ngày với tình trạng phân lỏng tóe nước. Việc phân tiêu chảy với mức độ cấp tính nhằm phân biệt với tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy kéo dài là đợt tiêu chảy khởi đầu cấp tính và kéo dài trên 14 ngày.


Ở mỗi đợt tiêu chảy, điều quan trọng cha mẹ cần lưu ý là tính chất lỏng của phân, vì nếu chỉ đi ngoài nhiều lần mà phân bình thường thì không phải là tiêu chảy. Ví dụ: trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn đi ngoài phân sệt là bình thường. Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể lây truyền qua đường phân – miệng như thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn do phân của người hoặc súc vật mang mầm bệnh, cũng là nguồn gây bệnh cho cộng đồng.

Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy cấp

Trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi hay bị mắc tiêu chảy do trẻ mới tập ăn dặm,
lượng kháng thể thụ động tương đối thấp, mặt khác kháng thể chủ động chưa hoàn thiện. Nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh tăng lên khi trẻ biết bò và tăng hoạt động cá nhân, tay chân dễ nhiểm bẩn và bé thường có xu hướng đưa tay vào miệng.

Ngoài ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em còn được gây ra bởi:

  • Tình trạng suy dinh dưỡng: suy dinh dưỡng làm cho trẻ dễ mắc tiêu chảy và các đợt
    tiêu chảy thường kéo dài hơn trẻ bình thường. Đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng nặng bị tiêu chảy có tỷ lệ tử vong rất cao.
  • Suy giảm miễn dịch: suy giảm miễn dịch tạm thời hay gặp sau sởi, các đợt nhiễm virus khác như thuỷ đậu, quai bị, viêm gan hoặc suy giảm miễn dịch kéo dài (AIDS) làm cho trẻ dễ mắc tiêu chảy và tiêu chảy kéo dài.
  • Tập quán, điều kiện môi trường sống không đảm bảo vệ sinh.
  • Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp 10 lần so với
    trẻ bú mẹ hoàn toàn.
  • Thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến là mối nguy hại to lớn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
  • Nước uống không đun sôi hoặc để lâu hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm là nguồn lây bệnh đáng kể.
  • Xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách, quan niệm phân trẻ em không bẩn như phân người lớn là sai lầm dễ phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường.
  • Không có thói quen rửa tay sau khi đại tiện, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn,…

Tác nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em thường gặp là Rotavirus. Đây cũng là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe doạ tính mạng cho trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ lớn và người lớn ít bị tiêu chảy do Rotavirus. Hiện nay đã có vaccine ngừa Rotavirus dạng uống giúp trẻ phòng bệnh tốt hơn. Các virú khác có thể gây tiêu chảy: Adenovirus, Enterovirus, Norovirus…

Bên cạn virus, các loại vi khuẩn cũng có thể gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các tác nhân thường gặp bao gồm E. coli, lỵ, tả, thương hàn,… Vi khuẩn coli đường ruột Escherichia coli (E. coli), có khả năng tiết độc tốt gây bệnh tiêu chảy được chia làm 6 loại

  • E. coli gây bệnh (EPEC): loại vi khuẩn này có thể gây tiêu chảy dữ dội và kéo dài với các triệu chứng sốt, buồn nôn và tiêu chảy, phân có nhày, không có máu.
  • E. coli sinh độc tố ruột (ETEC): ETEC có thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 2 ngày với những triệu chứng giống như mắc bệnh tả: khó chịu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mất nước,..
  • E. coli gây chảy máu (EHEC): Gây viêm đại tràng chảy máu và hội chứng ure huyết cao
  • E. coli xâm nhập (EIEC): triệu chứng lâm sàng gần giống hội chúng lỵ: sốt cao, tiêu chảy, phân có hiện tượng nhầy máu
  • E. coli kết tụ (EAEC): thường liên quan tới tiêu chảy kéo dài, không sốt với các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phân có máu.
  • E. coli bám dính khuếch tán (DAEC): triệu chứng thường gặp là tiêu chảy, mất nước và phân không có máu, chủ yếu gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5 ở các nước phát triển.

Bên cạnh các vi khuẩn nhóm E. coli, còn tồn tại nhiều loại vi khuẩn khác cũng có thể gây tiêu chảy cấp ở trẻ em như trực khuẩn lỵ (Shigella) gây hội chứng lỵ, Campylobacter jejuni gây bệnh ở trẻ nhỏ, tiêu chảy phân nước hoặc phân máu. Hay Salmonella enterocolitica gây tiêu chảy phân nước hoặc phân máu. Phẩy khuẩn tả Vibrrio cholerae gây tiêu chảy xuất tiết mất nước và điện giải

Một số loại kí sinh trùng có khả năng gây tiêu chảy cấp ở trẻ em bao gồm:

  • Entamoeba histolytica (amip): xâm nhập vào liên bào đại tràng, hồi tràng và gây bệnh khi đang ở thể hoạt động.
  • Giardia lamblia: là đơn bào có khả năng bám dính lên liên bào ruột non và gây tiêu chảy do giảm hấp thu.
  • Cryptosporidium: gây bệnh ở trẻ nhỏ suy giảm miễn dịch. Tiêu chảy nặng và kéo dài ở trẻ suy dinh dưỡng hoặc AIDS.

Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em

Các nguyên tắc chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp bao gồm:

  • Dự phòng mất nước nếu chưa có dấu hiệu mất nước
  • Điều trị mất nước khi có dấu hiệu mất nước
  • Dự phòng suy dinh dưỡng
  • Giảm thời gian, mức độ của tiêu chảy cũng như các đợt tiêu chảy trong tương lai bằng cách bổ sung kẽm

Đối với từng mức độ mất nước của trẻ mà bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng:

  • Đối với trẻ không mất nước, lựa chọn điều trị theo phác đồ A
  • Đối với trẻ có mất nước, lựa chọn phác đồ B
  • Đối với trẻ mất nước nặng, phác đồ C sẽ được sử dụng
  • Nếu phân có máu (lỵ) cần điều trị kháng sinh
  • Nếu trẻ sốt, hướng dẫn bà mẹ hạ nhiệt bằng khăn ướt hoặc quạt cho trẻ, sau đó mới xem xét và điều trị các nguyên nhân khác (chẳng hạn như sốt rét).

Đối với từng phác đồ sẽ có hướng dẫn điều trị riêng. Cả 3 phác đồ đều sử dụng để phục hồi lại lượng nước và muối bị mất khi tiêu chảy cấp ở trẻ em. Cách tốt nhất để bù nước và phòng mất nước cho trẻ là sử dụng dung dịch ORS. Chỉ bù dịch bằng đường tĩnh mạch trong các trường hợp mất nước nặng hoặc thất bại với đường uống theo quy định của phác đồ B.

  • Phác đồ A dùng để điều trị tiêu chảy tại nhà
  • Phác đồ B hỗ trợ điều trị mất nước bằng ORS, bù dịch bằng đường uống tại cơ sở y tế.
  • Phác đồ C – Điều trị nhanh chóng tiêu chảy mất nước nặng

Phần lớn các loại dịch trẻ thường dùng đều có thể sử dụng. Các loại dịch này có thể
chia thành hai nhóm:

  • Oresol
  • Dung dịch có vị mặn (ví dụ như nước cháo muối, nước cơm có muối)
  • Súp rau quả hoặc súp gà, súp thịt
  • Nước sạch, nước cơm (hoặc các loại ngũ cốc khác), súp không mặn
  • Nước dừa, trà loãng, nước hoa quả tươi không đường.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp do đó cha mẹ cần lưu ý khi bé có tình trạng tiêu chảy. Cần đưa bé ngay đến bác sĩ để được thăm khám nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài nhiều ngày, xuất hiện các triệu chứng như nhiễm trùng, mất nước… để bé được thăm khám và có thể chỉ định thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em cũng như bù nước, truyền dịch.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS