Trẻ sơ sinh hay bị nấc: Nguyên nhân và cách xử lý

Trẻ sơ sinh hay bị nấc là tình trạng khá phổ biến và thường không nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, trẻ hay bị nấc khiến cho nhiều bậc làm cha làm mẹ thấy lo lắng. Vậy tại sao lại có hiện tượng này? Cha mẹ nên làm gì và không nên làm gì khi trẻ bị nấc cụt? Và có những biện pháp nào phòng tránh nấc cụt cho trẻ ? Bài viết dưới đây của Docosan sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc và giải đáp các thắc mắc về tình trạng nấc cụt hay gặp ở trẻ sơ sinh.

Nấc cụt là gì?

Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu về một cấu trúc giải phẫu trong cơ thể, có liên quan trực tiếp đến hiện tượng nấc cụt, đó là cơ hoành. Cơ hoành là một cơ vắt ngang qua cơ thể, nằm ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng, và di chuyển nhịp nhàng lên xuống khi con người hít thở. 

Hiện tượng nấc cụt là khi cơ hoành co thắt tự ý, đột ngột, liên tục hoặc gián đoạn không đều, khiến cho luồng hơi bị đẩy ngược lên trên khí quản và vượt qua dây thanh âm ở tình trạng đóng kín, tạo ra âm thanh “nấc cụt”.

Trẻ sơ sinh hay bị nấc
Tại sao trẻ sơ sinh hay bị nấc?

Tại sao trẻ sơ sinh hay bị nấc?

Các nguyên nhân thường gây nấc ở trẻ sơ sinh là:

Bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản

Trong bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, có hiện tượng các chất trong dạ dày, di chuyển ngược lên trên thực quản. Sự trào ngược này, kèm theo acid dạ dày  sẽ kích thích các tế bào thần kinh vùng cơ hoành – thực quản, khiến cơ hoành co giật không tự chủ, dẫn đến nấc cụt.

Ở trẻ sơ sinh, cơ vòng thực quản (phần ngăn cách giữa thực quản và dạ dày, đóng vai trò như một cái van, tránh để các chất từ dạ dày trào ngược lên) kém phát triển, do đó, khiến việc trào ngược dễ xảy ra hơn.

Trẻ sơ sinh hay bị nấc
Có thể trẻ đang bị bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản

Trẻ ăn/uống nhiều quá mức

Việc nạp một lượng lớn đồ ăn, sữa hoặc thức uống khiến dạ dày căng to, giãn nở đột ngột khoang bụng, khiến cơ hoành bị co thắt, gây nấc cụt ở trẻ.

Trẻ vô tình hút quá nhiều không khí

Không khí có thể vô tình được nuốt vào trong dạ dày trẻ khi trẻ bú sữa bình, việc bú quá no, kèm thêm lượng không khí sẽ khiến dạ dày càng căng to, tức bụng và làm cho cơ hoành co thắt.

Dị ứng

Trẻ sơ sinh có thể dị ứng với một số thành phần protein có trong sữa công thức, hoặc có trong sữa mẹ (hiếm gặp), gây nên tình trạng kích ứng, viêm thực quản, được gọi là viêm thực quản có tăng bạch cầu ái toan. Để phản ứng lại với tình trạng viêm này, cơ hoành sẽ co thắt, gây nên hiện tượng nấc cụt.

Bệnh hen (suyễn)

Hen (suyễn) là một bệnh lý khá thường gặp ở trẻ nhỏ, các ống phế quản bị viêm và co thắt, khiến trẻ thường có triệu chứng thở khò khè, luồng khí trao đổi khó khăn và cơ hoành phải co thắt hoạt động nhiều hơn, gây nên tình trạng nấc cụt.

Các dị nguyên (chất kích ứng) có trong không khí

Hệ hô hấp của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với bất kỳ tác nhân nào trong không khí, như khói bụi, khói thuốc lá, mùi thơm nồng… đều có thể gây ho cho trẻ. Phản xạ ho sẽ gây co thắt mạnh cơ hoành, có thể khiến trẻ bị nấc.

Giảm nhiệt độ

Đôi khi nhiệt độ ngoài trời giảm thấp, không khí lạnh cũng khiến các cơ trong cơ thể, trong đó có cơ hoành co lại, làm cho trẻ bị nấc cụt.

Trẻ sơ sinh bị nấc có nguy hiểm không?

Khi thấy trẻ sơ sinh nấc cụt, cha mẹ và người chăm sóc không nên quá lo lắng, hãy cẩn thận quan sát và phân tích lại để nhận định xem đâu là lý do, đâu là yếu tố thường khởi phát nên tình trạng nấc cụt của trẻ. Cha mẹ có thể ghi chép riêng vào một cuốn sổ, điều này sẽ rất có lợi cho việc theo dõi và thăm khám bác sĩ khi cần.

Tình trạng nấc cụt là bình thường đối với trẻ dưới sơ sinh và nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi, thậm chí còn thể xảy ra khi trẻ còn ở trong bụng mẹ)

Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên nhân gây nấc cụt là bệnh lý kể trên, nên nếu trẻ thường xuyên bị nấc cụt, cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa sớm, để được chẩn đoán và điều trị nếu cần.

Trẻ sơ sinh hay bị nấc phải làm sao?

Có một số lời khuyên giúp trẻ hết nấc cụt và cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Cho trẻ ợ hơi.
  • Đưa cho trẻ một cái núm vú giả.
  • Để cho nấc cụt diễn ra theo cách tự nhiên của nó.
Trẻ sơ sinh hay bị nấc
Trẻ sơ sinh hay bị nấc phải làm sao?

Cho trẻ nghỉ ngơi và ợ hơi

Nếu bé đang ăn hoặc đang bú sữa, nên tạm dừng việc đó lại và bế trẻ trong tư thế đứng, đầu cao, để giúp trẻ ợ hơi, loại bỏ không khí thừa – có thể chính là nguyên nhân khiến trẻ bị nấc cụt.

Việc bế trẻ ở tư thế thẳng đứng, xoa hoặc vỗ nhẹ nhàng lưng trẻ trong một khoảng thời gian ngắn sau khi ăn là việc nên làm sau khi cho trẻ bú sữa, để giúp trẻ ợ hơi, giải phóng phần không khí thừa trong dạ dày, hạn chế việc nấc cụt, hay nôn trớ sau khi ăn.

Đưa cho trẻ một cái núm vú giả

Đôi khi trẻ bị nấc cụt một cách tự nhiên, không hề liên quan đến hoạt động ăn hay bú sữa, cha mẹ có thể đưa cho trẻ ngậm một cái núm vú giả, việc này giúp thư giãn cơ hoành của trẻ và chấm dứt tình trạng nấc cụt.

Chơi với trẻ và để cơn nấc cụt diễn ra một cách tự nhiên

Tình trạng nấc cụt là khá thường xuyên ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, vì vậy, việc để cho nó diễn ra và tự kết thúc có thể là lựa chọn tốt nhất của các bậc làm cha làm mẹ. Các cơn nấc cụt đó sẽ tự ngừng mà không cần can thiệp gì thêm.

Phòng tránh trẻ sơ sinh hay bị nấc

Để phòng tránh tình trạng nấc cụt ở trẻ sơ sinh, điều này là khá khó khăn, vì nấc cụt gần như là một tình trạng tự nhiên ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể áp dụng một số cách sau đây:

  • Cho trẻ ăn hoặc bú sữa chậm rãi. Điều này có nghĩa rằng, đừng để trẻ quá đói rồi mới cho trẻ ăn hoặc bú, vì khi này, trẻ sẽ ăn hoặc bú rất háo hức, khiến không kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể, kèm theo lượng không khí thừa đi vào dạ dày, khiến trẻ dễ bị nấc cụt.
  • Sau khi cho trẻ bú sữa, nên bé trẻ trong tư thế thẳng đứng, đầu cao, xoa hoặc vỗ lưng trẻ nhẹ nhàng trong khoảng 15 đến 20 phút, giúp trẻ ợ hơi.
  • Không nên chơi đùa, cho trẻ vận động mạnh ngay sau khi ăn no.
Trẻ sơ sinh hay bị nấc
Hãy cho trẻ bú từ từ để phòng bị nấc

Kết luận

Nấc cụt là tình trạng co thắt cơ hoành không tự chủ, gián đoạn hoặc liên tục, và xảy ra rất thường xuyên ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Cơn nấc thường kéo dài khoảng vài phút, và thường là vô hại, nhưng cũng gây khó chịu cho trẻ, cũng như sự lo lắng cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Việc cho trẻ ăn và chăm sóc trẻ sau khi ăn đúng cách, giúp phần nào ngăn ngừa tình trạng nấc cụt khó chịu này.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Contact Me on Zalo