Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Nguyễn Phan Hồng Sương, chuyên Nhi khoa, hiện đang công tác tại Phòng khám Nhi khoa Mianca.
Viêm tiểu phế quản cấp là bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh sẽ mau khỏi và tự hồi phục nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà. Tuy nhiên nếu không điều trị tốt, bệnh có thể trở nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về viêm tiểu phế quản cấp qua bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Viêm tiểu phế quản cấp là gì?
Tiểu phế quản là tập hợp các cuống phổi nhỏ có đường kính < 2mm, mềm mại do không có sụn nâng đở nên khi bị viêm sẽ dễ bị xẹp lại, dễ bị chít hẹp làm đường thở bị tắc nghẽn gây ra tình trạng khó thở, khò khè và nặng hơn nữa là suy hô hấp.


Viêm tiểu phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các tiểu phế quản, nguyên nhân chủ yếu do siêu vi, thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi – gặp nhiều nhất ở trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi, khởi đầu với triệu chứng hô hấp trên sau đó là nhiễm trùng hô hấp dưới gây ra tình trạng khò khè và nghe ran ở phổi.
Trong một vài trường hợp, bệnh viêm phế quản có thể biểu hiện thành những cơn co thắt, gây khó thở. Lúc này sẽ được gọi là viêm tiểu phế quản co thắt. So với viêm tiểu phế quản thông thường thì khi có những cơn co thắt xuất hiện sẽ được đánh giá là nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản cấp
Tác nhân thường gặp nhất gây bệnh viêm tiểu phế quản cấp là các virút hô hấp, mà hàng đầu là loại virút có tên viết tắt là RSV (Respiratory syncitial virus) – chiếm khoảng 50 – 80% trường hợp mắc bệnh.
Virút RSV có 2 điểm đặc biệt:
- Có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch, đặc biệt tăng cao vào mùa lạnh hoặc mùa mưa
- Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virút nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ < 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản cấp, trẻ càng nhỏ thì càng dễ bị nặng.
Ngoài ra còn có một số tác nhân khác như Parainfluenza virus, Influenza virus, Rhinovirus, Human Metapneumovirus, Enterovirus…
Viêm tiểu phế quản có tự khỏi được không?
Phần lớn người bị viêm tiểu phế quản nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà, bệnh có thể tự khỏi và hồi phục tốt sau 1-2 tuần. Cụ thể, trong khoảng 7 ngày đầu người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho, mệt mỏi, thân nhiệt cao hơn bình thường. Sau đó, các triệu chứng này sẽ thuyên giảm dần chỉ trong vòng 14 ngày.
Viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không?
Ngược lại, nếu chăm sóc điều trị viêm tiểu phế quản cho người bệnh sai cách có thể khiến bệnh kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc tái phát thường xuyên nếu gặp điều kiện thuận lợi.
Không những thế, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn gây tình trạng co giật, mất nước, suy hô hấp, xẹp phổi, thậm chí gây tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, nhiễm trùng thứ phát và các cơn ngưng thở rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và trẻ non tháng.
Chẩn đoán viêm tiểu phế quản cấp
Thông thường, viêm tiểu phế quản cấp thường khởi đầu 1 – 3 ngày với biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, nghẹt mũi, chảy mũi trong và tiến triển nặng dần đến suy hô hấp với đặc điểm thở nhanh, thở gắng sức, co rút lõm lồng ngực và khò khè hoặc ho nhiều, …


Trẻ nhỏ (<3 tháng tuổi) và trẻ nhũ nhi đẻ non có thể biểu hiện mệt mỏi nhiều, xuất hiện các cơn ngưng thở tái diễn, nghẹt mũi nhiều sau khi xuất hiện các triệu chứng điển hình từ 24 đến 48 giờ.
Tiêu chuẩn chẩn đoán: chẩn đoán viêm tiểu phế quản hoàn toàn dựa vào các triệu chứng bệnh:
- Tuổi bệnh nhân: dưới 24 tháng.
- Khởi đầu với triệu chứng viêm hô hấp trên và/hoặc chảy nước mũi trong 1-3 ngày
- Triệu chứng lâm sàng:
- Ho: là triệu chứng rất thường gặp của viêm tiểu phế quản cấp, thường là ho khan, sau đó là ho kèm theo khò khè.
- Khò khè: cũng là dấu hiệu bệnh thường gặp, khò khè xuất hiện do đàm, dịch tiết, … bít tắt đường thở dưới, cản trở luồng khí lưu thông.
- Sốt: có thể sốt nhẹ đến vừa hoặc không sốt
- Suy hô hấp: có thể nhẹ nhàng qua cho đến nặng, phải hỗ trợ hô hấp. Các dấu hiệu suy hô hấp có thể gặp: thở nhanh, thở gắng sức (co kéo cơ liên sườn, rút lõm ngực, …), thở không đều, cơn ngưng thở, …
- Lưu ý: trẻ nhỏ (đặc biệt là dưới 6 tuần tuổi) có thể có con ngưng thở mà không có các triệu chứng lâm sàng khác
Phác đồ điều trị viêm tiểu phế quản cấp
Các trường hợp viêm tiểu phế quản cấp diễn tiến nặng cần nhập viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Suy dinh dưỡng nặng
- Có các bệnh phổi mạn tính trên trẻ sinh non: loạn sản phế quản phổi, …
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải
- Tim bẩm sinh chưa sửa chữa
- Có dấu hiệu nguy hiểm: Tím tái, bỏ bú hoặc bú kém (trẻ nhỏ hơn 2 tháng), không uống được (trẻ trên 2 tháng), li bì-khó đánh thức, co giật¸suy dinh dưỡng nặng.
- Thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh (trên 70 lần/phút)
- Có dấu hiệu mất nước
Các trường hợp viêm tiểu phế quản cấp còn lại nếu không có dấu hiệu nặng nào kể trên thì thường sẽ tự ổn định và hồi phục tốt với điều trị hỗ trợ và theo dõi tại nhà.


Phần này chúng tôi sẽ tập trung giới thiệu cách theo dõi và điều trị tại nhà cho người bệnh đối với các trường hợp bệnh nhẹ. Còn phác đồ điều trị bệnh viêm tiểu phế quản cấp mức độ trung bình đến nặng thì khi người bệnh nhập viện sẽ được bác sĩ xử trí cụ thể và đầy đủ nhé!
Cách điều trị viêm tiểu phế quản cấp tại nhà:
- Ăn uống đầy đủ, chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Uống nhiều nước
- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn ấm. Nếu trẻ sốt cao, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
- Có thể sử dụng máy làm ẩm và làm sạch không khí giúp người bệnh dễ thở hơn.
- Có thể sử dụng thuốc giảm ho an toàn, không chứa các anti-histamin
- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 9‰, giữ thông thoáng đường thở
- Ngủ đủ giấc, ngủ gối cao đầu.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc hoặc các yếu tố kích thích dị ứng như phấn hóa, lông chó mèo…
- Hướng dẫn bố mẹ phát hiện dấu hiệu nặng
- Cần tái khám sau 2 ngày.
- Kháng sinh: chỉ dùng khi bệnh nhân có biểu hiện bội nhiễm
Nhằm phòng ngừa và giảm tiếp xúc giữa trẻ có thể nhiễm bệnh và người đang bị nhiễm khuẩn hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ tránh xa khỏi vùng có nhiều khói thuốc lá, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và dùng dung dịch sát khuẩn.
Viêm tiểu phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các tiểu phế quản, nguyên nhân chủ yếu do siêu vi, thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi – gặp nhiều nhất ở trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi, khởi đầu với triệu chứng hô hấp trên sau đó là nhiễm trùng hô hấp dưới gây ra tình trạng khò khè và các triếu chứng khác. Các trường hợp viêm tiểu phế quản cấp nếu không có dấu hiệu nặng thì thường sẽ tự ổn định và hồi phục tốt với điều trị hỗ trợ và theo dõi tại nhà.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.
Nguồn: www.msdmanuals.com, hoihohaptphcm.org