8 thói quen hằng ngày làm tăng chỉ số đường huyết

Việc theo dõi chỉ số đường huyết là điều quan trọng ở người tiểu đường trong quá trình điều trị và chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu đã thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và uống thuốc điều trị tiểu đường đúng cách mà chỉ số đường huyết vẫn cao thì chắc chắn bạn đã mắc sai lầm ở đâu đó. 

Trong bài viết dưới đây, các chuyên gia DiaB sẽ chỉ ra một số thói quen hằng ngày làm tăng chỉ số đường huyết mà nhiều người có thể đang mắc phải. Cùng tìm hiểu nhé! 

Bỏ ăn sáng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người đã bỏ bữa sáng hoặc bữa sáng không đảm bảo dinh dưỡng. Theo các chuyên gia sức khỏe, việc bỏ bữa sáng có thể làm giảm chức năng của tế bào beta ở tuyến tụy, nơi sản xuất insulin. Từ đó, chỉ số đường huyết trong máu cao hơn.

Cháo yến mạch – bữa sáng thân thiện với người tiểu đường

Tuy nhiên, ăn sáng đầy đủ thôi là chưa đủ để giữ lượng đường trong máu ổn định. Quan trọng nằm ở loại thực phẩm và số lượng bạn ăn. Vì thế, bạn cần có những bữa ăn sáng cân bằng, chứa nhiều chất dinh dưỡng, ít carbs và thân thiện với bệnh tiểu đường.

Không hoạt động thể chất

Các hoạt động thể chất rất quan trọng trong việc giữa ổn định chỉ số đường huyết và kiểm soát tình trạng tiểu đường type 2. Ngoài việc giúp duy trì cân nặng, việc tập thể dục thường xuyên còn làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.

Theo các chuyên gia sức khỏe, hoạt động thể chất sẽ làm tăng độ nhạy insulin trong cơ thể, giúp các tế bào loại bỏ đường khỏi máu và sử dụng nó để làm năng lượng. Vì thế, những người ít vận động sẽ có chỉ số đường huyết cao hơn những người thường xuyên tập thể dục.

Uống cà phê

Cà phê là thức uống buổi sáng yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, cà phê không tốt cho sức khỏe của người tiểu đường, ngay cả khi không thêm đường hoặc sữa và các chất tạo ngọt khác.

 Cà phê không tốt cho sức khỏe của người tiểu đường

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một số trường hợp có đường huyết cực kỳ nhạy cảm với caffeine. Vì thế, việc dùng nhiều cà phê nói riêng và các đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày sẽ có nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết của bạn.

Ngủ không đủ giấc

Theo các chuyên gia, khi ngủ đủ giấc bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn. Do đó, giấc ngủ rất quan trọng với mỗi người, đặc biệt là người tiểu đường. Khi thức khuya nhiều hoặc thiếu ngủ, cơ thể sẽ tăng tiết hormone đói (ghrelin) và giảm tiết hormone no (leptin) làm tăng cảm giác thèm ăn. Chính thói quen ăn vặt nhiều hay ăn khuya dễ làm tăng chỉ số đường huyết.

Tình trạng thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc còn tác động đến hormone insulin, cortisol và quá trình stress oxy hóa. Điều này có thể làm ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu ở người tiểu đường, và tăng nguy cơ đề kháng insulin ở người bình thường.

Hiện tượng tăng đường huyết bình minh

Hiện tượng tăng đường huyết bình minh là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng chỉ số đường huyết tăng bất thường vào buổi sáng sớm (thường từ 2h đến 8h) ở những người tiểu đường.

Chỉ số đường huyết

Chỉ số đường huyết tăng bất thường vào buổi sáng sớm

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể tạo ra glucose dự trữ để chuẩn bị cho ngày mới. Đồng thời, cơ thể cũng tiết ra một số hormone làm giảm độ nhạy cảm với insulin. Do đó, lượng đường trong máu ở người tiểu đường có thể bị tăng đột ngột trong khoảng thời gian này.

Sức khỏe răng miệng kém

Bệnh răng miệng được xem là 1 trong các biến chứng của tiểu đường type 2. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), tình trạng răng miệng không khỏe có thể làm tăng lượng đường trong máu. 

Người mắc tiểu đường type 2 cần lưu ý đến vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng. Bạn nên đánh răng 2 lần mỗi ngày, sử dụng bàn chải mềm, dùng chỉ nha khoa và đi gặp nha sĩ thường xuyên để được kiểm tra. Đồng thời, báo với nha sĩ tình trạng bệnh tiểu đường của mình để được hướng dẫn chăm sóc răng miệng tốt hơn.

Mất nước làm tăng chỉ số đường huyết

Nước rất quan trọng trong các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là thận và gan để đào thải các chất độc ra ngoài. Nếu không được cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường và lượng đường trong máu có thể tăng lên. Bên cạnh đó, cơ thể thiếu nước còn tăng tiết hormone căng thẳng (stress hóa) kháng insulin làm tăng đường huyết.

Cần bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày

Do đó, việc uống đủ nước (ít nhất 2 lít) mỗi ngày sẽ giúp ổn định chỉ số đường huyết và phòng ngừa các biến chứng tim mạch ở người tiểu đường.

Sử dụng chất ngọt nhân tạo

Mặc dù chất ngọt nhân tạo được cho là tốt hơn đường tinh luyện, nhưng nếu sử dụng hằng ngày có thể làm tăng lượng đường huyết trong máu về lâu dài. 

Chất tạo ngọt nhân tạo là chất thay thế đường, được sử dụng phổ biến trong một số thực phẩm như: nước giải khát, kẹo, bánh ngọt… Loại chất này có vị ngọt như đường nhưng không chứa hoặc chứa khá ít calo. Do đó, những người ăn kiêng và giảm cân thường sử dụng chúng thay cho đường tinh luyện.

Chất ngọt nhân tạo gần như không ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết trong cơ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng việc dùng chất ngọt nhân tạo không thể loại bỏ được hoàn toàn lượng đường nạp vào cơ thể. Vì thế, nếu sử dụng một lượng lớn chất ngọt nhân tạo cũng sẽ làm tăng chỉ số đường huyết trong máu ở người tiểu đường.Với những người tiểu đường cần có chế độ ăn uống lành mạnh, thay đổi lối sống, loại bỏ các thói quen không tốt ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, hạn chế rượu bia và tăng cường hoạt động thể chất,… Đồng thời kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên và tham khảo ý kiến của bác sĩ.