Bệnh gai đen và những thông tin cần biết

Bệnh gai đen là biến chứng về da ở người đái tháo đường và người béo phì. Đây là bệnh lý khiến da nhiễm sắc tố đen, dày lên, khô và thường xuất hiện ở nách, cổ hoặc bẹn. Trong bài viết này, mời bạn cùng DiaB tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh cùng một số giỉa pháp điều trị bệnh gai đen nhé!

Bệnh gai đen là gì?

Bệnh gai đen là một rối loạn về da với các triệu chứng vùng da đổi màu sẫm, mịn như nhung ở các nếp gấp và nếp nhăn trên cơ thể. Theo thời gian, vùng da sẽ bị khô, sần sùi và nham nhám gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho người bệnh. Các vùng da sẫm màu, sần sùi thường xuất hiện ở mạch, bẹn và cổ.

Bệnh gai đen là gì?

Bệnh gai đen là gì?

Bệnh gai đen thường xảy ra ở những người béo phì hoặc người tiểu đường. Da gai đen có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u ung thư trong cơ quan nội tặng, cụ thể là dạ dày và gan. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm gặp. Theo các chuyên gia, trẻ em bị gai đen sẽ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Bệnh gai đen có thể là một biến chứng tiểu đường hoặc bệnh ngoài da thông thường nên bạn có thể nhận biết qua việc quan sát bằng mắt thường và sờ lên da. Một số triệu chứng bệnh gai đen ở cổ, nách, bẹn như sau:

  • Da sẫm màu có thể là đen hoặc nâu nhạt, dày hơn và mịn hơn.
  • Khi sờ vào mảng da sẫm màu có cảm giác như đang sờ vào vải nhung hoặc khô ráp, sần sùi.
  • Vùng da sẫm màu có thể có mùi và ngứa.
  • Vùng da bị gai đen có thể xuất hiện các nốt thịt dư.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh gai đen

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gai đen là thừa cân, béo phì. Đây cũng là yếu tố nguy cơ cao gây ra tình trạng đái tháo đường type 2. Và người đái tháo đường bị thừa cân, béo phì thì nguy cơ mắc các biến chứng về da, trong đó có bệnh gai đen sẽ cao hơn những bệnh nhân khác.

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gai đen là thừa cân, béo phì

Một số nguyên nhân khác gây ra bệnh gai đen có thể kể đến như:

  • Kháng insulin: Đa số những người mắc bệnh gai đen đều sẽ đề kháng với insulin, làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
  • Rối loạn nội tiết: U nang buồng trứng, tuyến giáp hoạt động kém hay các vấn đề về tuyến thượng thận sẽ gây ra rối loạn nội tiết.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc như Niacin liều cao, thuốc ngừa thai, prednisone và các thuốc corticosteroid khác có thể gây ra bệnh ký gai đen.
  • Ung thư: Nguyên nhân này rất hiếm gặp. Khi u lympho hoặc khi khối u ung thư bắt đầu phát triển trong một cơ quan nội tạng nào đó đôi khi cũng gây bệnh gai đen.

Bệnh gai đen liệu có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng phát bệnh, các xét nghiệm lâm sàng và kết quả chẩn đoán của bác sĩ. Nhìn chung, một số nguy hiểm khi mắc phải bệnh gai đen như sau:

  • Gây tổn thương da, khiến sắc tố da bị thay đổi và có thể lan rộng ra các vùng da khác.
  • Làn da bị dày sừng, tăng nhanh các lớp sừng trên bề mặt da, da sần sùi gây mất thẩm mỹ.
  • Trường hợp bị sừng ở môi, mắt, mặt và tổn thương da nghiêm trọng.
  • Nguy cơ mắc một số bệnh lý khác như thận, tuyến giáp, thực quản, gan, khí quản, trực tràng,…

Điều trị bệnh gai đen như thế nào?

Bênh gai đen thường được phát hiện khi khám da, và có thể sinh thiết da nếu cần. Trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh gai đen ở cổ không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy bệnh gai đen có chữa được không?

Giảm cân có thể làm mờ vùng da bị sạm đen ở người béo phì

Theo các chuyên gia, hiện không có phương pháp điều trị cụ thể cho gai đen. Các phương pháp điều trị có thể khôi phục phần nào mắc sắc và kết cấu bình thường của vùng da bị ảnh hưởng. Do đó, người bệnh cần lưu ý với những cách chữa bệnh gai đen tại nhà được quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến.

Một số giải pháp điều trị cơ bản như:

  • Làm mờ vết đổi màu: giảm cân, ngưng dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng, phẩu thuật cắt bỏ khối u.
  • Dùng kem kê đơn để làm sáng hoặc làm mềm vùng da bị ảnh hưởng.
  • Dùng xà phòng kháng khuẩn, thuốc kháng sinh tại chỗ, liệu pháp laser để giảm độ dày của da.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thực hiện chế độ sinh hoạt, thay đổi lối sống tích cực để hạn chế diễn tiến của bệnh gai đen. Đó là:

  • Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ trong việc điều trị và khám định kỳ để theo dõi sức khỏe, tiến triến bệnh.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế căng thẳng.
  • Thực hiện chế độ ăn ít béo, hạn chế các thực phẩm gây thừa cân, béo phì.
  • Giảm cân nếu đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Giữ lượng đường trong máu ổn định ở người đái tháo đường.
  • Thường xuyên tập thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe.

Bệnh gai đen tuy nhẹ và không gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Tuy nhiên nó lại gây mất thẩm mỹ và có thể là dấu hiệu cảnh báo của những căn bệnh khác. Vì thế, khi nhận thấy những triệu chứng bất thường trên da, nhất là ở người đái tháo đường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tham khám và tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.