Bệnh tiểu đường tuýp 2: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tiểu đường tuýp 2 là một nhóm bệnh chuyển hóa mãn tính đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết (tăng glucose máu) do giảm tiết insulin hoặc đề kháng insulin hoặc cả hai. Hậu quả là gây phá hủy, rối loạn và suy giảm chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm mắt, thận, thần kinh, tim mạch và mạch máu. Để hiểu rõ hơn tiểu đường tuýp 2 là gì, cùng Doctor có sẵn tìm hiểu ngay nội dung được chia sẻ dưới đây.

Tiểu đường tuýp 2 là gì?

Tiểu đường tuýp 2 là một tình trạng bệnh mãn tính. Nguyên căn của bệnh lý này là do cơ thể không phản ứng với insulin một cách hiệu quả hoặc không thể sản xuất đủ insulin. Bệnh tiểu đường loại 2 không được kiểm soát có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao mãn tính, khả năng gây ra một số triệu chứng và biến chứng nguy hiểm.

tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường tuýp 2 là một tình trạng cơ thể không phản ứng với insulin một cách hiệu quả hoặc không thể sản xuất đủ insulin

Những đối tượng có khả năng cao mắc bệnh tiểu đường type 2 là độ tuổi trung niên trở lên. Phần lớn bệnh lý này khả năng cao xuất hiện ở người lớn, ít xuất hiện ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho biết, trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là người bị béo phì cũng có khả năng mắc bệnh.

Xem thêm:

Nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 do nhiều yếu tố cùng tác động gây nên và có cơ chế bệnh khá phức tạp. Trong đó 2 yếu tố chính là do sự đề kháng insulin và rối loạn tiết insulin:

  • Sự đề kháng insulin: Thường xuất hiện nhiều năm trước khi chẩn đoán bệnh, liên quan mật thiết với tình trạng tăng insulin máu, hội chứng chuyển hóa (béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, rối loạn dung nạp glucose). Các yếu tố làm tăng sự đề kháng insulin như: béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, rối loạn dung nạp glucose, tuổi già, thiếu vận động, thai kì, bệnh nặng hoặc phẫu thuật, hội chứng Cushing và sử dụng thuốc như steroid, lợi tiểu,… 
  • Rối loạn tiết insulin: Ban đầu là mất phóng thích insulin sau ăn và không đáp ứng theo kịp nồng độ đường huyết dẫn đến tăng đường huyết sau ăn. Ngoài ra việc giảm tiết insulin còn gây ra sự ức chế tân sinh đường từ gan gây tăng đường huyết đói. Việc tăng đường huyết cao liên tục gây ra nhiễm độc glucose mạn tính gây chết tế bào beta tụy và cạn kiệt tế bào beta tụy (tế bào beta tụy làm nhiệm vụ tiết insulin) gây rối loạn tiết insulin và dẫn đến bệnh tiểu đường.
tiểu đường tuýp 2
Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2 là rối loạn tiết insulin trong cơ thể

Một trong hai nguyên nhân trên hoặc cả hai kết hợp với nhiều yếu tố khác cũng gây ra bệnh tiểu đường. Bao gồm:

  • Yếu tố di truyền.
  • Yếu tố môi trường (có thể can thiệp vào nhóm này để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh).
  • Sự thay đổi lối sống (giảm các hoạt động thể lực, thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tăng tinh bột, giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng,…).
  • Chất lượng thực phẩm (ăn nhiều các loại carbohydrat hấp thu nhanh như đường tinh chất, bánh ngọt, kẹo,… chất béo bão hòa,…).
  • Các stress về tâm lý.
  • Tuổi thọ ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao (đây là yếu tố không thể can thiệp được).

Đối tượng nào có khả năng mắc tiểu đường tuýp 2?

Các đối tượng sau đây dù không có triệu chứng lâm sàng vẫn phải tầm soát tiểu đường nói chung và tiểu đường tuýp 2 nói riêng:

  • Béo phì, BMI ≥27kg/m2 (≥20% cân nặng lý tưởng).
  • Cha, mẹ, anh chị em ruột bị bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Tuổi ≥ 45t.
  • Ít vận động thể lực, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều chất béo.
  • Đã được chẩn đoán rối loạn dung nạp đường hoặc rối loạn đường huyết đói.
  • Cao huyết áp (≥140/90 mmHg).
  • Có HDL cholesterol <35mm%(<0,90 mmol/l) hay triglyceride ≥ 250 mg%(≥ 2,28 mmol/l).
  • Tiền sử tiểu đường khi mang thai, sinh con nặng trên 4kg.
  • Tiền căn suy dinh dưỡng bào thai hoặc trong năm đầu sau sinh.
tiểu đường tuýp 2
Người bị thừa cân béo phì có khả năng cao bị tiểu đường

Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 diễn tiến chậm và biểu hiện bệnh không rõ ràng. Gần ⅓ trường hợp được chẩn đoán tình cờ khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc đến khám vì biến chứng của tiểu đường.

Một số triệu chứng tiểu đường tuýp 2 phổ biến:

  • Ăn nhiều hoặc chán ăn, thèm ngọt và ăn nhiều đồ ăn ngọt hơn trước
  • Tiểu nhiều, tiểu đêm, tiểu dầm ở trẻ em
  • Uống nhiều
  • Sụt cân ít
tiểu đường tuýp 2
Thèm ăn và ăn nhiều đồ ngọt – Triệu chứng tiểu đường tuýp 2 phổ biến

Triệu chứng tiểu đường tuýp 2 ít phổ biến:

  • Mệt mỏi hoặc mất sức không giải thích được bằng nguyên nhân gì khác
  • Nhìn mờ
  • Rối loạn chức năng tình dục ở nam, rối loạn cương
  • Tê, dị cảm đầu chi
  • Chóng mặt
  • Da khô
  • Nhiễm trùng thông thường kéo dài và tái phát thường xuyên
  • Ngứa hậu môn
  • Nước tiểu kiến bu 

Tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?

Tuổi thọ của người bình thường có thể bị giảm xuống tới 10 năm khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, nhờ sự cải thiện trong chăm sóc bệnh nhân tiểu đường trong những thập kỷ gần đây mà tuổi thọ của họ đang tăng lên đáng kể nên nếu người bệnh tiểu đường type 2 kiểm soát tốt đường huyết và các biến chứng tiểu đường thì vẫn có thể sống khỏe mạnh. Theo một số nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của nữ giới là trên 80 năm và 77 năm với nam giới.

Tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không?

Vậy tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ? Tiểu đường tuýp 2 là một bệnh lý nguy hiểm. Sự nguy hiểm của bệnh không nằm ở mức đường huyết cao mà nằm ở những biến chứng mà bệnh gây ra. 

tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh nguy hiểm, dễ gây ra biến chứng nguy hiểm

Bên cạnh những biến chứng cấp như nhiễm toan ceton, hạ đường huyết và tăng áp lực thẩm thấu máu đều có thể gây tử vong cho người bệnh, thì tiểu đường tuýp 2 còn gây ra các biến chứng mạn tính ở mắt, thận, thần kinh, tim mạch và mạch máu, các tổn thương ở các cơ quan nêu trên hầu như đều không hồi phục được nếu được khám và chữa trị muộn.

Tiêu chuẩn chẩn đoán của tiểu đường tuýp 2? 

  • Có triệu chứng ĐTĐ kèm theo đường huyết bất kỳ ≥200mg/dl (11,1 mmol/l) với các triệu chứng kinh điển tiểu nhiều ,ăn nhiều,khát nhiều ,gầy sút nhanh không giải thích được
  • Đường huyết lúc đói ≥126mg/dl (7,0 mmol/l)
  • Đường huyết sau nghiệm pháp tăng đường huyết 2 giờ ≥200mg/dl (11,1 mmol/l)
tiểu đường tuýp 2
Chỉ số tiểu đường tuýp 2

Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 như thế nào?

Dựa vào nguyên nhân, mục đích và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 phù hợp. Phần lớn việc điều trị sẽ hướng đến mục tiêu:

  • Giảm bớt triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý tưởng
  • Duy trì đường huyết ở mức bình thường trong vòng 24h với hy vọng phòng ngừa và làm chậm biến chứng của bệnh (biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ)
  • Đường huyết lúc đói: 80 – 130 mg/dl
  • Đường huyết sau ăn: < 180 mg/dl
  • HbA1c < 7% (53 mmol/l)
  • Nâng cao chất lượng sống

Hướng đến mục tiêu chung mà bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Cụ thể hơn:

Điều trị bằng thuốc tiểu đường tuýp 2

Khi đi khám bác sĩ, bác sĩ sẽ có thể kê cho bạn một trong các thuốc giúp hạ đường huyết sau:

  • Thuốc kích thích tế bào beta tụy tiết insulin: nhóm Sulphonylurea, nhóm Glinides
  • Nhóm biguanid
  • Nhóm ức chế alpha – glucosidase
  • Nhóm thiazolidinedione
tiểu đường tuýp 2
Điều trị tiểu đường tuýp 2 bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị tiểu đường tuýp 2 không dùng thuốc

Song song với việc điều trị tiểu đường tuýp 2 bằng thuốc, người bệnh cũng cần áp dụng thêm phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc nhằm cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý với khẩu phẩn ăn phù hợp.
  • Hạn chế đường hấp thu chậm như tinh bột: ăn lượng vừa phải, ăn các loại ngũ cốc chưa chà xát nhiều, có chứa thêm chất xơ làm chậm quá trình hấp thu lại.
  • Tránh ăn các loại đường hấp thu nhanh như nước ngọt, sữa đặc có đường, chè ngọt, mứt,…
  • Ăn nhiều rau để bổ sung lượng chất xơ.
  • Chọn thực phẩm cung cấp chất đạm ít acid béo no như thịt nạc, cá, đạm thực vật,…
  • Nên ăn ba bữa và phân chia chất dinh dưỡng mỗi bữa hợp lý: ⅓ sáng – ⅓ trưa – ⅓ chiều.
  • Vận động thể lực đúng cách để duy trì chế độ vận động thể lực mỗi ngày với những môn thể dục giúp tăng sự dẻo dai, tăng sức mạnh cơ bắp như đi bộ (30 phút/ngày), chạy bộ, xe đạp (20 phút/ngày),…
tiểu đường tuýp 2
Điều trị tiểu đường tuýp 2 không cần thuốc bằng chế độ ăn uống phù hợp

Ngoài ra, người bệnh còn phải bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết để hỗ trợ cơ thể chuyển hóa đường huyết hiệu quả. Sử dụng sản phẩm DIAVIT với công thức tiên tiến gồm 7 loại vitamin và 3 loại khoáng chất không chỉ hỗ trợ quản lý và kiểm soát đường huyết hiệu quả mà còn ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường tuýp 2 gây nên.

Tiểu đường tuýp 2 nên và kiêng ăn gì?

Một trong những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 và khiến bệnh trở nặng là chế độ ăn yếu thiếu hợp lý. Chính vì vậy, người bệnh cần đặc biệt chú ý hơn vấn đề này và cần biết nên và kiêng ăn gì trong chế độ ăn uống mỗi ngày.

Người bệnh bị tiểu đường tuýp 2 nên bổ sung các thực phẩm sau:

  • Rau xanh: Rau xanh cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ tuyệt vời cho cơ thể. Chất xơ và carbohydrate phức hợp có trong rau giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, ngăn cản việc ăn quá nhiều và các vấn đề về đường huyết.
  • Đậu và các loại đậu: Đậu là nguồn cung cấp chất xơ và protein dành cho bạn. Hàm lượng chất xơ cao trong các loại đậu giúp bạn hấp thụ ít carbohydrate hơn các loại thực phẩm khác. 
  • Trái cây: Trái cây có thể có hàm lượng đường cao, nhưng chúng đều là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất tuyệt vời. Nên ăn các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp như: mận, quả mọng, cam, quýt, bưởi, đào, cà chua, táo, lê, ổi,…
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt tiêu hóa lâu hơn do có chứa thêm chất xơ làm chậm quá trình hấp thu lại, ít có khả năng làm tăng đột biến lượng đường trong máu. 
  • Sản phẩm từ bơ sữa: Hãy nhớ là ngay cả sữa không đường vẫn chứa đường làm tăng đường huyết, vì thế chỉ nên uống 1 ly 236ml sữa mỗi ngày vào bữa phụ như buổi tối trước khi đi ngủ. 
  • Thịt gia cầm và cá: Protein rất quan trọng đối với người mắc tiểu đường tuýp 2, bạn có thể ăn: ức gà không da, không xương, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, trứng,…
  • Các loại chất béo tốt: Các chất béo tốt như omega-3, alpha-lipoic acid,… tham gia vào sự hình thành vách tế bào cũng như các hormone trong cơ thể. Các chất béo tốt có chứa trong các loại hạt (hạnh nhân, điều, óc chó), các loại quả hạch, các loại dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành, các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích,…
tiểu đường tuýp 2
Thực phẩm mà người tiểu đường tuýp 2 nên và kiêng ăn

Xem thêm: Sữa dành cho người tiểu đường

Bên cạnh các thực phẩm mà người bị tiểu đường tuýp 2 nên bổ sung thì vẫn còn danh sách các thực phẩm được chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên kiêng. Đó là các thực phẩm sau:

  • Các thực phẩm có hàm lượng đường cao hoặc nhiều calo. 
  • Đồ uống, thực phẩm có đường chứa nhiều đường fructose, loại đường có liên quan đến tình trạng đề kháng insulin và bệnh tiểu đường. 
  • Chất béo chuyển hóa làm giảm mức cholesterol HDL (chất béo “tốt”) và làm tăng cholesterol LDL (chất béo “xấu”). Chất béo chuyển hóa có nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, thực phẩm chiên rán, snack, bỏng ngô, khoai tây chiên,…
  • Tinh bột tinh chế như bánh mì trắng, cơm, mì ống đều là các thực phẩm chứa hàm lượng tinh bột tinh chế cao, gây tăng đáng kể đường huyết ở người tiểu đường tuýp 2. Các loại thực phẩm này ít chất xơ, làm quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh, hấp thu lượng đường lớn vào máu.

Địa chỉ khám và chẩn đoán bệnh tiểu đường uy tín tại TPHCM

Trên địa bàn TPHCM có khá nhiều phòng khám cung cấp dịch vụ chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, để đảm bảo việc kiểm tra chính xác, có bác sĩ tư vấn sau khi có kết quả, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Nếu chưa tìm được địa chỉ phòng khám phù hợp, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây và đặt lịch hẹn trước để không phải mất thời gian chờ đợi lâu:

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh mãn tính nên được khuyến nghị phát hiện và điều trị từ sớm. Điều này sẽ giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm khởi phát cũng như sống thọ hơn. Hãy cân bằng chế độ ăn uống, tăng cường vận động cơ thể và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đẩy lùi bệnh cũng như sớm hồi phục sức khỏe.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.