Cường giáp là bệnh gì? Mức độ nguy hiểm ra sao?

Cường giáp là một hội chứng phổ biến của tuyến giáp do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt bệnh Basedow là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên hội chứng cường giáp. Tuyến giáp đóng vai trò nội tiết rất quan trọng trong hoạt động chuyển hóa của cơ thể, vậy khi tuyến giáp bị rối loạn chức năng thì hậu quả sẽ như thế nào? Cùng Docosan tìm hiểu bài viết này ngay trong bài viết dưới đây.

Cường giáp là bệnh gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình cánh bướm nằm ở trước cổ của bạn. Tuyến giáp tạo ra tetraiodothyronine (T4) và triiodothyronine (T3), là hai hormone chính kiểm soát sự chuyển hóa năng lượng ở tế bào. Nhờ đó, tuyến giáp góp phần giúp cơ thể thực hiện chức năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tham gia vào hoạt động của các cơ quan và thúc đẩy sự phát triển của cơ thể.

Cường giáp là một hội chứng do tuyến giáp tăng sản xuất hormone nhiều hơn so với bình thường bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Do tác động đáng kể của hormon giáp lên cơ thể, nên khi mắc bệnh cường giáp người bệnh cũng biểu hiện rất nhiều triệu chứng khác nhau. Mặc dù cường giáp có thể nghiêm trọng nếu bạn bỏ qua nó, nhưng hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt khi cường giáp được chẩn đoán và điều trị.

cường giáp
Cường giáp là một hội chứng do tuyến giáp tăng sản xuất hormone nhiều hơn so với bình thường

Như vậy, bệnh cường giáp được xem như một trong các thể của nhiễm độc hormon tuyến giáp, là một hội chứng gồm các triệu chứng lâm sàng do hormon giáp tăng cao thường xuyên trong máu.

Bệnh cường giáp xuất phát từ nguyên nhân nào?

Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh cường giáp. Bình thường tuyến giáp tiết ra một lượng hormone nhất định tùy theo nhu cầu của cơ thể, nhưng đôi khi tuyến giáp có thể tiết ra quá nhiều T3, T4 hoặc cả hai cùng lúc gây nên cường giáp. Cường giáp có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau đây:

  • Bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Grave): Là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh cường giáp. Đây là một bệnh tự miễn thường gặp nhất gây nên hội chứng cường giáp. Các kháng thể do hệ thống miễn dịch sản xuất sẽ kích thích tuyến giáp tạo ra quá nhiều T4. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam giới và có xu hướng di truyền. Bạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu người thân của mình từng mắc phải tình trạng này.
  • Viêm tuyến giáp: Đôi khi tuyến giáp có thể bị viêm ở phụ nữ sau khi mang thai, do tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân. Tình trạng viêm có thể khiến lượng hormone tuyến giáp dư thừa được dự trữ trong tuyến bị rò rỉ vào máu gây nên hội chứng cường giáp thoáng qua. Một số loại viêm tuyến giáp có thể gây đau, trong khi những loại khác không gây đau. Thông thường chỉ xảy ra cường giáp thoáng qua và có khả năng tự khỏi bệnh. 
  • Khối u: Bệnh cường giáp có khả năng khởi phát khi một hoặc nhiều khối u tuyến giáp sản xuất quá nhiều T4. U tuyến là một phần của tuyến đã tự tách ra khỏi phần còn lại, tạo thành các khối u có thể lành tính hoặc ác tính làm cho tuyến giáp phình to ra.
  • Cường giáp do thuốc hay quá tải Iod: Tình trạng nạp vào cơ thể một lượng hormone giáp ngoại sinh quá nhiều hoặc dùng quá nhiều iod cung có thể là nguyên gây nên cường giáp. Thường gặp ở một số người dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc.
cường giáp
Chưa thể xác định được nguyên nhân nào là nguyên nhân chính gây cường giáp

Triệu chứng của bệnh cường giáp

Cường giáp ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động chuyển hóa của cơ thể nên bệnh có thể bắt đầu bởi nhiều triệu chứng thuộc các cơ quan khác nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng cường giáp thường gặp bao gồm: 

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: Xuất hiện ngay cả khi người bệnh có cảm giác thèm ăn và lượng thức ăn nạp vào cơ thể bình thường hoặc thậm chí tăng thêm.
  • Rối loạn điều nhiệt: Gia tăng thân nhiệt, sợ nóng, tăng tiết mồ hôi tay chân, hay đổ mồ hôi ngay cả khi trời lạnh.
  • Nhịp tim thay đổi: Nhịp tim thường nhanh hơn 100 nhịp một phút, tim đập mạnh trước ngực có thể cảm nhận như tim muốn “nhảy ra khỏi lồng ngực”, có thể có rung nhĩ.
  • Thay đổi tính cách: Hay lo lắng, cáu kỉnh.
  • Dễ hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở khi gắng sức.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu: Tăng số lần đi tiêu và thường đi tiêu phân lỏng.
  • Run: Thường là run nhẹ ở bàn tay hoặc đầu ngón tay. Triệu chứng này thường kín đáo, khó nhận biết.
  • Bướu giáp: Đôi khi có thể thấy một bướu giáp phình to ra ở cổ.
  • Rối loạn kinh nguyệt: Thường gặp nhất là thiểu kinh.
  • Da mỏng, ấm ẩm và mịn.
  • Tóc móng dễ gãy.
  • Mệt mỏi, yếu cơ.
  • Rối loạn giấc ngủ: Khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên, giấc ngủ ngắn.
cường giáp
Bướu giáp phình to ra ở cổ là triệu chứng thường gặp của bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp – Khi nào cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa?

Chủ động gặp bác sĩ nếu người bệnh cường giáp có các biểu hiện sau:
Bị sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân

  • Cảm thấy hồi hộp hay tim đập mạnh nhanh
  • Đổ mồ hôi bất thường
  • Sưng đau tấy đỏ của vùng cổ
  • Các triệu chứng khác  liên quan đến cường giáp. 
cường giáp
Chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận biết bất kỳ triệu chứng lạ nào ở vùng cổ

Điều quan trọng là người bệnh cần mô tả lại cho bác sĩ nắm rõ những thay đổi mà bạn đã phát hiện được, vì nhiều dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp sẽ giúp gợi ý đến các bệnh lý nguyên nhân. 

Ngoài ra nếu bạn đã và đang điều trị bệnh cường giáp thì hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa thường xuyên để nhận các lời khuyên hợp lý và được theo dõi tình trạng của mình.

Bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào?

Cường giáp có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

  • Bệnh cơ tim nhiễm độc giáp: thường nặng ở người có tuổi và có bệnh tim mạch từ trước. Gây rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, ngoại tâm thu thất) dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim sung huyết – là tình trạng tim không thể lưu thông đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
  • Loãng xương: cường giáp không được chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến loãng xương do hormone giáp ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi ở xương.
  • Mất thị lực: những người bị bệnh mắt Graves thường có các triệu chứng về mắt, bao gồm mắt lồi, đỏ hoặc sưng, nhạy cảm với ánh sáng và mờ hoặc nhìn đôi. Các vấn đề về mắt sẽ dần nghiêm trọng nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất thị lực.
  • Cơn bão giáp: là một cấp cứu nội khoa, có tỉ lệ tử vong cao thường xảy ra ở người không điều trị hoặc chưa kiểm soát được lượng hormone của tuyến giáp. Các triệu chứng cường giáp của bệnh nhân bỗng nhiên sẽ “cường tính” lên có thể bao gồm cả triệu chứng về thần kinh như lo âu, bồn chồn, sảng hoặc hôn mê.
cường giáp
Cường giáp không sớm điều trị có thể dẫn đến biến chứng bệnh cơ tim nhiễm độc giáp

Bệnh cường giáp được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ tiến hành khai thác quá trình diễn tiến của bệnh từ khi bắt đầu và thăm khám lâm sàng để đưa ra chẩn đoán sơ bộ. Để chẩn đoán bệnh cường giáp, vai trò của bệnh sử rất quan trọng vì thể người bệnh cần phải cung cấp chính xác thông tin của mình cho bác sĩ. Sau đó bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu: Dùng để đo nồng độ hormone giáp trong máu (FT4 hoặc T4, đôi khi có thể thêm T3) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH) để xác nhận chẩn đoán của bác sĩ. Mức thyroxine cao và lượng TSH thấp hoặc bằng không, cho thấy tuyến giáp hoạt động quá mức. Lượng TSH rất quan trọng vì đó là hormone báo hiệu tuyến giáp sản xuất nhiều thyroxine hơn. Những xét nghiệm này rất quan trọng đối với người lớn tuổi bởi họ có thể không có các triệu chứng điển hình của cường giáp. Xét nghiệm máu tuyến giáp có thể cho kết quả sai nếu người bệnh đang dùng biotin – một chất bổ sung vitamin B cũng có thể được tìm thấy trong các loại vitamin tổng hợp. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng biotin hoặc một loại vitamin tổng hợp có biotin. Để đảm bảo xét nghiệm chính xác, hãy ngừng dùng biotin ít nhất 12 giờ trước khi lấy máu. 
  • Đo độ tập trung Iod phóng xạ I131 hoặc I123: Người bệnh sẽ được uống Iod phóng xạ và sau một thời gian tuyến giáp sẽ bắt giữ một lượng Iod nhất định. Bác sĩ sẽ đo phần trăm Iod được tuyến giáp hấp thụ tại các thời điểm 0 giờ, 2 giờ, 6 giờ, 24 giờ. Xét nghiệm cho phép chẩn đoán và tìm nguyên nhân của cường giáp.
  • Xạ hình tuyến giáp với Iod đồng vị phóng xạ: Giúp chẩn đoán hình ảnh tuyến giáp và có nhân giáp bất thường.
  • Siêu âm tuyến giáp: bác sĩ có thể chỉ định siêu âm trắng đen hoặc siêu âm doppler tuyến giáp tùy vào mục đích sử dụng. Ngày nay siêu âm doppler có vẻ được sử dụng nhiều hơn vì những ưu điểm mà nó mang lại.
  • Kháng thể kháng tuyến giáp̣̣̣̣ (TRAb, TgAb, TPO Ab): Dùng để xác định nguyên nhân gây cường giáp. TRAb dùng để chẩn đoán bệnh Basedow.
cường giáp
Xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh cường giáp

Phương pháp điều trị bệnh cường giáp

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh cường giáp. Bác sĩ sẽ dựa trên nhiều yếu tố để quyết định hình thức điều trị phù hợp nhất cho người bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc chẹn Beta: Dùng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh cường giáp, cải thiện chất lượng sống của người bệnh.
  • Thuốc kháng giáp tổng hợp: Giúp kiểm soát lượng hormone do tuyến giáp tiết ra, có thể ức chế miễn dịch trong các bệnh cường giáp do tự miễn. Nhưng bên cạnh đó thuốc có những tác dụng phụ nguy hiểm cần phải thận trọng như giảm bạch cầu hạt, độc tính trên gan, viêm mạch máu nhỏ.
  • Xạ trị với I131: Được dùng bằng đường uống, iod phóng xạ được tuyến giáp hấp thụ và làm cho tuyến này co lại. Các triệu chứng cường giáp thường giảm dần trong vài tháng. Iốt phóng xạ dư thừa sẽ biến mất khỏi cơ thể trong vài tuần đến vài tháng sau đó.
  • Phẫu thuật cắt tuyến giáp: Thường được bác sĩ chỉ định khi có bướu giáp to, có dấu hiệu chèn ép các cơ quan lân cận.
cường giáp
Dùng thuốc điều trị cường giáp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Địa chỉ khám và điều trị bệnh cường giáp uy tín

  • Bệnh viện Quốc tế City – Bình Tân, TPHCM
  • Phòng khám Đa khoa Saigon Healthcare – Quận 10, TPHCM
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vigor Health – Quận 3, TPHCM

Cường giáp là một hội chứng do tăng tiết hormone của tuyến giáp. Cường giáp có thể điều trị ổn ở hầu hết các trường hợp nếu như người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế cần phải nắm rõ những triệu chứng của bệnh cường giáp cũng như các biến chứng thường gặp của nó, từ đó chủ động điều trị từ sớm.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo
Call Now Button