Các phương pháp điều trị nang tuyến giáp hiệu quả

U nang tuyến giáp là một căn bệnh phổ biến hiện nay. Bệnh thường lành tính và không gây nguy hiểm, ngoài trừ một số trường hợp u phát triển lớn gây chèn ép các cấu trúc xung quanh. Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị u nang tuyến giáp, từ theo dõi cho đến can thiệp để loại bỏ khối u. Hãy cùng Docosan tìm hiểu bài viết dưới đây để biết thêm về các phương pháp điều trị u nang tuyến giáp.

Bệnh u nang tuyến giáp là gì?

U nang tuyến giáp là một bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp bao gồm những u nang chỉ chứa đầy dịch lỏng giống như mủ và những u nang phức tạp chứa cả thành phần dịch lỏng và mô đặc. Khả năng ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào thành phần của u nang:

  • Nếu u nang chứa chủ yếu là dịch lỏng, nguy cơ ung thư là dưới 5%.
  • Nếu mô đặc chiếm hơn 50% , nguy cơ bị ung thư sẽ tăng lên khoảng 10%.

U nang được hình thành do ống dẫn bị tắc hoặc thoái hóa và chất keo giáp bị ứ đọng ở nang giáp. Sự phát triển của u nang cũng liên quan đến hoạt động của hormone giáp, việc tăng tiết quá mức hormon tuyến giáp làm tăng sản xuất chất keo giáp trong nang.

Trong hầu hết các trường hợp, u nang tuyến giáp không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.Tuy nhiên, nếu u nang phát triển lớn có thể gây chèn ép lên các cơ quan khác ở cổ và sẽ gây nên triệu chứng khó thở, khó nuốt, khàn giọng, đau vùng cổ hoặc sờ thấy khối u.  

Nếu nghi ngờ bạn mắc u nang tuyến giáp, bác sĩ có thể chỉ định một vài xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm cận lâm sàng về u nang tuyến giáp bao gồm siêu âm, sinh thiết qua chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn của siêu âm, xạ hình tuyến giáp, các chỉ số sinh hóa về chức năng tuyến giáp,..

Điều trị u nang tuyến giáp như thế nào?

Khoảng 15% u nang tuyến giáp sẽ tự khỏi. Sau quá trình thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

Theo dõi

Trong hầu hết các trường hợp, nếu u nang của bạn nhỏ hơn 3 cm và lành tính, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi thêm. Bác sĩ có thể chỉ định tái khám định kì và siêu âm một hoặc hai lần một năm để đảm bảo nó không chuyển ác tính hoặc tăng kích thước.

Uống thuốc

Nếu bác sĩ kiểm tra chức năng tuyến giáp thấy tăng hoặc giảm hormone giáp, sẽ chỉ định thêm các thuộc bổ sung hormone hoặc thuốc kháng giáp, hay còn gọi là liệu pháp hormone.

Hút dịch trong nang

Bác sĩ có thể thực hiện lấy dịch trong u qua chọc hút, sau đó có thể xét nghiệm tế bào học, nhưng tỉ lệ tái phát của phương pháp này có thể từ 60 đến 90%.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp chọc hút với tiêm ethanol qua da (PEI), phương pháp này có thể làm giảm vĩnh viễn kích thước của u nang mà không cần phẫu thuật.  

nang-tuyen-giap
Chọc hút u nang tuyến giáp

Phẫu thuật u nang tuyến giáp

Khi các u nang lớn và gây ra các triệu chứng như chèn ép, khó thở, khó nuốt, khàn giọng,…., bạn có thể được đề nghị phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc u nang. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí u, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Cắt bỏ tuyến giáp : Loại bỏ toàn bộ tuyến giáp
  • Cắt bỏ tiểu thùy tuyến giáp: Loại bỏ một nửa tuyến giáp có u nang.
  • Cắt eo: Chỉ cắt bỏ phần  eo của tuyến giáp.

Đối với các trường hợp phẫu thuật, có thể để lại sẹo xấu ở vùng cổ và gây khàn tiếng kéo dài do tổn thương dây thần kinh thanh quản trong lúc phẫu thuật. Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn phần phải bổ sung hormone giáp suốt đời.

Phương pháp đốt sóng cao tần (RFA)

Đây là một trong những phương pháp mới nhất và hiện đại trong việc điều trị u nang tuyến giáp, hủy u giáp dựa vào nhiệt độ cao đi qua dòng điện. Phương pháp này được dùng cho các nang giáp dạng đặc, hoặc chủ yếu là mô đặc. Đối với các nang chứa đầy dịch thì phương pháp tiêm Ethanol có vẻ hiệu quả hơn. Phương pháp FRA này cho thấy những ưu điểm như:

  • Thời gian thực hiện ngắn, có thể xuất viện sớm
  • Không gây mê, không phẫu thuật. Hạn chế các nguy cơ của gây mê
  • Không để lại sẹo xấu ngang cổ như phương pháp phẫu thuật
  • Hạn chế tổn thương thần kinh thanh quản hay các mô giáp lành xung quanh, hạn chế gây ra khàn tiếng và suy giáp

Bệnh viện chuyên điều trị nang tuyến giáp

  • Bệnh viện Đa khoa An Việt – Tiến sĩ bác sĩ Lê Phong – Thanh Xuân, Hà Nội

Chế độ ăn uống cho người bị u nang tuyến giáp

Thực tế, không có chế độ ăn cụ thể nào được sử dụng để điều trị bệnh lý tuyến giáp, nhưng có một số loại thực phẩm được khuyến cáo nên ăn cũng như nên tránh trong bệnh lý tuyến giáp:

nang-tuyen-giap

Thực phẩm nên ăn

Những thực phẩm bổ sung nhiều i-ốt

Rong biển, sữa chua, sữa và các chế phẩm từ sữa, cá, tôm, cua… Tuyến giáp của bạn cần iốt để hoạt động bình thường và sản xuất đủ hormone cho nhu cầu của cơ thể. Không bổ sung đủ i-ốt, bạn có nguy cơ bị suy giáp hoặc bướu cổ (tuyến giáp trở nên to ra để bù đắp cho sự thiếu hụt hormone tuyến giáp)

Những thực phẩm nhiều kẽm

Kẽm là một chất dinh dưỡng quan trọng khác cho tuyến giáp. Bổ sung quá ít kẽm có thể dẫn đến suy giáp. Nhưng ngược lại, nếu bạn bị suy giáp, bạn cũng có thể bị thiếu kẽm, vì hormone tuyến giáp của bạn giúp hấp thụ khoáng chất. Những thực phẩm chứa nhiều kẽm như: thịt, hải sản, các loại đậu, các loại hạt, trứng, sữa,..

Những thực phẩm giàu Selen

Selen giúp ngăn ngừa tổn thương tuyến giáp lâu dài ở những người mắc các vấn đề liên quan đến tuyến giáp như bệnh Hashimoto và bệnh Graves. Các loại thực phẩm chứa nhiều selen: các loại cá biển, hàu, sò điệp, tôm hùm, nấm, ngũ cốc nguyên hạt,..

Thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa

Bao gồm dâu rừng, dâu đen, dâu tây, các loại quả mọng,…

Thực phẩm nên tránh

  • Thực phẩm chứa gluten
  • Thức ăn chế biến sẵn
  • Thức ăn nhanh (fastfood)

Lời kết

U nang tuyến giáp là một bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng, bạn cần khám sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay có rất nhiều phương pháp để điều trị u nang tuyến giáp như chọc hút, tiêm Ethanol qua da, phẫu thuật, đốt sóng cao tần,.. cho kết quả khá khả quan. Hãy đến bác sĩ để được thăm khám và đưa ra một điều trị phụ hợp khi bị mắc u nang tuyến giáp.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.