Suy giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Suy giáp (suy tuyến giáp) là một tình trạng tuyến giáp giảm khả năng sản xuất các hormone giáp, điều này dẫn đến 1 loạt những rối loạn hoạt động trao đổi chất của cơ thể, và biểu hiện ra bên ngoài với rất nhiều triệu chứng khác nhau. Hôm nay Doctor có sẵn mời bạn tìm hiểu suy giáp là gì, và bệnh suy giáp có nguy hiểm không nhé.

Suy giáp là gì?

Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết nằm ở phần trước phía dưới cổ của bạn. Các hormone do nó tiết ra sẽ lưu hành vào mạch máu của bạn và gây ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận khác của cơ thể.

Tuyến giáp kiểm soát quá trình chuyển hóa năng lượng của tế bào hay còn gọi là quá trình trao đổi chất. Bên cạnh đó, quá trình trao đổi chất ảnh hưởng đến thân nhiệt, nhịp tim và mức độ tiêu hao calo của bạn. Nếu bạn suy giáp, cơ thể sẽ thiếu hụt hormone tuyến giáp, các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể của bạn sẽ tiến triển chậm lại, đồng nghĩa với việc thiếu hụt năng lượng để cung cấp cho các hoạt động thiết yếu của cơ thể bạn

Triệu chứng của suy giáp như thế nào

suy-giap
Triệu chứng của suy giáp

Các triệu chứng của suy giáp đôi khi không điển hình cho bệnh và còn có thể trùng lặp với các bệnh lý tuyến giáp khác. Chúng có thể bao gồm:

  • Thay đổi về sức khỏe: dễ cảm thấy mệt mỏi, phiền muộn, hay bị đãng trí.
  • Rối loạn tiêu hóa chủ yếu là táo bón.
  • Tóc khô, xơ và dễ rụng.
  • Da và móng tay khô
  • Nhạy cảm hơn với thời tiết lạnh
  • Khàn giọng
  • Cứng khớp hay sưng đau khớp.
  • Giảm khả năng vận động (yếu cơ).
  • Hội chứng ống cổ tay
  • Sưng mặt.
  • Nhịp tim chậm
  • Phì đại tuyến giáp (bướu cổ)
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân.

Trẻ bị suy giáp (suy giáp bẩm sinh) có thể không có triệu chứng. Nếu có, chúng bao gồm:

  • Lạnh tay chân
  • Ngủ gà (trẻ cứ ngủ li bì khó đánh thức)
  • Tiếng khóc bị khàn (không trong trẻo như các trẻ khác)
  • Chậm tăng trưởng so với trẻ cùng lứa tuổi.
  • Giảm trương lực cơ (trẻ không hiếu động mà chỉ nằm 1 chỗ)
  • Vàng da kéo dài (kèm theo vàng tròng trắng của mắt)
  • Ăn uống (bú) kém.
  • Chướng bụng.
  • Thoát vị rốn

Ngoài ra trẻ cũng có các triệu chứng giống người lớn như sưng mặt, táo bón. Liên hệ ngay bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Nên lưu ý là những triệu chứng này còn có thể gây ra bởi các bệnh lý khác.

Trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể bị suy giáp với các dấu hiệu và triệu chứng thường thấy ở người lớn. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể có:

  • Dậy thì muộn hơn bạn cùng lứa
  • Chậm phát triển tâm thần và vận động.
  • Chậm thay răng.

Nguyên nhân của suy giáp

Nguyên nhân thường gặp nhất của suy giáp là viêm giáp Hashimoto – 1 bệnh tự miễn. Khi bị viêm giáp Hashimoto’s, kháng thể sẽ được cơ thể tạo ra tấn công và làm tổn thương tuyến giáp của chính mình. Nhiễm virus cũng có thể gây viêm tuyến giáp và dẫn đến suy giáp.

Các nguyên nhân khác của suy giáp bao gồm:

  • Xạ trị tuyến giáp.
  • Sử dụng các loại thuốc như amiodarone (Cordarone, Pacerone), interferon alpha và interleukin-2.
  • Xạ trị bệnh ung thư vùng cổ.
  • Phẫu thuật cắt bán phần hay toàn phần tuyến giáp.
  • Chế độ ăn thiếu i-ốt.
  • Mang thai: viêm tuyến giáp sau sinh cũng có thể gây suy giáp.
  • Tổn thương hoặc suy chức năng tuyến yên.
  • Rối loạn vùng dưới đồi: nguyên nhân này cực kì hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra, gián tiếp gây suy giáp.
  • Các rối loạn với tuyến giáp khi sinh. Một vài trẻ sơ sinh có thể có tuyến giáp kém phát triển hoặc hoạt động bất thường. Loại suy giáp này được gọi là suy giáp bẩm sinh. Trẻ sơ sinh hầu hết sẽ được sàng lọc lúc mới sinh để tầm soát bệnh này

Yếu tố nguy cơ của suy giáp

Nữ, đặc biệt là nữ cao tuổi sẽ dễ mắc suy giáp hơn nam. Tiền căn gia đình có người mắc bệnh tự miễn cũng làm tăng khả năng suy giáp của bạn. Các yếu tố khác bao gồm:

  • Nếu bạn không phải người da đen (da trắng hoặc vàng), bạn dễ bị mắc suy giáp.
  • Người cao tuổi dễ bị mắc suy giáp.
  • Các bệnh lý liên quan đến tự miễn như bệnh Addison, bệnh đái tháo đường type 1, bệnh thiếu máu ác tính, bệnh bạch biến, bệnh đa xơ cứng hoặc viêm khớp dạng thấp.
  • Bất thường nhiễm sắc thể như Hội chứng Down, Hội chứng Turner.

Chẩn đoán suy giáp như thế nào?

suy-giap
Xét nghiệm máu trong chẩn đoán suy giáp

Sau khi đã được hỏi bệnh sử và xác nhận bạn có các triệu chứng của suy giáp, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone giáp của bạn và các nội tiết tố liên quan khác, bao gồm hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và T4 (thyroxine).

Xác định tình trạng suy giáp khi nồng độ T4 của bạn thấp hơn bình thường. Có một tình trạng gọi là suy giáp dưới lâm sàng khi TSH của bạn tăng nhưng T4 bình thường, đó chính là giai đoạn sớm của suy giáp.

Các xét nghiệm khác co thể được tiến hành để đánh giá nguyên nhân suy giáp như siêu âm hoặc chụp xạ hình tuyến giáp.

Điều trị suy giáp

Bác sĩ sẽ cho bạn uống một loại hormone giáp tổng hợp, đều đặn mỗi ngày. Cần lưu ý là một vài loại thuốc có thể vô tình hạn chế sự hấp thu hormone giáp của cơ thể, vì vậy cần đảm bảo rằng bạn đã cung cấp đầy đủ thông tin các loại thuốc, thảo dược và bổ sung mà bạn đã và đang dùng cho bác sĩ điều trị của bạn.

Bác sĩ sẽ cho bạn tái khám định kì và tiến hành xét nghiệm máu thường xuyên đánh giá đáp ứng điều trị qua nồng độ hormone giáp trong máu. Từ đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc của bạn để phù hợp với tình trạng hiện tại. Thông thường bạn sẽ được hẹn tái khám định kì 6 – 8 tuần kể từ khi bắt đầu dùng hormone giáp, sau đó sẽ là 6 tháng một lần.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi bạn sử dụng thuốc hormone giáp tổng hợp bao gồm:

  • Run tay chân.
  • Tăng nhạy cảm vị giác (thèm ăn).
  • Nhịp tim nhanh.
  • Khó ngủ hay thậm chí mất ngủ.

Điều đáng lưu ý là phải tuân thủ điều trị, vì nếu ngưng thuốc có thể khiến các triệu chứng suy giáp tái phát.

Nếu cân nặng của bạn thay đổi trong quá trình điều trị (vượt quá 4.5 kg), bạn có thể cần phải kiểm tra lại nồng độ TSH để xem liệu có cần phải điều chỉnh liều lượng hormone giáp của bạn hay không.

Bên cạnh dùng thuốc, bác sĩ có thể cân nhắc khuyên bạn xem bệnh suy giáp nên ăn gì, cụ thể như sau:

  • Các loại thực phẩm giàu i-ốt, nguyên liệu chính tạo ra hormone giáp: muối i-ốt, rong biến..
  • Thực phẩm giàu selen giúp kích thích hormone giáp như: trứng, các loại đậu, cá mòi, cá ngừ…
  • Cuối cùng là thực phẩm giàu kẽm như hàu, bò, gà. Kẽm cũng đóng vai trò tương tự như selen

Các biến chứng của suy giáp

  • Bướu cổ
  • Tăng khả năng mắc bệnh tim mạch.
  • Giảm khả năng sinh sản.
  • Đau khớp.
  • Rối loạn tâm thần, đãng trí.
  • Thừa cân, béo phì
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên.

Bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển. Lí do là trong ba tháng đầu của thai kỳ, em bé nhận được tất cả hormone giáp từ mẹ. Nếu mẹ suy giáp, em bé không nhận đủ hormone tuyến giáp, có thể dẫn đến các rối loạn tăng trưởng cơ thể của trẻ.

Nếu nồng độ hormone giáp cực kì thấp, có thể dẫn đến tình trạng đe dọa tính mạng, gọi là Myxedema (Phù niêm). Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của suy giáp. Một người bị phù niêm có thể bất tỉnh hoặc hôn mê. Tình trạng này cũng có thể gây hạ thân nhiệt nghiêm trọng, có thể gây tử vong.

Kết luận

Suy giáp là một bệnh lý tuyến giáp hoàn toàn có thể phát hiện và điều trị tương đối triệt để. Tuy nhiên việc trì hoãn điều trị có thể đưa đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Hơn hết, cần liên hệ bác sĩ ngay khi bạn nhận ra hay nghi ngờ mình có các triệu chứng của bệnh suy giáp để được tư vấn kịp thời và điều trị thích hợp.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn hình ảnh 1

Nguồn hình ảnh 2